Mùi vị quê hương – Phần 1

Phần 1
Cỗ giỗ
Tôi chả biết ông nội. Sinh ra ông mất từ lâu rồi. Chỉ biết ông qua cái ảnh thờ là hình một ông cụ đóng khăn xếp mặt vuông vức, môi mim mím, trán nhiều nếp nhăn chạy song song đều đặn. Mắt nhìn nghiêm nghị.
Tôi hay phải quét bàn thờ mỗi khi quét bằng cái chổi rơm tết kiểu lá dong tôi lại nhìn ảnh ông. Trông ông kho khó gần thế nào ấy. Nhưng qua lời kể của mọi người thì ông nhân từ lắm. Ông là lý trưởng tỉnh bằng, có thẻ bài bằng ngà. Ông còn bốc thuốc bắc, vợ cả có gánh hàng ngoài chợ. Cơ ngơi bề thế. Nhưng là địa chủ kháng chiến lại có con trai trưởng (bác cả nhà tôi) là liệt sĩ chống Pháp. Nên cải cách ruộng đất không bị đấu tố. Chỉ bị cắt bớt ruộng đất và nhà đi thôi. Lý trưởng nhưng ông không ác. Hồi nạn đói bốn lăm. Mỗi lần lên huyện hầu ông hay bảo bà ba nấu cơm nhiều để ông nắm chim chim rồi chia cho người đói ở dọc đường. Nhiều lần chia hết sạch ông phải nhịn đói đi về.
Nhà tôi thỉnh thoảng sau này vẫn có khách, những khách lạ hoắc nhưng đến nhận là được ơn cụ giúp hồi trước đến thắp hương tạ ơn cụ. Có cả những ông cán bộ đi com măng ca về. Rồi biếu cả nhà những hộp sữa bột ngon lắm. Đấy đại loại về ông chỉ có thế. Tôi nhớ về ông chủ yếu là vì được ăn cỗ.
Ăn cỗ giỗ ông là những lần được ăn ngon hiếm hoi lắm nên tôi nhớ. Vì giỗ ông vào mùa vải. Được ăn vải Thanh Hà vỏ mỏng cùi dầy, hạt nhỏ. Ăn mít dai đường, thứ mít vườn nhà cả múi cả xơ đều vàng óng ứa mật ngọt ấm vào cả đến cuống họng, đến dạ dày. Thứ mít dấm trong thùng trấu thơm inh ỏi xóm ngõ. Thơm cả một quãng đời tuổi thơ. Và cỗ giỗ ngon lắm. Những thứ ngon tốt đều được để dành lại vào giỗ ông. Cặp cá chép dưới ao, cặp gà một trống một mái nuôi từ trước tết. Rồi còn đồ của các cô các chú mang đến góp giỗ nữa. Toàn đồ ngon.
Trước ngày giỗ ông các cô chú đã đến nhà hỏi giỗ. Nhà lại đèn thắp sáng trưng các cô, chú hỏi bố tôi để định ngày giỗ, định mở rộng hay hẹp. Số lượng khách mời. Số lượng mâm bát rồi đến thực đơn. Nghe thôi đã thấy ngon. Nhà toàn người nấu nướng khéo. Bố tôi hay kết luận cuộc hỏi giỗ bằng giọng trầm trầm.
– Cơ bản là năm nay khó. Lại phải lo sửa cái sân của khu mộ chi họ không chuột đào. Lo cu Hùng vào đại học trên Hà nội. Nên chước, các cô chú ạ.
Làm bảy mâm. Năm đĩa ba bát. Chước nhưng không được làm úi xùi. Không ông cụ giận. Tráng miệng có mít và vải. Trà móc câu Thái. Tôi nhờ mua được rồi. Chú Thệ chọn vanh thuốc ngon nhất nhé. Loại chua đặc đấy nó hợp vị nước trà. Một nồi trà xanh to ủ rơm nữa. Thống nhất thế nhé.
Bố tôi đã chốt là các cô chú chỉ có dạ. Bố tôi là trưởng nhưng là trưởng thứ. Bác cả là liệt sĩ mất mà chưa có con cái. Thế nên cúng giỗ, việc họ về nhà tôi tất. Căn nhà năm gian và cơ ngơi ông nội để lại. Bố tôi nhường cho chú hai vì có hai vợ. Còn nhà tôi làm nhà ra sát mương nước. Nhưng cũng bề thế rộng rãi. Cúng giỗ đều làm ở nhà tôi.
