Mùa nước nổi – Phần 4

Phần 4
Nghĩa run run vì lạnh trong bộ quần áo mỏng manh không còn ướt nhỏ giọt tong tong nhưng vẫn còn ẩm lắm, cậu ngồi bó gối ở ngoài hành lang bệnh viện đa khoa thị xã Hưng Yên, những cơn gió làm mưa như trút ở ngoài trời hất vào những bụi nước. Đêm hôm qua, sau khi cõng bố vào đến trạm xá thì ngay lập tức các y sĩ ở trạm xá gọi xe cấp cứu về đưa ông Bừng lên bệnh viện tỉnh. Tình hình rất là nguy cấp. Nghĩa và mẹ theo xe cấp cứu lên trên này.
– “Nghĩa chạy tạm ra cổng bệnh viện mua gói xôi về hai mẹ con ăn”, cô Tươi tất tưởi từ đâu đó về nói với con.
Ngửng cái đầu lên nhìn mẹ, ôi thôi, trông mẹ tả tơi như một cái rẻ rách, tóc tai vẫn còn bù xù dính bết lại với nhau vì nước mưa vẫn chưa khô. Chiếc áo mỏng ẩm ướt dính sát vào thân thể, đôi mắt mẹ trũng sâu thâm quầng vì lo lắng, vì không một giây chợp mắt nào từ hôm qua đến giờ, má mẹ mới có một đêm thôi mà hóp lại để gò má lồi ra. Còn đâu là người mẹ xinh đẹp ngày nào nữa. Sự việc đến quá bất ngờ.
– Bố có bị làm sao không mẹ?
Cô Tươi ngồi thụp xuống cái ghế nhựa màu vàng xỉn và vỡ đến gần nửa của bệnh viện, thở dài một cái cô nói:
– Mẹ vừa hỏi bác sĩ rồi, bố mày uống rượu say bị trúng gió, lại gặp trời mưa nên bị đột quỵ. Đã qua khỏi cơn nguy kịch rồi, nhưng… chả biết thế nào mà lần.
– Mẹ gặp bố chưa?
– Chưa, vẫn trong phòng cấp cứu kia kìa, người ta chưa cho gặp. Rượu với chả chè, tất cả là do rượu mà ra hết. Thôi đi đi, nhanh rồi về mẹ còn có việc cho con đây.
– Vâng ạ.
Vậy là Nghĩa cầm lấy tờ 5 nghìn ẩm ướt từ tay mẹ chạy ra cổng mua 1 gói xôi to chia làm 2. Một lúc sau, vừa tranh thủ ăn, cô Tươi căn dặn Nghĩa:
– Giờ con phải về nhà ngay, giúp mẹ mấy việc. Đầu tiên là chạy vào nhà bà Hiên ở trong làng bảo bà ấy là mẹ cháu đồng ý bán 1 con bò đực. Xong con cầm tiền bán bò mang lên viện cho mẹ để mẹ nộp vào viện cho bố. Thứ hai là con phải dọn hết đồ đạc trong nhà rồi lên gác xép ở buồng của mẹ, ngô, gạo, thóc thì bọc trong nilon rồi mới được đút lên gác xép. Nước sông năm nay chắc sẽ lên cao lắm, mưa to thế này cơ mà. Thứ ba là giúp mẹ bẻ 3 sào ngô, được bắp nào hay bắp ấy, non cũng bẻ không nước lên là ủng hết chỉ có để cho bò ăn thôi. Mẹ không về được vì bố mày còn nằm ở đây, về thì không có ai chăm mà dân làng họ chửi hết. Thôi chịu khó vậy.
Nghe mẹ nói mà Nghĩa thương mẹ vô cùng, bố thì như vậy mà nhà thì có bao nhiêu là việc, mẹ phải bán bò là xót xa lắm, bò là tài sản có giá trị nhất của gia đình, nuôi bò là để tích trữ tài sản, cũng là để phòng những cơ sự gì đó xảy ra trong nhà. Cậu cũng đâu có nề hà gì chuyện mẹ giao đâu, lam lũ lao động từ nhỏ rồi, mấy việc bẻ ngô, bới khoai là việc nhỏ thôi:
– Vâng, để con về làm ngay mẹ ạ.
Nghe con trả lời xong thì cô Tươi lại thò tay vào cạp quần móc ra một đồng 20 nghìn ẩm nữa đưa cho con:
– Con cầm tiền ra bến xe, nhảy xe đò về đến chợ làng mình thì xuống. Bán bò xong thì trích tiền mà đi xe đò lên viện đưa cho mẹ.
