Ngồi khóc trên cây – Phần 18

Phần 18
Có thể khi ông nội con Rùa vào Sài Gòn chữa bệnh lao, ông không tin ông sẽ qua khỏi vì vậy ông quyết định sẽ sống ở phương Nam đến cuối đời, không bao giờ quay trở về làng nữa.
Có thể trong hoàn cảnh khó khăn đó, bà nội con Rùa đã được ông nội tôi giúp đỡ tận tình và giữa hai người đã phát sinh tình cảm, không ngờ có một ngày ông nội con Rùa lành bệnh trở về.
Có thể, có thể và có thể. Tất cả chỉ là giả định từ những mẩu chuyện sau này tôi lượm lặt được mỗi nơi một ít và xâu chuỗi lại trong đầu để có thể hình dung ra một trong những cuộc tình gay cấn ở làng tôi gần bốn mươi năm về trước.
Còn khi bà nội con Rùa thuật cho tôi nghe câu chuyện xưa bên thềm giếng thì quá khứ chỉ bắt đầu từ chỗ tôi tha thiết muốn biết nhất: Ông nội con Rùa, do không có khả năng sinh con và do trót tuyên bố sẽ sống nốt cuộc đời còn lại ở phương Nam, đã không hề đay nghiến hay trách móc gì vợ mình về mối quan hệ với ông nội tôi. Tuy nhiên, ông không muốn nhìn thấy “giọt máu oan nghiệt” – từ dùng của ông – trong nhà.
Bà nội con Rùa dĩ nhiên không dám phản đối, đã bí mật đổi đứa trẻ lúc này đã bốn tháng tuổi với con trai bà Bốn Nhi ở xóm trong. Bà Bốn Nhi là thợ cấy thuê trong làng, có lẽ do làm lụng vất vả nên có mang mới tám tháng đã tòi ra thằng bé. Thằng bé oặt ẹo, khó nuôi, biếng ăn biếng uống, chỉ giỏi khóc ằng ặc suốt đêm. Vợ chồng bà Bốn Nhi đi xem bói, thầy bói bảo thằng bé sinh ngày mồng một, lại phạm vào giờ ngọ, chỉ có bán khoán lên chùa may ra mới sống. Hai vợ chồng bối rối chưa biết tính sao, thằng bé còn nhỏ quá đem cho chưa chắc nhà chùa đã nhận, nghe bà nội con Rùa đề nghị, hai vợ chồng mừng như bắt được vàng.
Thằng bé đó chính là ông Hương, ba con Rùa.
Chuyện đổi con dĩ nhiên chỉ có gia đình hai bên biết với nhau. Người làng Đo Đo vẫn đinh ninh ông Hương là con của bà nội con Rùa. Ngay cả cô Út Huệ cũng tin như vậy.
– Ông nội con có biết chuyện này không hở bà? – Tôi nhìn những tia nắng đang nô đùa trên cây bướm bạc kế hòn non bộ, bâng khuâng hỏi.
– Ông con không biết. Bà chưa kịp báo cho ông con biết thì ông con đã qua đời.
– Còn gia đình bà Bốn Nhi…
– Vợ chồng bà Bốn Nhi mất rồi, con à. Còn chú của con lớn lên chọn con đường xuất gia, bây giờ chính là sư trụ trì chùa Tịnh Độ.
Ba con Rùa suýt vào chùa từ bé nhưng rốt cuộc chú tôi mới là người có duyên với cửa thiền. Đôi khi đó là sự sắp xếp của số phận. Hai con người không rõ thân thế của mình là ba con Rùa và chú tôi thì một người đã mất, một người có lẽ không còn quan tâm đến những hệ lụy trần gian nữa rồi.
Chỉ có bà nội con Rùa ôm ấp câu chuyện cũ như nuôi nấng một vết thương trong tâm khảm. Vết thương đó hẳn sẽ không bao giờ lành. Nó sống mãi với bà và chỉ chết đi cùng bà.
Tôi nhìn nắng bắt đầu chảy tràn trên cây bướm bạc, quyết định không hỏi thêm bà nội con Rùa câu gì nữa. Điều quan trọng nhất tôi đã biết rồi. Tôi không muốn bà nội con Rùa tiếp tục lần giở những trang đời đã lên rêu để xát muối vào kỷ niệm dù tôi biết vì con Rùa, bà sẵn lòng vượt qua địa ngục trong lòng mình để thanh toán với quá khứ một lần cho xong.
