Phần 111
Tôi sửng sốt nhìn Tiểu Mai:
– Gì ghê vậy chị hai ? Thiệt không đó ?
– Đấy, nói ra thì có tin đâu mà cứ bảo nói ! – Tiểu Mai làm mặt dỗi.
– Thì tưởng hơn thế nào thôi chứ, N thấy tên đó chơi cũng hay mà ! – Tôi chỉ tay sang kia.
– Mình có nói người đó chơi tệ đâu ! – Nàng nhún vai đáp.
– Vậy để N sang đó hỏi mượn cây đàn cho Mai chơi thử xem thế nào ! – Tôi nói rồi chồm người toan đứng dậy.
– Thôi N, đừng mượn, lúc này Mai đàn không được ! – Tiểu Mai níu tay tôi lại.
– Ớ…. vừa bảo biết chơi guitar mà ? – Tôi ngạc nhiên.
– Nhưng hôm giờ mình chơi Piano mà, đâu có để móng tay mà chơi Guitar được ! – Tiểu Mai lắc đầu.
– Là sao ? Móng tay thì liên quan gì ? – Tôi thắc mắc, ngồi xuống hỏi.
– Ôi…. thì muốn chơi được Guitar là tay gảy dây của N phải để móng, còn tay bấm ngăn phải cắt ngắn hết sát móng tay, tức là trong Guitar thì một tay để móng, một tay không để. Nhưng trong Piano thì bắt buộc phải cắt hết móng tay để không làm xước phím đàn ! – Nàng thở hắt ra giải thích.
– Phải không ? Hay là…. nãy xạo đó ? – Tôi nheo nheo mắt.
– Không tin thì thôi, mình dối N làm gì ! – Nàng nói như giận.
– Vậy chứ trong nhà Mai thấy có để cây guitar mà ? – Tôi vẫn chưa chịu thôi.
– Ở nhà khác, lúc nào muốn chơi Guitar thì mình đeo thumbpick vào ! – Tiểu Mai đáp.
– Thumbpick ? – Tôi tò mò.
– Là móng giả là bằng nhựa, đeo vào các ngón tay gảy, khỏi mất công để móng tay, khỏi bị người ta nghĩ là mình nói dối, hứ ! – Nàng nguýt tôi.
– À… à, là cái miếng nhựa hình tam giác mà mấy người chơi đàn hay cầm quơ lên quơ xuống ấy hả ? – Tôi gãi đầu.
– Không, đó là miếng gảy dùng trong Guitar đệm hát ! – Nàng tiếp lời.
– Thế là cái thumbpick mà Mai nói là xài cho guitar cổ điển à ? – Tôi hỏi.
– Còn tuỳ, nhưng đối với ai không muốn để móng tay thì là vậy ! – Tiểu Mai lắc đầu.
– Vậy để móng chi cho mệt ? Cứ đeo thumbpick vào là xong ! – Tôi bắt đầu thấy lùng bùng.
– Nhưng dùng hoài sẽ mất cảm giác tay, nếu chỉ xác định là chơi mỗi Guitar thì nên để móng cho tay gảy, vì như vậy sẽ mau quen và cảm giác đàn tốt hơn ! – Nàng đáp.
– Ừm…. nè, vậy N học guitar được không ? – Tôi lò dò hỏi.
– N thuận tay phải đúng không ? – Tiểu Mai nhìn tôi.
– Không, lúc nhỏ thuận tay trái, nhưng bị mẹ bắt phải viết bằng tay phải, nên giờ dùng tay phải luôn ! – Tôi thật thà đáp.
– Vậy N chìa cả hai bàn tay ra cho mình đi ! – Nàng yêu cầu.
– Chi vậy ? Định…. nắm tay N à ? – Tôi nhân dịp cà khịa liền.
– Mơ đi, hứ ! – Tiểu Mai bĩu môi.
– Hì hì, nè ! – Rồi tôi chìa hai bàn tay ra.
– Ngón tay N dài nè, tập Guitar được đó ! – Nàng hấp háy mắt.
– Thế à ? Ngón tay dài là chơi guitar giỏi à ? – Tôi háo hức.
– Còn tuỳ N luyện tập ra sao, nhưng đúng là ngón tay dài thì dễ bấm hợp âm hơn, nhất là thế bấm chặn dây barre ! – Tiểu Mai nhìn tôi cười mỉm.
– Ba… barre ? – Tôi ngẩn người vì không hiểu.
– Ví dụ như hợp âm Fa trưởng ấy…. à, sau này N học rồi biết, hì ! – Tiểu Mai phì cười vì cái đầu đang bốc khói khét lẹt của tôi lúc này.
– Ừm… nhưng N dốt nhạc lý lắm, có học mấy cũng như không ! – Tôi rầu rầu thừa nhận, quả thật tôi cực kỳ dốt và ù lì đối với nhạc lý.
