Phần 26
Tôi chỉ tay vào bức rèm nước khi cả ba đã tới được chân thác:
– Đằng sau thác nước này có một cửa hang. Lát nữa ba anh em mình sẽ đi xuyên qua cái hang đó để đến bên kia ngọn đồi.
Bé Loan vỗ tay bôm bốp, mặt nở ra:
– Ôi, thích quá!
Nó ngước nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò:
– Bên kia ngọn đồi có gì hở anh?
– Có một thung lũng xinh đẹp với rất nhiều hoa trái. Chị Rùa đã giấu con Tập Tễnh ở đó. Đó là nơi vô số con thú nhỏ được sống bình yên. Ông Bốn Lai và những người khác không hề biết thung lũng này.
Thằng Thục không giấu vẻ phấn khích trước cuộc phiêu lưu kỳ thú. Nó nôn nóng:
– Sao mình không chui vô ngay bây giờ hả anh?
– Bây giờ, chúng ta phải bện một sợi dây thật dài đã.
Tôi giải thích cho hai đứa em tôi hiểu là cái hang đó rất sâu, lại nhiều ngóc ngách và chúng tôi có thể lạc đường bất cứ lúc nào. Chúng tôi phải đề phòng bất trắc bằng cách kiếm một sợi dây, rồi cột một đầu dây ở cửa hang để nếu bị lạc chúng tôi sẽ lần theo sợi dây dọ dẫm quay ra. Thậm chí khi qua được bên kia đồi, chúng tôi cũng cần sợi dây này để biết đường trở lại.
Thằng Thục và bé Loan dường như trút bỏ hết mọi mệt nhọc khi nghe về chuyến đi xuyên qua lòng ngọn đồi lát nữa đây. Tụi nó hào hứng nhặt đá nhọn để bóc vỏ cây. Trong không khí sực nức mùi nhựa cây non, những ngón tay của chúng tôi xanh lè như nhúng trong thuốc nhuộm. Trong vòng mười lăm phút, cả ba cặm cụi bện vỏ cây đã tước mảnh thành những sợi dây dài rồi nối chúng lại với nhau.
Thời tiết có vẻ ủng hộ chuyến đi khi các tia nắng không ngừng nhảy nhót trên vai chúng tôi và bên trên những tàng cây, những cụm mây trắng nõn như bông đang báo một ngày ấm áp kéo dài.
– Em đói bụng chưa?
Tôi hỏi bé Loan khi cùng thằng Thục cuộn sợi dây thành từng khoanh tròn.
– Dạ chưa. – Bé Loan lắc đầu, háo hức hỏi – Bây giờ vô hang được chưa anh?
– Ờ, bây giờ mình đi.
Tôi nói, khoác cuộn dây qua vai và dẫn đầu cả bọn tiến về phía thác nước.
– Tụi em nhớ nhìn anh. Anh đặt chân chỗ nào tụi em đặt chân chỗ nấy nghe chưa!
Tôi ngước nhìn dải cầu vồng hiện ra trong đám bụi mỏng giữa lưng chừng trời, khẽ giọng dặn hai đứa em trước khi trèo qua những mô đất dọc triền đồi, thận trọng đặt chân lên những bụi cây thấp trong khi tay níu chặt những cành lá đu đưa trên đầu.
Thích thú và sợ hãi, thằng Thục và bé Loan hăm hở bám theo tôi, từ từ men về phía thác nước.
– Đừng sợ, thác này thấp, nước không mạnh lắm đâu!
Tôi nói như hét để át tiếng thác đổ và húc người vào bức màn nước trắng xóa để lọt vào bên trong.
Rất nhanh, thằng Thục và bé Loan cũng chui vào theo, người ướt sũng nhưng mặt mày đứa nào đứa nấy tươi roi rói.
Bé Loan vừa vuốt tóc vừa nhảy loi choi trên nền hang:
– Em muốn chui qua chui lại bức màn này lần nữa quá!
– Lát về rồi chui. Bây giờ phải đi tiếp.
Tôi nói, loay hoay cột một đầu dây vào bụi chà là mọc ngoài rìa hang.
