Thu – Phần 23

Phần 23
Ba đưa đón tôi đi học bằng xe máy đâu được chừng hơn một tháng thì cuối cùng phải để tôi tự đi vì lý do đơn giản là… ba đã bán luôn chiếc xe rồi!
Đáng lẽ ba tôi cũng chưa bán chiếc xe là tài sản cuối cùng có giá trị nhất trong nhà, nhưng vì hôm trước ba nhậu say quá rồi trên đường về nhà đã đụng vào ông cụ bán vé số đi xe đạp sát trong lề. Cú đâm khá mạnh khiến ông cụ ngã ra đường bất tỉnh nhân sự còn chiếc xe đạp thì bung vành gãy gọng hư hại đủ thứ chỗ. Thời may là ông cụ chỉ bị bất tỉnh do choáng váng chứ không bị gì nguy hiểm đến tính mạng, chỉ có chiếc xe đạp thì banh ta lông hết trơn. Tuy vậy ba tôi cũng phải bồi thường một khoản tiền thuốc men cho người ta vì tuy không chết nhưng ông cụ vẫn bị u đầu mẻ trán, trầy xước khắp người. Ngoài ra còn phải đền bù tiền sửa xe nữa. Trong lúc này ba tôi làm gì có tiền trong túi mà đền cho người ta ngoài việc bán luôn con chiến mã.
Thật ra má tôi cũng đã nói trước sau gì ba cũng bán xe thôi, vì ba ăn quen chứ nhịn không quen. Đến lúc túng thiếu thì ba tôi bán trời không mời thiên lôi chứ nói gì đến chiếc xe máy. Có điều mấy hôm nay vẫn còn tiếc tiếc nên chưa cho em nó dứt áo ra đi, chỉ tới khi đụng chuyện thì mới mạnh dạn chia tay người tình đã gắn bó với nhau một thời gian khá dài với biết bao kỷ niệm buồn vui.
Việc ba bán xe hay không bán thì đó là việc của ba, tôi không quan tâm lắm. Tôi chỉ quan tâm một điều là ba bán xe rồi thì tôi đi học bằng gì.
Tôi nhìn ba rơm rớm nước mắt:
– Xe đạp ba cũng bán, xe máy ba cũng bán… vậy con đi học bằng gì hả ba!? Hic hic…
Ba tôi lườm:
– Nín đi… khóc lóc cái gì! Không có xe thì coi bạn bè ai có rồi quá giang, còn không thì đi bộ chứ có sao đâu!
Nghe ba nói xong tôi giãy đành đạch:
– Từ nhà đến trường xa lắm, con đi bộ không nổi đâu ba ơi!
Ba tôi nhếch mép:
– Đi không nổi thì nghỉ học luôn đi! Mà con gái không cần phải học nhiều làm gì… sau này có chồng cũng chỉ ru rú trong nhà lo cơm nước giặt giũ chứ có làm gì đâu mà cần phải có kiến thức…
Ba nói xong tôi chỉ biết lắc đầu rồi im lặng chứ không dám hó hé gì thêm. Đôi co một hồi ổng bực rồi mang hết tập vở, cặp sách, áo quần của tôi quẳng ra sân châm lửa đốt thì kể như xong. Tôi im lặng là vì muốn để mọi chuyện được bình yên chứ không phải im lặng là đồng ý với ý kiến vừa rồi của ba. Tôi thấy đó là một lối tư duy cổ hủ và nông cạn. Bây giờ là thời đại nào rồi mà còn có chuyện chồng chúa vợ tôi, còn có chuyện phụ nữ suốt ngày chỉ ru rú trong nhà lo việc cơm nước, giặt giũ, con cái… v. V. Phụ nữ hiện đại bây giờ cái gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng có thể làm được, mà làm tốt nữa là khác…
Kể từ đó tôi nhờ con Yến ghé chở tôi đi học mỗi ngày, còn con Mai thì nhà nó ai rảnh thì chở nó đi.
Trong giờ ra chơi buổi sáng đầu tuần… tôi với hai con bạn thân kéo nhau xuống căn tin mua nước uống, mua bánh ăn rồi nói dóc cho đỡ buồn. Bữa nay không biết có việc gì bên công tác đoàn mà không thấy Đông Phong qua tìm tôi như mọi bữa.
Vừa hớp xong ngụm nước mía mát lạnh, con Yến nhìn tôi rồi chép miệng vẻ thương hại:
– Thiệt tao chán ba mày ghê luôn á Thu! Con nhỏ có cái xe đi học cũng bán ăn cho được…
Tôi cười buồn:
– Ổng chưa bán cái nhà là may rồi mày ơi!