– ‘Vâng’, Nghĩa cầm tiền rồi với tay lấy cái áo mưa buộc vào cổ và đội cái mũ cối lên đầu chuẩn bị đội mưa về. Nhưng mẹ gọi giật lại:
– À Nghĩa, bao giờ con thi đại học?
Sấm chớp vẫn đùng đùng, đúng là từ tối qua đến giờ, Nghĩa hoàn toàn quên mất là chỉ còn mấy hôm nữa là đến kỳ thi đại học, có lẽ việc của bố đã làm Nghĩa tạm thời quên mất:
– 5 Hôm nữa mẹ ạ. Con về làm xong việc rồi lên trường nhận phòng thi.
Cô Tươi rơm rơm nước mắt:
– Khổ thân con tôi, nếu mai kia mà bố mày khỏe lại thì mẹ đưa đi. Chứ đi một mình biết thế nào mà lần, đã ra ngoài bao giờ đâu.
– Lo gì mẹ, con đi một mình cũng được, không biết đến đâu thì con hỏi đến đấy. Mẹ cứ ở nhà chăm bố, thôi con đi đây.
Chưa để mẹ nói thêm câu gì, Nghĩa lao vào làn mưa.
… Bạn đang đọc truyện Mùa nước nổi tại nguồn: https://gaigoi.city
Từ bến xe của thị xã có nhiều xe chạy liên tục đi qua các huyện rồi lên Hà Nội hoặc đi các tỉnh khác. Nghĩa hỏi xe chạy qua Kim Động rồi còn hỏi kỹ là xe có đi qua làng của cậu không, bác tài trả lời có Nghĩa mới lên xe. Đây cũng là đầu tiên Nghĩa đi xe đò, lần trước lên tỉnh thi học sinh giỏi là đi xe oto do nhà trường bố trí theo tiêu chuẩn.
Chiếc xe Hải Âu cũ rích có từ thời chiến tranh, trên xe nào là gà, nào là vịt, nào là mía, nào là các bao tải ngô, khoai, sắn đủ các thứ cả. Nói là xe khách thôi chứ thực ra đây là xe chở hàng thì đúng hơn. Đa phần người ngồi trên xe là các lái buôn hàng nông sản, gia cầm từ địa phương lên Hà Nội bán.
Chỉ độ hơn nửa tiếng là xe đã từ thị xã Hưng Yên đỗ ở chợ làng của Nghĩa. Lơ xe gọi to khi chiếc xe Hải Âu cồng kềnh tránh dòng người đông nghịt bất thường đang lố nhố ở chợ, cũng may trời đã ngớt mưa, thậm chí còn có những tia nắng nhỏ len lỏi đám mây chiếu xuống mặt đất, chẳng lẽ “qua cơn mưa trời lại sáng” là đúng hay sao:
– Em gì ơi đến chợ làng rồi, xuống xe đi. Sao nay đông người thế nhỉ.
Chiếc xe vừa đỗ, Nghĩa nhảy xuống thì một cảnh tượng rất lạ làm cậu hoang mang, đó là cảnh người dân xóm Bãi đang lúc nhúc quanh đây, xung quanh họ là đủ các thứ đồ dùng gia đình, nào là nồi niêu xoong chảo, nào là chăn chiếu gối màn, nào là bao tải ngô, khoai, dưa, thóc gạo đủ cả. Chạy nhanh đến một bà cụ hàng xóm, Nghĩa giật vào tay áo bà:
– Bà ơi, có chuyện gì mà xóm mình tập trung ở đây hết vậy.
Quệt tay ngang trán lau đi giọt mồ hôi, bà cụ nhận ra cu Nghĩa nhà hàng xóm, cũng vừa được nghe con cháu kể lại tối qua bố cu Nghĩa bị ngất ở bờ ngô giờ đang đưa lên viện, lại nhìn thấy thằng cháu mặt mũi sáng sủa khôi ngô tuấn tú ngoan ngoãn hiền lành, bà không giấu nổi giọt nước mắt thương cảm cho hoàn cảnh không chỉ của riêng gia đình Nghĩa mà còn của cả người dân xóm Bãi:
– Hu hu hu, Nghĩa đấy hả cháu, về rồi à. Xóm ngập hết rồi. Huhuhu!!!, Lên đê mà xem. Nước về rạng sáng nay, lớn lắm. Khổ thân cháu tôi.