Với sợi dây không ngừng nới ra trên tay, tôi dè dặt dẫn hai đứa em đi sâu vào bên trong, bụng thầm khấn con Rùa nếu có linh thiêng thì dẫn đường cho anh em tôi.
Đang lầm rầm, tôi sực nhớ con Rùa lúc còn sống cũng đâu có thuộc con đường này. Lần trước, nó phải nhờ bọn khỉ dắt đi. Nhưng tôi vẫn hy vọng khi đã hóa thành linh hồn, nó sẽ có khả năng đi xuyên qua ngọn đồi một cách dễ dàng. Và nếu biết hôm nay tôi quay lại thung lũng mộng mơ này để sống lại lần cuối những giây phút đẹp đẽ ngắn ngủi giữa tôi và nó trước khi tôi dứt ruột rời làng, có lẽ nó sẽ phù hộ tôi.
– Lâu quá vậy anh? – Thằng Thục sốt ruột lay cánh tay tôi trong bóng tối.
– Sắp tới rồi. – Tôi đáp, không tin lời mình chút nào – Tụi em khom người xuống kẻo va phải các mỏm đá trên trần hang đó.
Thực sự thì tôi không biết tôi có đi đúng hướng hay không. Chúng tôi đi như người bị bịt mắt, không thấy gì cũng không nghe gì trong lòng đất âm u. Chỉ có sợi dây trên tay giúp tôi vững tâm không sợ bị chôn xác trong lòng ngọn đồi.
À, có. Có một âm thanh. Một tiếng vù lướt qua chúng tôi, thoáng đã mất hút phía sau.
– Có tiếng gì kìa anh! – Bé Loan nói như rên, bàn tay nó run lên trong tay tôi.
Một tiếng khọt khẹt vang lên ngay sau câu nói sợ sệt của con nhóc.
Cứ như có ai vừa bật một ngọn đèn trong đầu tôi.
– Miếng Vá!
Tôi quay lại phía sau hét lớn, dù không chắc nó có phải là thằng Miếng Vá hay không.
Một tiếng vù nữa, lần này là phóng ngược từ phía sau ra phía trước.
– Miếng Vá, đi chậm thôi! Chờ tụi tao theo với!
Tôi lại ré lên, nước mắt tự nhiên ứa ra. Con Rùa! Đúng là con Rùa đã nghe được lời thì thầm của tôi. Nó đã sai con khỉ dẫn đường cho ba anh em tôi. Tôi cắn chặt môi, cố nén một tiếng sụt sịt để thằng Thục và bé Loan không biết là tôi đang khóc.
– A, em biết thằng Miếng Vá này! – Bé Loan reo lên – Thỉnh thoảng nó hay chạy ra làng kiếm chị Rùa, bị chị Rùa đuổi hoài.
– Đuổi á? – Tiếng thằng Thục ngạc nhiên.
– Ờ. Chị Rùa sợ phường săn nhìn thấy nó.
Thằng Miếng Vá chạy khá xa, nhưng tôi vẫn nghe tiếng chí chách đằng trước mặt. Tuy không kềm được tính hiếu động, thằng Miếng Vá có lẽ cũng biết không nên bỏ chúng tôi quá xa.
– Con khỉ này biết đường qua bên kia đồi hả anh? – Thục tò mò.
– Ờ. Nó chạy qua chạy lại hoài.
Thằng Miếng Vá dẫn đường rất nhiệt tình. Tiếng kêu của nó chỉ tắt khi quầng sáng lờ mờ hắt tới từ phía trước cho biết chúng tôi sắp đến cửa hang.
…
Cũng như tôi trong lần đầu nhìn thấy khung cảnh bên kia đồi, thằng Thục và bé Loan gần như sững sờ trước những gì đập vào mắt tụi nó.
– Đẹp quá, anh! – Thục xuýt xoa.
Sau những cơn mưa đầu mùa, cây cỏ trong thung lũng xanh ngút mắt. Các loài hoa nở rộ biến rẻo đất giữa hai sườn núi thành một bức thảm màu. Hoa sao chỉ nở vào tháng năm, nhưng ở đây những bông hoa năm cánh trắng muốt vẫn kết thành từng chùm như giăng đèn trên các lối đi. Các loại hoa cúc chi chít dọc bờ nước, thêu lên cỏ những đường viền rực rỡ.