Con Mai chen vô nói với con Yến:
– Ba nó tính tình kỳ cục lắm mày ơi, tao ở gần nhà nên tao biết hết! Hồi nhỏ mỗi lần ba nó nhậu xỉn về là đều kiếm chuyện chửi mắng, đánh đập mẹ con nó hết á…
Con Yến nghe con Mai nói xong chỉ im lặng gật gù chứ không nói gì thêm. Nhìn cái bộ dạng trầm ngâm của con Yến lúc này chẳng khác gì bà cụ non đang suy tư, trăn trở với những nỗi đau buồn của trần gian thế sự.
Cuối cùng nó cũng lên tiếng phá tan sự im lặng:
– Rồi không lẽ mấy mẹ con mày cứ sống cảnh như vậy hoài sao? Ba mày thất nghiệp không có việc làm lại còn đàn đúm ăn chơi rồi gia đình lấy cái gì sống? Sau này thằng Hoạch lớn lên còn phải đi học… rồi đủ thứ chi phí phát sinh…
Tôi cười mà nước mắt cứ chảy dài xuống má:
– Tao cũng không biết nữa mày ơi! Ba tao gia trưởng và độc đoán lắm… tao với má tao không ai lay chuyển được ổng dù đã nhiều lần hết lời khuyên ngăn chứ có phải không đâu…
Con Mai thấy tôi khóc liền xé khăn giấy lau nước mắt cho tôi rồi cất giọng buồn bã:
– Mày nín đi Thu, mày khóc lát tao khóc theo mày luôn đó!
Con Mai nói xong thì cả ba đứa cùng im lặng cho đến khi hết giờ ra chơi rồi lục tục kéo nhau vô lớp chứ không ai hé răng nói câu gì, vì ai cũng theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình.
Đó là lần đầu tiên ba đứa xuống căn tin ăn uống mà không có tiếng cười giỡn rần trời như mọi khi. Tôi thấy hoàn cảnh tôi với đám bạn giống như là “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” vậy. Thương tụi nó…
Ông bà xưa hay nói trong cái rủi thì có cái may, ông trời không lấy hết của ai thứ gì, cánh cửa này khép lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra cho mình.
Cũng nhờ ba tôi bán xe mà tôi lại có cơ hội được đi học chung xe với người yêu của mình. Mấy bữa đầu con Yến còn chở tôi đến tận cổng trường, rồi từ cổng trường chở về tận cổng nhà… nhưng tới ngày thứ ba thì buổi sáng nó chỉ chở tôi đến ngã tư rồi bán cái qua cho Đông Phong làm nhiệm vụ đưa tôi đi học thay nó. Đến giờ về Đông Phong chở tôi đến ngã tư thì tới phiên con Yến chở từ ngã tư về nhà.
Khỏi phải nói thì ai cũng hiểu tôi vui mừng đến mức độ nào. Tôi thích cảm giác được ngồi chung xe với người yêu, vừa đi vừa trò chuyện vừa ngắm nghía cảnh vật, xe cộ xung quanh chứ không phải chỉ dắt nhau đi vòng vòng trong trường vào giờ ra chơi như hai con khỉ trong Thảo Cầm Viên nhìn chán chết.
Đông Phong vừa chạy xe vừa nắm tay tôi đặt lên eo biểu tôi ôm cho chắc. Tôi tưởng anh chuẩn bị tăng tốc nên vội vàng ôm chặt cứng, ai dè chiếc xe dream vẫn chạy chầm chậm như rùa bò, chỉ nhanh hơn xe đạp chút xíu thôi.
Tôi nguýt anh:
– Em tưởng anh chuẩn bị đua chớ…
Đông Phong bật cười:
– Khi nào đi cà phê chòi thì mới đua… còn đi học thì chạy từ từ thôi cục cưng, thời gian còn nhiều mà đến trường chi sớm…
– Anh… hay bữa nào mình cúp tiết đi cà phê chòi một bữa đi… cũng lâu rồi…
Nghe anh nhắc đến quán cà phê chòi tự nhiên tôi lại thấy nhớ nhớ. Cũng đã lâu rồi hai đứa chưa hôn nhau, mới nghĩ đến thôi đã thấy lòng dạ rạo rực nôn nao rồi.
– Không được đâu em… để lúc nào được nghỉ học rồi hãy đi… mình còn nhiều thời gian mà! Chỉ cần hai đứa thương nhau thật lòng là đủ rồi…
Nghe anh nói mà tôi càng thấy thương anh nhiều hơn nữa, ít có chàng trai nào mà người yêu rủ đi cà phê chòi lại từ chối như anh. Nếu là thằng Tình thì chắc nó chở tôi vô nhà nghỉ lâu rồi chứ nói gì cà phê chòi. Anh đúng là của độc, lạ và hiếm nữa. Ngồi phía sau tôi ôm chặt lấy anh mà nghe trái tim mình đập rộn ràng trong lồng ngực.
Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi đi. Mỗi ngày hết con Yến rồi anh Phong thay nhau đưa rước tôi đi học. Mọi việc diễn ra êm đẹp và suôn sẻ đâu chừng khoảng một tuần lễ thì xảy ra chuyện. Đúng là không có bí mật nào là có thể giấu kín mãi mãi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Việc con Yến chở tôi đến ngã tư rồi để tôi đi chung xe với anh Phong đến trường cứ ngỡ ba sẽ không bị ba phát hiện, nào ngờ sự việc lại đổ bể chỉ vì lý do tôi học tăng tiết buổi chiều.
Nếu chỉ học buổi sáng thôi thì vấn đề thật đơn giản vì ngày nào cả ba đứa cũng phải đi, nhưng học buổi chiều thì lại khác. Có hôm tôi học thì con Yến lại ở nhà vì nó học khác lớp với tôi. Cho nên tôi không thể bắt nó hôm nào buổi trưa cũng phải xuống nhà chở tôi đi học rồi hãy về ngủ, xong buổi chiều chạy vô trường rước tôi về nhà. Tôi chỉ là bạn chứ đâu phải bà nội nó mà được hầu hạ tận tình như vậy, chỉ nhờ nó buổi sáng thôi mà tôi đã thấy ngại huống chi những lúc nó không có tiết học mà bắt nó phải đón đưa.
Buổi trưa trời nắng mà đường thì khá xa, nghĩ đến cái cảnh lội bộ từ nhà tới trường tôi đã thấy ngán ngẩm rồi. Đông Phong thấy vậy mới đề nghị để anh tới tận nhà rước tôi đi học buổi chiều những hôm con Yến được nghỉ. Lúc đầu tôi cũng do dự không biết có nên đồng ý với cách này hay không, để anh đến tận nhà thì rất dễ bị ba tôi bắt gặp. Như vậy sẽ rắc rối lắm. Ba chưa bao giờ muốn tôi đến trường hay học hành gì nhiều mà theo ý ổng là vừa tốn tiền vừa chẳng nên cơm nên cháo gì. Tôi mà làm điều gì để ba tôi nổi giận thì thế nào ổng cũng đốt hết sách vở, quần áo cho mà xem.
Tuy nhiên tôi để ý và thấy rằng buổi trưa ba ít khi có ở nhà, mà nếu có thì ba cũng ngủ trưa trong phòng chứ ít khi ra ngoài. Bởi vậy tôi mới đánh liều đồng ý để cho Đông Phong đến nhà rước mình đi học, nhưng bảo anh đứng cách xa một chút chứ đừng đậu xe ngay trước cổng.
Mọi chuyện đã được tôi tính toán kỹ lưỡng như thế mà không biết trời xui đất khiến thế nào lại bị ba nhìn thấy. Bữa đó tôi từ trong nhà đi bộ ra chỗ Đông Phong đứng chờ và vừa ngồi lên xe thì không biết ông bác nào mà tôi không biết mặt, chắc bạn nhậu của ba, chở ba tôi đi nhậu ở đâu cũng vừa về tới. Thấy tôi và Đông Phong đi chung, ba tôi liền kêu bác kia dừng xe lại rồi bước xuống đất đứng chống nạnh, miệng quát lớn:
– Thu! Ai cho mày qua lại với thằng này…
Vừa nói ba tôi vừa chỉ tay thẳng vào mặt Đông Phong:
… tao dạy mày thế nào mà bây giờ mày còn cãi lời như vậy hả???
Thấy ba tôi nóng giận chửi bới um sùm nhưng Đông Phong vẫn lễ phép khoanh tay cúi chào ba:
– Dạ… con chào bác!
Ba tôi gầm lên, mặt đỏ rần như con gà chọi:
– Không có bác cháu gì ở đây hết! Tao không quen biết mày!
Nghe ba nói năng thô thiển và phản ứng gay gắt với người yêu, tự nhiên tôi thấy xấu hổ dùm ba. Dù sao ba tôi cũng là bậc cha chú mà xưng hô ” mày… tao ” với con cháu là nghe không lọt lỗ tai chút xíu nào rồi. Mà đâu phải ba tôi chỉ xưng hô như vậy với người ngoài, con cái trong nhà ba tôi cũng xưng hô kiểu ” mày… tao… ” nhưng chỉ khác ở chỗ là không gay gắt mà thôi. Cả má tôi cũng thế. Nhiều lần tôi góp ý cho má sửa lại cách xưng hô như bà bảo quen miệng rồi không sửa được. Bởi vậy tôi cũng đành chịu chứ không biết làm sao hơn.
Bạn của ba thấy vậy liền can ngăn:
– Thôi mà anh ba… tụi nhỏ đi học chung chứ có gì đâu mà anh la lối dữ vậy?
