Yêu trẻ con – Quyển 1 – Phần 22

Phần 22
Ngầu gì đâu.
Đó là tất cả những gì mà tôi có thể thốt lên vào lúc này. Cái vóc dáng thiếu nữ thướt tha e ấp núp vào lòng tôi mỗi ngày ấy, hôm nay bỗng vụt lớn trở thành một gã khổng lồ, vung tay che cả thiên hạ. Đan Chi ném những tia nhìn tóe lửa về phía tụi choai choai làm bọn nó nhất thời không dám động đậy. Tôi có phần ái ngại cho nhỏ vì mặc dù võ học đầy mình thật, nhưng nhỏ vẫn là phận nữ nhi, đối diện với bốn thằng con trai cũng chẳng thể nắm được chút phần thắng nào.
Nghĩ thế tôi vội vàng chạy đến bên Đan Chi để che chắn cho nhỏ. Thằng Thụy Phong và thằng Sơn “phân bò” cũng lật đật chạy theo tôi. Nhỏ Băng Linh cũng lẽo đẽo bu theo. Thấy thế, Đan Chi lạnh lùng nạt cả đám:
– Te te qua đây làm chi vậy mấy cha? Vướng chân, vướng tay.
Có một sự “nhục” nhẹ hiện lên trên gương mặt của tôi, thằng Thụy Phong và cả thằng Sơn “phân bò”. Nhưng lúc này điều đó chẳng còn quan trọng nữa. Quan trọng là chúng tôi đang tạm thời chiếm ưu thế, về cả tâm lý lẫn thực lực, và phải tận dụng triệt để điều đó đến từng hơi thở.
– Qua để oánh lộn với em chứ làm gì.
Cái vẻ đầu gấu nửa mùa của tôi làm Đan Chi phải quay mặt đi phì cười. Chẳng biết nhỏ đã oánh lộn bao nhiêu lần trong đời, và liệu nhỏ có biết rằng võ vẽ học trên trường với thực chiến ở ngoài đời là hai chuyện hoàn toàn khác nhau không, mà đứng trước bốn thằng choai choai đầu gấu, nhỏ tự tin đến lạ. Cũng may sự tự tin đó có phần áp chế được mấy thằng choai choai đang gằm ghè bên phía đối diện. Mặc dù tỏ ra giận dữ nhưng bọn nó vẫn chưa dám động thủ. Xét về tương quan lượng lực thì rõ ràng bên tụi tôi đang có lợi thế. Đó là chưa kể trên lý thuyết, thằng Minh còn phải diễn cho xong vở diễn của nó. Và ai mà biết được trong một phân đoạn anh hùng nào đó, nó buộc phải trở thành một vật cản tụi choai choai thì sao.
Tôi thoáng thấy thằng Minh ra ám hiệu gì đó với thằng Bảy Màu. Rất kín. Thằng Bảy Màu khua tay ra hiệu cho ba thằng kia lùi xuống. Nó nhếch mép cười rồi đưa ngón tay cắt ngang cổ như để lại một thông điệp đe dọa. Đoạn bốn thằng leo lên hai chiếc xe máy phóng đi. Tiếng nẹt pô vang cả một vùng.
Khi mọi thứ đã trở về bình lặng, thằng Minh mới lồm cồm bò dậy. Nó vừa ôm bụng vừa lặc lè nhấc từng bước chân khó nhọc tiến về phía cả đám đang đứng. Mày có bị đứa nào đánh vào chân đéo đâu mà cà nhắc? Tôi thầm nghĩ và sự ác cảm của tôi dành cho nó lại tăng thêm một bậc. Nó dám lấy con bé ra làm trò chơi và gián tiếp làm mấy đứa học trò của tôi bị đập. Niềm khao khát vạch mặt thằng Minh ra ngay tại đây và bây giờ làm người tôi run lên. Nhưng trộm nghĩ rằng mình chưa có chứng cứ thuyết phục, và rằng khi chưa biết rõ mục đích thực sự của nó là gì thì không nên rút dây động rừng, tôi nén sự tức giận vào sâu trong lồng ngực, nhỏ đến nỗi chính tôi phải ngạc nhiên khi thấy bản thân mình cất tiếng hỏi:
– Minh có sao không em?
Thằng Minh trả lời ngọt lịm đến đáng sợ:
– Em không sao. Anh xem bạn Phong và bạn Sơn có bị thương chỗ nào không – Rồi nó tiến tới phía nhỏ Băng Linh nhẹ nhàng hỏi han – Mình lo cho Linh quá. Linh có bị sao không?
Con bé đưa tay chùi nước mắt rồi khẽ khàng lắc đầu. Đan Chi chỉ liếc nhìn nhỏ một cái rồi chạy đến bên thằng Thụy Phong và thằng Sơn, lo lắng nhìn tụi nó từ đầu đến chân. Một thoáng chạnh lòng khiến tôi buồn bã. Nhớ những ngày đầu tiên Băng Linh mới học vẽ, Đan Chi cưng con bé đến nhường nào. Giờ đây, thậm chí đến một câu hỏi han đơn sơ cũng không hề xuất hiện. Tôi không biết con bé có buồn không, chứ tôi thì buồn tợn.
– Hai đứa bay ở đâu mà xuất hiện đúng lúc thế – Tôi quay qua hỏi thằng Thụy Phong và thằng Sơn “phân bò” để che giấu sự buồn bã của mình – Anh tưởng tụi mày về lâu rồi mà.
– Tụi em đang ăn cháo chờ ở quán này nè – Thằng Sơn chỉ tay về phía xa xa – đang xách xe ra về thì tự nhiên thấy bọn đó, nên tụi em lao ra.
Tôi gật đầu nhìn về phía con bé Băng Linh và dặn dò ba đứa còn lại:
– Ba đứa dẫn Linh về nhé. Anh về cùng chị Đan Chi.
Thằng Minh nhanh nhẩu:
– Để em dẫn Linh về được rồi. Phong và Sơn về nhà nghỉ ngơi đi.
– Không được.
Tôi đột nhiên quát lớn khiến cả đám giật mình. Biết là mình vừa để lộ những cảm xúc không hay, tôi vội vàng chữa cháy:
– À, anh sợ bọn kia nó chặn đường thì rắc rối. Đi ba đứa vẫn an toàn hơn là một mình.
Thằng Thụy Phong với thằng Sơn nhìn nhau gật gù. Riêng thằng Minh không biểu hiện một chút cảm xúc gì trên khuôn mặt. Tôi thừa biết nó đang nghĩ gì. Và điều đó khiến tôi lo sợ.
Sau khi bốn đứa học trò khuất bóng sau con lộ, tôi đèo Đan Chi trở về trên chiếc win quen thuộc của nhỏ. Sự lặng lẽ bao trùm trên con đường mà chúng tôi đang đi một lần nữa làm tôi khó thở. Phải mất một khoảng thời gian dài tựa như một thế kỷ, lời nói đầu tiên của hai đứa mới được cất lên. Và tôi ngạc nhiên khi thấy mình bối rối:
– Chuyện lúc nãy… không phải là do anh cố tình xen vào chuyện của con bé Băng Linh… mà là…
Đan Chi không cho tôi nói hết câu, nhỏ cắt ngang:
– Em hiểu.
– Em không giận anh chứ? – Tôi ngập ngừng.
– Không. Đó là điều anh phải làm lúc đó.
Tôi khẽ thở dài nhẹ nhõm. Một thoáng lặng lẽ lại xen vào câu chuyện của chúng tôi kiểu như nó đã luôn luôn nằm sẵn ở đó. Đan Chi bất ngờ xé tan sự im lặng, và tôi thấy có gì đó trong lòng vụn vỡ.
– Em không giận anh nhưng anh biết không – nhỏ nhấn nhá từng chữ, từng chữ một – em sẽ không bao giờ… KHÔNG BAO GIỜ tha thứ cho bất cứ ai dám phản bội lòng tin của mình. Kể cả anh.
“Kể cả anh!”
Câu nói như một vết cứa xót xa làm tim tôi rỉ máu. Cho đến trước khi Đan Chi cất lên những lời đó, tôi vẫn luôn tin rằng mình là người hiểu nhỏ nhất. Nhưng bây giờ, giữa màn đêm xám xịt đang chụp lấy tôi và con đường dài lê thê đưa từng cơn gió lạnh chớm đông táp vào mặt, tôi đã không còn dám chắc nữa. Lần đầu tiên trong suốt hơn 3 năm qua… gặp nhau, làm việc với nhau, ở cùng nhau rồi yêu nhau… tôi bắt đầu cảm nhận được một góc khuất trong con người Đan Chi mà mãi mãi tôi không bao giờ chạm tới nổi. Góc khuất đó như một vực sâu hun hút tôi không bao giờ muốn thấy, không bao giờ muốn động chạm và không bao giờ muốn tin là nó tồn tại.
Lạnh lẽo. Tối tăm.

