Mùa nước nổi – Phần 104

Phần 104
Mọi việc trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết, ngay khi từ UBND xã về, Nghĩa và chú Lãm đã đi đến từng hộ dân trong xóm Bãi để mời mọi người đến nhà mình vào tối ngày hôm sau, mọi người còn mô tê không hiểu là có chuyện gì mà Nghĩa lại mời mọi người đến, Nghĩa chỉ nói sơ sơ về mong muốn chuyển đổi mô hình sản xuất, bởi nếu trình bày hết ngay thì chắc mỗi nhà phải mất một buổi sáng mới xong, và nếu thuyết phục đơn lẻ như vậy thì không có hiệu quả lớn. Được cái, trong lòng mọi người sẵn có thiện cảm với Nghĩa từ lâu rồi, thêm nữa buổi gặp mặt lại có cả sự tham gia của lãnh đạo UBND xã nữa, thế nên đa số mọi người đều đồng ý đến.
Manh nha nhà Nghĩa sẽ trở thành trụ sở cho cái mô hình mà Nghĩa bắt đầu xây dựng. Để cho trang trọng, Nghĩa thuê người về dựng rạp, thuê hơn một trăm cái ghế nhựa mà vẫn dùng trong các đám cưới về lấp kín sân nhà mình. Ở phía trên bầu một dãy ghế có kèm theo bàn là nơi cho các cán bộ ủy ban ngồi.
Thế rồi buổi gặp mặt người dân trong xóm bãi cũng diễn ra. Mới chập tối, khi nhà nào nhà nấy ăn cơm xong là lục tục í ới gọi nhau sang nhà Nghĩa.
Xóm bãi có hơn một trăm nóc nhà một chút, là hơn một trăm hộ dân. Nhà nào ít cũng có một người gọi là chủ hộ đi, có nhà còn cả vợ cả chồng và con cái đều đến. Chẳng mấy khi, mà hình như là chưa bao giờ xóm Bãi lại có buổi tập trung như thế này. Bình thường, những việc lớn trong làng trong xã đều tập hợp ở bên trong đê hết.
Nhìn mọi người nô nức ngồi trong sân nhà mình, đông hơn cả hôm bố mất, Nghĩa mừng thầm trong lòng, đó là thành công bước đầu. Mọi người đến đây, tức là trong thâm tâm mọi người đều có ý muốn nghe xem cái chuyển đổi mô hình sản xuất của Nghĩa là như thế nào? Có thay đổi được cái vất vả sớm hôm, có thay đổi được cuộc sống khổ cực của họ từ bao đời nay hay không.
Thế rồi, đúng giờ, chú Khôi cùng một đoàn khoảng gần 10 người là cán bộ Đảng ủy, Ủy ban, Hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân của xã tới tham dự. Từ sáng hôm qua, cũng như Nghĩa và chú Lãm vất vả đi từng nhà, chú Khôi cũng triệu tập một cuộc họp khẩn đầu năm với sự tham dự của đầy đủ ban bệ, tổ chức trong xã để phổ biến và ra nghị quyết ủng hộ mô hình sản xuất rau an toàn của Nghĩa.
Tất nhiên, chú kèm vào đó là Công văn chỉ đạo của Sở Nông nghiệp lấy xã nhà làm điểm để từ đó nhân rộng ra toàn huyện, toàn tỉnh. Năm mới đến, một mùa xuân mới giờ mới thực sự bắt đầu ở xã, cả một bộ máy như rùng mình thức giấc sau một giấc ngủ dài. Buổi nói chuyện chưa diễn ra, nhưng tin tức về chuyện đó đã lan truyền khắp xã. Ấy thế mà, nhìn kỹ dưới sân còn thấy có rất nhiều người không phải là người dân xóm Bãi cũng ngồi ở dưới.
