Mùa nước nổi – Phần 25

Phần 25
Trở lại với cuộc sống của Nghĩa, từ sáng đến giờ, Nghĩa đã có hai cuốc việc, buổi sáng là một bữa vác ngô ở cảng Phà Đen, còn buổi chiều thì một cuốc xuống hàng trong bãi xe ở gần khu nhà trọ. Cũng may có xe đạp anh Ba cho nên việc di chuyển cũng trở nên dễ dàng hơn. Xong việc Nghĩa đạp xe về nhà cô Cẩm Tú cũng là chiều muộn rồi, nắng đã tắt nhưng chưa tối hẳn. Sau khi bật vòi nước tưới cây thì Nghĩa cầm cái kéo tỉa đi khắp khu vườn để tỉa những cành hoa úa. Khu vườn mùa đông không có nhiều sức sống nhưng chỉ cần một hai tháng nữa thôi, khi sắc xuân về nhất định những bông hoa sẽ bung nở.
Lúc này thì Nghĩa nghe thấy tiếng mở cổng, nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của cô Cẩm Tú đang đứng bên cạnh chiếc xe spacy màu trắng, cô mặc một chiếc quần vải bó sát, áo trong không biết là loại áo gì nhưng bên ngoài là một chiếc áo phao lông vũ mỏng mỏng. Đầu cô đội một cái mũ len. Nhìn thấy Nghĩa, Cẩm Tú nói:
– Nghĩa đấy hả, làm lâu chưa?
Cũng đến lúc xong việc, Nghĩa cất mấy đồ chăm cây vào bên hông nhà, vừa đi nhưng cậu không thể kiềm chế được ánh mắt cứ nhìn vào cô:
– Cháu làm được một lúc rồi, cũng vừa xong việc.
– Thế hả, dắt hộ cô cái xe vào, để cô lấy thư cái đã.
Trước cửa mỗi nhà thường có một hộp thư tín, để người ta đặt thư từ vào đó, chủ nhà mỗi khi về nhà chỉ cần mở khóa lấy ra là xong.
Nghĩa dắt hẳn xe máy của cô vào trong gara, bởi cậu biết nếu cô về giờ này thì thường ở nhà luôn mà không đi đâu nữa. Khi cậu đi từ trong gara ra thì thấy cô Cẩm Tú cũng vừa từ cổng bước vào, vừa đi cô vừa đọc thứ gì đó, hình như là một bao thư nhìn rất lạ mắt. Cô không chú ý đến việc gì khác mà chỉ chằm chằm nhìn vào bao thư mà thôi. Ngó qua trên bao thư ngoài tiếng Việt ghi tên người gửi, người nhận còn có một số chữ Trung Quốc.
Cẩm Tú lúc mở hòm thư tín, nhìn thấy bao thư màu vàng to hơn so với bình thường, linh tính người phụ nữ như mách bảo cô đấy là bao thư đặc biệt. Cô run run thò tay với nó ra, và quả nhiên đúng như cô dự đoán, trên bao thư ngoài một số chữ Trung Quốc ra còn ghi rõ ràng người gửi là: Nguyễn Quốc Quân, chồng của cô. Còn người nhận và địa chỉ nhận là cô.
Cẩm Tú vừa đi vào nhà vừa đọc vỏ ngoài bao thư, nét chữ quen thuộc của người chồng rõ mồn một trong mắt cô, cô lẩm bẩm mà hồi hộp biết chừng nào: “Vậy là anh vẫn còn sống. Vậy là anh vẫn còn sống. Tiên ơi, bố vẫn còn sống này”.
Cẩm Tú quên béng mất sự có mặt của Nghĩa ở trong sân. Cô từ từ ngồi xuống bậc thềm đá hoa cương nơi hiên nhà rồi từng chút, từng chút một xé một đầu bao thư vì sợ xé nhanh quá sẽ làm rách mất trang thư bên trong.
Rồi Cẩm Tú rút ra một tờ giấy có hàng kẻ ngang, chữ chỉ có trên một mặt giấy, không dài lắm cho 10 năm biệt tăm mất tích. Cẩm Tú đọc chầm chậm từng dòng, từng dòng.
Nghĩa không muốn phá tan sự im lặng này, nhìn cách cô trân trọng bức thư, nhìn vào biểu hiện trên nét mặt của cô, cậu biết lá thư này rất quan trọng đối với cô. Nghĩa cứ ngồi bên cạnh nhìn cô vậy thôi.