Việc giỗ tất bật từ hôm trước. Mẹ tôi nào chọn gạo, ngâm đỗ, lạc, ngâm gạo đồ xôi. Sắp xếp rửa bát đũa, chén đĩa. Mượn mâm, mượn thớt, mượn chiếu ở nhà các cô chú, mài dao. Nhờ ông Hẹ đánh lưới quây bằng được cặp cá chép và các loại cá khác. Sống cá vào cái chum ngoài gốc cau ngoài nền giếng. Chúng cứ sùng sục oăm ạp cả đêm ấy.
Sáng hôm sau thì từ tinh mơ sáng các chú thím đã sang cùng mẹ tôi sắp giỗ. Ăn vội lưng cơm cá tạp kho nhát. Rồi ai vào việc ấy. Mùa nóng làm sớm cho mát. Cái bếp nhà không đủ nên. Chú Thệ bao giờ cũng xách cái kiềng bếp sang. Bắc bếp củi. Đun nước uống, hãm trà xanh rồi quấn rơm ủ cả nồi trà xanh cạnh chái nhà. Bao giờ cũng lẩm bẩm.
– Trà muốn xanh nước và thơm là phải có cả tý cành và tý hoa. Nhất định phải có miếng gừng già.
Nước sôi đủ đầy các phích Rạng đông thì chú đun nước làm gà. Gà phải làm sớm để ráo lên bàn thờ mới đẹp lúc chặt mới không nát. Mẹ đi chợ lấy giò chả đã đặt trước. Mua quà cho lũ trẻ con. Còn vàng hương và đồ mã đã được mua từ hôm trước. Bố thì chuẩn bị bàn thờ. Lư hương và bộ tam sự được đánh trấu vàng choé. Mặt bàn thờ sạch nhẵn đến mát lạnh. Bố tôi bày hoa quả, rượu lễ, vàng hương đèn nến. Hoa quả của vườn nhà. Chuối xếp thành vòng, cam được gài vào.
Cái bàn thờ bỗng chốc ngập màu sắc và mùi vị. Mùi hương vòng làm cho bầu không khí rất trịnh trọng và nghiêm cẩn. Bàn thờ xong xuôi bố ra chỉ đạo việc làm cỗ. Chõ xôi đã bốc khói. Bố chọc lỗ cho thoát hơi cho chín đều và rắc thêm ít muối. Chít thêm tí đất sét vào thành chõ cho kín hơi. Đôi gà làm sạch sẽ mổ moi buộc chéo cánh luộc trong nồi quân dụng. Cá thì rán sau. Đợi chợ về có thịt để lọc mỡ rán cá làm món xào và nấu miến mới rán cá. Cá được chuyển ra chậu to. Sống cá cả đêm đã nhả nhiều nhớt nên giờ cho vào chậu nước mưa con cá rõ từng cái râu, cái vảy.
Làm cỗ giỗ là tuyệt đối tịnh. Không có ưu tiên trẻ em được nêm nếm gì hết. Xôi dỡ ra gạo nếp hương trắng ngà hạt nào ra hạt đấy. Đỗ xanh chấm vàng úp gọn gàng bốc khói thơm dìu dịu. Giò chả thái dầy xếp hai tầng vào đĩa. Chả vỏ vàng, ruột hơi hồng nhìn rõ chỗ độn bì và mỡ miếng giã còn chưa hết. Giò chắc xắt khoang ngọt bằng chằn chặn. Chia sáu đều như cánh hoa. Thêm món lòng gà xào mướp, thịt lợn xào đỗ đũa. Canh khoai sọ, chân giò rau nhút. Canh cá nấu rau bầu, ăn ghém. Canh miến mộc nhĩ nấm hương cho rau răm. Ngon hơn cả cỗ tết. Bọn trẻ thì được sai vặt. Pha mắm, san rượu. Nhặt rau thơm. Hái lá lộc. Bố tôi cẩn thận với mâm cơm cúng lắm. Ông làm với cả sự thành kính với cha của mình.
