Phần 15
Cô Út Huệ mừng rỡ khi tôi bất ngờ trở về làng. Cô vui đến mức khi thấy tôi nhấp nhổm định chạy qua nhà thầy Điền, cô chẳng tỏ ý gì ngăn cản mặc dù cô biết tôi qua đó chỉ để kiếm con Rùa. Có lẽ cô tin tôi đủ lớn để không làm điều gì khờ dại.
Cũng như con Rùa, bé Loan năm nay học lớp tám ngoài thị trấn nhưng nó ở lại nhà người chú họ, cuối tuần mới về làng.
Lần này tôi về, thầy Điền đã qua đời được một năm. Bây giờ trong nhà con Rùa, chỉ có hai bà cháu quẩn quanh với nhau. Tôi nhớ tiếng mõ đều đều buồn bã của thầy Điền, nhưng khi tiếng mõ cô độc đó tắt đi dường như khung cảnh càng buồn hơn.
Ngoài vườn, hòn non bộ bay mất hai ông tiên, chỉ còn bàn cờ đá ngồi một mình nghe suối chảy. Con gà trống bằng đất nung hôm trước bị ông Bảy Thành dùng báng súng kíp đánh văng vô hàng giậu chắc là vỡ nát. Rốt cuộc, khi tôi về hòn non bộ nhà con Rùa chỉ còn mỗi ông lão đánh cá ngồi hờ hững buông câu trước cửa hang nhưng chiếc nón rộng vành trên đầu ông cũng không còn như cũ. Nó méo mó và bị gió đánh tơi ra sau mấy mùa giông bão kéo về làng.
Cá lội dưới đám bèo tai chuột cũng ít hơn. Thỉnh thoảng mới thấy một con ngoi lên đớp bóng dưới nhành dương xỉ lòa xòa. Con sóc hay trèo lên tuột xuống trên cây dừa sau vườn cũng bỏ đi đâu mất. Ngày tôi về chỉ còn mỗi con Cổ Dài loay hoay rúc mỏ vào đám rau muống dưới ao.
Nhà con Rùa vắng từ trong ra ngoài. Và khi hai đứa ngồi cạnh nhau trên phiến đá năm nào, tôi cảm thấy nỗi hoang vắng tràn vô cả lòng tôi và đang gọi tên tôi bằng một âm điệu ảo não khi tôi nhớ đến tình cảnh của mình. Trái ngang nhất là dường như tôi vẫn không thôi yêu thương đứa em họ, bất chấp trong ba năm qua lý trí của tôi đã hàng trăm lần dùng lưỡi kéo vô hình hòng cắt đứt những sợi tơ tình tuy đã rõ là nghiệt ngã nhưng không hiểu sao cứ quấn quýt mãi trái tim tôi.
Rung động đầu đời khó quên cộng thêm nỗi trắc ẩn về số phận có quá nhiều chuyện không may của con Rùa, về cuộc sống u buồn quạnh quẽ và ít được cảm thông của nó khiến tình cảm tôi dành cho nó sâu sắc hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của một chuyện tình mới lớn. Nhưng thứ gia vị cay đắng đó của cuộc đời thi nhau ướp vào mối tình của tôi khiến nó tỏa ra một mùi vị xót xa đến mức cứ mỗi lần nghĩ tới chuyện chia tay con Rùa trái tim tôi lại muốn vỡ ra từng mảnh.
Hai tâm hồn non tơ đang yêu nhau sáng trong và tha thiết bất ngờ trở thành anh em chú bác, cảnh ngộ trớ trêu này vừa đẩy tôi ra xa con Rùa vừa kéo tôi đến gần nó hơn bao giờ hết. Tôi vừa muốn đi khỏi nó hàng ngàn dặm lại vừa muốn ở kề bên nó để biến bờ vai mình thành một trụ đỡ tinh thần cho nó có chỗ tựa đầu như một cách sẻ chia. Đã nhiều lần tôi đau đớn nghĩ thầm nếu con Rùa biết tôi và nó không thể đến được với nhau vì mối quan hệ huyết thống ở trên trời thình lình rơi xuống kia không biết nó sẽ tiếp tục sống ra sao. Nó có sẽ kéo lê những tháng ngày còn lại như một con rùa thật kéo lê cái mai nặng nề của mình qua những bụi bờ gập ghềnh gai góc hay không.
– Em đoán là anh bận học nên không về sớm được.
Con Rùa nói bên tai tôi, giọng hớn hở chẳng chút trách móc. Tôi ngờ rằng trong ba năm qua con Rùa không hoàn toàn vui vẻ như cách nó đang bộc lộ nhưng có lẽ khi gặp lại tôi nỗi buồn đã bị gạch tên khỏi lòng nó, giúp nó nhanh chóng quên đi những ngày dài chờ đợi.