Bọn thú nhỏ tung tăng khắp nơi. Trong không trung, các loại hạt được gió chăm chỉ phân tán đi bốn phương, và bên cạnh tôi, hai đứa em đang say sưa ngắm những cánh bồ công anh cùng với bọ dừa bay thi trong nắng.
Bé Loan khều tay tôi, giọng vẫn còn ngây ngất:
– Em không ngờ chỗ này đẹp thế.
– Ờ.
– Chị Rùa là người duy nhất biết được chỗ này hả anh?
– Ông ngoại chị Rùa nữa.
– Nhưng ông ngoại chị Rùa mất rồi, xem như chỉ còn mỗi chị Rùa…
Bé Loan đang nói bỗng ngưng bặt, gương mặt đang rạng rỡ của nó lập tức se lại. Câu nói hớ của con nhóc làm không khí lập tức chùng xuống.
Thằng Thục quay mặt đi chỗ khác vờ như không nghe thấy.
Tôi đưa tay xoa má, một cử chỉ hoàn toàn vô thức, miệng đột nhiên đắng nghét. Trong một thoáng, tôi không kềm được một cái liếc mắt về phía lạch nước xanh, trong đầu hiện ra hình ảnh ngày nào con Rùa ngồi dưới bóng cây tràm liễu tỉ tê kể cho con nai con nghe câu chuyện về cậu bé thành Padova trong tiếng gió rì rào.
Cây tràm liễu với những bím tóc xanh cài hoa đỏ vẫn còn đó. Vẫn còn đó những bụi thủy trúc um tùm bên bờ nước. Chỉ có con Rùa là vắng bóng.
Con Rùa không chỉ vắng bóng ngày hôm nay. Ngày mai, ngày kia, và rất nhiều ngày về sau nữa con Rùa cũng sẽ không bao giờ trở lại thung lũng thần tiên mà nó phải rất khó khăn mới đưa được các con thú nhỏ đến đây.
Nó cũng sẽ không bao giờ trở lại với tôi nữa, mặc dù nó từng bảo nó rất thích tôi và cẩn thận dặn tôi chờ nó lớn. Thế mà trong khi tôi chờ nó thì nó chẳng giữ lời. Nó tệ ghê! Nó ra đi, giao lại cho tôi một xấp ngày trống rỗng và vô vị như giao một xấp giấy bạc mà nếu không có nó bên cạnh, tôi thật chẳng biết tiêu vào chuyện gì.
Một con sóc chạy ngang qua trước mặt, chiếc đuôi dài quẹt vào chân tôi kéo tôi ra khỏi những ý nghĩ buồn thảm.
Tôi nhìn hai đứa em, hít vào một hơi, cất giọng rầu rầu:
– Khi anh đi rồi, tụi em nhớ thỉnh thoảng qua đây chơi với bọn thú nhỏ này nhé.
– Dạ.
– Tụi em nhớ đừng cho ai biết lối đi đằng sau thác nước nghe chưa.
– Dạ.
Tôi đặt tay lên vai bé Loan:
– Nhớ thường xuyên qua chơi với bà nội chị Rùa nữa.
– Em nhớ rồi.
Thằng Thục nhìn chăm chăm vào mặt tôi:
– Thế chừng nào anh về lại?
Tôi nhìn bóng cây bạc hà miêu đong đưa trong bóng nắng, ngập ngừng:
– Anh chưa biết nữa.
Bé Loan đột nhiên sụt sịt:
– Chị Rùa mất rồi, chắc lâu lắm anh mới về.
Nói xong, sợ tôi buồn, nó lật đật nói thêm:
– Em nói vậy thôi chứ chừng nào anh nguôi ngoai thì anh hãy về.
Bé Loan mười ba tuổi, tự nhiên bữa nay nói năng y như người lớn. Tôi cảm động vì bất ngờ, chưa biết nói sao, chợt nghe một làn điệu du dương không biết từ đâu thình lình vẳng tới trong gió trưa.