Khi thấy đã đông đủ. Chú Khôi đứng dậy giơ tay báo hiệu mọi người trật tự để chú nói. Chú lấy trong tập tài liệu mang theo ra tờ Công văn mà chú đã cho Nghĩa xem buổi sáng hôm qua. Trước khi vào phần chính của buổi họp, chú mở lời:

– ‘Kính thưa bà con xóm Bãi, hôm nay chính quyền địa phương được mời tham dự buổi gặp mặt của cháu Nghĩa với bà con xóm bãi để nghe cháu Nghĩa trình bày với bà con về mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo phương pháp mới. Tôi xin đại diện cho chính quyền, đoàn thể địa phương xin có đôi lời với bà con.
Thưa bà con! Xã ta hàng bao nhiêu đời nay vẫn lấy nông nghiệp làm hướng phát triển kinh tế mũi nhọn. Đất trong đê thì trồng lúa, đất ngoài bãi thì trồng màu. Đất bãi được sông Hồng mỗi năm đều bồi đắp phù sa màu mỡ. Tuy nhiên, như bà con đã biết, với cách canh tác như hiện nay, đời sống của bà con không khấm khá hơn là bao, vẫn quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng khi trái gió trở giời là lại thiếu ăn.
Chính vì vậy việc tìm ra một mô hình sản xuất nông nghiệp mới, có hiệu quả hơn, mang lại lợi ích tốt hơn là việc chúng ta bắt buộc phải làm nếu muốn thay đổi cuộc sống. Trên tay tôi là Công văn của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, có nội dung yêu cầu đích danh xã mình làm thí điểm việc thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp cũ sang mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Vietgap.
Rất may cho xã nhà, cháu Nguyễn Trọng Nghĩa, con anh Bừng và chị Tươi, sinh ra và lớn lên tại địa phương. Sau một thời gian học tập, nghiên cứu về mô hình sản xuất Vietgap đã quyết định về quê lập nghiệp và áp dụng mô hình sản xuất này vào chính vùng đất bãi quê nhà. Cháu có chia sẻ với tôi là mục đích lớn nhất của việc làm này chính là góp phần xây dựng quê hương, góp phần vào việc cải thiện đời sống của bà con. Xã rất mừng và ủng hộ việc làm của cháu. Vì việc này là thí điểm nên xã không thể yêu cầu bà con phải sản xuất theo mô hình mới, mà hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bà con.
Trước khi quyết định, bà con hãy lắng nghe cháu Nghĩa trình bày sơ lược về mô hình sản xuất mới. Sau khi nghe xong, bà con hãy quyết định’.

Nghe chủ tịch xã nói như vậy, mọi người sau một hồi trầm lắng im lặng lắng nghe thì vỗ tay rầm rầm. Chưa cần biết tới cái mô hình mới sẽ ra sao, tất cả người dân ngồi đây đều cảm nhận được những lời của chủ tịch nói đều ứng nghiệm vào gia đình mình. Đúng, quanh năm vất vả không có nghỉ lấy một ngày nhưng vẫn thiếu ăn thiếu mặc, vẫn chẳng có của ăn của để. Mỗi lần trái nắng, nước lên là cả nhà phải đi giật chỗ này, vay chỗ kia mới không bị đói. Tâm tư của họ bị đánh trúng, việc tiếp theo chính là của Nghĩa.
Nghĩa ngồi ở sát mép cái bàn dành cho lãnh đạo xã, nghe chú Khôi giới thiệu mình lên nói chuyện với bà con, cậu có chút hồi hộp. Tim đập mạnh đến loạn nhịp. Những người ngồi ở dưới kia đa phần là bậc cha chú, có người còn ở tuổi ông bà của cậu. Nói trước đám đông không phải là lần đầu, thậm chí nhiều là đằng khác nhưng đó là hồi cậu còn dạy ở lớp học ven sông, toàn các em nhỏ. Nay đã khác nhiều. Hơn nữa việc này còn hệ trọng hơn gấp cả trăm lần, liên quan đến cuộc sống mưu sinh, đến miếng cơm manh áo của hàng trăm gia đình.
