Yêu trẻ con – Quyển 1 – Phần 16

Phần 16
Một tuần sau, nhỏ Băng Linh đột ngột xuất hiện ở lớp vẽ. Nhỏ cầm trên tay cái ống đựng đồ vẽ, mái tóc buộc cao, đi đôi dép hồng và nụ cười sáng bừng cả một góc lớp. Tụi con trai há hốc mồm ngước nhìn lên, thằng Nam Nhỏ khều khều thằng Thụy Phong thì thầm:
– Mày có đang nghĩ điều mà tao đang nghĩ không?
Thằng Thụy Phong gật đầu ú ớ, mắt không rời khỏi nhỏ Băng Linh đang đứng ở cửa lớp. Cái cảm giác người mình thầm thương bỗng nhiên biến mất không một lời từ biệt, rồi bỗng một ngày xuất hiện không một lời báo trước khó diễn tả thành lời lắm. Con nhỏ vẫy vẫy cái ống vẽ trước mặt tôi bảo “Con đi học vẽ lại nè”. Tôi gật đầu nói “Ờ”. Con nhỏ trề môi bảo chú không vui à. Tôi bảo có. Nhỏ dỗi.
Tôi hỏi ai chở nhỏ tới đấy, nhỏ chỉ tay ra ngoài đường, nơi có chiếc xe hơi màu đen đậu cách lớp tôi vài chục mét. Bố con nhỏ thò đầu ra chào tôi. Hình như không muốn ai chú ý nên ông cố tình đậu xe ở xa. Yuna và Eira cũng đi cùng, hai cô nhóc mở cửa xe rồi chạy ào vào lớp vẽ của tôi, đưa những đôi mắt ngây thơ nhìn mấy anh chị đang ngồi vẽ và lắc lắc cánh tay tôi thủ thỉ:
– Tụi con cũng muốn học vẽ.
Bọn trong lớp xuýt xoa, chồ ôi con ai mà nhìn cưng thế. Có đứa còn định chạy lại véo má tụi nó một cái. Bố con nhỏ bế hai cô nhóc lên, bảo khi nào tụi con lớn thì sẽ được đi học vẽ. Con bé Yuna (hoặc là Eira gì đó, tôi không phân biệt được) phân bua:
– Nhưng tại sao chị Ely lại được đi học vẽ?
Băng Linh đưa tay véo má con em một cái nói:
– Vì chị lớn rồi.
Thế là từ đó lớp vẽ bỗng nhiên tươi mới hơn hẳn bởi sự trở lại của Băng Linh. Khỏi phải nói, tụi con trai mừng hết sẩy, nhất là thằng Thụy Phong. Nó luôn luôn là đứa ngồi gần con nhỏ nhất, và cũng là đứa duy nhất trừ tôi ra có thể chở con nhỏ về khi không có ai đón nó. Cơ bản thì Thụy Phong là một thằng tốt bụng, vẽ đẹp nhất lớp và mặc dù tính cách tương đối quái dị nhưng chân thành. Nó với con nhỏ có lẽ là một cặp khá đẹp đôi đấy. Tôi chỉ sợ là thằng bé cảm thấy ngợp khi phát hiện ra gia thế của con nhỏ Băng Linh, và đánh mất sự tự nhiên vốn có giữa hai đứa nó. Tôi cũng bắt đầu hiểu vì sao con nhỏ Băng Linh không bao giờ cho ai biết nhà nhỏ ở đâu. Nhỏ sợ khi phát hiện ra nhỏ giàu có rồi, người ta sẽ không còn chơi với nhỏ chân thành như trước nữa. Tôi hiểu.
Và cũng từ bữa đó, nhiều đứa trong lớp không gọi nhỏ Linh là nhỏ Linh nữa, chúng bắt đầu gọi nhỏ Linh là Ely. Mấy đứa con trai gọi để chọc quê, còn tụi con gái gọi vì thấy cái tên ngầu thí mồ. Rồi tự nhiên chẳng biết ở đâu mọc ra cái phong trào đặt tên tiếng Anh cho từng đứa trong lớp. Nào là Robert Phong, rồi đến Henry Nam Nhỏ, rồi thì Uyên Julia… Tụi nó còn cả gan đặt cho tôi là Jennifer Phạm (tôi họ Phạm) và ngang nhiên gọi giữa bàn dân thiên hạ.
