Phần 14
Tôi quay về Đo Đo.
Sau khi được truyền máu, và được thông báo lần truyền máu sắp tới còn những hai tháng nữa, tôi quyết định về thăm làng, nhét theo một đống thuốc bệnh viện cấp phát trong ba lô.
Có thể đây là lần về thăm làng cuối cùng của tôi. Tôi định nói với mẹ tôi như thế nhưng rồi tôi im lặng, sợ bà không chịu đựng nổi ý nghĩa u ám đó. Nhưng nhìn vào đáy mắt tối xám và đột ngột lạnh đi khi bà nhìn tôi, tôi hiểu ý nghĩ trong đầu bà chắc không cách xa ý nghĩ trong đầu tôi là mấy.
Tôi về làng để chia tay cô Út Huệ, thím Lê, thằng Thục và bé Loan. Và đặc biệt là chia tay con Rùa, mối tình đầu trái ngang của tôi. Dĩ nhiên tôi sẽ không để ai biết bệnh tình của mình vì tôi không muốn những ngày tôi ở làng trở nên nặng nề và nhất là không muốn mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm.
Ánh mắt đó tôi đã nhìn thấy trên gương mặt lấm tấm tàn nhang của con nhỏ Bích Lan và trên gương mặt phúc hậu của mẹ nó, người vẫn quyết định giúp đỡ tôi điều trị chứng bệnh nan y bất chấp việc tôi sẽ không bao giờ trở thành con rể của bà.
Tôi nhớ bà đã giận đến xám xanh mặt mày như thế nào khi biết được nghề nghiệp của chàng trai mà con gái bà yêu thương. Tất nhiên sau đó một tuần bà đã dịu đi khi Bích Lan kiên trì thuyết phục bà bằng trước tiên là nước mắt, sau đó bằng những lời dọa dẫm, cuối cùng bằng cách vẽ ra một tương lai xán lạn của chàng rể sinh viên tương lai.
Tôi nghĩ mẹ Bích Lan là người phụ nữ đủ từng trải để không bị phỉnh phờ trước tấm thảm tương lại sặc sỡ được con gái bà thêu dệt một cách có chủ ý, nhưng có lẽ tình thương con của bà đứng cao hơn nỗi bất bình và sự nghi kỵ nên rốt cuộc bà đành nhượng bộ cuộc tình không mong đợi này bằng cách đồng ý xem cuộc trúng tuyển vào đại học sắp tới của anh chàng xiếc rong như một thứ giấy phép hợp lệ để bước chân vô nhà bà.
Có lẽ vì kết quả đảo ngược một cách ngoạn mục mà Bích Lan đã không trách móc tôi về chuyện tôi đã vi phạm lời hứa với nó, thậm chí nó còn tỏ vẻ biết ơn tôi về chuyện tôi đã không giữ lời. Điều duy nhất khiến tôi không cảm thấy thoải mái là nó bộc lộ lòng biết ơn đó bằng cách tò tò đi theo tôi mọi lúc mọi nơi và không bỏ lỡ bất cứ cơ hội cỏn con nào để chăm sóc tôi như thể tôi là đứa bé thiểu năng – chẳng biết làm gì ngoài chuyện chờ chết.
Rời Sài Gòn vì vậy đối với tôi còn có nghĩa là rời khỏi gương mặt ủ rũ của con nhỏ Bích Lan – gương mặt người ta chỉ đeo vào dịp tang lễ (thú thực nhìn bột mặt thảm sầu của nó tôi cứ nghĩ người sắp chết là nó chứ không phải là tôi) và cuộc đào thoát khỏi lòng biết ơn quá đáng của nó khiến tôi thấy chuyến trở về làng của tôi càng thêm đúng đắn.
Suốt chuyến đi, tôi ngủ gà ngủ gật và trong những cơn mộng mị chập chờn trên xe đò tôi lại nhìn thấy con Rùa. Tôi biết sau ba năm xa cách nó đã lớn hơn hình ảnh mà tâm trí tôi còn lưu giữ về nó nhưng khi đến tìm tôi trong mơ con Rùa vẫn mang bộ mặt nó từng mang khi cùng tôi lang thang trong rừng năm nào.
