Yêu trẻ con – Quyển 1 – Phần 5

Phần 5
Chuyện nhỏ Linh bị ốm có hơi bất ngờ nhưng nhìn chung chả ảnh hưởng gì lắm đến buổi picnic cả. Sau khi tôi mua cho nhỏ vài viên C để uống, nhỏ đã khá hơn rất nhiều, đồ rằng có thể ra chạy nhảy với đám bạn được. Nhưng Đan Chi nhất định không cho nhỏ tham gia mấy trò chơi ngoài trời, bắt nhỏ ngồi yên một chỗ. Mấy đứa con trai thỉnh thoảng cứ giả bộ đi ngang qua rồi tiện đường đứng lại hỏi han, rồi giả bộ đưa cho tờ khăn giấy, đưa cho chai nước, chỉ để được nhìn thấy con nhỏ mỉm cười cảm ơn. Bọn nó giả bộ kul boy không cần cảm ơn nhưng đến khi đi khuất sau những hàng cây, bọn nó nhảy cẫng lên vì sung sướng. Haha. Nhớ cái tuổi mới lớn thật.
Riêng có con bé Dạ Uyên là hay qua ngồi chơi với nhỏ Linh thật. Hỏi ra thì mới biết nhỏ Linh với nhỏ Uyên học cùng trường. Nhỏ Linh làm bên đoàn trường, thỉnh thoảng hay làm MC mấy chương trình này nọ, lại có gương mặt đẹp nên trong trường rất nhiều người biết đến. Tôi có hơi ngạc nhiên một tẹo. Cái con nhỏ mít ướt đó mà làm được MC á? Éo tin.
Buổi sáng tại khu hồ trôi qua nhanh chóng. Chúng tôi mất ối thời gian để chăm sóc cho con nhỏ Linh, quỹ thời gian còn lại, tôi giới thiệu với toàn lớp các học viên mới (nhỏ Linh được đặc cách ngồi một chỗ và giơ tay chào các bạn) rồi chơi một vài trò chơi tập thể nữa thì trời cũng đứng bóng. Cả bọn thở hổn hển ngồi bệt xuống dưới những gốc cây tràm nghỉ ngơi.
Kết thúc buổi sáng, đội Không Sâu Răng của thằng Sơn “phân bò” (nó được đặt ngay cái biệt danh đó ngay sau khi thừa nhận bị dính cái bẫy Phân Bò) xếp đầu bảng với 12 huy chương vì về nhất trong tất cả các trò chơi buổi sáng. Tiếp theo là đội Răng Lửa, Những Con Mèo Kute và đội Vườn Chuối Lao Xao được lần lượt xếp sau với 8, 6 và 4 huy chương. Riêng đội Chân Bùn của tôi, đã về bét trong cuộc đua tìm đường, lại còn không có nhỏ Linh trong các trò chơi nên đành chấp nhận vị trí cuối bảng với chỉ vỏn vẹn 1 huy chương.
Tôi đứng lên giả bộ hào sảng:
– Vài cái huy chương nhỏ nhoi có sá gì. Đội của anh cố tình chấp tụi bây thôi.
Vừa mới dứt lời, thấy chai lọ ở đâu ném lên lia lịa.
Khu hồ đẹp quá. Giữa buổi trưa nắng chói chang, gió cứ mang theo hơi nước mơn man thổi vào mát rượi. Lũ nhỏ nằm lăn lóc dưới những tán cây rậm rạp, cười cười nói nói vang cả một vùng. Chả đứa nào muốn nghỉ trưa, vì hình như tụi nó sợ phí mất những khoảng thời gian ít ỏi được vui chơi quên đời thì phải. Tôi chọn một gốc cây cạnh bờ hồ, nơi có bãi cỏ tương đối xanh có thể ngã lưng xuống, lại nằm cách xa chỗ náo nhiệt của tụi nhỏ, nghe tiếng chim hót và sóng gợn bên tai thấy thanh bình đến lạ.
