Mùa nước nổi – Phần 46

Phần 46
Tại thời điểm xóm trọ đang liên hoan, thì ở trước cửa phòng ngủ của Thủy Tiên, Cẩm Tú gõ cửa, vừa gõ vừa gọi:
– Thủy Tiên! Thủy Tiên.
Thủy Tiên đang đứng ở cửa sổ nhìn xuống khu vườn, nơi đó những bông hoa hồng đã bắt đầu hé nở những nụ đầu tiên. Giàn hoa Lan Tiêu cũng bung nở những bông hoa màu hồng, tô điểm cho cái không khí ảm đạm của mùa đông. Thủy Tiên nhìn hoa lại nhớ đến người trồng hoa. Cũng mấy hôm nay rồi cô không gặp Nghĩa, cô không biết rằng vì Nghĩa bận làm việc nên thường tranh thủ buổi trưa đến đây chăm cây, cô thì đi học xuyên trưa nên không gặp được.
Nghe mẹ gọi, Thủy Tiên ra mở cửa, nhìn thấy khuôn mặt nghiêm trọng của mẹ, Thủy Tiên phân vân không hiểu chuyện gì? Cô đã ngoan hơn rất nhiều rồi, không còn đi chơi đêm giống như hồi xưa nữa, vậy mẹ có chuyện gì nhỉ:
– Mẹ, có chuyện gì ạ? Sao trông mặt mẹ…
Nhìn bộ mặt ngây ngô đáng yêu của con gái, Cẩm Tú cũng không tin vào những suy đoán ở trong đầu mình lúc này, cô dịu đi:
– Con xuống phòng mẹ một lát, mẹ có chuyện này muốn hỏi con.
Cả hai mẹ con đi xuống phòng của Cẩm Tú ở tầng 2. Căn phòng có màu trắng làm tông màu chủ đạo, rất rộng và sang trọng. Thủy Tiên cũng chẳng lạ gì căn phòng này nên cô cũng chẳng có ham muốn ngắm nhìn những đồ vật trong phòng, định đi ra cửa sổ để tiếp tục nhìn xuống vườn hoa, nhưng Cẩm Tú đã nói làm cô phải dừng bước:
– Con có lấy tiền của mẹ không?
Thủy Tiên quay ngoắt người lại, mắt mở to long lanh tỏ vẻ ngạc nhiên tột độ:
– Mẹ bảo sao cơ?
Cẩm Tú chỉ vào cái két sắt của mình, cánh cửa két sắt đã bung mở, bên trong đã đầy tiền, ở phía trên két sắt cũng có rất nhiều xấp tiền:
– Mẹ bị mất tiền. Mẹ hỏi con là có lấy tiền của mẹ không? 10 triệu. Nguyên một xấp toàn tờ 100 nghìn.
Thủy Tiên ngồi xuống giường, cô nàng trông có vẻ rất bình tĩnh, không giống với người vừa lấy trộm tiền của mẹ:
– Con không lấy đâu. Con có tiêu gì đến tiền đâu. Mẹ biết rồi đấy, dạo này con không có đi chơi ở đâu cả. Tiền tiêu của con mẹ cho còn chẳng tiêu hết, còn đầy trên kia kìa. Mẹ đã kiểm tra kỹ chưa?
Nghĩ lại lời con nói cũng đúng, dạo này Thủy Tiên không chơi bời gì cả, tiền mình cho con ăn đường và tiêu vặt cũng thường xuyên, hỏi lần nào cũng bảo là con vẫn còn tiền. Phải nhắc lại gia cảnh nhà này, thiếu thốn trăm bề, mỗi tiền là không thiếu.
– Mẹ không thể nhầm được, cục tiền 10 triệu là tiền hàng của nhà Dũng Loan dưới Hải Phòng hôm qua gửi lên cho mẹ qua tiệm vàng Hàng Bạc. Mẹ nhận còn có ghi chú vào tờ tiền ngoài cùng. Mẹ bỏ vào cốp xe mang về nhà. Vì két chật quá nên phải để ở trên nóc. Tiền của nhà khác vẫn còn nguyên, chỉ thiếu duy nhất một cục tiền nhà Dũng Loan. Hôm nay mẹ kiểm tiền để mai thanh toán nhập hàng.