Nghĩa đứng dậy, vươn thẳng người rồi nhìn sang bên phải tay phải của mình, là nhà của cậu. Sâu bên trong có bàn thờ bố, ngoài cửa có mẹ và chú Lãm đang đứng nhìn cậu với ánh mắt vô cùng động viên khích lệ. Cậu thấy mẹ và chú Lãm hơi mỉm cười và gật đầu. Họ như thầm nói với cậu là: “Cố lên con ơi!”. Chính sự động viên thầm lặng ấy làm cậu bình tâm, thêm phần tự tin. Nghĩa nhìn xuống bên dưới một lượt rồi bắt đầu nói, những câu nói đầu tiên của việc làm một người quản lý:
– Cháu thưa các ông bà, các cô chú! Từ nhỏ cháu đã lớn lên ở vùng đất bãi này. Cháu cùng với mẹ cháu và các ông bà, các cô chú trồng ngô, trồng khoai, trồng rau, trồng lạc, trồng dưa. Hơn ai hết cháu thấu hiểu nỗi vất vả một nắng hai sương của người dân xóm mình. Chính vì vậy, từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, cháu đã có ước mơ cháy bỏng và khát khao được đóng góp một phần nào đó để cho việc trồng màu trên chính mảnh đất này có thể mang lại đời sống ấm no, trước là cho chính mẹ cháu, sau nữa là cho những người dân trong xóm mình.
Cô Thắm, mẹ của Trang đang ngồi hòa lẫn bên dưới có biết được ước mơ này của Nghĩa do con gái kể lại. Hồi ấy cô tặc lưỡi coi như đó chỉ là suy nghĩ bông đùa của một đứa trẻ con. Ấy vậy mà nay đứa trẻ ấy đã bắt đầu thực hiện lời nói của mình rồi. Cô băn khoăn liệu rằng mình vun cho đứa con gái mình với thằng Toàn có đúng hay không nữa. Tết vừa rồi, cái Trang có về báo tin mừng cho gia đình là đã xin được việc làm trên Hà Nội, nó cũng xin phép được chính thức yêu đương với thằng Toàn. Và nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay hai đứa sẽ cưới nhau.
Nghĩa nói tiếp:
– Cách đây 5 năm, cháu đã theo học trồng cây ở một vườn ươm rất lớn trên Đại học nông nghiệp và nghiên cứu chuyên sâu về mô hình sản xuất nông nghiệp sạch Vietgap. Nay việc học đã xong. Cháu trở về nhà để bắt đầu thực hiện ước mơ của mình và hướng dẫn mọi người trồng cây theo mô hình này. Cháu rất mong các ông bà, các cô chú hãy tin tưởng cháu và chuyển đổi cách trồng cây theo phương pháp mới.
Tiếp theo đó là gần 1 tiếng đồng hồ Nghĩa trình bày về phương pháp trồng cây theo tiêu chuẩn Vietgap, cậu cũng nói về nhu cầu của thị trường về sản phẩm nông nghiệp sạch. Về tương lai sản phẩm có thể được bán rộng rãi cả trong và ngoài nước. Cậu nói để làm được Vietgap cần phải như thế nào? Đó là dồn điền đổi thửa để quy hoạch diện tích trồng cây. Cuối cùng chính là mô hình pháp lý hoạt động, đó là thành lập Hợp tác xã nông nghiệp, trong đó những người góp ruộng và áp dụng mô hình sản xuất sẽ là những xã viên. Trước mắt là như vậy, sau nữa là thành lập công ty cổ phần, các xã viên sẽ trở thành những cổ đông của công ty.
Những xã viên sẽ canh tác theo mô hình trên chính mảnh ruộng của mình, tất nhiên là phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất của Hợp tác xã. Sản phẩm làm ra sẽ được hợp tác xã thu mua và đem đi tiêu thụ.
Đấy là những nội dung cơ bản trong Phương án mà Nghĩa đã gửi cho chú Khôi hôm qua và hôm nay trình bày cho các hộ dân nghe.
Kết thúc phần nói chuyện của mình, Nghĩa nói:
– Như chú Khôi đã nói, việc chuyển đổi này hoàn toàn tự nguyện. Nếu các ông bà, các cô chú đồng ý thì đăng ký với cháu. Ngay từ vụ sản xuất tới này, chúng ta sẽ trồng cây theo Vietgap. Cháu xin hết ạ.