Cẩm Tú chuyển từ nét mặt hồi hộp đọc những dòng đầu tiên sang nét mặt nghiêm trọng, hai lông mày cô ríu lại với nhau, hai bàn tay cầm tờ giấy từ từ bóp chặt lại, có vẻ như nội dung bức thư không phải là thứ mà cô muốn đọc, không phải những dòng tin mà cô chờ đợi biết bao nhiêu năm nay.
Rồi Cẩm Tú vo viên tờ giấy rồi bóp chặt trong lòng bàn tay, hai hàm răng trắng bóc nghiến chặt lại với, ánh mắt sắc lẹm nhìn vào lòng bàn tay mình, cô rít lên qua kẽ răng:
– Khốn nạn!!!
Cẩm Tú nói xong cũng là lúc cô thấy đầu óc mình choáng váng, mắt mờ đi. Có vẻ như sự tức giận đã lên đến đỉnh điểm làm cô như sắp ngất đến nơi, chỉ sắp trực ngã ngửa ra đằng sau thì cũng may có một cánh tay rắn chắc đã đặt vào lưng cô, giữ cho cô được thăng bằng:
– “Cô Cẩm Tú, cô bị làm sao vậy?”, Nghĩa lo lắng hỏi thăm.
Cẩm Tú nhắm mắt lại một lúc, hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh, nội dung bức thư quá đả kích làm sụp đổ hoàn toàn niềm tin của cô về tương lai. Một lúc sau, Cẩm Tú mới từ từ mở mắt ra, ánh mắt vô hồn ngây dại. Cô nói thật nhẹ nhàng, vừa đủ để Nghĩa đang ở ngay sát bên mình nghe tiếng:
– Đi với cô.
– Đi đâu hả cô?, Cô đang…
Cẩm Tú ngoảnh hẳn đầu mình nhìn thẳng vào mắt Nghĩa, không còn ánh mắt mơ hồ vô định như hồi nãy nữa mà là một ánh mắt của sự khát khao, của sự quyết tâm:
– Cứ đi rồi sẽ biết. Dắt xe ra cổng cho cô.
Nhìn thấy ánh mắt và lời nói quyết tâm của cô Cẩm Tú, Nghĩa không còn cách nào khác là nghe lời, cậu thực sự rất lo cho cô trong hoàn cảnh này, cô không giống bình thường, rất khác so với mọi ngày:
– Vâng, để cháu dắt xe.
Nghĩa lại ngồi đằng sau chiếc Spacy, lần này là lần thứ 3 cậu ngồi sau xe này. Lần đầu là hôm hai cô cháu gặp nhau buổi đầu tiên, lần thứ 2 là lần Nghĩa và cô đi chợ hoa Hoàng Hoa Thám, lần đó có một kỷ niệm vô cùng đáng ngượng giữa hai cô cháu, và lần này là lần thứ 3.
Cô Cẩm Tú không nói năng gì, cô cứ thế phóng xe đi. Không khí cực kỳ căng thẳng đến ngột ngạt, Nghĩa cũng không dám hỏi thêm là cô đi định đâu, chỉ biết lẳng lặng ngồi sau, bám thật chặt vào hai bên áo cô cho khỏi ngã.
Xe đi qua cầu Chương Dương về phía bên Gia Lâm rồi vòng vèo một đoạn vào một khu bãi sông, ở đó dân cư cũng đông đúc, nhà hàng san sát nhau giống như bên kia. Cẩm Tú đỗ xe vào một nhà hàng làm bằng nhà sàn, vẫn không nói một câu gì.
Cô đi trước lên tầng 2, Nghĩa khép nép đi sau cô.
Khi hai cô cháu ngồi đối diện nhau, Nghĩa mới có dịp nhìn kỹ khuôn mặt của cô, đó là một khuôn mặt nhợt nhạt, vô hồn, không hiểu trong đầu cô đang nghĩ gì nữa.
Khi cô nhân viên đưa cái menu cho Cẩm Tú, cô chỉ chỉ vào một vài món ăn trên menu rồi nói thêm: “Và 1 chai rượu nữa”.
Nghĩa há hốc mồm khi thấy cô gọi rượu, cậu thì chưa bao giờ uống rượu rồi, cũng chưa từng nghe cô Cẩm Tú nói là đã từng uống rượu. Nhưng nhìn khuôn mặt nghiêm trọng của cô, cậu không dám phân bua.
Vẫn không ai nói với ai một lời.
Cả tầng 2 này hình như chỉ có duy nhất một bàn của hai cô cháu, bàn lại sát cửa sổ nhìn ra sông Hồng. Trời tối nên không nhìn rõ, chỉ thấy loáng thoáng vài ngọn đèn bão trên mũi những con tàu hàng xuôi ngược. Khi rượu và thức ăn được bày biện đầy đủ, nhân viên cũng lui xuống phía dưới, chỉ còn hai cô cháu, Cẩm Tú chủ động rót đầy 2 cốc rượu rồi nói:
– Uống đi Nghĩa.