Vài ngày sau thằng Thụy Phong đến gặp tôi với một đống câu hỏi và thẳng thắn bày tỏ sự ngờ vực về những suy đoán của tôi dành cho thằng Minh hôm nọ. Tôi không hề trách nó. Nếu tôi là thằng Thụy Phong, tôi cũng sẽ lung lay trước diễn xuất tuyệt vời của thằng Minh trong bản hùng ca lạc nhịp hôm trước. Có thể tôi nhầm về những thứ khác, nhưng chuyện thằng Minh và thằng Bảy Màu quen nhau là điều tôi hoàn toàn chắc chắn. Chừng đó thôi là đủ ngộ ra chân tướng của vụ việc, không cần phải quá thông minh để hiểu.
Khi tôi kể ngắn gọn điều đó cho thằng Thụy Phong nghe, mặt nó chuyển dần từ hồng hào sang tím tái. Đôi môi nó cắn chặt và hai bàn tay run run vì giận dữ.
– Thằng mất dạy.
Nó đập bàn và đứng phắt dậy, không để ý thằng thầy tí nữa ngã đập mặt xuống đất vì giật mình. Tôi nhẹ nhàng bảo nó ngồi xuống dặn dò:
– Anh đã giao chuyện này cho mày nên sẽ không can thiệp vào cách mày xử lý nó như thế nào, mặc dù anh luôn bảo mày hãy bình tĩnh. Nhưng hãy nhớ, có chuyện gì cũng đừng quay về phàn nàn với anh. Đừng lôi anh vào. Hiểu không?
Hôm đó thấy nó gật đầu lia lịa. Thế mà mấy hôm sau đã thấy nó quay lại. Mặt nó dán chi chít băng gạc y tế và đôi mắt run lên những điều sợ sệt.
– Mày đã làm gì?
Tôi nhìn nó thảng thốt. Đủ để hiểu rằng điều tồi tệ nhất đã bắt đầu gõ cửa.

To top
Đóng QC