Phần 58
Chuỗi ngày đó là lúc tôi thấy thằng V của mọi ngày bớt đi rất nhiều những vô tư. Vẫn miệt mài với hai môn toán lý nhưng không vì thế mà thờ ơ với sự đời nữa, vì trong cái “sự đời” đó có những người tôi thương mến.
Tôi vẫn không tài nào hiểu được vì sao hôm đó nước mắt Diệp lại rơi. Đôi lúc tôi tự nhủ mình có một phần trách nhiệm trong đó. Đôi lúc lại thấy mình hoàn toàn vô can. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là khi tôi thấy những giọt nước mắt đó, lòng tôi lại chùng chình những ký ức đã phai màu thời gian. Và còn điều quan trọng hơn nữa khi tôi bắt đầu lo lắng cho ai kia…
Những buổi tôi đi bên cạnh em đến trường bỗng vơi đi chút ít những tiếng cười. Những lúc nói chuyện em cũng thôi đi sự tinh nghịch vui tươi trong điệu bộ, cử chỉ, trong ngôn từ, câu cú… Tôi chợt muốn em cứ úp mở hành hạ tôi như lúc xưa, vì khi đó, tôi mới được thấy mắt biếc là mắt biếc.
Tôi hiểu những bài vở chất đống với kỳ thi học kỳ đã gần kề khi bên cạnh một người lo xa và sâu sắc như em làm em thật khó để không lắng lo dốc sức. Và tôi cũng hiểu những lời em với riêng tôi trong buổi sinh nhật hôm nào “nếu Thương không cố gắng, may mắn sẽ không bao giờ đến”. Nhưng trên hết, tôi hiểu rằng em cũng đã đưa ra sự lựa chọn cho riêng mình. Nếu em không tin rằng sự chân thành trong tôi đủ khả năng mang đến cho em thật nhiều những niềm vui, thật nhiều những động lực, thì với sự phán đoán tài tình của riêng mình, em sẽ không bao giờ… không bao giờ cho phép tôi đi bên cạnh em lúc này…
– Thương ăn đi. – Tôi cầm lấy chiếc bánh Chocopie đưa cho em khi hai đứa đang bước qua cổng trường.
– Hôm nay cũng có nữa hả? – Em cười thật tươi.
– Sẽ luôn có cho mọi ngày.
– Làm gì có lỗi phải không? – Em háy mắt.
– Nếu chỉ đổi chiếc bánh Chocopie thì lỗi cũng nhỏ, phải không? – Tôi trả treo.
– Lỗi đến từ nét mực thì nhỏ, nhưng lỗi đến từ cây bút thì không.
– Là sao? – Tôi ngẩn tò te.
– Sao trăng gì, hết tuần này thi học kỳ rồi, tặng V cây bút nè. Người ta nói gì cũng không hiểu, thật là…
Em vừa nói vừa đi nhanh hơn bỏ tôi lại một đoạn. Xong em lấy từ trong cặp ra chiếc bánh tôi trao em hôm qua, vừa đưa lên nhìn ngắm vừa cười cười.
– Thương nè… – Tôi đuổi theo phía sau.
– Gì V? – Em tròn xoe hai mắt.
– Chiếc bánh đó không phải để chuộc lỗi, cũng không phải cho Thương để dành…
– … – Em im lặng đợi tôi nói tiếp.
– V mong Thương luôn đầy đủ sức khỏe để ôn bài thi. Đừng thức khuya quá, cũng đừng dậy sớm quá…
– Ăn một chiếc bánh sao no được?
– V sẽ tặng Thương cả hộp…
– Nhìn một chiếc bánh mới no lâu.
– …
– Đếm từng chiếc bánh hết lo âu. Hihi…
Tôi lại ngẩn ngơ nhìn tà áo trắng trước mặt. Cơn gió đông thật ấm áp đang xoa nhẹ hai má em ửng hồng. Những chiếc lá phượng mỏng manh bị cơn gió làm cho chao đảo rồi rơi xuống như cơn mưa giữa sân trường tĩnh lặng. Tôi chợt mỉm cười một mình khi những kiến thức bao la trong sách vở chỉ làm em bước chậm lại chứ chưa bao giờ rẽ lối. Và tôi cảm thấy vui hơn khi cảm xúc của tôi đã có cách xử lý của riêng nó. Không cần kế hoạch, không cần đắn đo.