Thủy Tiên hỏi lại lần nữa:
– Mẹ chắc chứ?
– “Chắc chắn, không thể nhầm được”, dân buôn phố cổ từ bé đã được tiếp xúc với tiền và hàng. Họ có một biệt tài là nhớ dai kinh khủng, bất kể tiền và hàng có nhiều đến đâu. Điều này được tạo ra là nhờ gen di truyền thì phải.
Thủy Tiên bắt đầu suy tư theo kiểu thám tử, cô nàng đưa tay lên bóp trán vừa đi vòng vòng quanh phòng vừa suy nghĩ, ra vẻ ưu tư lắm, một lúc sau mới chầm chậm đưa ra phán đoán của mình:
– Mẹ đã khẳng định như vậy thì chắc là bị mất tiền thật rồi. Con thì không lấy… Thôi đúng rồi, vậy chỉ còn một nguyên nhân thôi… Nhà mình có trộm.
Cẩm Tú cũng chấn động vì phán đoán của con, nghe nó nói sơ thì thấy có lý quá. Nhà chỉ có hai mẹ con, không ai lấy thì chắc chắn phải là kẻ trộm rồi. Lại nghĩ đến chuyện nếu có trộm lẻn vào nhà, lấy tiền thì không sao, nhiều mà, nhưng nhỡ nó làm liều đè cả mẹ cả con ra mà hãm hiếp thì không biết sẽ thế nào. Mình từng đây tuổi rồi có khi còn chịu được, chứ Thủy Tiên mới lớn thế kia mà bị hiếp không biết sẽ ra làm sao. Cẩm Tú kinh hãi, run lên bần bật:
– Chết rồi, nhà mình có trộm. Vậy phải làm sao bây giờ? Mẹ sợ lắm.
Thủy Tiên vẫn đi vòng vòng quanh phòng chưa thèm dừng lại, nhưng cô nghĩ mãi cũng không đưa ra được phán đoán nào tiếp theo, bỗng cô nhớ đến một người:
– Nhà mình có bác Quân làm công an. Mẹ gọi cho bác ấy đi.
Trong lúc bĩ cực không suy nghĩ được nhiều, giống như lúc chết đuối vớ được người đến cứu. Cẩm Tú lẩy bẩy lấy điện thoại ra bấm gọi anh Quân, là một người anh con chú con bác của Cẩm Tú, làm nghề công an cũng ở gần đây.
– Phải rồi, gọi cho bác Quân.
Mười lăm phút sau thì bác Quân có mặt ở nhà Cẩm Tú, bác mặc thường phục vì đang nghỉ ở nhà. Sau khi đi một vòng quanh nhà, từ cổng tới cửa, kiểm tra phòng ngủ của Cẩm Tú và Thủy Tiên, bác vòng lên tận ban công rồi mới xuống phòng khách ở tầng 1. Trong lúc bác kiểm tra tỉ mỉ từng thứ một thì Cẩm Tú đã trình bày sơ lược chuyện mình mất tiền cho bác nghe rồi.
Xuống đến phòng khách, bác ngồi đối diện với hai mẹ con Cẩm Tú, hình như hai mẹ con đang run sợ điều gì đó thì phải. Bác nói giọng ôn tồn:
– Em vẫn khẳng định là mình mất tiền.
Cẩm Tú khẳng định lại một lần nữa:
– Em chắc chắn. Hôm qua em nhận tiền hàng ở tiệm vàng. Có rất nhiều cục tiền của nhiều nhà. Em kiểm tra thì chỉ thấy thiếu đúng một cục 100 triệu của nhà Dũng Loan Hải Phòng, những nhà khác còn nguyên cả. Sổ sách em ghi đầy đủ hết.
Bác Quân suy nghĩ một lúc rồi nói, vẫn cái giọng chậm chắc của mình:
– Anh đã kiểm tra hết nhà em rồi, không có dấu vết của phá khóa, không có dấu vết của lục lọi. Với lại nếu là trộm thì phải mất tất cả tiền, ít nhất là số tiền em để trên nóc két. Đằng này lại chỉ mất đúng một tập, có thằng trộm nào lại thương chủ nhà như vậy cơ chứ?