Có lúc tôi nhìn thấy nó nhìn tôi buồn buồn và tuy nó không trách cứ gì, rèm mi dài lóng lánh nước của nó cho biết nó giận tôi ghê lắm. Có lúc nó không thèm nhìn tôi dù tôi đứng ngay trước mặt nó và rụt rè khoe với nó nụ cười ngượng ngập. Nó giận dỗi quay lưng về phía tôi, thản nhiên ca hát. Tôi lại nghe bài ca lạ lùng của nó trôi bềnh bồng trong giấc mơ:
“Bầy châu chấu khiêu vũ
Bọ chét ơi, bọ chét à
Con kiến trong hang đã ngủ
Đố mày tìm cho ra…”
Trước mặt con Rùa, rừng cây như bốc cháy trong hoàng hôn và mặt trời đỏ như quả táo chín trên đỉnh đồi xa viền quanh mái tóc ngắn của nó như một quầng sáng đẹp đến nhói lòng.
Tôi thức và ngủ, ngủ và thức, đầu chốc chốc va vào thành xe đau điếng, với hình ảnh con Rùa chớp tắt trong mơ, vẫn không nói với tôi một lời.
Tôi chỉ choàng tỉnh khi xe tới Tam Kỳ. Nhưng tôi không xuống xe nhà bác Vận như xưa nay vẫn thế. Tôi ôm ba lô ngồi lì trên băng ghế, cũng không ngừng lại ở Quán Gò, nơi có sẵn đội quân xe thồ sẵn sàng chở khách lên mạn ngược.
Tôi quyết định xuống ngay chợ Kế Xuyên, dù từ đó tôi phải lội bộ về làng Đo Đo cả mười cây số.
Vì đó là nơi lần đầu tiên tôi gặp con Rùa.
Tôi muốn đi lại con đường tôi đã chở thằng Thục đi lượm nắp keng dạo nào, cũng là con đường con Rùa thường xuyên chinh phục bằng đôi chân trần mong manh của nó.
Khoác ba lô trên vai, tôi hồi hộp lần mò trên con đường đất lồi lõm dẫn về làng. Nắng ban mai sưởi ấm cơ thể tôi như một cái ôm dài. Có phải đó là những tia nắng cách đây ba năm từng nhảy nhót trên đôi má con Rùa lúc nó ngồi cùng tôi dưới bóng cây bướm bạc? Tôi vừa đi vừa lẩn thẩn tự hỏi, lòng dậy lên những cảm xúc rối ren và mơ hồ.
Tiếng còi tàu vẳng tới từ phía trước nhưng khi tôi đến đoạn đường sắt quen thuộc, tôi chỉ còn thấy đuôi tàu đang lượn quanh bụi tre rậm và vội vàng mất hút vào rặng lá phía xa xanh.
Có tiếng chim chèo bẻo từ chỗ nào đó đánh kẽo kẹt như chào đón đứa con xa xứ trở về. Tôi đảo mắt kiếm tìm, chỉ thấy những chùm trái nổ trắng muốt lấp ló bên đường. Trái nổ nhỏ bằng đầu ngón tay út, trắng màu ngọc trai, có vị chan chát, ngòn ngọt, thơm nồng mùi lá cỏ, nếu không nôn nao về nhà thế nào tôi cũng háo hức chạy lại hái một nhánh cầm tay tung tẩy trên đường đi.
Một vài đứa bé đứng trong nhà nhìn ra khi tôi đi qua. Tụi nó ngước đôi mắt đen láy tò mò nhìn tôi, giơ những con châu chấu màu xanh trên tay ra trước mặt như khoe tôi. Hồi bé, tôi cũng từng mê mẩn những con châu chấu, cào cào tết bằng lá như thế.
Như vậy, ở làng Đo Đo mùa cọng dừa đã về.
…
Thím Lê mừng mừng tủi tủi khi thấy tôi bước vào nhà:
– Trời, con đi đâu mà mất biệt thế con?
– Dạ, con bận học thưa thím.
Tôi lí nhí đáp, không rõ thím ngạc nhiên thật hay giả vờ.
– Sao con về lúc này? Đã nghỉ hè đâu!
Thím lại hỏi, ánh mắt vẫn xoáy vào mặt tôi như thể tôi lại chuẩn bị nói dối.