Lại một buổi chiều đầy mây. Tôi ngồi thơ thẩn bên đường biên (thật ra thì tôi ước lượng vậy chứ sân cát làm gì có đường biên) của sân Hướng Dương. Chiều nay lớp tôi và tụi 12/2 lại giao lưu. Trận đấu diễn ra khá cân sức khi suốt hơn ba tháng qua, với những trận du đấu dày đặc, bọn bạn đã bắt đầu vững hơn về thể lực. Nhìn ku Danh chạy hùng hục trong sân, rồi ku Liêm xoạc chân chắn bóng, đến thằng King lăn xả bắt gôn… tôi bỗng thấy yên bình đến lạ.
Khác với phần đông những đứa trong lớp, tôi với ku Thành lại ở một vùng lạ lẫm hơn. Lạ lẫm ở đây cụ thể là tôi với nó không miệt mài cày sâu cuốc bẩm chuyện học hành. Nói về kiến thức các môn tự nhiên, từ khi lên cấp 3, chính xác hơn là từ khi chơi thân với tôi, thân với lớp, từ khi yêu ngôi trường này, yêu những ngày đi học dù mưa to hay nắng cháy, yêu bạn bè thầy cô, yêu bảng đen phấn trắng, yêu lá me lá phượng… Tất cả những tình yêu đó làm nó và cả tôi nữa, thấy việc học như một điều gì đó thật gần với đam mê, để rồi, khi những niềm vui thích được tung tăng bay nhảy, chẳng cần phải gắng sức, tôi và nó cứ hoàn thiện từng ngày. Chỉ tiếc rằng, những người kiểu như tôi với nó thật hiếm, hiếm hết sức!
Tôi nói hiếm vì để kiến thức vào đầu một cách tự nhiên không nhồi nhét, bên cạnh tất cả những cố gắng, nỗ lực, còn có sự may mắn ngẫu nhiên khi môi trường tạo ra cho chúng ta những hòa quyện, thăng hoa. Còn khi không có những điều đó, sự cố gắng và nỗ lực lắm lúc lại phản tác dụng.
Đó là một ngày trời rét căm căm do ảnh hưởng không khí lạnh phía bắc tràn về. Bọn tôi ai cũng trùng trục những chiếc áo len, áo phao to đến nghẹt thở. Khi tiết học đầu tiên vừa diễn ra. Cô Thúy dạy địa gọi Bảo Trâm lên trả bài. Bước ra khỏi chỗ, đi được vài bước, cô bạn bỗng ngã gục xuống ngất xỉu ngay trước bục giảng. Ngồi ngay bàn đầu, tôi với ku Danh chạy ngay đến đỡ lấy.
Thấy khuôn mặt trắng bệch tái nhợt dưới mái tóc lòa xòa, tôi nhìn quanh quất rồi nói ku Mạnh bế ngay xuống phòng y tế kiểm tra. Nhưng mọi chuyện vẫn không dừng lại ở đó. Bé Phương thấy vậy cũng tự nhiên áp tay lên ngực thở gấp gáp mấy cái rồi ngã hẳn ra bàn. Tôi quay qua hét ku Danh bế chạy như bay theo thằng Mạnh. Khi ku Danh còn chưa ra khỏi lớp, Diệp bất ngờ đứng lên đi loạng choạng ra cửa chính rồi từ từ ngã dần… Dáng vóc liu xiu, đôi mắt hờ hững, đôi tay bé nhỏ trắng xanh vịn chặt vô thanh cửa, tôi bỗng thấy lòng mình nhói lên những lo lắng mơ hồ. Chạy đến thật nhanh đỡ lấy khi Diệp còn chút sức gượng lại, bế em trên hai tay, tôi băng qua dãy hành lang hướng đến phòng y tế trong tiếng xôn xao của mấy đứa lớp khác.
