Phần 18
Một hôm, thằng Thụy Phong kéo ghế ngồi xuống cạnh tôi, miệng thở dài:
– Chắc em hết cơ hội rồi anh ạ?
Tôi ngước mặt lên nhìn nó chau mày:
– Gì?
Thằng Thụy Phong nói tiếp, mặt buồn thiu:
– Em biết vì sao tình yêu của em lại thân với thằng Minh như thế rồi.
– Tình yêu của em? Nhỏ Linh hả – Mình phì cười chọc quê nó – Chứ không phải tụi nó thân nhau vì thằng Minh đẹp trai, nhà giàu, nói chuyện dễ thương. Còn chú thì đéo có gì?
– Thằng Minh là bạn thời nhỏ của Băng Linh – Thụy Phong bất ngờ nói.
Tôi đang cười nham nhở bỗng nhiên ngậm mồm lại. Thụy Phong mới nói cái gì cơ? Thằng Minh là bạn thời thơ ấu của nhỏ Băng Linh á? Mình có nghe nhầm không? Tôi rướn người về phía thằng Thụy Phong hỏi lại:
– Chú mày mới nói cái gì cơ?
– Thằng Minh với Băng Linh là bạn với nhau từ lâu lắm rồi anh ạ! – Thằng Thụy Phong đáp.
– Làm sao chú mày biết chuyện đó? – Tôi hỏi dồn.
– Em nghe hai đứa trò chuyện với nhau.
– Chắc chứ.
– Chắc.
Cái quái gì vậy? Làm sao có chuyện đó được. Hổng lẽ chuyện trong quán café hôm đó là do mình tưởng tượng. Hay là có hai thằng Minh giống nhau, cùng học vẽ giống nhau và trong lớp cùng có một con bé Băng Linh tiểu thư giống nhau? Mọi suy nghĩ trong tôi bỗng chốc bị đảo lộn. Theo hướng tốt lên hay xấu đi thì tôi không biết. Nhưng rất lộn xộn.
Tôi đăm chiêu nhìn con nhỏ Băng Linh, chỉ có một cách để biết được sự thật. Ngày hôm đó, sau khi kết thúc buổi học, tôi đề nghị chở con nhỏ về. Nhỏ tròn mắt nhìn tôi. Lần đầu tiên kể từ khi gặp nhỏ, tôi chủ động biểu con nhỏ ngồi lên xe tôi. Nhỏ hỏi sao hôm nay chú rảnh thế. Tôi bảo hôm nay có việc tiện đường đi ngang qua nhà nhỏ. Và mặc dù cố làm ra vẻ hờ hững, tôi vẫn kịp nhận ra một chút niềm vui ánh lên trong đôi mắt nhỏ. Nhỏ có thể che dấu được vẻ mặt, nhưng đôi mắt kia chẳng biết nói dối bao giờ. Băng Linh ngồi lên xe tôi rồi vẫy tay chào thằng Minh. Thằng Minh mỉm cười gật đầu rồi chạy xe theo hướng ngược lại. Tôi cảm nhận được ánh nhìn không vui của nó ném về phía sau gáy mình.
Tôi im lặng lái xe, nhỏ Băng Linh ngượng ngịu nhìn mây, nhìn trời. Trên đoạn đường tôi với nhỏ Linh đã từng đi rất nhiều ấy, hôm nay lặng lẽ khác thường. Rồi đột nhiên tôi hỏi nhỏ, phá vỡ cái bầu không khí không tự nhiên đó:
– Nhóc với thằng Minh… là bạn thuở bé hả?
Con nhỏ khẽ dạ một tiếng rồi ngập ngừng nói thêm:
– Hồi trước bọn con chơi thân nhau lắm. Năm chúng con 5 tuổi thì cậu ấy chuyển nhà. Rồi tự nhiên bây giờ gặp lại. Ngạc nhiên gì đâu.