Tôi vừa thấy ba là hồn vía đã bay tuốt lên mây rồi, giờ bị ổng hầm hừ tra hỏi nữa thì chỉ biết lí nhí trả lời mà mặt cắt không còn hột máu:
– Chứ con hổng có xe mà ba…
Ba tôi nạt:
– Không có xe thì đi bộ! Ai cho mày đi chung với thằng này…
Đông Phong lễ phép thưa:
– Dạ… con tới rước Thu đi học thôi chứ có làm gì đâu bác!?
Ba tôi nạt ngang:
– Tao đang dạy con tao ai cho phép mày xen vô? Hả? Thứ mất dạy!
Nghe ba bất ngờ chửi thẳng mặt người yêu, tôi vội quay qua nhìn anh muốn nói lời xin lỗi thay ba nhưng sợ ổng chửi nên chỉ biết đứng chết trân. Tôi thấy mặt mũi Đông Phong đỏ bừng lên nhưng anh im lặng cúi đầu chứ không nói gì thêm. Có lẽ anh bị tổn thương dữ lắm. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ anh bị người khác chửi bới nặng nề như thế này.
– Ba thật quá đáng… con căm thù ba!!!
Tôi nhìn thẳng vào ba rồi hét lên thật lớn như để giải tỏa những điều phẫn uất mà bấy lâu nay tôi cứ để dồn nén trong lòng. Thật sự tôi rất sợ ba và ít khi nào dám nói năng lớn tiếng với ổng, trừ khi quá mức chịu đựng…
Ba tôi trố mắt nhìn tôi mấy giây, vẻ sững sờ ngạc nhiên vì không nghĩ tôi dám bật lại ba giữa đường. Sau đó ba tôi gầm lên rồi lao tới giơ tay định tát vào mặt tôi:
– À… bữa nay mày dám mất dạy với tao hả? Tao đập chết mẹ mày luôn bây giờ nè… mày tin không hả???
Bạn ba thấy vậy liền giơ tay ôm ba lại rồi nói nhanh:
– Thôi hai đứa đi học đi con! Ba bây say rồi mấy đứa đừng chấp nhất ổng…
Rồi bác quay sang nhìn ba, giọng trách móc:
– Anh kỳ quá à! Tụi nhỏ có làm gì đâu mà anh chửi bới tụi nó tội nghiệp…
Ba tôi nạt ngang:
– Anh biết gì mà nói…
Tôi run rẩy nhìn Đông Phong để cầu cứu, trong giây phút này chỉ có anh mới là chỗ dựa vững chắc cho tôi tựa vào mà thôi:
– Mình tính sao giờ anh…
Chắc là Đông Phong cũng thấy khó xử, không biết phải làm sao nên đưa mắt nhìn ông bác. Hiểu ý hai đứa nên bác lấy tay phẩy phẩy:
– Thôi hai đứa cứ đi học đi… để ba tụi con bác lo cho…
Nói rồi bác kéo ba tôi lên xe chở đi đâu đó chứ không về nhà. Trước khi đi ba còn quay lại nhìn tôi rồi đe nẹt:
– Tối nay về nhà mày sẽ biết tay tao!
Tôi quýnh quáng leo lên xe để anh chở đi học mà trong lòng run sợ và hồi hộp không yên khi nghĩ đến cái cảnh bị ba hành hạ giống như hôm trước. Cái án tử treo lủng lẳng trên đầu hỏi ai không run sợ cơ chứ!
Vừa chạy xe Đông Phong vừa quay ra phía sau hỏi tôi, giọng đầy vẻ lo lắng:
– Chiều nay về có sao không em?
Tôi khóc nấc lên:
– Em cũng không biết nữa… em sợ lắm anh ơi! Hu hu hu…
Vừa khóc tôi ôm anh thật chặt để mong tìm chỗ dựa tinh thần trong lúc bất ổn nhất như thế này.
Hôm đó tôi với anh không đến trường mà đi thẳng qua xã bên và ghé vào quán cà phê chòi quen thuộc ngồi uống nước và ôm nhau đến tận chiều mới trở về.
Điều tôi mong muốn lúc này không phải là thứ gì khác ngoài vòng tay âu yếm và tình yêu ngọt ngào của Đông Phong dành cho mình.
Ở bên cạnh anh, tôi thấy đời mình thật sự bình yên và không còn sóng gió.
Đây cũng là lần đầu tiên hai đứa trốn học kể từ khi quen biết rồi yêu nhau, tuy phá vỡ quy định do hai đứa đặt ra nhưng tôi nghĩ là nó cần thiết trong lúc này. Bữa nay mà vô lớp chắc tôi cũng chẳng còn tâm trí nào mà học hành được nữa.

To top
Đóng QC