Phần 3
Câu tôm
Quá rằm tháng tám trời ngả hẳn tiết thu gió khô khô lành lạnh tràn qua cánh đồng đầy những gốc rạ đã khô trắng. Những bờ cỏ cũng chuyển mùa úa nửa vàng nửa xanh chỉ có những khóm dứa dại là còn giữ nguyên vẻ xanh tốt đậm đà của mình. Trời đất cứ bàng bạc, những đám bụi cát nhỏ cứ vẩn tung lên sau mỗi cơn gió nhẹ, đất khô trắng nứt nẻ chân chim.
Trong cái khung cảnh ấy trên chiếc cầu bắc ngang con đầm rộng có mấy đứa trẻ ngồi yên lặng mắt chăm chú nhìn vào những chiếc cần câu ngắn ngủn có buộc sợi chỉ dài ngâm xuống mặt nước phẳng như gương. Chúng đang câu tôm đấy đang kiếm chút chất tươi cho những bữa cơm đạm bạc. Thỉnh thoảng những chiếc cần bỗng rung nhẹ, lập tức mắt chúng sáng lên từ từ nhấc cần câu khỏi mặt nước, mặt nước sẽ xao động, sóng sánh rồi thế nào cũng có một chú tôm càng vừa búng tanh tách vừa bị kéo lên khỏi mặt nước. Chú ta huơ hươ hai cái càng như cặp đao nhỏ hăm dọa một cách giận dữ nhưng dù chú có huơ càng, có cong mình chống đỡ búng tanh tách thì chú vẫn bị kéo lên để rồi bật nhảy loạn xạ trong chiếc giỏ nhỏ cùng đồng loại.
Thằng bé có dáng người gầy gầy đen đen đếm lẩm nhẩm rồi móc lại mồi rồi lại buông cần. Nó tiện tay quơ một khúc mía giò đưa lên mồm gặm, mía giò là tên một loại cây thân dài như rau nhút nhưng mọc trên mặt đất nhưng thân đỏ tía và phần thân rất mập mạp lá hình như trái tim, bẻ thân ra tước từng đoạn thì phần bên trong hơi giống khúc mía đã bóc vỏ lên lũ trẻ gọi là mía giò.
Ăn nó giòn giòn chua chua. Thật ra nó cũng chả ngon lành gì nhưng với trẻ nhà quê với cái bụng lúc nào cũng rỗng và sôi ùng ục thì vẫn là ngon chả thế mà nó lại có cái tên nghe đã chảy nước miếng mía giò. Câu tôm thì thú lắm cảm giác hồi hộp chờ đợi cảm giác đấu trí với lũ tôm xem nó nháy nó cắn, nó tợp rồi lôi mồi đi kéo cong cái cần bé tí. Cái cần cong, sợi chỉ căng vẽ lên một vòng cung rất đẹp trên mặt đầm trong xanh phẳng lặng, lác đác vài cụm bèo tím biếc, thơ thẩn như trai đứng đợi người yêu.
Lũ trẻ câu tôm luôn ganh đua đếm từng con một, rồi đứa này so đọ số tôm với nhau. Nhiều, ít, to, bé, gầy, mẩy cãi nhau chí chéo nhưng không đi thì thôi đã đi là có tôm ăn. Nhiều thì được nồi tôm kho còn ít thì cũng đủ làm nồi canh tôm nấu với rau bầu hay rau muống ngọt lừ. Tôm càng chắc mẩy đem rán qua mỡ rồi kho khô cho thêm ít đường và mì chính vỏ ngoài con tôm thì con nguyên nhưng thịt tôm bên trong quắt lại ăn với cơm nóng nhai kỹ thì thật không biết bao nhiêu cơm cho đủ. Thịt tôm rắn chắc nhưng càng nhai càng bùi càng ngọt quyện nhuyễn với cơm nhiều đứa trẻ con biếng ăn nhưng khi được mớm món cơm tôm này vẫn ăn thun thút.
Loại tôm này ăn ngon nhất là vào dịp cuối thu đầu đông. Những con tôm tích nhiều thức ăn trong những đợt mưa lũ màu mỡ của mùa hè đang tích trữ năng lượng cho mùa lạnh nên rất béo chắc. Ngày xưa các cụ rất có kinh nghiệm trong việc xếp mùa cho từng loại thức ăn theo quy luật rất khoa học và đúc kết thành những câu ca đơn giản như “rạm tháng ba cà ra tháng mười”. Nếu như vớ được con tôm trứng thì còn ngon hơn nữa. Trứng đúc chặt ở phía đầu tôm như miếng lòng đỏ của trứng mặn ăn rất bùi và đậm đà cũng có lẽ nhờ những thức ăn như vậy mà tôi có xương cốt khá chắc khỏe cho dù sức khỏe cũng không phải là dồi dào gì cho lắm.