Tôi chỉ không ngờ ông nội con Rùa cũng có một địa ngục của riêng ông.
– Những năm cuối đời, ông ấy cảm thấy có lỗi với bà. Ông ấy quyết định dời nhà về đây để bà có dịp viếng chùa thường xuyên.
Bà nội con Rùa không nhắc gì đến chuyện thầy Điền suốt ngày ngồi đối diện chùa Tịnh Độ gõ mõ tụng kinh để tìm sự bình yên cho tâm hồn nhưng tôi có thể đoán ra.
Tôi không rõ tiếng mõ sám hối có có giúp ông thanh thản được chút nào không nhưng tôi biết bà nội con Rùa mỗi khi gặp sư thầy trụ trì bên giàn nguyên tiêu trong vườn chùa mà không dám nhận mẹ con, chắc lòng bà ngổn ngang lắm.
… Bạn đang đọc truyện Ngồi khóc trên cây tại nguồn: https://gaigoi.city
Tôi và bà nội con Rùa giữ kín cuộc trò chuyện bên thềm giếng trong buổi sáng đặc biệt đó.
Buổi tối thấy tôi lên nhà tìm nó, con Rùa hỏi:
– Anh giải toán giùm bạn Thục xong rồi hả?
– Ờ. – Tôi mỉm cười, lần đầu tiên tôi nói dối con Rùa một cách sung sướng.
Con Rùa lại hỏi, không phải câu trả lời của tôi mà chính vẻ mặt của tôi làm nó thắc mắc:
– Có chuyện gì mà hôm nay trông anh hớn hở vậy?
– Có gì đâu!
Tôi lại cười. So với vẻ mặt gượng gạo của tôi những ngày trước, kiểu cười bất thường của tôi có lẽ rất khả nghi nhưng tôi không kềm được niềm vui to lớn trong lòng mình. Còn hơn cả niềm vui, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người vừa leo lên khỏi hố sâu của nỗi tuyệt vọng khốn cùng. Rất giống bầy thú nhỏ đã qua được vùng đất thanh bình bên kia ngọn đồi để thảnh thơi gặm cỏ và ngắm những cánh bồ công anh bay trong gió, tôi đã đi từ địa ngục đến thiên đường chỉ trong một buổi sáng và từ chỗ oán trách tôi đã bắt gặp trong đầu mình những lời cảm ơn số phận.
Sáng nay tôi đã không ngăn được nước mắt khi nghe bà nội con Rùa bảo “Con và con Rùa không có bà con gì hết con à”. Đó là những giọt nước mừng mừng tủi tủi của một đứa trẻ bị hà hiếp, bị giật mất quà nay được được người lớn trả lại kèm theo lời xin lỗi chân thành tuy có đôi chút muộn màng.
Đã gần một ngày trôi qua, niềm vui trong tôi lớn dần từng phút một và tôi không thể nào giữ cho các cơ mặt đừng nhúc nhích mỗi khi nghĩ đến những gì số phận bù đắp cho tôi, và thế là tôi lại trưng ra những nụ cười chắc là rất ngớ ngẩn.
Con Rùa mặc dù không tin lời tôi, nó cũng chẳng buồn cật vấn thêm. Tôi vui, với con Rùa thế là đủ. Trong mắt nó, tâm trạng vui vẻ của tôi có giá trị hơn bất cứ một lời giải thích nào.
Nó cầm tay tôi:
– Sáng mai anh ở nhà chơi với bạn Thục hả?
– Không. Sáng mai anh đi vô rừng với em. – Vừa đáp tôi vừa âu yếm gom những ngón tay mềm mại của nó trong tay tôi.
Hành động lẫn câu nói của tôi khiến con Rùa tròn xoe mắt:
– Sao hôm trước anh bảo…
Tôi cười, không biết lần thứ bao nhiêu:
– Hôm nay anh nghĩ lại rồi. Anh sẽ chơi với thằng Thục sau khi đi rừng về.
Nhưng sáng hôm sau, hai đứa tôi không thể vô rừng như dự định. Một cơn mưa rào đã giữ chân chúng tôi ở dọc đường và như một ngày cách đây ba năm, tôi và con Rùa lại chui vào giữa bụi duối dại để nhìn mưa bay qua kẽ lá.
Cơn mưa không lớn như cơn mưa năm nào nhưng nhờ nó mà một lần nữa tôi lại cùng con Rùa co ro bên nhau trong “căn nhà” ấm cúng để nghe mưa dạo nhạc trên cành lá. Vẫn tiếng rơi lộp độp quen thuộc vây bọc hai đứa tôi mặc dù những hạt mưa hôm nay là cháu chắt của những hạt mưa ba năm về trước.