Nhỏ Đan Chi ngồi xuống bên cạnh tôi lúc nào chả biết. Tôi ném cho nhỏ một cái nhìn dò hỏi, nhỏ đưa mắt nhìn tôi trìu mến và mỉm cười thật nhẹ.
– Tự nhiên thấy vui ghê anh ạ!
– Sao tự nhiên lại vui? – Tôi hỏi.
Nhỏ chống cằm lên hai đầu gối, mắt nhìn xa xa về đâu đó ở cuối chân trời rồi thì thầm:
– Nhớ hồi trước mới mở lớp anh nhỉ, chỉ có mấy anh em mình với vài đứa học trò. Loanh quanh cũng chỉ có chừng đấy người. Giờ lớp đông quá, thấy vui thôi.
Tôi bật cười. Con nhỏ nói ra những chuyện đó làm chi để tôi nhớ đến ngày xưa quá. Cái thời tụi tôi vẫn còn là những đứa trẻ ranh học đòi khởi nghiệp, hành trang trên tay chẳng có gì ngoài nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với một chút tiền tiết kiệm nhỏ nhoi từ những năm tháng còn đi làm, tôi với một ông anh cũng tốt nghiệp ngành Kiến trúc quyết định mở lớp dạy vẽ.
Những ngày tháng đầu tiên thực sự vất vả khi chúng tôi phải vay mượn khắp nơi để có đủ tiền thuê mặt bằng, mua tượng, mẫu vẽ và đủ thứ trên đời khác. Nhưng cái khó khăn lớn nhất đó là làm cách nào tìm thêm một người vừa có tâm, vừa có năng lực để giảng dạy. Vì mặc dù tôi và ông anh tôi có thể dạy được, nhưng có quá nhiều việc ngoài lề mà cả 2 chúng tôi phải quán xuyến nên cần có một người tập trung chỉ vào việc dạy.
Thuê những ông thầy dạy vẽ thì quá sức đối với chúng tôi, cho nên phải nghĩ ra một cách khác. Chúng tôi liên hệ với những sinh viên có điểm đầu vào cao của ngành Kiến trúc và đề nghị hợp tác. Vì ông anh tôi học trong ngành nên chuyện liên hệ đó cũng không có gì khó khăn. Đợt đầu tiên chúng tôi tuyển được một vài đứa cũng hầm hố lắm, cũng thủ khoa rồi top 3, top 5 này nọ. Không biết có phải là tôi không đủ tốt hay không, hay là tụi nó chỉ được cái hào hứng một phút, nhưng đứa nào cũng chỉ được một thời gian đầu rồi cũng rụng hết.
Và đó là lúc nhỏ Đan Chi xuất hiện, với biết bao sự ngạc nhiên và ngờ vực. Nhỏ đến gặp tôi vào một buổi chiều muộn khi tôi chuẩn bị ra về, nhỏ bảo nhỏ muốn dạy vẽ. Tôi không biết một con bé có vẻ con nhà giàu như thế này đến với lớp vẽ của tôi với mục đích gì. Hay cũng giống như mấy đứa trước kia, hào hứng được một thời gian rồi nghỉ. Với cả nhìn con bé xinh xắn thế kia, tôi sợ không hợp với kiểu bụi bặm của chúng tôi không.
– Tại sao em lại muốn dạy vẽ ở đây? – Tôi hỏi.
Nhỏ Đan Chi trả lời ngay mà không cần nghĩ ngợi:
– Em cần tiền.
Thú thật ngày đó tôi hơi bị bối rối với câu trả lời trực diện của nhỏ. Nhỏ không giống với bất cứ đứa sinh viên nào mà tôi từng cộng tác, chúng nó làm thêm để trau dồi kỹ năng, để tăng street smart này nọ chứ tiền không phải là mục đích chính. Tôi ái ngại hỏi nhỏ:
– Em cần bao nhiêu tiền?
Nhỏ trả lời một cách khôn ngoan mà cũng có phần ngạo nghễ:
– Đủ với nhu cầu của mình.