Tôi cũng không hỏi gì nữa. Chừng đó là đủ rồi. Hóa ra thằng Minh với nhỏ Linh là bạn thuở bé thật. Nhỏ Linh đã xác nhận như thế, thì làm sao mà sai được. Tự nhiên tôi thấy khó chịu trong người. Sao mọi thứ có thể thành ra như vậy được nhỉ? Một thằng sở khanh tìm cách tán tỉnh nhỏ Linh, lại là bạn thời thơ ấu của nhỏ ư. Sao mọi thứ cứ lộn tùng phèo hết cả vậy. Nhức đầu quá.
Tôi thả Băng Linh xuống trước cổng nhà. Nhỏ nhẹ nhàng chào tôi rồi đi khuất sau cánh cổng thép đồ sộ. Hình như nhỏ còn định nói với tôi điều gì đó, nhưng thấy tôi cứ chau mày suy nghĩ hoài chuyện gì nên thôi. Đúng là tôi đang suy nghĩ thật. Suy nghĩ về con nhỏ và thằng Minh. Càng suy nghĩ càng thấy không sao hiểu nổi.
Bên kia đường, chếch về phía bên trái nhà nhỏ Linh khoảng 10m có một quán nước nhỏ. Tôi tạt xe vào đấy, gọi một ly café rồi ngồi trầm ngâm. Chả hiểu sao tôi lại vào đây, chỉ biết là tôi đang không muốn về nhà. Kiểu như lòng đang rối rắm, muốn gỡ hết đi rồi về.
Tôi cứ ngồi đó, đưa mắt nhìn đăm đăm về phía căn biệt thự kiểu Pháp sang trọng của nhỏ Băng Linh, cũng chả biết đang chờ đợi điều gì. Lòng cứ băn khoăn nghĩ, hay là mình nói quách cái chuyện mình nghe được trong quán café cho nhỏ, rồi nhỏ muốn làm gì thì làm nhỉ. Nhưng nghĩ lại thấy kỳ quá, tự nhiên nói chuyện đó, con nhỏ lại nghĩ mình ganh ghét với mối quan hệ của hai đứa nó thì mệt. Nên thôi.
Đang ngồi nghĩ bâng quơ thì tự nhiên thấy con nhỏ mở cổng. Con nhỏ một cái bình xịt nước trên tay, cúi xuống nhẹ nhàng tưới vào những chậu hoa tím cạnh bờ tường. Vừa tưới nhỏ vừa đưa mũi hít hà mấy bông hoa, rồi còn khẽ chu môi thơm vào từng cánh hoa, rồi tủm tỉm cười. Rồi con nhỏ đứng lên, nhìn trời, nhìn mây một chặp, rồi vươn vai một chặp, xong rồi bước vào nhà. Vài giây sau nhỏ bước trở ra, đứng gãi gãi đầu nhìn quanh kiểu “Mình quên cái gì ta?”, rồi reo lên “A, đây rồi!” và cầm lấy cái bình xịt nước chạy tung tăng vào trong. Tôi ngồi chứng kiến con nhỏ từ đầu đến cuối mà bật cười nghiêng ngả. Giờ mới biết con nhỏ khùng tợn.
Bà chủ quán nãy giờ thấy tôi cứ nhìn đăm đăm nhỏ Linh, bả lắc đầu bảo:
– Haizz. Thôi bỏ đi chú à!
Tôi giật mình khi nghe giọng nói bà chủ quán, lơ ngơ hỏi lại:
– Bà bảo gì con cơ ạ?
Bà chủ quán thở dài nhìn về phía căn nhà có cái cổng thép lớn, nói:
– Bao nhiêu anh trồng cây si ở đây như chú rồi, mà con nhỏ có bao giờ đoái hoài đến ai đâu. Chú đừng mất thời gian làm gì cho mệt chú à. Tui khuyên thật lòng.
Tôi mỉm cười. Hóa ra bà chủ tưởng tôi là một anh con trai si tình đến đây để thầm thương trộm nhớ. Tôi thấy vui vui nên hỏi tiếp:
– Sao thế hả bà?
Bà chủ quán lôi trong túi ra một miếng trầu cau, kiếm cho mình một chỗ ngồi vừa ý rồi vừa móm mém nhai trầu vừa chép miệng:
– Con bé xưa nay vậy đó. Từ ngày mẹ con bé mất, nó gần như chẳng còn thân thiết với ai ngoài ba và hai đứa em của nó cả.