Trong khi con Rùa ngồi thu mình trên hai chân thì tôi không ngừng cựa quậy và lắng nghe kỷ niệm tràn về theo hơi đất ẩm dạt dào dâng lên từ mặt cỏ. Chính giữa lòng bụi duối dại này, lần đầu tiên tôi chạm môi lên má con Rùa, dù chỉ là vô tình nhưng đủ làm trái tim tôi bồi hồi và đầu óc tôi nghĩ ngợi vẩn vơ. Có phải đó là nụ hôn đầu không nhỉ? Hay nụ hôn đầu chỉ tính cho lần tôi cố tình hôn nó khi cả hai té ngã trong rừng?
Con Rùa liếc tôi, thấy tôi ngồi cười tủm tỉm, tò mò hỏi:
– Anh đang nghĩ gì vậy?
Tôi đáp, nghiêm trang và cảm động:
– Anh đang nhớ xem anh hôn em lần đầu vào lúc nào.
– Có một lần chứ mấy! – Con Rùa bĩu môi “xì” một tiếng.
Tôi cãi:
– Tất cả là hai lần.
– Chỉ một lần thôi. – Con Rùa giật tay ra khỏi tay tôi – Ở trong rừng, thừa lúc em bị ngã.
Vừa nói nói vừa đấm thùm thụp vào lưng tôi. Tôi chộp tay nó, kéo nó về phía tôi để sung sướng nghe đầu nó ngả lên vai tôi.
– Còn một lần nữa. – Tôi thì thầm trong tiếng mưa – Ngay trong bụi cây này.
– Làm gì có!
– Có. – Tôi đưa tay vuốt khẽ lên tóc con Rùa – Lúc anh quay sang định hỏi chuyện gì đó, đôi môi anh bất ngờ chạm phải má em. Anh giật bắn vội quay đi…
– Vậy mà hôn?
– Là hôn! Vì lúc đó tim anh đập rất mạnh và đầu óc anh quay cuồng…
– Vì đầu óc anh đen tối! – Con Rùa vừa nói vừa cười.
– Vì anh thương em.
Tôi nói và bàn tay tôi lại tìm bàn tay con Rùa để siết chặt những ngón tay mảnh mai của nó. Như tôi đã bao nhiêu lần làm thế trong những giấc mơ. Để nghe những ngón tay ngoan ngoãn và tin cậy. Để nghe trong một phút yêu thương và lấp đầy.
Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao khi nghe cô Út Huệ bảo ba con Rùa là con của ông nội tôi, tôi vẫn không hề có cảm giác tôi là anh nó. Trước đây tôi cứ nghĩ tôi là con người kém bản lĩnh, rằng tình yêu tôi dành cho con Rùa lớn đến mức tôi không cảm nhận được sợi dây tình cảm thiêng liêng của dòng họ đang ràng buộc hai đứa tôi. Bây giờ thì tôi biết trái tim tôi đã đập theo sự dẫn dắt của linh cảm. Trực giác của tôi đã không phản lại tôi.
Lòng xốn xang, tôi quay nhìn con Rùa, tự nhiên muốn hôn nó một cái quá chừng.
Con Rùa không biết có đọc được ý định của tôi hay không mà đột ngột hỏi:
– Bao giờ anh lại về thăm em nữa?
– Bao giờ à?
Tôi bối rối hỏi lại, sực nhớ đến căn bệnh hiểm nghèo của mình. Hai tháng nữa, tôi phải đến bệnh viện truyền máu lần thứ hai và chờ thêm ba tháng nữa để các bác sĩ phẫu thuật ghép tủy. Từ khoảnh khắc đó trở đi, tôi không còn làm chủ được cuộc sống của tôi nữa. Có thể tôi sẽ sống thêm khoảng bảy tháng, nhưng cũng có thể là ba tháng hoặc chỉ một tháng thôi.
Từ khi phát hiện ba con Rùa không phải là con ông nội tôi, trâm trí tôi cứ lơ lửng trên mây. Ngập trong hạnh phúc, tôi quên bẵng căn bệnh của mình. Tôi không nhớ vì sao tôi trở về làng Đo Đo.
Bây giờ câu hỏi vô tình của con Rùa đâm vào lòng tôi khiến tôi nhói đau. Món quà mà tôi ngỡ tôi vừa được trả lại, có vẻ sắp bị số phận giật mất lần nữa.