Tôi vốn không phải là người thích vẽ vời nhiều, và cũng không muốn đặt quá nhiều kỳ vọng vào người khác để rồi thất vọng như những lần trước, nên lần này tôi thực sự rõ ràng:
– Em sẽ có tiền xứng đáng với công sức của em. Nhưng anh cũng nói thật là lớp của anh mới mở, sẽ không nhiều học viên nên thu nhập cũng không nhiều. Em hãy cân nhắc kỹ vì anh cần tìm một người cộng sự lâu dài.
– Anh có thể phát triển nó lớn hơn không?
– Chắc chắn.
– Ok, vậy em làm với anh.
Nhỏ Đan Chi đến gặp tôi đột ngột và cũng quyết định đột ngột như vậy đó. Ngày đó tôi cứ nghĩ, với tính cách của con nhỏ sẽ chỉ làm ở đây được vài tháng là cùng. Nhưng cuối cùng nhỏ vẫn ở đó dù biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra, kể cả khi lớp vẽ không có một học viên nào, rồi cả khi ông anh sáng lập cùng tôi ra đi để tạo sự nghiệp mới, rồi bao nhiêu cộng sự đến rồi đi năm này qua năm khác, riêng nhỏ vẫn ở lại, với một sự kiên định vững vàng đáng kinh ngạc.
Tôi phải thừa nhận rằng mình là một người may mắn. Kể từ ngày có Đan Chi, lớp vẽ khởi sắc lên trông thấy. Như một nét chấm phá sặc sỡ, nhỏ Đan Chi làm bừng sáng lớp học nhỏ với sự xinh đẹp đầy chất hoang dã của mình. Đến mức có mấy cu cậu chỉ tình cờ đi ngang qua và nhìn thấy nhỏ ngồi vẽ trong lớp thôi cũng lon ton chạy vào xin học vẽ cho bằng được. Mặc dù có hơi thất vọng một chút khi biết rằng Đan Chi là cô giáo nhưng tụi nhỏ không khỏi bị thôi thúc đến lớp chỉ để được chị Đan Chi dạy vẽ cho mình.
Và nếu như vẻ bề ngoài là một điểm cộng của Đan Chi là có một thứ khác là mười điểm cộng. Đó chính là sự quan tâm và tận tụy với công việc của nhỏ. Nhỏ quan tâm đến tụi học trò lắm. Sự quan tâm của nhỏ không nằm ở lời nói, nhỏ ít nói lắm, mà là ở hành động. Nhỏ không ngại ngần ở lại đến tận tối để sửa bài cho lũ học trò, cũng không ngại ngần ngồi nghe tụi học trò tâm sự bao nhiêu chuyện trên trời dưới đất. Đứa nào đau ốm gì nhỏ đều biết hết, ai gặp khó khăn gia đình gì nhỏ đều quan tâm.
Nhưng nhỏ có một nhược điểm. Đó là khi nhỏ ghét một ai hay ghét một việc gì, nhỏ trở nên cực kỳ khó chịu với người đó và với cái việc đó, khó có gì có thể lay chuyển được. Tôi gặp không biết bao nhiêu rắc rối với cá tính của con nhỏ. Như cái lần có anh hàng xóm bán bún ở nhà đối diện, ảnh hay qua ghẹo nhỏ, một hôm ảnh ghẹo làm nhỏ bực quá, nhỏ chạy qua quán la cho ảnh một tăng làm khách ăn bún sợ hết hồn và ảnh thì muối mặt không biết trốn đâu cho đỡ nhục. Tôi phải chạy qua xin lỗi làm lành này nọ thì chuyện mới ổn thỏa. Một thời gian sau quán bún không biết chuyển đi đâu.
Và cứ thế, Đan Chi cùng tôi đi qua hết những năm tháng thăng trầm của lớp vẽ, chứng kiến biết bao buồn vui cùng lũ học trò. Và đến bây giờ, khi hạt mầm chúng tôi gieo ngày ấy đã bắt đầu nở hoa, thật vui vì nhỏ Đan Chi vẫn còn ở đây để cùng tôi thấy được điều đó. Ngồi bên hồ nước long lanh ánh mặt trời, tôi chợt nói bâng quơ:
– Nhanh thật nhỉ, mới đó mà đã 3 năm. Ngày trước anh vẫn không tin rằng em có thể ở đây lâu đến như vậy đó.
