Mùi vị quê hương – Phần 17

Phần 17
Bạc
– Ối làng nước ơi. Cứu với…
Ối zời ơi. Chú Thiết ơi. Làng nước ơi.
Tiếng bà Sẽ la thất thanh xé nát cái buổi trưa hầng hầng oi oi của cái tiết cuối hè. Không khí nhiều độ ẩm cứ đặc sịt lại, lỗ chân lông dưới da không thở được bí bách. Ngồi không cũng rươm rướm mồ hôi.
Thế mà tiếng kêu thất thanh của bà Sẽ xé toang cái oi nồng đặc sánh ấy kéo người ta nhỏm dậy. Rồi lại kéo người ta nằm vật ra. Ôi dào. Lại chuyện nhà ông Hẹ. Vợ chồng lại nện nhau bà vợ lại la làng. Bao nhiêu bận rồi. Dân làng đã nhờn với việc vợ chồng ông bà dọ nhau. Con cái can mãi chả được cũng phát chán bỏ mặc. Vợ chồng tẩn nhau đuổi đánh nhau gào khóc chán rồi thôi. Chả ai để tâm để ý. Có chăng là lần này lại nện nhau vào buổi trưa làm mất giấc ngủ của xóm ngõ.
Suy cho cùng. Ở đời hiền lành quá là một cái tội mà tin người quá vội là một cái ngu. Mà ông Hẹ chắc là người như vậy. Cả đời ông gắn với cái thuyền lưới bé tí tẹo. Ông chuyên đánh lưới bắt cá dọc các tuyến ao, chuôm đầm, ngòi quanh làng. Xem ông đánh lưới thích lắm như làm xiếc ấy. Cái thuyền bé tẹo thuôn thuôn có cái ghế tre bé tẹo ở giữa thuyền lại có cho ít nước để sống cá. Cái thuyền ấy người không quen bước xuống là lật ụp ngay. Người to béo nặng nề bước xuống có khi đắm thuyền vậy mà ông Hẹ bước xuống nhẹ như ngọn lá tre khô rơi xuống mặt ao thu. Ông ngồi ngay ngắn trên thuyền rồi thong thả khua hai cái mái chèo như đôi đũa cả to dẻo như múa quạt. Thế mà cái thuyền lao đi vùn vụt nó luồn lách, quay ngang quay dọc, đi nghiêng nghiêng thuần thục và ngoan ngoãn như con trâu mộng nhà ông Tá. Rồi lúc ông nhún thuyền đuổi cá. Cái thuyền theo nhịp nhún của ông tạo ra từng đợt sóng nước vỗ bờ oàm ạp, cái thuyền như con cá ngừ đại dương quẫy chìm hẳn xuống nước ngang cả thân mình ông rồi lại nổi vọt lên. Dập dình như muốn xé tung đám bè rau muống trên mặt đầm. Ánh nắng ăn theo nhịp sóng bắt sáng ánh lên cái cơ thể nhỏ nhưng chắc khỏe như kiến càng của ông.
Ông nhún thuyền đuổi cá như nhún xiếc ấy. Rồi ông khua mái chèo đập mạn thuyền cành cạch xua đám cá lao ra mắc lưới. Bóng nắng in cái bóng gân guốc của ông luênh loang trên mặt đầm. Dập dềnh theo đám lục bình hoa tím.
Sóng nước yên lại ông thong thả lần theo tay lưới nhấc lên nào bé thì rô ta, nào diếc, nào dói, rô phi, cá ngạo. Nhỡ thì nào trôi, nào mè to thì nào trắm, nào chuối. Ông nhẹ nhàng gỡ ra khỏi các mắt lưới rồi ném vào lòng thuyền lạch xách, loạc xoạc cả lũ chen chúc với nhau. Thế là bà Sẽ lại có mẻ cá tươi mang ra chợ bán. Lại hai cái rổ úp ngược với cái giỏ và nụ cười với hàm răng nhuộm đen lởm nhởm, te tái chào mời mua cá.
Ông Hẹ lành lắm quanh năm chả va chạm với ai. Lúc nào cũng là nụ cười hiền lành bẽn lẽn. Ai nhờ đánh cá hộ là giúp. Trả công cũng được không thì chỉ đưa ông dăm con cá cũng được. Đám xá ông hay đùn bà đi thay. Bà mau mắn hay chuyện hơn ông đến tận tám tuổi. Hồi cưới nhau về bà vẫn còn cõng ông đi học. Vắt mũi và tắm cho ông. Ăn ở với nhau đến sáu mặt con. Ba đứa theo nhau dắt díu vào Nam. Ba đứa ở quê. Cũng chăm chỉ lam làm theo nếp bố mẹ cả. Hàng ngày ông chăm chỉ đi đánh cá về đưa vợ bán. Thú vui duy nhất của ông là có cút rượu nếp nhấm với cá nướng và cơm cháy ở góc hiên vào mỗi buổi chiều. No say ông lại liêu xiêu đi vào buồng ngủ.