Nghĩa cũng nâng ly lên, chưa chạm môi nhưng mùi rượu xộc vào mũi cay cay:
– Cháu chưa uống rượu bao giờ?
– “Thì đây là lần đầu tiên, rượu cay nhưng nó chính là cuộc đời. Uống đi!”, Cẩm Tú nói xong thì chủ động chạm vành li vào cốc rượu của Nghĩa rồi uống một hơi hết luôn.
Nghĩa chỉ dám nhấp môi ngụm rượu đầu tiên trong cuộc đời rồi ‘à’ lên một tiếng vì rượu quá cay, quá nồng.
Cẩm Tú tiếp tục rót cho mình một ly rượu rồi lại tự mình uống một phát hết luôn. Hết xong cô lại rót tiếp và định đưa lên miệng uống nốt nhưng Nghĩa với sang chạm vào bàn tay cô như muốn cản lại.
Cái chạm tay này thật sự rất ấm giữa trời đông giá rét này, Cẩm Tú ngừng lại rồi ngẩng mặt lên nhìn Nghĩa như có ý hỏi tại sao lại cản cô, Nghĩa nói:
– Cô đừng như vậy nữa?
Cẩm Tú vẫn không thôi nhìn sâu vào khuôn mặt Nghĩa, tay Nghĩa vẫn đặt trên mu bàn tay Cẩm Tú, dưới cùng vẫn là ly rượu đầy lóng lánh tận vành. Cứ như vậy hai người nhìn nhau một lúc khá lâu. Cuối cùng Nghĩa cũng rụt tay lại vì cậu dướn người như vậy trông cũng kỳ kỳ. Cẩm Tú lại tiếp tục uống ly thứ 3, uống xong mới nói:
– Cô muốn ăn gì thì ăn, muốn mặc gì thì mặc, muốn uống gì thì uống. Cô phải sống cho chính bản thân mình, cô chán sống vì người khác lắm rồi.
Nói xong Cẩm Tú mở cái túi xách của mình ra, trong đó có tờ giấy vo viên từ nãy rồi đưa sang cho Nghĩa:
– Cháu đọc đi. Đọc xong rồi nói cho cô biết cô có nên say hay không?
Nghĩa lần giở tờ giấy vo viên ra, trên đó là những dòng chữ được viết nắn nón bằng bút mực kim. Cẩm Tú lại rót rượu lại uống trong khi Nghĩa đọc thầm trong đầu:

‘Quảng Châu, ngày… tháng… năm…
Cẩm Tú!
Anh biết khi đọc bức thư này em sẽ hết sức ngạc nhiên vì đã hơn 10 năm kể từ ngày anh sang bên này tìm mối hàng vẫn chưa một lần tin tức gì về.
Anh biết mẹ con em sẽ rất mong chờ tin tức của anh, mong anh về. Nhưng bao nhiêu điều muốn nói anh chỉ có thể gói gọn lại bằng hai từ “xin lỗi”.
Anh xin lỗi em vì đã không làm tròn bổn phận người chồng mà một đi không trở lại.
Anh xin lỗi con vì đã không phải là một người cha tốt.
Mọi sự giải thích bây giờ chỉ là ngụy biện.
Anh đã có gia đình mới bên này, có thêm 2 đứa con nữa rồi.
Nếu có điều kiện trở về Việt Nam, anh nhất định sẽ về quỳ dưới chân em để tạ tội.
Em hãy quên anh đi.
Người chồng tội lỗi của em: Nguyễn Quốc Quân’.

Nghĩa đặt bức thư xuống bên cạnh rồi nhìn về phía bên kia bàn ăn, mặt cô Cẩm Tú đã đỏ gay, mới có một lúc mà nửa chai rượu trắng đã hết, ánh mắt cô căm thù nhìn vào chén rượu như nhìn vào chính người chồng bội bạc, Nghĩa chợt thấy thương cô vô cùng:
– Cô…
Khi rượu vào con người ta muốn được tâm sự, muốn được nói hết sức bức bối trong lòng, Cẩm Tú lúc này cũng vậy:
– Thà rằng cô không nhận được bức thư này, thà rằng cô không biết thông tin gì của anh ta, cứ vậy mà sống thì còn có chút hy vọng, có chút niềm tin. Đằng này, bức thư như một nhát dao đâm thẳng vào tim cô. Cô đau lắm. Bao nhiêu năm nay cô một thân một mình gồng gánh bươn chải nuôi con cũng là mong có một ngày gia đình được đoàn tụ. Ấy vậy mà giờ cô nhận được chỉ là hai từ “xin lỗi”. “Xin lỗi” có trả cho cô được 10 năm đằng đẵng không? “Xin lỗi” có bù cho cô những ngày tháng đã qua không? “Xin lỗi” có cho cô một người chồng, cho con cô một người cha không? Vậy mà kẻ bạc tình bạc nghĩa ấy chỉ nói độc một từ “xin lỗi”. Nghĩa trả lời cho cô, cô có nên uống không?