Tôi tròn mắt nhìn bà, ngạc nhiên hỏi:
– Mẹ cô bé mất rồi hả bà? Nhưng mà…
Sau chữ “nhưng mà” ấy, tôi định nói tôi đã gặp mẹ con bé một lần rồi, sao mà mẹ con bé lại mất được, nhưng tự nhiên tôi kìm lại. Tự nhiên tôi hiểu ra vấn đề. Không cần phải quá thông minh để hiểu, người phụ nữ mà tôi gặp trong nhà nhỏ đợt trước, đó chỉ là mẹ kế của nhỏ. Và câu hỏi mà tôi thắc mắc ngày đó, rằng con nhỏ thừa hưởng đôi mắt biếc từ ai, bây giờ đã có câu trả lời.
– Uhm, mẹ con bé mất 10 năm trước – Bà chủ quán nói tiếp – trong một tai nạn xe máy. Ngày đó con nhỏ khóc dữ lắm… Chú không tưởng tượng được đâu. Nó khóc đến độ phải nhập viện một tháng… Có lần tui vào thăm nó… Nghe nó nói với ba nó, nó cứ hỏi mẹ nó đâu, nó cứ bảo ba sao không chở mẹ về… Trời ơi, nghe mà ứa nước mắt luôn chú à!
Tôi nghe bà chủ quán kể mà cũng thấy xót xa trong lòng. Đưa mắt nhìn xuyên qua cánh cổng xem con nhỏ còn có ở đó không mà không thấy. Tự nhiên thấy con nhỏ tội tội. Bà chủ quán kể tiếp:
– Rồi con bé thay đổi hẳn chú à. Kể từ đó con bé đóng kín mình như tự nhốt trong lồng vậy đó… Bề ngoài vẫn tỏ ra vui vẻ nhưng trong tâm hồn con bé vỡ vụn hết cả rồi.
– Bà ơi, sao bà biết rõ thế ạ? – Tôi nhíu mày.
– Chỗ này nè – bà chủ quán khua tay vẽ một khoanh rộng – hồi trước là một bãi đất trống. Công ty của ổng – ý bà muốn nói bố con nhỏ – tập kết vật liệu ở đây nè. Bọn trẻ con gọi là Bãi Gỗ vì nhiều gỗ lắm. Ổng nhà làm bảo vệ ở đây nè. Còn tui là giúp việc cho nhà con bé. Trời ơi. Gia đình đó tốt bụng gì đâu. Thương tụi tui lắm. Mười mấy năm trước ông nhà bị gỗ đè liệt hai chân không lao động được nữa, ba con bé lo hết tiền thuốc thang chữa bệnh. Rồi sau ông nhà mất, ba con bé biểu tui về ở cùng. Tui bảo thôi, còn sức, tui còn lao động, còn tự nuôi mình được. Thế là ba con bé mở cho tui cái quán nước này nè. Tui bảo trời ơi, tui đâu có tiền mà trả cho cậu đâu mà cậu làm cho tui cái quán to vậy nè. Cái ba con bé cười, bảo tui cho bà vay rồi bao giờ có bà trả tui.
Bà chủ quán vừa kể vừa rơm rớm nước mắt. Tôi trầm ngâm chả nói gì. Lúc trước tôi đã có cảm giác quý mến bố con nhỏ. Giờ tôi lại càng quý mến ổng hơn. Ngồi kể chuyện một hồi rồi bà chủ quán thở dài nói tiếp:
– Từ trước đến nay, tui chỉ thấy con bé chơi thân với duy nhất một đứa thôi hà. Hai đứa nó hay chơi trốn tìm ở Bãi Gỗ này nè. Tiếc là thằng bé kia chuyển nhà đi rồi, từ khi tụi nó còn nhỏ. Chứ nếu không con bé đã không đến nỗi cô đơn như bây giờ.