Tất cả hơn trăm con người im lặng từ nãy đến giờ, khi Nghĩa nói “xin hết” mọi người vẫn im lặng, có vẻ như họ đang cố gắng hiểu những gì Nghĩa nói, bởi vì những điều đó đều là những cái mới, mà cái mới thì cần một khoảng thời gian để tiếp nhận.
Bỗng một cánh tay giơ lên, là của cô Thắm mẹ Trang:
– Tôi đồng ý tham gia.
Một bàn tay khác nữa cũng giơ lên, là của bác hàng xóm ngay sát nhà Nghĩa:
– Cho bác theo với được không Nghĩa?
Rồi cứ thế, cứ thế, mọi người thi nhau giơ tay của mình lên, họ tranh nhau nói:
– Tôi đăng ký tham gia. Tôi đồng ý sản xuất theo mô hình mới. Tôi đồng ý thay đổi. V. V.
Hình như là 100% các hộ trong xóm Bãi đều tham gia thì phải. Việc này nằm quá dự liệu của Nghĩa. Bởi đối với cậu, lúc khởi nghiệp này chỉ độ 2 chục nhà tham gia cùng mình đã là quá mỹ mãn rồi. Ai dè!
Mừng thì mừng vậy thôi, nhưng đông người tham gia ngay ở trong giai đoạn đầu là bắt Nghĩa phải đối mặt với một khó khăn mà cậu chưa lường trước được. Đấy chính là vốn và thị trường đầu ra.
Ôi mà thôi, mọi thứ khó khăn còn nhiều mà, thêm một tẹo đâu có làm cho Nghĩa nhụt chí được cơ chứ.
… Bạn đang đọc truyện Mùa nước nổi tại nguồn: https://gaigoi.city
Cầu Long Biên, một buổi chiều đầu năm.
Nghĩa ngẩn ngơ nhìn ánh nắng chiều nhàn nhạt khuất dần phía xa xa, những áng mây lững lờ trôi nhè nhẹ. Hôm nay cậu lên Hà Nội gồm mấy thứ việc cùng một thể, thứ nhất và là việc đầu tiên cậu làm là mang những mẫu đất ở quê mình lên xét nghiệm chỉ số sinh hóa ở phòng thí nghiệm vườn ươm. Cậu lên từ sáng sớm cơ. Làm việc ở phòng thí nghiệm từ sáng tới chiều mới xong.
Kết quả làm cậu buồn lắm, mặc dù người dân xóm Bãi không sử dụng thuốc trừ sâu nhiều nhưng vẫn có sử dụng, cũng may phù sa sông hồng mỗi năm bồi đắp thêm một chút không ngừng nghỉ năm nào nên không quá cao. Các chỉ số sinh, hóa đều vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn Vietgap, tuy nhiên không vượt quá nhiều, chỉ cần cho đất nghỉ một vụ cộng với các biện pháp cải tạo đất thì sẽ đạt chuẩn thôi.
Khi xong việc ở vườn ươm, Nghĩa không về nhà ngay mà đi về nội thành Hà Nội, khi qua cầu Long Biên, cậu gửi xe ở chân cầu rồi đi bộ lên đây, cũng được 1 lúc rồi.
Nơi này đã gắn liền với cậu cả quãng đời không dài cũng không ngắn, nơi đây cậu có vô vàn kỷ niệm với Thủy Tiên, với một tình yêu thực sự đầu đời.
Nghĩa tìm trong danh sách số cuộc gọi vừa thực hiện, tìm số Thủy Tiên, nhưng điện thoại của Thủy Tiên vẫn thế, vẫn chỉ là những tiếng nói ấm áp “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”, ngày qua ngày, tháng qua tháng, chỉ như vậy không hơn.
Nghĩa đành sử dụng phương pháp nhắn tin, nhắn rất dài mà phải chia làm nhiều tin nhắn mới gửi hết, hy vọng rằng, một lúc nào đó Thủy Tiên mở máy lên sẽ nhận được: “Thuy Tien em, anh rat nho em. Du em co gian anh nhu the nao nhung xin em hay cho anh duoc gap em co duoc khong? Anh da bat dau thuc hien uoc mo cua minh o que. Se con gap phai nhieu kho khan lam, nhung anh se co gang vuot qua tat ca. De giup do que huong, nhung cung la vi ban than anh. De anh chung minh cho em thay la anh xung dang voi em. Du anh co lam o dau di chang nua, anh cung se luon o gan ben em. Anh yeu em!”