Một mâm cơm ngày đầu đông nồi cơm trắng bốc hơi nghi ngút, một đĩa tôm rang vàng rộm một đĩa rau và bát nước mắm đơn sơ mà ấm cúng. Một ký ức mà nhiều khi muốn làm cho người ta quay trở lại. Muốn sống với quãng thời gian an bình yên ấm, nghèo khó nhưng vô tư và không có quá nhiều tham vọng. Muốn một sáng ngủ dậy thấy cảm giác nhẹ nhõm và thanh bình. Bầu không khí sạch sẽ ít tiếng ồn và bụi bẩn giấc ngủ cũng sâu hơn. Khi ngủ dậy luôn có cảm giác nhẹ nhõm và không thấy mệt mỏi và cảm giác sạch phổi. Bữa ăn ít đạm nên cũng rất nhẹ nhàng dễ tiêu. Không có cảm giác ấm ách nặng nề. Cái dạ dày và bộ máy tiêu hóa không phải bận rộn làm việc.
Cái lưỡi câu tôm làm rất đơn giản nó không cần có ngạnh hay khó làm như lưỡi câu cá. Chỉ cần lấy một đoạn dây phanh xe đạp lấy một sợi nhỏ mài sắc rồi uốn cong mắc thêm tí mồi giun là câu được. Ngồi đu đưa trên cầu trong tiết trời se se lạnh câu tôm cũng là một cái thú giải trí và thư giãn. Bây giờ nhiều khi chỉ ước ao thời gian quay lại để có lại những ngày thanh bình ấy.
Ký ức một thời một thời thơ ấu khốn khó mà vẫn đầy ắp niềm vui. Bây giờ nhiều lúc muốn tìm cảm giác yên bình muốn tìm lại sự yên tĩnh của ngày xưa nhưng sao mà thật khó chiếc điện thoại di động bây giờ như vật bất li thân nhưng mỗi lần nghe chuông reo lại thấy giật mình. Thấy ngán ngẩm mỗi khi phải nghe điện thoại muốn tìm một không gian thật yên tĩnh và chỉ có một mình để thư giãn tuyệt đối mà thấy khó quá.
Tôm được câu về thông dụng nhất là tôm rang nhưng hôm nào có thời gian có thể mẹ hay các chị sẽ nấu món canh tôm với bánh đa. Tôm đem giã nhỏ lọc lấy nước rồi phi ít hành mỡ vào nồi cho nước lọc tôm vào nấu với bánh đa khi nước sôi gạch tôm sẽ nổi và đóng thành quầng màu đỏ thẫm cho thêm một ít rau muống vào nữa thế là được nồi canh tôm thật ngọt và ngon lành. Bánh đa là những chiếc bánh được làm bằng gạo đỏ là loại gạo không ngon và rẻ tiền cũng chưa cắt mà cứ thế bẻ vụn ra… Vị tôm đồng ngọt mà không gắt rất dễ ăn lúc bắc nồi ra cho thêm ít hành răm cho dậy mùi những bữa cơm chiều như thế thật là ngon trong tiết trời cuối thu lành lạnh.
Bây giờ nếu có những món như vậy nhưng nấu bằng nước máy mùi vị của nó đã mất đi rất nhiều. Không có vị ngọt của nước mưa hứng từ những cây cau có cả mùi hoa cau thoang thoảng. Thời gian như dòng sông cứ trôi theo một hướng chở theo đủ mọi vị đời. Ta cứ bập bềnh trôi trên dòng chảy ấy. Trôi dần cho đến cuối cuộc đời càng lớn càng sống sẽ hiểu ra những chiêm nghiệm hiểu được những câu hát như kinh khổ trong nhạc Trịnh. Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Ừ nhiều lúc thấy đời mỏi mệt thật mà vẫn phải sống phải lăn lộn cho một cuộc sống tốt hơn. Thi thoảng chẹp miệng nhớ cái cảm giác ngồi đung đưa trên thành cầu nhai mía giò câu tôm. Nhớ bát canh tôm nóng hổi bốc khói mà thương nhớ một thời.