Lúc này Thủy Tiên và cả Cẩm Tú mới ngớ người ra:
– Ừ nhỉ, thế em không nghĩ ra. Quái lạ, vậy thì tại sao nhỉ?
Bác Quân nhìn ngó xung quanh phòng theo phản xạ của người làm công an, bác hỏi thêm:
– Nhà này ngoài hai mẹ con thì còn ai hay đến nữa không? Hoặc là có người nào có chìa khóa nhà nữa không?
Hai mẹ con suy nghĩ một hồi, trong đầu họ từ lúc xảy ra sự việc đến nay chưa từng nghĩ đến người ấy, nhưng nghe bác Quân hỏi thì không ai bảo ai, hai mẹ con cùng quay mặt nhìn về phía nhau. Trong ánh mắt họ như cùng báo cho nhau biết là họ có cùng suy nghĩ. Rồi cả hai cùng hấp háy môi:
– Nghĩa!
Bác Quân bắt được sóng ngay:
– Nghĩa là ai?
Trầm tư một lúc Cẩm Tú mới dám nói, cô không bao giờ tin và cũng không thể tin Nghĩa là kẻ trộm tiền:
– Là thợ em thuê làm vườn. Cậu ta hàng ngày vẫn đến đây chăm sóc vườn hoa. Em có cho cậu ta chìa khóa cổng. Nhưng cậu ta không có chìa khóa nhà, với lại… tính cậu ta em biết. Cậu ta không thể là kẻ trộm được.
Thủy Tiên đế thêm vào:
– Đúng đấy bác Quân ạ. Anh Nghĩa anh ấy hiền lành chất phác lắm. Cháu chắc chắn là anh ấy không phải kẻ trộm đâu.
Bác Quân chưa gặp Nghĩa bao giờ đương nhiên bác nghi ngờ những lời nhận xét của mẹ con Cẩm Tú. Cuộc đời làm công an của bác ngót nghét mấy chục năm rồi, có chuyện gì, có dạng người nào mà bác chưa từng gặp qua chứ:
– Muốn biết thì chỉ còn cách gặp cậu ta thôi. Giờ có hai cách, một là gặp với tư cách cá nhân, hai là mời cậu ta về đồn hỏi. Nếu cậu ta trong sạch thì không có việc gì phải sợ cả.
Cẩm Tú đứng phắt dậy, đi đi lại lại trong phòng. Mọi sự nghi vấn bây giờ đổ dồn lên Nghĩa làm cô lo lắng khôn cùng. Mình và Nghĩa đã đi đến bước này rồi, giờ đây nếu thực sự Nghĩa làm như vậy thì mối quan hệ ấy sẽ ra làm sao đây. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, quả thực cậu ta làm như vậy thì dù cho mình có yêu cậu ta, có cần cậu ta đến mấy thì cũng không thể dung thứ được. Nay cậu ta lấy có 10 triệu, số tiền không phải là lớn lắm, nếu mình bỏ qua lần này thì sẽ còn lần khác, mà cái lần khác ấy không chỉ có 10 triệu đâu. Tiền không tiếc lắm, nhưng tiếc một cái là mình đã tin tưởng cậu ta, đã trao cho cậu ta tình cảm. Vậy mà cậu ta dám làm như vậy với mình.
Trong lúc này chắc chắn Cẩm Tú không thể có suy nghĩ thấu đáo được rồi:
– Hay là cứ gặp với tư cách cá nhân đã anh ạ. Nếu thực sự là cậu ta lấy thì em cũng sẽ tha thứ thôi, vì cậu ta còn trẻ, có khi vì cái gì đó mà trót dại.
Bác Quân đứng dậy:
– Ai biết nơi ở của cậu ta?
Đến giờ phút này thì Thủy Tiên cũng dần dần thay đổi suy nghĩ của mình. Từ lúc đầu cô vẫn đinh ninh là Nghĩa chắc chắn không phải thủ phạm, nhưng nay nghe bác Quân, rồi nghe mẹ nói cô cũng nửa phần tin là Nghĩa vì chuyện gì đó mà trót lỡ lấy tiền của mẹ rồi:
– Cháu biết ạ. Một lần cháu đưa anh Nghĩa về xóm trọ của anh rồi.

To top
Đóng QC