Đó là một âm thanh rất mơ hồ, thoắt có thoắt không, hòa lẫn trong tiếng gió, tiếng nước chảy và tiếng chim ríu rít. Cũng có thể chính tiếng gió, tiếng nước chảy và tiếng chim ríu rít cùng nhau hòa tấu để dệt nên bản nhạc đó – như thiên nhiên vẫn thường làm thế, nhưng vì đã từng nghe qua bài hát này một lần trí não tôi tức khắc mường tượng ra giai điệu quen thuộc đang chập chờn trong gió:
Tiếng suối róc rách
Trên cành du sam gầy gò
Con gà lôi, con gà lôi
Đố mày gáy ò ó o…
Như bị ai đánh mạnh vào ngực, tôi thụt lui một lúc hai ba bước, tay chân lạnh đi đột ngột. Ở trong đầu, những ý nghĩ bắt đầu chạy tán loạn.
– Anh làm sao thế? – Thằng Thục chăm chăm nhìn tôi, giọng lo lắng.
Bé Loan bám chặt tay tôi, run run hỏi:
– Anh trúng gió hả anh?
Tôi nghe tiếng hai đứa em tôi nhưng óc tôi đang vón cục lại, còn quai hàm thì đã cứng như gỗ.
Bàng hoàng, mụ mị và gần như không thở được, tôi lặng người mất một lúc. Đến khi bừng tỉnh, tôi vội quay đầu nhìn dáo dác, lòng hoang mang không kể xiết.
Nhưng sau một hồi sục mắt vào các bụi cây, tôi không phát hiện được điều gì khả nghi.
Tôi lao đi như người mất trí.
Một phút sau, tôi đã ở cạnh các hồ nước, nôn nóng quét mắt ra bốn phía. Vẫn không thấy gì ngoài bóng lá rung rinh, tôi phóng một cách điên dại lên mé đồi bên trái nơi rải rác những cây đu đủ hoang, cuống quít tìm kiếm.
Thằng Thục và bé Loan chạy sát đằng sau tôi, té lên té xuống.
– Chạy đi đâu thế anh? – Tiếng bé Loan hoang mang.
Tôi thở hổn hển:
– Im nào!
Ngay lúc đó ánh mắt tôi bắt gặp cây bứa dại trên sườn đồi, thế là tôi vội vã chạy lại, bám cành nhánh thoăn thoắt trèo lên.
– A, hóa ra anh đi hái bứa. Anh nhớ hái nhiều nhiều nhé!
Tôi nghe giọng thằng Thục nhưng tiếng reo của nó lập tức trượt khỏi óc tôi, trôi đi xa tít. Tôi không giỏi trèo cây, nhưng lúc đó đột nhiên tôi biến thành con sóc.
Khi leo gần tới ngọn, tôi đứng kiễng chân trên chạc ba cao nhất. Một tay ôm vòng lấy thân cây cho khỏi ngã, tay kia vẹt các cành lá lòa xòa trước mặt, tôi căng mắt cẩn thận nhìn quanh, cố không bỏ sót một xó xỉnh nào.
Vẫn không có bóng người nào lọt vào mắt tôi.
…
Trong khi tôi đang bối rối, tiếng hát lại vang lên, đột ngột đến mức nếu tôi không ôm cứng thân cây chắc chắn tôi đã ngã xuống đất.
Vẫn là một giai điệu đã bị thiên nhiên pha loãng đến mức không thể nào tin rằng đó là một bài hát nhưng tôi tuồng như nghe rõ từng lời:
Bầy châu chấu khiêu vũ
Bọ chét ơi, bọ chét à
Con kiến trong hang đã ngủ
Đố mày tìm cho ra…
Trống ngực nện binh binh, tôi quýnh quáng đổi chân để xoay người trên chạc cây, hướng tia nhìn về phía sau, nơi tiếng hát vừa vẳng tới.
Đập vào mắt tôi là một cái hang nằm lưng chừng sườn đồi, cạnh khe nước nhỏ trổ đầy bông tím ven bờ đang róc rách chảy xuống từ trên cao. Lúc đứng cạnh hồ nước, tôi có nhìn về phía này nhưng cửa hang lúc đó bị những tàng cây um tùm che khuất.