Chỉ nghe có thế là Nghĩa chạy một mạch từ chợ lên đê, đoạn đường chỉ có chừng hơn trăm mét thôi nên chỉ chốc lát là cậu đã đứng ở mặt đê. Nhưng hỡi ôi, còn đâu cảnh đẹp khi đứng ở trên đê nhìn xuống vùng đất bãi đỏ au màu phù sa, còn đâu con sông Hồng hiền hòa thơ mộng uốn lượn như những dải lụa màu hồng, còn đâu những nếp nhà lưa thưa tỏa khói bếp lam chiều, còn đâu những ruộng ngô bãi khoai xanh mươn mướt.
Chỉ có nước, nước và nước mà thôi. Cả biển nước đục ngầu ngập sát mép con đê nơi Nghĩa và những người dân xóm Bãi đang lố nhố nhìn về phía nhà mình. Không còn phân biệt được đâu là sông, đâu là đất bãi. Những cây tre hộ đê cũng đã bị nước làm ngập chỉ còn lơ thơ ngọn lung lay vì sóng dập bờ.
Còn xóm Bãi nữa, xóm Bãi đâu rồi? Xóm Bãi ơi, xóm Bãi đang ở đâu?
Xóm Bãi đã ngập hoàn toàn trong nước. Chỉ còn đâu đó vài nóc nhà lềnh phềnh trên mặt nước, nước sóng sánh làm cho Nghĩa cảm giác như những nóc nhà ấy đang lênh đênh như những chiếc lá nhỏ trên mặt nước, trên nóc nhà có vài con gà, con ngan ướt sũng trú chân đang rũ mình vẩy nước khỏi lông.
Nghĩa bần thần nhìn về xóm Bãi, nơi đó có nhà mình nhưng giờ chỉ nhìn thấy nóc. Cậu không còn phải là đứa con nít, nhưng cũng chưa đủ lớn để đối diện với hoàn cảnh này. Cũng có 1 lần chứng kiến ngập nặng cách đây độ chục năm, nhưng lần đó nước cũng chỉ lên đến ngang nhà thôi, không lớn như lần này.
Trong đầu cậu lại văng vẳng tiếng mẹ dặn: “Bán bò, treo đồ lên gác xép, mang tiền vào viện”. Nhưng giờ đây thì nhà đâu? Bò đâu? Đồ đâu? Tiền đâu? Nghĩa ở giữa, sau lưng ở về hướng Đông cách đây 2 chục cây số là bố đang cấp cứu chưa biết tương lai ra sao, còn trước mắt chỉ có nước đục ngầu, trắng trơn.
Bỗng Nghĩa nghe thấy tiếng nói trong trẻo quen thuộc nhưng hớt hải vang lên ở sau lưng:
– Nghĩa ơi!!! Hu hu hu!
Là Trang, cô bạn thân mà giờ có thể coi là người yêu được rồi, mái tóc dài của cô bết lại vì ẩm.
Ngoảnh đầu lại nhìn Trang, nhìn vào đôi mắt đỏ hoe vừa khóc không biết là khóc cho chính hoàn cảnh của gia đình Trang, hay cho hoàn cảnh của người dân xóm Bãi, hay là cho hoàn cảnh của Nghĩa nữa:
– Trang à? Nước lên lâu chưa?
Những người đồng cảnh ngộ với nhau mới thấu nỗi khổ của nhau. Nhà Trang cũng đâu có khá khẩm gì hơn nhà Nghĩa, cô cũng vừa mới cùng cha mẹ chạy nước lên đến đây, nhặt được gì thì nhặt, vớt được gì thì vớt, mang được gì thì mang. Nhà mình còn chưa xong lấy đâu ra hơi mà giúp nhà khác nữa:
– Nghĩa ơi, nước lên rạng sáng nay, nhanh lắm. Chỉ có khoảng 1 tiếng thôi là đã ngập như thế này. Nhà Trang cũng không kịp chuyển hết, vẫn còn nhiều thứ ở trong nhà lắm. Còn nhà Nghĩa?
Trang nói đến đây thì nghẹn lại vì xót, vì xa, vì vừa nhớ ra là lúc nước về nhà Nghĩa không có ai ở nhà, tất cả ở trong viện hết rồi. Nhớ lại xong thì Trang nói:
– Nghĩa ơi, bố Nghĩa có làm sao không? Giờ phải như thế nào đây?