– Không biết nhạc lý thì học, có gì đâu ! – Nàng ngạc nhiên.
– N học không được, không hiểu sao cứ gặp nhạc lý là ngồi trơ ra, không nhét được cái gì vào đầu ! – Tôi thở dài ngao ngán – Học guitar có cần phải biết nhạc lý không ?
– Ừ… thì cũng cần, nhưng không nhiều, N chỉ cần học kĩ thuật với các hợp âm, thế tay cũng được, không sao đâu ! – Nàng cười động viên.
– Thế thì hay rồi, vậy N học guitar gì giờ ? – Tôi hỏi tiếp.
– N học guitar đệm hát nhé, chừng 3 tháng là có thể vừa đệm vừa hát được rồi ! – Tiểu Mai trả lời.
– Thôi, N hát dở lắm, với lại cũng không khoái đệm hát ! – Tôi lắc đầu.
– Thì…. N đệm cho người ta hát cũng được vậy ! – Nàng phụng phịu nói.
– Cho qua, chuyện đệm hát tính sau ! – Tôi khoát tay.
– Vậy…. guitar cổ điển nhé, học chừng vài năm là chơi được nhạc cổ điển rồi ! – Nàng gợi ý.
– Nhạc cổ điển là sao ? – Tôi thắc mắc.
– Là những bản như A time for us trong Romeo và Ju…. ! – Tiểu Mai kể.
– Thôi, cho qua luôn, không thích thể loại nhạc vậy ! – Tôi nhăn mặt cắt lời nàng.
– Chứ gì giờ ? Gì N cũng không chịu học ! – Nàng khẽ dậm chân.
– Có thể loại guitar nào mà mình nghe 1 bản nhạc xong, có lời cũng được, rồi mình đàn lại y chang bằng guitar lại không ? Ví dụ như N nghe bài My love xong đi, rồi đàn lại, thay hết lời bài hát bằng nốt nhạc luôn ấy, à, như là N có thể chơi được bản River flows in you của Mai bằng guitar được không ? – Tôi hăm hở tò mò hỏi.
– N muốn chơi River flows in you bằng Guitar ? – Tiểu Mai tròn mắt ngạc nhiên.
– Ừ, thì sao ? – Tôi hỏi lại.
– Thật ra… có một trường phái Guitar mới gần đây, giống như những gì N vừa nói ! – Nàng từ tốn trả lời.
– Vậy à ? Trường phái gì đấy ? – Tôi mắt sáng rỡ.
– Là Guitar FingerStyle, hồi cấp 2 có nghệ sĩ Khôngtaro Oshio qua trường mình giao lưu, anh này chơi FingerStyle hay lắm ! – Tiểu Mai đáp.
– Finger… xì- tai là sao ? – Tôi đần mặt ra.
– Là như tên gọi của nó ấy, sử dụng hết kĩ thuật của 10 ngón tay để mô phỏng những âm thanh như trống, tiếng chuông ngân, rồi tiếng bè đệm, tiếng bass, …. còn nhiều lắm, nhưng đòi hỏi người chơi được FingerStyle phải tập nhiều đó ! – Nàng giải thích.
– Nếu N học vậy thì mất bao lâu ? – Tôi liếm môi hỏi.
– Ừm…. muốn học FingerStyle thì N phải tập đệm hát trước, vững căn bản rồi thì tự tập FS được, vì chủ yếu là các kĩ thuật trong đó như Palm, Tapping, Slap Harmonic hay là Nail attack vậy đó…. chắc tầm khoảng 1 năm là N có thể tự tập các bài hát N thích được, nếu đã rành các kĩ thuật trong FingerStyle ! – Tiểu Mai từ tốn nói.
– Chà… một năm lận à, một năm là chơi được hở ? – Tôi tần ngần.
– Ừm, nhanh mà, xem chừng N có khiếu Guitar đó ! – Tiểu Mai cười cười.
– Thế à ? N có năng khiếu à ? – Tôi sướng mê tơi, gì chứ nghe khen là tôi khoái lắm.
– Hì hì, chưa biết được, phải xem quá trình tập thế nào kìa ! – Nàng lắc đầu.
Trong đầu tôi giờ đã tưởng tượng ra cảnh tôi và em Vy ngồi ở đồi cỏ gần bờ biển, tôi ôm đàn guitar và chơi hàng loạt bản nhạc cho em ấy nghe, Vy mê mẩn nhìn tôi bằng đôi mắt đầy ngưỡng mộ, ôi….. chỉ nghĩ thôi mà tôi đã thấy sướng rơn rồi !
– Cơ mà… học guitar này có dính dáng gì đến nhạc lý không ? – Tôi nhanh chóng rầu rĩ trở lại với sở đoản muôn thuở.
