Mùi vị quê hương – Phần 28

Phần 28
Chuyện nhặt ven sông
Trời chiều đã 3h mà còn nắng gắt. Thành “gà” lầm lũi vác cuốc ra bãi làm cỏ ngô. Tay thoăn thoắt lật đất mà đầu óc Thành “gà” nặng như đeo đá. Dạo này hắn đang “tư tưởng”. Lô đề trượt suốt. Ngô thu từ đầu vụ đến giờ đem gán trừ nợ hết cả cho em Loan “béo” ghi đề kiêm bán ngô luộc ở chân cầu Long Biên mà cũng vẫn còn “âm” gần 2 triệu. Đã thế, hôm kia ngồi ăn cơm, nghe đứa con gái lớn nhắc đóng tiền học, vợ gã lại véo von: “Hỏi bố mày ấy, thấy vặt gần hết bãi ngô rồi mà còn chưa đưa tao đồng nào đây này!”.
Càng nghĩ càng thấy bực. Mồ hôi túa ra mặt, gã đưa tay áo bộ đội quệt vội. Tổ sư cái đàn gà nhà lão Tam thấy gã dừng cuốc, lập tức lao vào tranh nhau nhặt giun. Nhìn mấy con gà béo núc ních, một ý nghĩ thoáng qua rất nhanh trong đầu gã: “Hay là…”. Nghĩ là làm, liếc quanh một cái, gã bổ nhào như tiêm kích Mỹ đánh bom kho xăng Đức Giang. Một con mái mơ đã nằm kẹp cứng trong ngực, tay kia gã túm được con gà trống đầu đàn. Lẳng 2 con gà vào nằm lẫn trong 2 cái tải ngô to đã bẻ từ hồi sáng, gã đắc chí lẩm bẩm”Tự dưng mà đi bộ đội chúng nó gọi tao là Thành Gà!”.
Dúi cái cuốc vào bụi. Rê 2 tải ngô ra mép sông. Kéo thêm 1 thân chuối to. Vắt khéo 2 tải ngô 2 bên, thành cái bè. Thành “gà” ung dung đẩy cái bè ngô của gã xuống nước. Nước sông mát lạnh, bè trôi băng băng, gã chỉ việc ve vẩy cái chân làm bánh lái đưa bè ra giữa dòng.
Đang hân hoan với ý nghĩ chiều nay sẽ có con lô “cứu mạng” từ tiền bán gà, bỗng chợt mũi gã ngửi thấy mùi khăn khẳn. Dáo dác ngó quanh, gã giật mình nhận ra một xác chết đang trôi ngang. Có lẽ là nữ trẻ, vì mái tóc đen dài lập lờ. Thực ra với hơn chục năm kiếm ăn ở bãi giữa sông Hồng, gã có lạ gì mấy cái vụ chết đuối này. Trước gã vớt suốt. Nhưng lần này thì gã ngần ngừ. Hồi đầu năm gã lên phường xin chứng giấy tờ tạm trú, mấy tay công an đã càu nhàu: “Mẹ cái thằng ngụ cư đất bãi này là hay vẽ việc cho chúng ông làm lắm đấy nhá. Mày rỗi việc hay sao mà cứ tha mấy cái xác ấy lên bờ làm gì? Để cho nó trôi xuôi cho phía dưới nó làm”. Lão Tam, tổ trưởng xóm đứng đó tiện thể “tát nước theo mưa”: “Lo mà giữ lấy cái bãi ngô mà có cái bỏ vào mồm nhá Thành Gà!”. Chưa kể lần này gã lại đang có 2 con gà bắt trộm trong tải ngô… Nghĩ đến đó, gã lựa dòng chảy, bẻ cái bè trôi chéo đi. Ngang qua cái xác, gã rướn chân đạp một phát cho nó trôi ra xa.
Về đến bến, Thành “gà” bê 2 tải ngô lên bờ cất cẩn thận vào trong cái lều nát của thằng Sơn “cát”. Ngó đồng hồ thấy còn sớm, gã lững thững ra “hủm”.