– Bố tớ không sao? Tớ mới ở viện về đây xong. Nhưng… Đúng rồi, tớ phải cứu bò đã. Tớ nhớ là đêm qua vẫn buộc nó ở chuồng, sợ nó không lên được.
Chưa nói dứt câu, Nghĩa đã nhảy ùm xuống dòng nước để mặc Trang thẫn thờ lo lắng, cô chỉ kịp hét lên:
– Nghĩa ơi đừng, nước mạnh lắm, không được đâu, Nghĩa ơi đừng. Cô bác ơi cứu bạn cháu với…
Nhưng nào có ai nghe Trang nói gì, tất những người còn đứng trên đê cũng đang tất bật việc của mình. Rồi Trang nhìn về phía nước, nơi người bạn của mình trông nhỏ thó đang bơi sải luồn lách qua các thứ nổi lềnh phềnh trên mặt nước, cậu bơi thật nhanh về phía nóc nhà của mình, với biển nước mênh mông này, con người chỉ là một hạt cát bé nhỏ mà thôi.
Nghĩa bơi được một đoạn cũng bắt đầu cảm thấy hơi mệt, cậu nghỉ tay sải một chút để lấy sức bơi tiếp, mục tiêu chính là nóc nhà của mình, có ra được đấy rồi tính chuyện gì mới tính. Bỗng Nghĩa thấy chiếc thuyền gỗ độc mộc của chú Lãm áp sát dần mình, chú mình trần dùng hết sức lực chèo thuyền đến chỗ Nghĩa, chưa tới nơi đã thấy chú quát lên:
– Đừng bơi nữa, chờ đấy chú đón.
Lóp ngóp bò lên chiếc thuyền độc mộc, Nghĩa vừa thở vừa nói:
– Chú cho cháu ra nhà, bò… Cháu phải cứu bò.
Hướng mũi thuyền về phía nhà của Nghĩa, chú Lãm biết có cản cũng chẳng được, nó sẵn sàng bơi ra cơ mà:
– Bò nhà cháu chú kịp đưa vào trong làng gửi tạm rồi. Không phải lo.
Ngửa mặt lên trời như trút được gánh nặng ngàn cân, Nghĩa cảm ơn:
– Cảm ơn chú, bò mà bị làm sao nhà cháu chết mất. Chú đưa cháu ra nhà, cháu xem có gì vớt được thì vớt.
Sải mạnh tay chèo, chiếc thuyền nhỏ luồn lách né tránh những vật cản đi về phía nhà Nghĩa:
– Bố cháu có làm sao không?
– Cháu cũng không biết nữa, thấy mẹ cháu bảo là qua cơn nguy kịch rồi. Mẹ cháu bảo cháu về bán bò mang tiền lên viện, dọn đồ lên gác xép. Vậy mà cháu chưa kịp làm thì đã thế này rồi.
Tiếng chú Lãm thở dài, chú cũng không hỏi thêm gì.
Chiếc thuyền nhỏ ghé mũi vào đúng phần nổi lên duy nhất của căn nhà cấp 4, là nóc. Nghĩa đảo mắt một lượt xung quanh nhìn mọi thứ, chỉ có vài thứ nổi lên mặt nước như mấy cái can nhựa, chai nước. Còn lại đều ở phía bên dưới.
Nhặt được thứ gì thì nhặt, tất cả những thứ nổi ấy Nghĩa để lên thuyền, cũng chẳng có gì nhiều. Cậu thở dài:
– Chú Lãm ơi, làm thế nào bây giờ?
Chú Lãm là người đã trải qua vài trận lụt như thế này rồi, bằng kinh nghiệm chú nói:
– Đành chịu chứ sao bây giờ, chỉ độ 3 ngày nữa là nữa sẽ rút đi một nửa, lúc đó vớt sau cũng được cháu ạ.
– Thế thì thóc, gạo, khoai, ngô mọc mầm hết rồi. Không được, cháu phải vớt được thứ gì thì được.
Vừa nói vừa làm, Nghĩa hì hục mò tay xuống mái nhà lột ra 2 tấm proximang để lấy chỗ lặn xuống nhà. Chú Lãm biết tính Nghĩa, ít nói trầm tính nhưng rất cương quyết, nếu không làm thì thôi mà đã làm là sẽ nỗ lực hết mình. Thế nên chẳng còn cách nào khác là đành giúp thằng cháu.

To top
Đóng QC