Nói những lời này ra, Nghĩa biết cô dốc ruột dốc gan và nhờ có rượu mới nói ra được, mình cũng chẳng phải bạn bè bày vai phải lứa với cô, mình cũng chẳng là gì của cô cả, mình chỉ là kẻ làm thuê cho cô, vậy mà cô nói với mình. Hay chỉ có là mình ở địa vị này cô mới có thể nói được. Nhìn ánh mắt đau khổ của cô, giọng cô cũng không còn tỉnh nữa, Nghĩa lại nhớ đến bố, bố cũng suốt ngày say, có lần Nghĩa có hỏi mẹ là tại sao? Mẹ ậm ừ chỉ nói là: “Ngày xưa bố không như thế đâu”. Vậy chắc bố cũng như cô Cẩm Tú bây giờ, chắc phải trải qua một biến cố nào đó thì mới muốn uống say, say để quên đi một thứ gì đó cay đắng trong cuộc đời. Nghĩa hiểu được như vậy:
– Cô uống đi, cháu uống cùng với cô.
Lần này Nghĩa dốc một mạch cạn hết ly rượu của mình, hơi cay cay nhưng uống cả ngụm to rồi nuốt ực một phát hết luôn nên cũng đỡ. Cẩm Tú mỉm cười vì tìm được đồng minh:
– Hà hà hà, phải thế chứ. Ngoan lắm.
Cứ thế, hai cô cháu uống hết chai rượu, nói là hai người nhưng Nghĩa mới chỉ uống hết ly thứ 3, còn lại đổ vào bụng cô Cẩm Tú hết. Vừa uống cô Cẩm Tú còn nói nhiều lắm, nói hết chuyện này sang chuyện nọ, lân la kể cả chuyện hồi xửa hồi xưa, chuyện tận đẩu tận đâu.
Nhưng cuối cùng thì cô say thật.
– “Mình về thôi cô ơi”, Nghĩa đi sang phía bàn bên kia rồi lay lay tay mình vào vai cô khi thấy cô có hiện tượng muốn gục luôn tại bàn.
Cẩm Tú lè nhè đứng dậy luôn:
– Về thì về. Về rồi đi uống tiếp. Hôm nay cô phải say. Phải say mới được, giờ chưa say đâu.
Chuyện Nghĩa không biết đi xe máy lần này mới thực sự dở, cô Cẩm Tú say bét ra rồi nhưng vẫn phải cầm lái, loạng choạng mãi mới nổ nổi cái xe:
– Cô có đi được không, hay là mình để xe lại rồi thuê xe về hả cô. Cháu lo lắm.
Những ai đã từng say rượu rồi thì biết, không bao giờ thú nhận là mình say đâu:
– Còn lâu cô mới say, cứ yên tâm để cô đèo.
Chiếc xe lảo đảo phóng vọt đi, lúc nhanh lúc chậm, lúc ở bên này đường, lúc ở bên kia đường khật khưỡng như người cầm lái.
Đường về nhà phải vòng lên đê rồi lại qua cầu Chương Dương nhưng chỉ đi được đâu đó khoảng 500 mét thì Cẩm Tú đỗ xịch cái xe vào sát vỉa hè rồi thì:
– Ọe… ọe…
Uống rượu gặp gió, Cẩm Tú nôn thốc nôn tháo toàn bộ thức ăn và rượu xuống ngay dưới chân. Người cô mềm oặt không giữ nổi cái xe, cũng may có Nghĩa ở đằng sau kịp thời nhảy xuống giữ không có thì cái xe đổ kềnh ra đất mất. Cẩm Tú nôn xong thì nằm vắt người lên luôn yên xe, mông chổng ra đằng sau, trước khi lịm đi cô vẫn kịp nói với Nghĩa:
– Nghĩa ơi, cô không đi nổi nữa rồi.
Nghĩa hoang mang chưa biết xử lý tình huống này như thế nào, cậu gãi gãi lên tóc gáy như đang tìm phương án giải quyết, bỗng cậu nhìn về phía bóng đèn quảng cáo ở ngay cạnh chỗ đỗ xe, trên đó là dòng chữ màu đỏ: “Hotel New World”.

To top
Đóng QC