Và đúng là tôi tiếp tục nói dối thật:
– Trường con đang sửa chữa nên tụi con được nghỉ học.
Tôi hỏi để thím không kịp hỏi thêm:
– Thằng Thục đâu rồi thím?
– Nó đi học trong Tam Kỳ, cuối tuần mới về.
– À, năm nay nó lên lớp mười hai rồi.
Tôi gật gù, tháo ba lô đặt trên góc phản. Làng tôi chỉ mở cấp một, lên cấp hai phải ra thị trấn Hà Lam, lên cấp ba phải vô Tam Kỳ hoặc ra Đà Nẵng học. Tôi nhìn quanh, vắng bóng thằng Thục và cái miệng bép xép của nó căn nhà tự dưng trống trải kỳ lạ.
Hôm đó ăn cơm trưa xong, tôi ngủ một giấc tới chiều. Tôi ngủ mê mệt, vì suốt dọc đường nhồi xóc trên xe đò, tôi chẳng ngủ được bao nhiêu, cứ gà gật chập chờn mộng mị.
Thức dậy, không thấy thím Lê đâu, tôi ra sau hè rửa mặt rồi quay lên nhà trên bước lại chỗ bàn học của thằng Thục. Thấy con bọ ngựa tết bằng cọng dừa nằm chỏng chơ bên đống tập, tôi cầm lấy và bước ra cửa.
Tôi đi về phía sông Kiếp Bạc, lòng bồn chồn nghĩ đến con Rùa. Tôi không biết giờ này con Rùa đang làm gì, nó có nghĩ đến tôi như tôi đang nghĩ đến nó hay không. Tôi cũng không rõ khi gặp tôi, thái độ của nó sẽ như thế nào. Chắc nó sẽ nhìn tôi khinh bỉ như một kẻ lẻo mép, dối trá và phụ bạc. Nhìn xong, chắc nó sẽ phun nước bọt và quay lưng bỏ đi. Nếu nó đối xử với tôi như vậy, thú thật tôi không biết tôi sẽ nói gì với nó. Tôi không thể nói với nó rằng ba nó là con tư sinh giữa bà nội nó và ông nội tôi và đó chính là lý do khiến tôi không quay về làng như đã hứa.
Bí mật về cái chết của ba nó do chú Ngãi tiết lộ đã như một cú đánh mạnh vào trái tim nó, đến hôm nay có lẽ vẫn chưa nguôi ngoai, bây giờ nếu nó biết được sự thật về thân thế của nó, chắc chắn trái tim nó sẽ trầy xước thêm lần nữa, và tôi biết rằng vết thương lần này sẽ không bao giờ thành sẹo.
Tôi ngồi dưới gốc cây sầu đông bên bờ sông, xem chiều rớt nắng, đầu nghĩ ngợi mông lung.
Làng Đo Đo vừa qua mùa nắp keng, tiếng ve đã bắt đầu nỉ non trong lá và dòng sông Kiếp Bạc vẫn khô cạn như lần trước tôi về. Những tảng đá giữa lòng sông vẫn mượt rêu xanh, chỉ có lòng tôi chiều nay lên sắc xám.
Sắp gặp lại con Rùa nhưng lần này tôi chẳng thấy vui. Lần này, tôi chờ gặp nó như chờ đối diện với sự đùa cợt độc ác của số phận, chờ xem rốt cuộc thì tôi (và cả con Rùa nữa) sẽ bị bánh xe của định mệnh nghiến nát như thế nào.
Một đứa con gái từ sau lưng tôi chạy xe về phía cầu treo khiến tâm trí tôi đột ngột lãng đi. Đứa con gái mặc áo dài trắng, mái tóc đen mượt xõa tung trong gió, cặp sách buộc ở yên sau, phóng xe lên chiếc cầu đong đưa với tốc độ khá nhanh khiến tôi tròn mắt kinh ngạc.
Tôi đang tò mò nhìn theo nó thì nó chợt ngừng xe lại giữa cầu. Trong khi tôi cố đoán xem đứa con gái gặp chuyện gì, nó thình lình leo xuống khỏi yên và dắt xe đi ngược trở lại.