Xuôi qua chân cầu Long Biên chừng dăm chục mét bên phải, nước ăn xoáy vào một chỗ, cuộn tròn như miệng phễu. Dân bãi gọi đây là cái “hủm”. Sức nước ở đây rất mạnh, càng bơi vào nước càng đẩy ra mà ở xa thì lại bị hút vào. Thành “gà” men theo mép đá, lội tới tầm ngang bụng thì trụ chân vào lèn đá dưới nước, quay lưng lại dòng chảy rồi ngả người về phía sau. Nước siết, cứ như bơm cao áp thốc vào lưng. Gã từ từ ngả cho đến khi chỉ còn nhô mỗi cái mũi để thở, mặc cho nước chảy tràn qua mặt.
Thành “gà” nhắm mắt lại. Cứ mỗi khi có việc cần suy nghĩ, gã lại ra đây thư giãn. Gã khoái cái cảm giác buông thả cho thân xác đương đầu với dòng nước xiết, mà gã hay gọi là “mặc mẹ cho dòng đời xô đẩy”. Chìm trong nước, tai gã nghe thấy cả tiếng xà lan chạy pạch pạch, tiếng nhà thuyền í ới chen trong tiếng nước ù ù… Bỗng dưng gã nghe có tiếng gọi: “Anh ơi!”
Thành “gà” nhỏm dậy. Hình như tiếng gọi từ bãi chuối. Không lẽ em Loan “béo” hôm này dở chứng ra tận đây tìm gã? Ngó quanh quất, chả thấy ai. Gã lại buông người chìm vào nước.
Vừa mới nhắm mắt, gã lại nghe thấy “Anh ơi!”. Lần này gã nằm yên, lắng tai. Tiếng gọi là từ dưới nước. Lần này rõ lắm: “Anh ơi, em nhờ cái!”.
Một luồng điện chạy dọc sống lưng Thành “gà”. Gã bật tung người, chồm vội vào bờ. Cái quần đùi “Habana cây dừa” vướng vào đâu đó ghì gã lại nhưng gã mặc kệ, rút chân nhảy ngay lên bờ.
Trần truồng, gã phóng chạy như điên về lều. Mặc quần áo, chất 2 tải ngô lên cái xe đạp đời Tống, gã đạp hồng hộc ra dốc lên cầu.
Tối hôm đó, con lô “cứu mạng” của Thành “gà” lại không về. Đề thì “xuýt ăn”. Vợ lại lườm nguýt, con lại mè nheo tiền học. Trằn trọc cả đêm không ngủ, tờ mờ sáng, gã nhẹ nhàng mở cửa mò ra bãi.
Ngay đầu bến sông, lố nhố mấy bóng người. Bát hương, cơm trứng. Bà mẹ già tóc lốm đốm bạc đi dọc mép sông, vừa đi vừa gọi con. Ông bố bạc phếch trong cái áo bộ đội cũ, lặng người quệt nước mắt.
Thằng Sơn “cát” đang đứng hóng, thấy gã đạp xe đi ngang, giật tay dúi cho tờ giấy.
Về đến lều, Thành “gà” chỉ liếc qua. Những tờ giấy kiểu này, gã quen quá rồi. Tờ photo, ảnh cô gái trẻ, số điện thoại báo tin, hậu tạ 5 triệu… Gã bần thần nghĩ về cái khoản 5 triệu. Vừa đẹp khoản nợ. Chỉ việc dẫn ra chỗ cái “hủm”. Nhưng gã cũng nhớ đến câu cảnh cáo của lão Tam. Lão ấy muốn cướp cái bãi ngô của gã từ lâu rồi. Sống chết gì, gã cũng phải giữ cái bãi ngô của gã. Cả nhà gã trông vào đó.
Suốt trưa hôm ấy, rồi cả ngày hôm sau, Thành “gà” cứ nằm khàn ngoài lều nát. Suy nghĩ nhiều làm gã nặng đầu, chả muốn về nhà. Lâu lâu đám thợ câu lại rẽ qua, ăn điếu thuốc lào vặt, đớp chén nước. Đám này nhận 20 triệu tiền thuê vớt xác của nhà bà lão mất con, nên đến nơi là tranh cãi ỏm tỏi. Đoán chỗ này, đoán chỗ kia.
Thành “gà” chỉ nghe và thở dài.
Việc tìm kiếm đã kéo dài cả tuần. Thuyền câu xuôi xuống tận quá bến Phà Đen, vừa đi vừa rà lưới. Toàn vớt được rác.