– Đủ rồi. Quá đủ.
Tôi gào lên khi cái trò Anh văn chết tiệt này bắt đầu trở nên không thể kiểm soát được. Tôi về nhà kể lại cho Đan Chi, hy vọng nhận được sự đồng cảm của nhỏ với nỗi uất ức của mình, nhưng khác với tôi nghĩ, nhỏ Đan Chi lại kêu lên thích thú:
– Cái gì? Tụi nhỏ gọi em là Tiffany Đan Chi hả? Haha. Nghe hay đấy. Em thích cái tên này.
Tôi ôm mặt nhăn nhó còn Tiffany Đan Chi thì ôm bụng ngồi cười.
Mấy hôm sau, lớp vẽ bỗng nhiên xuất hiện một soái ca lạ mặt. Một soái ca theo đúng nghĩa ngôn tình. Dáng người cao, khuôn mặt trắng trẻo, đẹp trai, mặc áo sơ mi trắng và đi Bitis Hunter. Soái ca đốn ngã hết toàn bộ con gái trong lớp vẽ chỉ bằng cái nháy mắt và nụ cười duyên đến phát hờn. Soái ca tới đăng ký học vẽ mà cứ như đi thi hoa hậu. Tôi hỏi Soái ca tên gì, thằng bé liếc mắt nhìn về phía con nhỏ Băng Linh đang ngồi ở góc rồi nói:
– Em tên là Minh. Thầy cứ gọi em là Eric cũng được.
Mặt tôi xệ xuống đến tận háng. Tôi đưa mắt nhìn Soái ca kiểu “Mày có thôi cái trò Anh văn chết tiệt đấy đi không?” Soái ca đứng gãi đầu kiểu “Em đùa đấy”, trông bộ dạng cũng dễ thương phết. Nhỏ Băng Linh đưa mắt nhìn Soái ca khúc khích cười. Bọn con trai liếc mắt nhìn Soái ca giận dữ. Giang sơn bắt đầu sóng gió rồi chăng?
Chuyện kể rằng, khi đang là những kẻ đẹp trai nhất xứ sở, tự nhiên có một thằng ất ơ nào đấy xuất hiện và lấy hết mọi ánh nhìn của tụi con gái, lấy hết cả những nụ cười, những cái nhướn mi lẫn những lời bàn tán, thì trong người bạn sẽ dâng lên một cảm giác gọi là ghen tỵ.
Bọn con gái lớp vẽ đã phải lòng Soái ca mới đến. Không chỉ vì chàng ta đẹp trai mà còn bởi chàng ta rất đỗi thân thiện, hay cười và ăn nói có duyên. Mỗi lần Soái ca kể chuyện, tụi con gái chỉ có mà tròn mắt xúm lại ngồi nghe, miệng không ngớt xuýt xoa tưởng rằng loài này đã tuyệt chủng rồi. Thế mà loài sinh vật quý hiếm ấy vẫn còn tồn tại, mà lại rơi trúng ngay cái lớp vẽ nhỏ nhắn của tôi mới thú vị chứ.
Chỉ duy nhất một đứa không thèm để ý gì đến Soái ca nọ, ngay cả khi Soái ca đang ngồi ngay bên cạnh và luyên thuyên kể chuyện, những câu chuyện mà tụi con gái kia phải năn nỉ lắm Soái ca mới chịu kể, còn riêng với nhỏ này thì Soái ca không bao giờ tiếc, đó là Băng Linh. Con nhỏ ngồi chăm chú lắm, nhưng không phải chăm chú lắng nghe mà là chăm chú ngồi dán mắt vào tờ giấy vẽ, thỉnh thoảng ngước đầu lên hỏi:
– Cậu vừa nói cái gì đấy?
Soái ca thở dài ôm mặt khóc nức nở. Nhỏ Linh chả hiểu chuyện gì ngơ ngác hỏi lại:
– Cậu bị sao đấy?