– Thì… cũng phải có chút chút chứ, học âm nhạc phải biết nhạc lý mà, thầy nào cũng dạy vậy hết ! – Tiểu Mai đáp.
– Thế… chắc N không học được rồi, chết cũng không học vô nổi nhạc lý ! – Tôi xuôi xị.
– Học chút thôi, nhạc lý căn bản thôi mà ! – Nàng e ngại.
– Chịu, thôi chắc không học, dám vừa mò vào xin học ông thầy dạy nhạc lý trước thì chỉ có nước chạy làng ! – Tôi lắc đầu lia lịa, dù rằng rất muốn mình cũng được oai như thằng đang chơi đàn bên kia.
– Vậy…. Mai dạy Guitar cho N, không cần nhạc lý ! – Tiểu Mai cắn môi, dè dặt khẽ nói.
– Hở ? – Tôi sững người nhìn nàng.
– Ừ….. ! – Nàng gật đầu.
– Thật à ? Không dính dáng đến nhạc lý ? – Tôi ngẩn người ra.
– Ừm……. chắc vậy ! – Tiểu Mai đáp.
– He he, có thu học phí không đấy ? – Tôi cười nham hiểm.
– Ngốc, thu làm gì, nhưng N phải tập… đều đặn đấy, bỏ giữa chừng không được đâu ! – Nàng dặn tôi mà tự dưng đôi má hồng lên.
– Tức là…. ngày nào cũng lên nhà Tiểu Mai à ? – Tôi thắc mắc.
– Khô… không…. nếu nhà N có đàn guitar thì tầm 1 tuần lên nhà mình 1 lần… thôi cũng được ! – Nàng trả lời.
– Nhưng N làm gì có đàn, vậy…. ? – Tôi hỏi lưng chừng.
– Ít nhất 1 tuần phải học 2 lần, mà N cũng nên mua thêm 1 cây đàn để ở nhà đi, mỗi ngày tập chừng 2 giờ cho quen tay ! – Nàng đáp.
– Èo…. chắc mua không được đâu ! – Tôi lắc đầu, nghĩ đến cảnh tượng tôi ôm cây đàn về và ông anh tôi sẽ cười cho vỡ mặt, còn mẹ tôi dám sẽ cằn nhằn suốt ngày vì cái tội không lo học mà đàn hát cho xem.
-……………… ! – Tiểu Mai im lặng.
– Hay là… trong tuần thì thứ 3, thứ 5, thứ 7 N sẽ lên nhà Mai tập khoảng vài tiếng, tập xong rồi về ! – Tôi háo hức đề nghị.
– Ừ, tuỳ N thôi ! – Hổng dè nàng đồng ý ngay tức thì.
– Vậy Mai đồng ý dạy guitar cho N rồi hén ? – Tôi hỏi lại cho chắc.
– Ừm ! – Nàng vui vẻ gật đầu.
– Thế khi nào N tốt nghiệp, hì hì ? – Tôi cười khoái chí.
– Như N nói đó, khi nào N chơi được River flows in you bằng Guitar thì mình cho tốt nghiệp ! – Tiểu Mai cười tủm tỉm.
– Thế bản đó chơi trên guitar khó lắm à ? – Tôi tò mò.
– Cũng không khó, chỉ có mình khó tính thôi ! – Nàng trả lời.
– Ớ… là sao ? – Tôi đần mặt ra.
– Dám cho lưu ban hoài lắm, hì hì ! – Tiểu Mai nheo mắt lém lỉnh.
– Bậy…. cũng phải để cho người ta cống hiến với đời chứ ! – Tôi xua tay.
– Ừm, N gắng tập là được ! – Nàng nói.
Tôi khoái chí nghĩ thầm học guitar mà không phải dính dáng đến nhạc lý thì quá tốt rồi, thế này thì chẳng mấy chốc sẽ đến cái ngày mà tôi đèo em Vy ra biển Đồi Dương, và tôi sẽ chơi những bản nhạc mà em ấy thích bằng guitar cho mà xem.
Nhưng sự đời không bao giờ dễ dàng cho những người lười biếng, mãi 3 năm sau tôi mới biết rằng chuyện mà ai yêu cầu bài gì rồi mình chơi guitar lại ngay bài đó theo phong cách FingerStyle là chuyện không tưởng đối với người không học nhạc lý, vậy nên một lời khuyên cho các bạn nào đang muốn và đã chập chững tập Guitar, hãy học nhạc lý rồi bạn sẽ thấy việc đọc một bản nhạc và chơi nó là rất dễ dàng. Chứ đừng để sướng trước khổ sau như tôi bây giờ, tập bản nào phải nhớ hết từng nốt của bản đó, thảm lắm các bạn ạ, hic !