Mọi chuyện loạn lên từ khi mụ Tơ ở đâu về mở cái quán cơm đầu làng. Cái mụ Tơ này trước đã đi ở cho nhà ông Tá lèm nhèm với ông Tá thế nào mà để bà Tá với lũ con đè ra nọc cổ cắt tóc đánh cho bò lê bò càng. Sau vụ ấy bỏ làng ra mạn Cẩm Phả. Hình như làm phò bớp gì ở đấy. Con mẹ này lẳng lơ đĩ thoã có tiếng từ thời mới nứt mắt. Giờ quá lứa mới về mua lại miếng đất của nhà anh cu Khôi ở đầu làng mở quán cơm. Mụ quá tuổi nhưng vẫn phây phây tiếng cười rõ là lẳng. Lúc khơ khớ khơ khớ, lúc khinh khích khinh khích. Nhìn thấy giai lực lưỡng là mắt cứ sáng lên sóng sánh đong đưa. Rõ là lẳng. Ăn nói thì bậy bạ khủng khiếp mở miệng là chửi bậy là lôi cái việc đực cái ra rồi chuyện gì mới nói sau. Mụ mở cái quán cơm ban ngày còn ban đêm mụ làm cái gì thì chỉ có ma tịt biết. Lũ trẻ chỉ thấy hay có đàn ông ra vào nhà mụ. Người đi tay không, người vác bao thóc. Có người xách buồng chuối, con gà. Mắt trước mắt sau thụt vào nhà mụ. Lát sau trở ra đều tay không. Nhưng cái mặt thì phởn phơ trông rõ là thỏa. Có mấy hôm bà Sẽ ươn người. Ông Hẹ phải tự mang cá đi bán. Tính ông hiền dễ dãi ai trả thế nào cũng ừ cũng gật.
Mụ Tơ tinh lắm nhìn ngay ra món hời. Hôm sau ông Hẹ vừa xách cá ngang qua. Mụ gọi giật lại.
– Anh Hẹ mang cá vào đây em mua.
Ông Hẹ sững người. Úi zời từ bé đến giờ chưa ai gọi ông ngọt như thế bao giờ. Bà vợ lam lũ lại hơn ông những tám tuổi. Ham muốn nó héo quắt lại, nhăn nhúm như các vệt nhăn trên mặt bà. Mụ Tơ vẫy tay.
– Vào đây, vào đây em mua. Chà chà mớ cá, ngon quá cơ. Thế mình để em bao nhiêu?
Mồm nói tay kéo, tay lôi. Mụ Tơ làm ông Hẹ cứ ngay đơ người ra.
Rồi mụ làm gì nữa, những a á ớ bờ cờ gì nữa chả biết. Nhưng sau đận ấy. Ông Hẹ đòi giành quyền bán cá. Chỉ bán cho mụ Tơ. Lạ cái chả thấy tiền đâu. Thật thà như ông, chân chất như ông cả đời đi xa nhất là lên tỉnh được một lần. Thì những chiêu trò của một ả giang hồ lão luyện đã đưa ông phiêu diêu đến cái sự phiêu bồng mà ông chưa bao giờ có ở bà vợ già. Ở cái bà mà lừa con ngủ say xong cũng chỉ tốc cái váy lên. Còn ông muốn làm gì thì làm. Nhạt như nước ốc. Còn với mụ Tơ. Ông được nâng niu được vuốt ve. Được như làm hoàng đế. Mà một ngày tựa mạn thuyền rồng còn hơn chín kiếp nằm trong thuyền chài.
Bà Sẽ nghe phong thanh cũng nổi máu ghen. Cũng chửi bóng chửi gió. Đến vụ ông Hẹ lấy mấy chỉ vàng tiết kiệm đi đâu mất thì bắt đầu to chuyện. Chuyện ông bà bắt đầu loang ra khắp làng. Bắt đầu có tiếng đánh chửi nhau ở nhà ông bà. Những tay hóng hớt ở làng bắt đầu đưa chuyện về ông bà. Đặt cả vè…

Ve vẻ vè ve…
Cái vè ông Hẹ…
Có cái thuyền nhẹ.