Đan Chi không nói gì, nhỏ chỉ khẽ mỉm cười và giơ chân khoát nhẹ mặt nước. Tôi hỏi tiếp:
– À mà đến bây giờ em đã đủ tiền chưa?
Nhỏ ngơ ngác nhìn tôi:
– Tiền gì ạ?
– Ngày trước mới vào em bảo cần tiền ấy.
Nhỏ tự nhiên bụm miệng cười khúc khích:
– Ngày đó em trêu anh thôi, xem anh là người thế nào.
– Thế cuối cùng anh là người thế nào?
– Chả biết nữa.
– Thế tại sao lại làm việc với anh?
– Chả biết.
Tôi thiếp đi một lúc trên bãi cỏ cho đến khi bị đánh thức bởi có cái gì đó đang chọt chọt vào rốn mình. Mở mắt ra thấy ngay con nhỏ Băng Linh đang ngồi ngay bên cạnh, đưa một ánh nhìn thiết tha kèm theo tiếng gọi thỏ thẻ:
– Chú ơi.
Tôi ngước nhìn nhỏ và hỏi:
– Cái gì vậy nhóc?
– Con khỏe rồi, cho con chơi với các bạn nha – Nhỏ đưa đôi mắt long lanh nhìn tôi năn nỉ.
– Không được, lại ốm bây giờ – Tôi gạt phắt đi.
– Nhưng con khỏe rồi thật mà.
– Khỏe cái gì mà khỏe. Ra chạy nhảy rồi ốm lại thì ai trông. Thôi ra kia nghỉ ngơi đi, không nói nhiều.
Nói xong tôi phải đi ngay mặc kệ con nhỏ đứng đó. Rút kinh nghiệm mấy lần trước, lần này tôi quyết tâm không để con nhỏ giở cái bài thút thít ra trước mặt mình, vì tôi vốn là kẻ rất sợ nhìn con gái khóc. Nhưng lần này con nhỏ dùng chiêu khác. Nhỏ quay lại chỗ tôi cùng một kẻ đồng bọn, đó là Đan Chi. Hóa ra nhỏ đã năn nỉ chị Đan Chi xin giùm cho nhỏ. Tôi ném về phía nhỏ Linh một cái nhìn ngán ngẩm, con nhỏ lém lỉnh núp sau chị Đan Chi chờ đợi.
– Cho nó chơi đi anh – Đan Chi nói – Dù sao thì đến đây mà để nó ngồi một mình như vậy cũng kỳ.
– Không được, nó đang ốm. Rồi lại ngất xỉu ra đấy thì bắt đền ai – Tôi nhất quyết không chịu.
Lần này con nhỏ Linh không núp sau chị Đan Chi nữa, nó tiến lên chu môi ra thanh minh:
– Nhưng con khỏe rồi thật mà. Chú không tin thì nhìn đây này.
Nói rồi nhỏ cầm lấy tay tôi đưa lên trán của nhỏ. Đôi bàn tay mát rượi của nhỏ nắm chặt lấy bàn tay tôi khiến tôi lúng túng. Mặc dù vậy tôi cũng kịp nhận ra cơn sốt lúc sáng đã bay ra khỏi người nhỏ tự bao giờ. Đoạn nhỏ cầm lấy tay tôi lắc lấy lắc để:
– Đi mà, chú đẹp trai, cho con chơi đi mà.
Cái điệu bộ nũng nịu của con nhỏ làm tôi phì cười, tôi đành phải xuống nước.
– Thôi được rồi, nhưng nhớ không được ra ngoài nắng đấy.
Con nhỏ nhảy cẫng lên và thể hiện sự biết ơn bằng cách lắc mạnh cánh tay của tôi làm tôi phải thốt lên:
– Được rồi, bỏ ra, đứt hết cánh tay bây giờ. Cái con điên này!

To top
Đóng QC