Biết chắc là sẽ chẳng nhận được tin nhắn trả lời, bởi hầu như mỗi ngày, Nghĩa đều nhắn tin cho Thủy Tiên, nhưng tính từ ngày Thủy Tiên ra đi đến nay đã hơn 6 tháng trôi qua, Nghĩa chưa từng nhận được 1 tin nhắn trả lời. Qua chị Nhài và cô Cẩm Tú, Nghĩa chỉ biết mỗi một thông tin đơn giản là Thủy Tiên vẫn chưa về, vẫn khỏe mà thôi.
Trời đã gần như tối hẳn, ánh sáng tự nhiên không còn, thay vào đó là ánh sáng của những ngọn đèn điện phía trên cầu tỏa xuống. Dòng người ngược xuôi vẫn tấp nập không ngừng nghỉ. Nghĩa vẫn hy vọng rằng, đứng ở trên cầu này một lúc nào đó sẽ gặp được Thủy Tiên, rằng Thủy Tiên sẽ lang thang ra đây để gặp cậu. Nhưng lần này cũng như bao lần khác, chỉ là sự thất vọng vô bờ bến mà thôi.
Bỗng dưng điện thoại trong túi quần Nghĩa rung lên, Nghĩa run lẩy bẩy móc điện thoại ra với hy vọng rằng tin nhắn mình vừa gửi đi được trả lời.
Nghĩa nheo mắt nhìn vào màn hình mờ mờ của chiếc điện thoại Nokia, cậu không thở dài nhưng cũng không vui vẻ lên là bao bởi tin nhắn vừa nhận được không phải là của Thủy Tiên, mà là của một người bạn, Tuyết.
Mở tin nhắn, Tuyết nhắn cụt lủn như tính cách của bạn ấy bao nhiêu năm nay: “Chuc cau thanh cong. Co len nhe!”.
Buông điện thoại xuống xuôi đùi, Nghĩa chợt nhớ đến Tuyết. À, từ lúc hai đứa gặp nhau lần cuối cùng cách đây cũng đã lâu, lúc chia tay ở cổng nhà Tuyết đến nay cũng đã được hơn 6 tháng rồi, chưa gặp lại bạn, không biết giờ này bạn đang làm gì? Ở đâu nữa.
Mà quái lạ làm sao, chẳng gặp nhau bao giờ, cũng chẳng khi nào Nghĩa chia sẻ cụ thể công việc của mình. Ấy vậy mà sao lại có tin nhắn chúc thành công nhỉ? Cứ như bạn ấy là con ma lúc nào cũng quanh quẩn ở bên cạnh mình không bằng.
Nghĩa nhắn tin lại: “Cau dang o dau? Sao lau roi khong thay lien lac, da tim duoc viec lam chua?”
Chỉ độ vài phút sau, Nghĩa đã nhận được tin nhắn trả lời của Tuyết, cô nàng hình như đang lăm lăm điện thoại chờ Nghĩa trả lời: “O dau con lau moi noi. To co viec lam on dinh roi. Cau yen tam, cu tap trung hoan thanh uoc mo cua minh di. Mot luc nao do to se gap lai cau”.
Nghĩa không trả lời lại tin nhắn của Tuyết, biết được bạn vẫn bằng an là mừng rồi. Trong lòng cậu giờ chỉ có 2 thứ là quan trọng nhất, thứ nhất là Thủy Tiên, thứ nhì chính là công việc ở quê nhà. Giờ cậu phải về quê luôn, bởi ngày mai, là một ngày quan trọng. Ngày cậu phải thuyết phục các xã viên trong cái Hợp tác xã vừa mới thành lập được mấy ngày dừng việc canh tác trong một vụ mùa, để cho đất nghỉ. Chẳng biết có được không nữa, bởi nếu dừng 1 vụ thì kéo theo hàng loạt vấn đề, mà lớn nhất chính là lấy cái gì để ăn đây?

To top
Đóng QC