Bắt cá bắt tôm…
Chăm chỉ sớm hôm…
Đem ra chợ bán.
Cá thì đem rán.
Tôm thì đem kho…
Tiền giữ bo bo…
Mà đi đâu sạch…
Chỉ thấy cậm cạch…
Ở quán bà Tơ…
Mặt mũi bơ phờ…
Chính là ông Hẹ.

Làng tôi thì có khối anh hùng rơm là cái kiểu. Anh hùng là anh hùng rơm. Cho một mồi lửa là hết cơn anh hùng.
Loại ăn tục, nói phét đánh rắm rong. Ngồi thùng trấu nói chuyện thế giới. Mở miệng nói như thánh như tướng. Ở làng tôi đầy. Khô chân gân mặt mở miệng là nói như ăn thịt người nhưng đứt tay chảy máu tí thôi thì mặt xám như gà cắt tiết, tay chân run như ngóe phải đánh. Chỉ giỏi đơm đặt, nghe hơi bắc nồi chõ xui nguyên giục bị làm loạn cái làng và chuyện gia đình người ta lên. Giỏi làm vè dạy trẻ con đọc theo đuôi rồng rắn trêu người ta rồi ngồi cười khoái trá.
Ông Hẹ thì say mê mụ Tơ mất rồi. Như kẻ say tình. Ông Hẹ hiền lành là thế mà bây giờ dám đánh vợ vì vợ giằng lại cặp gà giò ông mang đi cho gái. Đàn ông mà bị phụ nữ cho đê mê ở trên giường thì càng bị u muội.
Con cái khuyên can cũng chả được. Rồi cũng chán cũng mặc. Mụ Tơ cứ thế bòn rút của ông lão. Đầy hôm người ta thấy ông cứ tần ngần ở cửa quán chắc vì mụ Tơ tiếp khách khác chưa cho ông vào. Ông bù chi bút chít cho mụ Tơ như thế. Nhưng với mụ ông chỉ là cái mỏ vặt. Chỗ để chơi và sai bảo.
Dần dà ông chả còn gì để mụ bòn nữa. Cả sức lẫn của. Cá mú thì ít đi. Ông bà Hẹ chưa bỏ nhau nhưng ăn riêng hai niêu. Nhà cửa bếp núc cứ lạnh tanh. Người ta thấy ông buồn lắm. Rồi một sáng sớm người ta thấy mụ Tơ và một gã trai sấn sổ đẩy ông ngã chỏng chơ.
– Thằng già mất nết này. Cút ngay không ăn chưởng bây giờ.
Ông Hẹ ngơ ngác nhìn mụ Tơ và gã kia ôm nhau đi vào ngay trước mắt ông.
Ông về và người ta thấy ông mài dao sắc lắm. Có người còn trêu.
– Ông Hẹ mài dao làm gì thế? Để chém cá hay chém chuối. Hay chém lưới chém tơ nhỉ.
Ông Hẹ ngẩng đầu lên.
– Để chém cái đáng chém bác ạ…
– Ối chú Thiết ơi, ối làng nước ơi.
Lạ. Lần này vợ chồng dọ nhau mà phải giọi…
Đến chú Thiết. Người chú uy tín nhất họ. Mọi người bật dậy kéo đến nhà ông Hẹ khi nghe tiếng ông Thiết.
– Người đâu bà con đâu đến giúp một tay. Ngay.
Một thảm cảnh ám ảnh. Ông Hẹ nằm ặt ngửa trên đùi bà Sẽ cái cổ họng bị cứa đứt hở toang hoác, máu chảy tràn lênh láng khắp nền nhà gạch hoa. Nó không thấm được chảy ngoằn ngoèo như con giun tía. Mắt ông trắng dã trợn ngược, ít bọt trắng xùi ra chỗ họng bị đứt xùi cả bong bóng ra. Ông ấy chết thê thảm quá. Người đàn ông hiền lành ấy lại chọn cho mình cái chết ghê gớm và khốc liệt hơn hẳn những tay nói phét.
Đám tang ông lặng lẽ và u buồn. Có lẽ nhiều người hối hận về khẩu nghiệp. Về bài vè. Về những việc mà đã góp phần dồn ông Hẹ đủ gan để đưa lưỡi dao lên cắt đứt cổ mình. Sống ở đời. Khẩu nghiệp cũng tích ác. Đừng nghĩ là nói cho vui. Lời nói đọi máu. Có những câu nói giết người không dao đấy.

To top
Đóng QC