Tụi con trai, nhất là thằng Thụy Phong, đắc ý lắm. Riêng cái vụ Soái ca mới đến mà dám ngồi gần Băng Linh, thiên thần nhỏ xinh đẹp nhất quả đất này, đã là một thứ gì đó đáng bị nguyền rủa rồi. Lại còn cả gan nói chuyện với Băng Linh nữa, thì quả thật, phải bị thiến, ít ra đó là hình phạt đỡ đau đớn nhất mà tụi con trai có thể nghĩ ra dành cho Soái ca nọ.
Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy thôi, chứ chả ai làm gì Soái ca cả. Vì điều đáng ghét duy nhất của Soái ca đó là dám ngồi gần và trò chuyện với Băng Linh (Băng Linh là để tôn thờ, chứ không phải để tán tỉnh  suy nghĩ của bọn con trai) còn mọi thứ khác Soái ca đều rất ổn. Cư xử nhã nhặn, ăn nói lịch sự, lễ phép và nhất là ai cần gì cũng giúp đỡ. Tụi con trai ghen tỵ với Soái ca thật, nhưng chẳng ai ghét chàng ta.
Mà thôi, tạm dẹp Soái ca sang một bên, chuyện của Soái ca để lúc sau rồi kể, vì để tôi kể một chuyện hay ho khác.
Hôm đó là chiều thứ Sáu, khi tôi đang ngồi trên cái bàn giáo viên ở góc lớp, vừa nghe nhạc vừa ngủ gà ngủ gật, thì có ai đó khều khều tôi. Quay qua và bắt gặp gương mặt mếu máo của nhỏ Băng Linh đang nhìn tôi như sắp khóc, tôi luống cuống hỏi nhỏ:
– Gì… gì nữa đấy?
Con nhỏ ngồi bệt xuống nền nhà, chẳng quan tâm đến tụi bạn trong lớp và cả tôi đang ném cho nhỏ những cái nhìn ngơ ngác, rồi nhỏ nói giọng như dỗi hờn:
– Con không biết.
Tôi nhìn qua cái bảng vẽ cùng đống bút chì con nhỏ quăng la liệt trên nền nhà thì hiểu chuyện. Đứa nào học vẽ cũng đều có những lúc chán nản như thế, đó là những lúc cảm giác mình vô dụng, vẽ hoài mà không lên tay nổi, rồi cảm thấy chẳng biết phải làm thế nào, rồi muốn bỏ cuộc, chuyện bình thường. Tôi phì cười ngồi xuống bên cạnh nhỏ nói:
– Anh biết nhóc đang cảm thấy như thế nào. Đừng lo, hồi trước mới học vẽ anh cũng y chang như vậy. Nhóc chỉ thiếu một chút nữa thôi, cứ kiên trì rồi sẽ vượt qua cái ngưỡng vẽ được ngay ấy mà. Đừng nản.
Con nhỏ nhìn tôi mếu máo:
– Con thấy mình chẳng làm được gì cả. Chắc con chả có khiếu vẽ vời gì rồi. Hức.
Tôi bảo con nhỏ nhặt bút chì lên rồi ngồi vào ghế. Tôi kéo ghế ngồi cạnh nhỏ, nhớ lại ngày xưa lúc mới học vẽ, mình cũng từng quăng bút, quăng giấy như thế. Tôi hỏi chuyện con nhỏ, nhỏ thủ thỉ với tôi rằng nhỏ vẽ hoài mà thấy chả tiến bộ gì cả, và hờn dỗi rằng dạo này ít thấy tôi hướng dẫn cho nhỏ quá. Đôi mắt biếc của nhỏ ngây ngô nhìn tôi trách móc khiến tôi phải phì cười một lần nữa.
Hôm đó tôi ngồi coi Băng Linh vẽ để chỉ thêm cho nhỏ ấy. Nhỏ vẽ chẳng đến nỗi nào, nhưng hình như thấy chúng bạn đã vẽ đến tận đẩu tận đâu rồi, còn nhỏ vẫn còn ngồi tập đánh nét, nên nhỏ hờn. Tôi trấn an rằng nhỏ mới học thôi, nên đừng so sánh với mấy đứa đã học cả năm rồi, và chỉ thêm cho nhỏ mấy mẹo:
– Để đánh nét đều và không bị bè, nhóc phải cầm bút như thế này nè, rồi xoay xoay như thế này nè. Hiểu chưa?