– Ờ… càng lên lớp bài vở càng nhiều… – Tôi đáp, xuôi theo nó, bắt gặp mình đang xấu hổ vì dối trá.
– Anh biết tại sao bây giờ trông em lạ hơn không? – Con Rùa chợt hỏi.
– Tại sao? – Tôi hỏi lại, bất lực trong việc bắt đầu óc tập trung.
Con Rùa vén tóc, mỉm cười rạng rỡ:
– Tại em lớn lên rồi đó.
Mặt tôi như bị ai kéo lệch đi và tôi phải quay đầu đi chỗ khác để con Rùa không phát hiện ra. Câu nói năm nào của nó lại hiện về trong óc tôi, rát bỏng “Bây giờ em còn nhỏ. Anh đợi thêm một thời gian nữa cho em kịp lớn anh nhé!”. Tôi nhớ cả tiếng sụt sịt của con Rùa trong đêm hôm đó. Bây giờ con Rùa đã lớn lên thật, đến mức tôi không nhận ra, nhưng khi nó đã là cô gái mười bảy tuổi xinh đẹp thì tôi đã trở thành anh họ của nó.
Con Rùa không biết gì về nỗi khổ tâm trong lòng tôi. Nó chìa bàn tay nhỏ nhắn ra trước mặt tôi, giọng reo vui:
– Anh cầm tay em đi anh!
Trong một thoáng, tôi không biết phải làm gì. Dĩ nhiên tôi rất muốn cầm tay nó, không chỉ một lần mà suốt cả cuộc đời tôi, nhưng tôi lại không thể để tôi (và cả nó nữa) lún sâu vào vũng lầy của sự cám dỗ.
Con Rùa có vẻ ngạc nhiên trước thái độ ngập ngừng của tôi. Nó ngước nhìn tôi, vẫn không rụt tay lại nhưng giọng đã bắt đầu xao xuyến:
– Sao anh không cầm tay em? Hay là anh không còn thích em nữa?
– Không. Anh thích em lắm. Bao giờ anh cũng thích em.
Tôi nói như máy và lật đật cầm lấy tay nó, không kịp nghĩ ngợi. Cách tôi chộp tay nó rất giống cái cách của người vừa tìm lại được một kỷ vật thân thiết đã trót đánh mất mà nếu không nhặt lấy ngay lúc này sẽ vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được nữa.
Quên hết những lời vàng ngọc của lý trí, tôi gói tay nó trong tay tôi, nâng niu, che chở, như đang sưởi ấm một con chim sẻ ướt mưa, lòng rưng rưng cảm động.
– Anh biết không. – Con Rùa thủ thỉ, đã yên tâm trở lại – Em cũng không muốn anh về sớm đâu. Vì lúc đó em chưa kịp lớn.
Từng câu nói hồn nhiên của con Rùa nghiến vào lòng tôi như có ai đang kéo một lưỡi cưa. Tôi cảm nhận nỗi đau một cách hoàn toàn thể chất đến mức tôi suýt buột miệng xuýt xoa.
– Em nè. – Tôi nói, nén đau, và để tránh xa chiếc bẫy yêu đương đầy mê hoặc tôi quyết định hỏi về chuyện mà thật ra tôi chỉ muốn hỏi thằng Thục – Lâu nay mấy ông thợ săn trong làng có quấy rầy em nữa không?
Tôi không muốn nhắc đến phường săn trước mặt con Rùa, sợ làm nó tổn thương khi vô tình gợi lại những tiết lộ của chú Ngãi về cái chết mờ ám của ba nó. Hỏi xong, tôi đau đáu nhìn vào mặt nó, lo lắng chờ một cái chau mày.
Nhưng dường như con Rùa không bị câu hỏi của tôi kích động. Nó khẽ lắc đầu, bình thản đáp:
– Không. Họ bỏ nghề rồi anh à.
– Tất cả bọn họ đều bỏ nghề à? – Tôi dựng mắt lên vì ngạc nhiên.
– Dạ. Anh đi khỏi làng chừng một tháng thì toàn bộ phường săn đều chuyển sang nghề khác. Ông Bốn Lai mở tiệm sửa đồng hồ. Ông Hai Sắn và ông Bảy Thành hùn vốn mở quán ăn dưới chợ Kế Xuyên. Còn chú Ngãi bây giờ lái xe tải trong Tam Kỳ.
Cứ như có ai vừa thả một cái chong chóng trong đầu tôi. Tôi há hốc miệng:
– Nhưng tại sao bọn họ lại đồng loạt bỏ nghề săn bắn?
…