Trưa nay đám thuyền câu lại mò về. Vào lều nát, đợi bà lão đến. Thành “gà” nằm trên chõng, vắt tay lên trán vờ ngủ, mà thực ra gã nghe hết. Tình hình là bà lão lại phải chi 20 triệu nữa thì đám thợ câu mới chịu đi xa hơn. Cứ thế này, bà lão có lẽ phải mất đến trăm triệu. Cũng vô ích thôi, Thành “gà” tự nhủ. Gã xoay người, cố ngủ. Hình ảnh bà lão lần theo mép sông gào khóc gọi con cứ ám ảnh gã suốt mấy hôm nay. Đầu gã như muốn nổ tung. Tay gã vò cái tờ giấy có số điện thoại đến mủn ra.
Không thể chịu đựng nổi nữa, Thành “gà” chồm dậy. Lấy xe đạp, gã chạy đi mua 1 cái SIM rác.
Tầm 2h chiều, ven “hủm” đông đặc người. Bà lão đứng mép bờ, chừng đã khóc khản tiếng, chỉ còn tiếng ức ức nơi cổ, tựa vào ông lão đau đáu nhìn xuống sông. Đám thuyền câu ném câu, ném lưới xuống “hủm” đã dăm lượt mà không thấy gì. Nước xoáy làm dây câu và lưới cứ quấn chặt lấy nhau.
Lão Tam trưởng xóm đứng chống nạnh nhìn từ đầu, phán luôn: “Tổ sư cái loại điện thoại báo tin mà nặc danh, không dám xưng tên, gọi lại tắt máy thì biết rồi đấy. Toàn quân lừa đảo. Lại công toi thôi!”
Đám thợ câu dáng chừng cũng nản, thu câu, ngước nhìn bà lão. Bà cụ chả biết làm thế nào, lật đật đi ra mép sông, quỳ xuống đất khóc ngất.
Bỗng… kìa! Từ dưới “hủm”, lừ lừ nổi lên. Mái tóc đen, thật dài…
Bà con ồ lớn. Đám thuyền câu xúm lại.
Đưa lên bờ. Thật chậm, thật khéo, từ từ, từ từ…
Trong tay cô gái, ôm chặt cái gì đó. Gã thuyền câu lấy cái sào tre, khều nhẹ. Một cái quần đùi hoa.
Lão Tam trợn tròn mắt, thét lạc cả giọng: “Sao lại có cái quần Habana cây dừa của thằng Thành Gà ở đây?”
Đang đứng lấp ló như chó xem tát ao sau mấy con mụ béo chanh chua, Thành Gà tái mặt. Vội ôm đầu lủi mất.
Chiều hôm sau, Thành “gà” lại mò ra “hủm”. Em Loan “béo” đã hết kiên nhẫn, ngày mươi cuộc điện thoại đòi nợ, chửi tơi tả. Gã chìm trong nước, chỉ muốn buông chân buông tay cho trôi luôn. Gã mở to mắt, nhìn trời. Trời xanh, 2 đám mây trắng bồng bềnh. Đẹp thật, nhưng mà sao đời mình khốn quẫn đến thế này. Thành “gà” tự nhủ. Muốn chửi trời, muốn chửi đời, muốn rủa thân rủa phận. Bỗng gã để ý thấy 2 cái cụm mây trắng nãy giờ như 2 cục bông, bỗng từ từ co lại. Trông như 2 con vịt. Ồ không, giờ nó ra rõ ràng là con số 2. Ngắm thêm tý nữa, thì đúng là cặp số 22 hiển hiện lồng lộng giữa trời thật.
Cái tin Thành “gà” ăn đề 22 lan nhanh trên bãi, và chẳng bao lâu trở thành đề tài “hot” nhất đất Long Biên trong tháng. Đơn giản vì cách đánh đề của gã chẳng giống ai. Gã đánh bằng cái xe đạp của gã, tức là giờ đây chủ đề là em Loan “béo” phải trả cho gã 70 cái xe đạp như thế. Quá khó để tìm ra 70 cái xe đạp cũ nát như vậy. Sau một hồi thương lượng, Loan “béo” chấp nhận xóa hết nợ cũ và đưa thêm cho gã 20 triệu.
Khoản tiền vừa đủ để gã đóng tiền học cho con, đưa tiền ăn cho mụ vợ già lắm điều và mua 1 cái xe Wave để chạy xe ôm…

To top
Đóng QC