Con nhỏ gật đầu ra vẻ hiểu rồi, nhưng đến khi cầm bút lên thì lại đánh nét như một đứa con nít. Riết một hồi tôi bắt đầu quạu. Con nhỏ mắt rưng rưng nhìn tôi làm tôi xuôi xị, tôi thở dài:
– Thôi được rồi, đưa đây.
– Đưa gì ạ? – Nhỏ hỏi lại.
– Đưa tay đây.
Trong lịch sử 3 năm dạy vẽ của tôi đến nay, chưa bao giờ tôi phải làm việc này. Nhưng với con nhỏ Băng Linh ngốc nghếch và dễ khóc ấy, lần đầu tiên tôi phá lệ. Tôi cầm tay con nhỏ như cách mà mẹ tôi cầm tay tôi nắn nót từng nét chữ đầu tiên ngày tôi vào lớp 1. Bàn tay con nhỏ cầm bút chì, còn bàn tay tôi ôm lấy tay con nhỏ. Tôi bắt đầu chỉ con nhỏ cách nghiêng bút, cách xoay bút rồi từ từ đánh từng nét một để con nhỏ hình dung ra cách vẽ. Nhỏ thích thú làm theo rồi thỉnh thoảng liếc nhìn tôi cười tủm tỉm. Tôi quạu “Cười cười cái gì, nhìn vào đây nè”. Nhỏ im re.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như hôm đó Đan Chi không bất ngờ xuất hiện. Mấy hôm rồi Đan Chi bận làm đồ án nên không đến lớp vẽ, tôi chỉ gặp nhỏ lúc về nhà và nhỏ cũng bận rộn lắm nên cũng chả nói chuyện gì nhiều. Hôm nay nhỏ tự nhiên xuất hiện, nhỏ thấy tôi đang ngồi bên cạnh và cầm tay Băng Linh, tôi hồn nhiên mỉm cười chào nhỏ, còn nhỏ thì lạnh lùng nhìn tôi với nụ cười đã tắt ngấm từ bao giờ.
Đan Chi làm mặt lạnh với tôi trong suốt buổi cơm tối hôm đó, bầu không khí đặc quánh sự gượng gạo. Ngay cả khi tôi gắp thức ăn cho Đan Chi, nhỏ cũng chả thèm nhìn tôi lấy một lần. Tôi chả hiểu chuyện gì và cũng chả biết là Đan Chi đang giận tôi nên sau khi dọn dẹp xong đâu đấy, tôi thả mình xuống chiếc ghế sofa ngồi thản nhiên xem tivi.
Một lúc sau thấy con nhỏ tới ngồi bên cạnh tôi rồi vùng vằng giật lấy cái remote.
– Ơ, anh đang xem thời sự mà?
Tôi tru tréo lên khi con nhỏ ngồi bấm chuyển kênh tùm lùm trong khi tôi thì đang xem dở tin tức. Con nhỏ chả thèm nhìn tôi, vẫn cầm remote bấm chuyển kênh lia lịa, chả có dấu hiệu gì là sắp dừng lại cả. Tôi cứ mặc kệ con nhỏ ngồi tra tấn cái remote như thế, mắt lơ đễnh nhìn cái tivi cứ cà giựt, cà giựt và thầm cầu nguyện cho nó không bị làm sao để tôi còn có cái mà xem.
Một lúc sau, hình như bắt đầu chán cái trò bấm bấm, nhỏ liệng cái remote xuống bàn rồi quay qua nhìn tôi, vẻ mặt giận dỗi:
– Sao anh chả nói gì cả thế?
Mặt tôi đần thối ra như một thằng đần thối, nhún vai hỏi lại:
– Ơ, nói cái gì cơ?
Tôi vừa nói vừa tia xuống cặp giò trắng nõn mà Đan Chi đang ngồi xếp bằng trước mặt tôi, xong rồi quay đi ho sù sụ giả vờ như chưa thấy gì. Nhỏ bắt đầu bóng gió:
– Anh bữa nay dạy vẽ “có tâm” ghê ha.
Tôi tròn mắt nhìn nhỏ ngơ ngác hỏi:
– Gì cơ?