Tôi nhướn mày. Có phải là bà chủ quán đang nói tới thằng Minh không nhỉ. Nếu là bạn thuở nhỏ thì chắc là thằng Minh rồi. Càng tin con nhỏ Băng Linh với thằng Minh là bạn từ trước bao nhiêu thì những suy nghĩ trong lòng tôi càng rối như tơ vò bấy nhiêu.
– Anh bạn đó có phải tên là Minh không bà? – Tôi hỏi.
– Tui cũng không biết tên thật của thằng bé là gì. Xưa toàn gọi tên ở nhà của tụi nó không à. Như con bé tui cũng có biết tên đi học của nó đâu, toàn gọi là Ely không à.
– Hình như anh bạn đó về lại Đà Nẵng rồi mà bà?
– Ủa, sao chú biết.
Nhận ra là mình vừa hố lời, tôi nhanh chóng chữa cháy kẻo sợ bị lộ là đã biết con nhỏ từ trước rồi:
– À, ý con là anh bạn đó hình như về lại đây rồi phải không bà nhỉ?
– Không, chắc không phải đâu – Bà chủ quán lắc đầu – Nó về đây mà sao không qua thăm tui được. Hồi nhỏ ngày nào tui cũng chăm nó mà.
Tôi lại chau mày. Có thêm một chuyển biến mới. Nhưng chẳng thay đổi được gì ngoài việc mọi thứ đã rối rồi nay lại càng rối hơn. Tôi không muốn nghĩ nữa nên chuyển qua hỏi về con nhỏ Băng Linh, coi như mà mình tìm hiểu thêm về học trò. Bà chủ quán nói:
– Con bé hổng phải tiểu thơ như người ta nghĩ đâu chú à – Bà chủ quán kể tiếp – Con bé dễ thương lắm. Biết tui già cả hổng có bếp núc gì được nên ngày nào con bé cũng mang cơm qua cho tui hết. Thiệt tình, nhà đó ai cũng dễ thương hết trơn. Đấy, mới nói cái nó qua liền kìa.
Tôi quay ra phía sau và giật mình khi thấy con nhỏ Băng Linh đang rảo bước đi về phía quán nước. Tôi cuống cuồng giả bộ điện thoại reo và và đi ra phía sau cái chậu cây đứng nghe. Con nhỏ Băng Linh đứng cách tôi chỉ 1m. Nhỏ mặc 1 cái quần short ngắn, cột tóc đuôi gà và mang một đôi giày thể thao màu trắng. Lần đầu tiên tôi thấy nhỏ mang một phong cách trẻ trung và năng động như thế. Hình như là nhỏ chuẩn bị tập thể dục thì phải. Nhưng nhỏ có tập thể dục hay không không còn quan trọng nữa. Quan trọng là lúc này đây tôi đang nhìn thấy cặp giò dài miên man và trắng như trứng gà luộc của nhỏ. Khoảnh khắc đó, trong đầu tôi bỗng nhiên hiện ra một phép so sánh. Rằng không biết đôi chân này với đôi chân của Đan Chi cái nào đẹp hơn. Tôi vẫn có một chút nghiêng về con nhỏ Băng Linh. Vì tôi thích cái dáng đi nhẹ nhàng và yêu kiều của nhỏ. Bất giác tôi tự tát mình một cái và lẩm bẩm niệm thần chú: “Đan Chi ngon hơn. Đan Chi ngon hơn” để giữ mình.
– Con mang cơm qua cho bà nè.
Nhỏ Băng Linh cười tinh nghịch đưa cà mèn cơm cho bà chủ quán. Tiện tay nhỏ dọn luôn mấy ly café để dang dở trên bàn rồi lau luôn mấy cái bàn. Xong đâu đấy, nhỏ chào bà chủ quán rồi tung tăng chạy đi. Tôi lúc này cũng giả vờ nghe xong điện thoại, ngồi xuống bên ly café rồi tặc lưỡi:
– Chậc, con bé dễ thương thế hèn gì nhiều anh trồng cây si đúng rồi bà nhỉ!
Bà chủ quán gục gặc đầu nói:
– Dạo này cũng ít hơn rồi. Chắc con nhỏ thờ ơ quá nên người ta nản. Mấy tháng trước ngày nào cũng có một hai anh. Tuần này thì chú mới là người thứ ba thôi đấy.