Tôi thấy rõ đứa con gái đang nhìn về chỗ tôi ngồi nhưng tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nó. Ánh mắt tôi chỉ lướt nhanh qua người nó rồi quay đi chỗ khác, rồi lại liếc trộm nó một cái nữa để lần này quay hẳn đi, thầm đoán nó bị hư xe nên quay về xóm dưới tìm chỗ sửa.
Tuy nhìn đi chỗ khác tôi vẫn cảm nhận được đứa con gái đang đi về phía tôi. Dù vậy tôi vẫn dán mắt vào bãi cát lấp lánh nắng trải dọc triền sông cạn, cố không quay đầu lại, bụng thầm nhủ: “Chắc nó định nhờ mình sửa xe giùm”.
Chỉ đến khi đứa con gái dựng xe vào thân cây sầu đông và ngồi xuống bên tôi, nhẹ giọng vui mừng:
– Em biết thế nào anh cũng trở về.
Tôi mới giật nảy người, hấp tấp ngoảnh mặt lại.
“Con Rùa”, một tiếng reo bật ra trong đầu tôi.
Con Rùa. Chắc chắn đứa con gái trước mặt tôi là con Rùa. Nhưng ngay cả khi biết rõ nó là con Rùa, tôi vẫn thấy ngờ ngợ.
Đang ngồi trước mặt tôi và nhìn đăm đăm vào mắt tôi đây là một thiếu nữ trắng trẻo, duyên dáng và xinh xắn lạ lùng. Con Rùa mà tôi biết có nước da rám nắng. Mái tóc của con Rùa ngắn, lởm chởm và hoe hoe đỏ. Và quan trọng là con Rùa không biết đi xe đạp.
Con Rùa tôi đang nhìn thấy hoàn toàn khác hẳn con Rùa từng trú ngụ trong đầu tôi. Vì vậy khi nhìn đứa con gái tóc dài chạy xe qua cầu, tôi không có chút liên tưởng nào đến nó.
– Sao anh nhìn em sững vậy? Em lạ lắm sao?
Nghe con Rùa hỏi, tôi sực nhớ từ nãy đến giờ tôi chỉ mải nhìn nó, vẫn chưa nói tiếng nào. Tôi không nghĩ tôi gặp con Rùa trong tình huống này. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để gặp nó, mặc dù tôi quay về làng chính là vì nó.
Tim đập thình thịch, tôi nói như người hụt hơi:
– Ờ… trông em lạ lắm.
Tôi nhìn con Rùa, lần này tôi nhận ra đôi mắt ngời sáng quen thuộc đang đưa qua đưa lại dưới rèm mi đen dài từng làm tôi thao thức trong những đêm Sài Gòn trở gió. Đôi mắt đó, cộng thêm cách bắt chuyện tự nhiên của con Rùa giúp tôi dần trấn tĩnh.
Vui vẻ, hồn nhiên, thân mật, con Rùa nói chuyện với tôi như thể chúng tôi vừa gặp nhau hôm qua chứ không phải từ ba năm trước. Và dường như nó chẳng hề ngạc nhiên chút nào khi bắt gặp tôi ngồi bên bờ sông lộng gió lúc này.
– Lúc nãy nhìn thấy anh từ phía sau, em không nghĩ đó là anh. – Con Rùa mỉm cười nói – Nhưng khi đi tới giữa cầu tự nhiên em tin đó là anh.
Nó ngưng một chút rồi nói thêm, giọng thoảng qua tai tôi như tiếng gió:
– Em tin anh đã trở về và đang ngồi đợi em.
Tôi và con Rùa vẫn nhìn vào mắt nhau, nhưng gần như chỉ có nó nói. Tôi chỉ nói mỗi một câu rồi lặng thinh nhìn nó, tay mân mê con bọ ngựa bằng cọng dừa một cách vô thức, lòng rối tung như có ai vò.
– Em nhớ anh lắm đó.
Con Rùa thì thầm, vẻ rạng rỡ khiến gương mặt nó như tỏa nắng, nhưng tôi chợt thắt lòng khi phát giác đôi mắt đẹp của nó đang rưng rưng và đôi môi nó đột ngột méo xệch đi như sắp òa ra khóc.