Trên phiến đá lớn trước cửa hang, một người con gái nửa nằm nửa ngồi, lưng tựa vào thân cây có vẻ là cây vày ốc, miệng đang nhai một thức gì đó nhìn thấy đống trái cây bên cạnh, tôi đoán là cô gái đang ăn táo hoặc thứ quả gì đó mọc trong thung lũng.
Tim tôi như ngừng đập khi tôi nhận ra đó là con Rùa, mặc dù từ nãy đến giờ tôi chạy cuống lên cũng chỉ để tìm xem có phải nó là người cất lên tiếng hát hay không.
Dù không trông rõ mặt cô gái ngoài mái tóc đen dài xõa trên vai nhưng nhìn những con khỉ đang nhảy nhót chung quanh và con nai đốm (hẳn là con Tập Tễnh) đang nằm thong thả nhai lá bên cạnh cô, tôi tin chắc đó chính là con Rùa, niềm yêu thương vô bờ của tôi.
Tôi mở to mắt, cố làm mình đau bằng cách cắn mạnh vào môi để yên chí là tôi không nằm mơ.
Tay và chân con Rùa nhiều chỗ được băng bó và nẹp lại bằng vỏ cây. Trông nó như một bệnh nhân đang nằm ở một bệnh viện ngoài trời.
Như vậy con Rùa không chết. Ờ, nó bơi giỏi đến thế cơ mà. Trong khi bị nước cuốn, có lẽ nó đã bị thương nhiều chỗ do va phải các tảng đá giữa lòng sông. Có thể nó đã cố lội vào bờ và ngất đi trước khi bạn bè của nó (chắc là bầy khỉ do thằng Miếng Vá cầm đầu) bắt gặp và đem nó về đây.
Những gì tôi đang nhìn thấy còn kể cho tôi biết trong những ngày qua, con Rùa đã tự chữa cho mình bằng các loại cây thuốc với sự trợ giúp đắc lực của đám bạn trong rừng. Nó chưa về làng có lẽ vì vết thương trên người nó chưa lành hẳn nên không tiện di chuyển đó thôi.
Chắc lúc này lòng nó nôn nao lắm, tôi rưng rưng nhủ bụng khi nhớ ra chính nhờ giọng hát của nó cất lên trong lúc nhớ nhà, tôi mới cuống quýt chạy tới đây và tìm thấy nó.
Trong nhiều phút liền, trái tim tôi chạy đua với đủ thứ cảm xúc. Kinh ngạc, hân hoan, nghi ngờ, hạnh phúc, mừng mừng tủi tủi, tất cả cùng một lúc ùa vào tôi khiến tôi giống như người say sóng.
Cuộc sống của tôi những ngày qua bị số phận nhốt trong hầm tối, bây giờ nắp hầm đột ngột mở ra khiến tôi như con thú bị phường săn rọi đèn, choáng váng, ngẩn ngơ, ý nghĩ trong đầu lúc tan chảy ra lúc đông cứng lại rồi lại tan ra…
Như vậy là con Rùa đã giữ lời hứa. Nó cố lớn, và cố sống, để đợi tôi về.
Đầu óc lơ lơ lửng lửng, tôi không biết tôi ngồi xuống chạc cây từ lúc nào. Tay vẫn bám chặt thân cây, hai chân buông thõng, tôi cứ ngồi trơ ra đó, mắt hướng về phía cửa hang, tê liệt mọi phản ứng, cả tiếng nói dường như cũng đánh rơi đâu đó dưới chân đồi.
Chỉ có nước mắt tuôn ra dàn dụa trên mắt tôi, thi nhau rơi xuống…
Thằng Thục và bé Loan đứng dưới gốc cây đợi một hồi không thấy tôi nói gì, tự nhiên thấy ướt trên tóc, liền đưa tay xoa đầu, ngước cố kêu lớn:
– Không có trái bứa nào thì xuống đi anh! Trời sắp mưa rồi đó!
Chợ Lớn, 7 – 4 – 2013
Nguyễn Nhật Ánh
— Hết —
Cảm ơn bạn đã đọc truyện ở website gaigoi.city, trước khi thoát website làm ơn click vào banner quảng cáo bất kỳ để truyện được UPDATE nhanh hơn! Click xong nhớ xem tầm vài giây rồi mới tắt quảng cáo nhé các bạn.