– Ủa, thế hai người trước là ai hả bà? – Tôi hỏi bâng quơ.
– Bà chả biết. Một anh cao to, trắng trẻo, đẹp trai. Một anh thì tóc tai nhuộm tím, nhuộm đỏ, nhuộm xanh đủ thứ màu. Thiệt tình, giới trẻ bây giờ…
Tôi ngước mặt lên thảng thốt:
– Tóc nhuộm… Là thằng Bảy Màu ư?
Tôi bất chợt nhớ đến thằng con trai tóc nhuộm đi với thằng Minh dạo trước. Bà chủ quán có phải đang nói đến thằng Bảy Màu không nhỉ. Một số thứ mơ hồ hiện lên trong tâm trí. Những mảnh ghép rời rạc lúc xưa bắt đầu cựa quậy. Nhưng chẳng có gì rõ ràng. Một niềm thôi thúc mãnh liệt bảo tôi hãy hỏi thêm về thằng tóc nhuộm đó. Nhưng tự thấy không được tự nhiên lắm khi làm vậy, nên tôi không hỏi. Và nếu hỏi thì tôi sẽ hỏi điều gì để xác định danh tính của thằng Bảy Màu bây giờ? Tôi chỉ mới nhìn thấy nó thoáng qua có một lần. Quá ít dữ kiện.
Thở dài nhìn thơ thẩn về phía con lộ trong khi bà lão đang lách cách sửa soạn cà mèn cơm nhỏ Băng Linh vừa đem qua, tôi bất giác nhìn thấy một căn nhà hoang nằm cách nhà con nhỏ khoảng vài chục mét về phía tay trái. Khoảnh khắc đó, đột nhiên trong đầu tôi có thứ gì đó lạo xạo. Thứ gì đó như những mảnh ghép bắt đầu va vào nhau. Bất giác tôi hỏi:
– Đó có phải là căn nhà của cậu bạn thuở nhỏ của con bé không bà? – Tôi chỉ tay về phía căn nhà.
– Ừ, nó đó. – Bà lão xác nhận.
Bất chợt tôi rùng mình. Như kiểu một cánh cửa dẫn vào kho báu vừa mới mở toang ra trước mắt. Những dòng suy nghĩ chạy nhanh như điện xẹt.
– Căn nhà bỏ hoang từ đó đến bây giờ luôn hả bà? – Tôi hỏi.
– Mấy năm đầu có người thuê lại đấy chứ. Nhưng chả ai ở được lâu cả. – Bà lão thở dài – Căn nhà cũ quá rồi. Thời gian đầu ba thằng bé còn thỉnh thoảng về chăm nom vài lần. Nhưng sáu bảy năm nay chẳng thấy ổng về nữa. Căn nhà cứ để thế từ đó đến giờ.
– Bà có biết số điện thoại của bác ấy không ạ?
– Chú hỏi có chuyện chi?
– À, … con có người quen cũng đang cần mua nhà – tôi nói dối – con muốn hỏi bác ấy xem thế nào.
– Cái đó thì tui chịu chú à – Bà lão thở dài – Già cả có biết điện đóm gì đâu chú.
Tôi chau mày suy nghĩ một lúc rồi hỏi tiếp:
– Con có thể tham quan căn nhà một lúc được không bà? Con muốn… à… ờm… có thông tin để về nói lại với người quen của con ấy mà.
– Có phải nhà của tui đâu mà xin phép hả chú. Mà chú cứ ngó một vòng chắc chả sao đâu.
Tôi cảm ơn bà lão rồi đứng dậy tiến về phía căn nhà hoang. Đó là một căn nhà cấp 4 bình thường ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp. Đám dây leo chằng chịt phủ kín dưới sân là minh chứng hùng hồn cho sự hiu quạnh của nó. Tôi cẩn thận len qua cánh cổng gỗ khép hờ đã hoang tàn theo năm tháng, hồi hộp nghe tiếng lá khô vụn vỡ dưới gót giày.