– Anh không biết bao giờ anh về à? – Thấy tôi ngồi lặng thinh, con Rùa sốt ruột hỏi tiếp, những ngón tay nó ngọ nguậy trong tay tôi.
– Ờ, anh không biết.
Tôi thở dài. Tôi không biết bao giờ tôi trở về thật. Cũng có thể tôi sẽ không còn dịp trở về thăm con Rùa nữa.
Con Rùa cảm nhận tiếng thở dài của tôi theo cách hiểu của nó. Nó dịu dàng nói, cố xua tan sự áy náy trong lòng tôi:
– Anh không cần phải về sớm đâu. Nhưng mùa thả diều sang năm, em tròn mười tám tuổi, anh nhớ về thăm em nhé?
– Ừ. Anh sẽ về.
Tôi nói, và không tin chút nào vào lời nói của mình.
Có lẽ tôi không sống được đến ngày con Rùa tròn mười tám tuổi. Tôi và nó đang ngồi bên nhau giữa mùa cọng dừa, còn một năm rưỡi nữa làng Đo Đo mới vào mùa thả diều, tôi e rằng đó là quãng thời gian quá dài để tôi có thể ở lại trên cõi đời và quay về gặp nó.
Ba năm trước con Rùa không cho tôi hôn nó. Nó bảo nó còn nhỏ. Nó bảo tôi chờ nó lớn lên, rồi sợ tôi buồn nó hứa nó sẽ lớn thật nhanh để tôi khỏi nóng lòng chờ đợi. Con Rùa đã giữ lời hứa. Mùa cọng dừa năm nay, nó đã là cô thiếu nữ xinh đẹp, thậm chí trong làng đã có kẻ tới nhà mối mai dạm hỏi. Thế nhưng ngày đó tới, tôi lại sắp sửa ra đi.
Con Rùa nhìn đôi mắt ngân ngấn nước của tôi, lo lắng hỏi:
– Anh sao thế?
Tôi nói dối:
– Nước mưa đó em.
Con Rùa ngẩng đầu nhìn qua kẽ lá:
– Trời hết mưa rồi mà anh.
Bây giờ tôi mới nhận thấy cơn mưa đã ngưng từ hồi nào. Trước mắt tôi những giọt nước vẫn còn bám long lanh trên cành duối dại và qua khe hở của các nhánh cây tôi nhìn thấy một dải cầu vồng rực rỡ vắt ngang đỉnh núi xa.
– Trời hết mưa nhưng nước vẫn còn nhỏ xuống trên cành lá kia kìa.
Tôi nói, và kéo tay con Rùa:
– Về thôi em!
Nắng đầy ắp khi tôi và con Rùa thả bộ về làng, mặc dù hơi nước chưa tan hẳn trong không trung khiến mặt trời giống như một quầng sáng màu cam bay lơ lửng.
Ánh sáng sau mưa khiến mọi chiếc lá hai bên đường trở nên óng ánh và biến tất cả những giọt nước còn nấn ná trên đầu ngọn cỏ thành những hạt kim cương.
Con Rùa lôi gói xôi trong túi áo ra:
– Anh ăn không?
– Em ăn đi. Anh chưa đói.
– Em cũng chưa đói.
Con Rùa cất gói xôi vào và từ lúc đó đến khi về tới nhà nó không hỏi tôi thêm câu nào nữa. Có thể nó hồn nhiên tin rằng nước trên cành lá đã rơi vào mắt tôi thật nên không còn bận tâm đến điều đó. Cũng có thể nó không nghĩ cuộc đời lại phức tạp đến mức tôi vừa nắm tay nó hân hoan nhắc đến nụ hôn đầu trái tim tôi ngay sau đó lại có thể tê dại đi như thể đột ngột nhúng trong hố băng.
Giống như cách đây ba năm về trước, khi sương đã tan và mặt trời bắt đầu thả xuống mặt đất từng bựng nóng, con Rùa lại tìm cách giẫm lên bóng mình trên con đường dẫn về làng bằng những bước chân nghịch ngợm.
Trong mắt tôi lúc này, con Rùa trở lại là cô bé mười bốn tuổi, cả trong bước chân sáo tung tăng lẫn trong cách nhìn đời ngây thơ, trong trẻo và một lần nữa hình ảnh mong manh thần tiên của một cô bé cả tin lại làm lòng tôi quặn thắt khi tôi bùi ngùi nghĩ đến mùa chia ly sắp tới.

To top
Đóng QC