Nhỏ chả thèm trả lời, quay mặt nhìn ra cửa định làm mặt lạnh tiếp. Nhưng thấy tôi cứ im im, nhỏ quay lại lườm tôi:
– Sao anh lại cầm tay bé Linh?
– Ai cơ? – Tôi hỏi lại.
– Băng Linh.
– Anh cầm tay con bé lúc nào?
– Lúc chiều.
Đến lúc đó tôi mới bắt đầu vỡ lẽ. Và khi hiểu ra mình đang đối mặt với điều gì, tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo. Đan Chi thấy tôi cười vô hậu như thế, nhỏ nhào tới thụi tôi một phát vào xương sườn:
– Trả lời câu hỏi của em đi.
Tôi cố nín cười trả lời thành thật:
– Thì anh chỉ cho con nhỏ đánh nét mà.
– Đến mức phải cầm tay luôn hả? Anh có bao giờ làm thế đâu!
– Tại con nhỏ tập hoài không được nên anh mới phải thế.
– Tại sao không cầm tay đứa khác mà lại là bé Linh?
– Ơ, em bị thần kinh à, mấy đứa khác nó có cần anh chỉ đâu.
– Anh nói ai thần kinh đấy?
Con nhỏ nói rồi nhào tới thụi tới tấp vào xương sườn tôi làm tôi suýt tắt thở. Tôi chống trả bằng cách cù vào hông nhỏ quyết liệt. Hai đứa ngồi quần nhau cả buổi như thế, cho đến khi mệt lử và tôi giương cờ trắng đầu hàng thì nhỏ mới chịu buông tha tôi. Ngồi thở hồng hộc một lúc rồi tôi bước xuống bếp tính kiếm chai nước uống. Đang nhòm nhòm vào tủ lạnh thì tự nhiên có cái gì đó vòng qua eo tôi. Tôi giật mình quay lại. Đan Chi đang đứng đấy, nhỏ ôm tôi từ phía sau thật chặt, đôi má nhỏ ép sát vào lưng tôi và đôi môi thì thủ thỉ:
– Em nhớ anh.
Màn đêm bỗng nhiên đượm một màu thương nhớ, và có tiếng đàn của ai đó hình như đang gảy lên một khúc yêu đương vồn vập. Tôi để cho Đan Chi ôm tôi một lúc lâu như thế, rồi nhẹ nhàng gỡ tay nhỏ ra và quay lại vuốt tóc nhỏ:
– Khùng à. Gặp nhau cả ngày rồi chưa đủ à.
Đan Chi lắc đầu nguầy nguậy rồi ngước mặt lên nhìn tôi nói:
– Anh hứa đi.
– Hứa gì? – Tôi hỏi.
– Hứa không được cầm tay người con gái nào khác ngoài em nhé.
Tôi khẽ ôm nhỏ vào lòng. Kỳ lạ thật! Tự nhiên tôi cũng thấy nhớ Đan Chi quá. Dù ngày nào cũng gặp nhau, ngày nào cũng đánh răng cùng nhau, ăn cơm cùng nhau mà sao vẫn cứ thấy nhớ. Chắc là dạo này chúng tôi bận rộn quá, ít có thời gian để trò chuyện, đi dạo cùng nhau lại càng ít. Tôi khẽ vuốt má Đan Chi, cố gắng hiểu những gì nhỏ đang phải chịu đựng. Con gái dù có mạnh mẽ đến đâu cũng cần được quan tâm, chăm sóc. Còn tôi, mãi lo theo đuổi những thứ phù phiếm bên ngoài mà quên mất người con gái đang ở bên cạnh mình. Tôi mỉm cười thì thầm với nhỏ:
– Ngày mai mình đi chơi đi.
Đan Chi nhìn tôi, gương mặt rạng rỡ và đôi môi nở một nụ cười nhẹ:
– Nhưng anh còn phải dạy mà?
– Cho tụi nó nghỉ 1 ngày thì có chết ai đâu.
Nhỏ khúc khích cười rồi vùi đầu vào lòng tôi, nói “dạ” khe khẽ. Và đêm đó chúng tôi lại ngủ thiếp đi cùng nhau trên ghế sofa, với những cái hôn nồng nàn, bất tận.

To top
Đóng QC