Tất bật ồn ã, chuyện trò nhưng chỉ lửng buổi là mâm cúng đã xong. Đầy đặn và ngon lành. Đủ năm đĩa ba bát. Đĩa giò trắng ngà, đĩa chả vàng ươm, đĩa gà luộc rắc lá chanh xanh, đĩa cá rán vàng trên phủ lá đinh lăng, đĩa xào thịt đỗ đũa. Cặp cá chép được rán vàng ươm. Để chật hai cái đĩa đại. Các thứ các thứ cứ thi nhau mà tỏa mùi hương thơm ngạt cả mũi. Chảy nước miếng.
Bố tôi khăn Áo chỉnh tề tự tay bưng mâm cúng đặt lên bàn thờ. Thắp hương lầm rầm khấn vái. Rồi lần lượt mọi người vào lễ ông. Không khí trang nghiêm và im lặng lắm. Tiếng giãi quần áo sột soạt nghe cũng rõ. Xong xuôi lại ai việc ấy. Tíu tít chuyện trò, chuyện xưa tích cũ, hát hò đủ cả. Bố tôi tráng ấm pha trà thì khách cũng bắt đầu đến. Toàn họ hàng thân thuộc nhưng ăn mặc tươm tất. Người xách chai rượu, người chùm vải, túi bánh. Đến đặt lên bàn thờ thắp hương rồi ra bàn nước nói chuyện.
Tôi hay đứng dựa cột nhà ngậm kẹo mút cho đỡ thèm cỗ. Đợi sai vặt và nghe mọi người kể chuyện về ông nội. Chả biết có đúng hết không nhưng toàn thấy kể khen ông cũng thấy mát mặt. Khách đã đến đông. Bố tôi đã xuống giục sắp mâm nhưng vẫn ngong ngóng ai đó. Và đúng thật. Toe toe tiếng còi xe.
Mọi người lập tức xôn xao.
– Bà trẻ về. Mợ tư, dì tư về. Bà tư về.
Bà trẻ đấy. Trắng, mặc Áo hoa xanh thẫm. Tóc vấn cao. Đeo túi xách vàng. Đi ô tô. Bà sang trọng và đẹp đẽ như con công bước vào đám giỗ ông tôi. Vồn vã đáp trả tiếng chào của mọi người. Xoa đầu trẻ con. Bóp vai người lớn. Người bà thơm mùi xà phòng Camay. Bà vào chỗ bố tôi.
– Bác cả giúp tôi sắp lễ.
Anh lái xe đi sau xách theo rượu trong hộp giấy. Thuốc lá Thăng long bao bạc. Bánh hộp. Toàn thứ sang trọng.
Bố tôi trịnh trọng nhận lấy. Rồi sắp ra một mâm riêng để lên bàn thờ.
Chả ai nói rõ. Nhưng tôi biết bà Tư là bà vợ thứ tư của ông tôi. Lúc ông mất bà còn trẻ chưa con cái gì. Để tang ông xong bà cả khuyên bà đi lấy chồng. Bà cho bà Tư cả cây vàng làm vốn. Bà ra phố lấy chồng rồi giàu có lắm. Có những chuyện khúc mắc tôi không hóng hớt được. Nhưng giỗ ông là bà về. Bà là người đầu tiên cho tôi ăn kẹo cao su. Cái thứ kẹo dai thơm ngọt. Ăn mãi không hết chỉ nhạt đi. Bà ôm tôi, thơm tóc, thơm má tôi. Dặn đi dặn lại.
– Con nhai chán rồi nhả ra nhé. Đừng nuốt con nhé. Đau bụng.
Cái kẹo cao su dính. Ăn chán thì kéo ra chơi. Thật là thích.
Lúc bưng mâm mọi người ăn uống ồn ã, sai, giục, gọi. Chúc tụng. Bố tôi cầm chén đi mời, đi cảm ơn các mâm. Chả thấy ăn gì. Đúng là đói ngày giỗ cha no ba ngày tết. Còn tôi thả sức chén căng diều. Nhiều miếng nhai còn vội. Ăn khẩn trương. Ôi những bữa cỗ giỗ ngon lành.

To top
Đóng QC