Chuyện bị xỉu hàng loạt kiểu này không phải lần đầu xuất hiện ở trường tôi. Ở nơi đây, cuộc sống không phải kiểu dư giả như các trường trong trung tâm thành phố. Mặc dù đã qua thời kỳ vật lộn với đói kém, cuộc sống vùng ngoại ô không phải vì thế mà trở nên thoải mái. Với nhiều gia đình, con cái học một buổi, buổi còn lại đi làm thêm phụ ba mẹ là điều gì đó hết sức bình thường. Thậm chí đến 50 nghìn đồng học thêm một môn cũng phải đắn đo lựa lời lựa lúc mới dám xin. Nhiều đứa, như thằng Huy, thứ giá trị nhất trong nhà có lẽ là chiếc tivi màu của những năm 90 để lại. Ngôi nhà xây dở, mùa mưa thì dột hứng khắp nơi, mùa nắng thì tôn nóng hầm hập.
Hay bé Huyền, mẹ nó đến chở nó đi học với chiếc xe dùng dây nhợ dây thép cột trước quấn sau, một bộ áo dài mặc đến sờn vai ngả ố… Và còn nhiều đứa nữa, khi mà tiền ăn sáng gửi xe cũng bữa được bữa mất… Thành ra, nhịn ăn sáng là một cái gì đó như đôi bạn đồng hành của phần ít mấy đứa trong lớp. Những khuôn mặt xanh xao, đặc biệt khi cái lạnh tê tái ghé đến, len lỏi vào từng đường gân thớ thịt, khi việc học mùa thi trở thành nỗi ám ảnh phải chăm lo…
Tôi bước về lớp. Tiết học còn dang dở. Không vội bước vào, đứng lẳng lặng trầm tư bên hành lang cũ… Hơi ấm từ cô bạn ngày xưa, hơi ấm từ cái thở bâng khuâng nóng hổi… Không! Tất cả những điều đó là do tôi tưởng tượng ra. Vì tôi thấy đôi môi em rất lạnh, thấy bàn tay em gầy guộc xanh xao, thấy mi mắt thâm quầng mệt mỏi… Những hơi ấm đó, có chăng chỉ đến từ những ngây ngô ngày cũ còn sót lại mà thôi… Và ngày đó, ngày đó tôi đã không có cơ hội dù cố gắng níu kéo. Còn bây giờ, bây giờ tiếng nấc đó và khuôn mặt xanh xao với bờ môi tái nhợt này… nó đến từ điều gì???
‘Chiều nay dưới sân trường…
Chiếc lá nào rơi khẽ…
Giữ giùm tôi lá nhé…
Ngập lối dấu yêu xưa…’
Tôi cũng chẳng biết bao giờ nữa…
Một sự tình cờ của tháng năm…
Đưa tôi tiến lại gần ô cửa…
Để vô tình thấy những hương thầm…
Đó là chiếc lá khẽ đong đưa…
Nương theo làn gió chạy theo mùa…
Vội vàng trong những hoài niệm cũ…
Một thuở vui buồn của ngày xưa…
Đó là hiên vắng những cơn mưa…
Tường cũ rêu phong khóc từng trưa…
Thiếu mất hai người hôm qua đứng…
Mà hôm nay bỗng hóa ngày thừa…
Đó là chao đảo những lá me…
Mùa đông nên chẳng có tiếng ve…
Âm thanh lá rơi êm đềm lắm…
Cần chi thanh sắc của mùa hè!
Tôi đã đứng đó tự ngày xưa…
Khi mà hạ cuối lãng quên mùa…
Thu đến mơn man tìm lá rụng…
Tình cờ tôi đứng đó ngày xưa…
Và tôi đứng đó tại hôm nay…
Khi mà chim chóc lượn từng bầy…
Vỗ cánh rủ nhau đi tránh rét…
Mặc mùa đông lạnh tôi vẫn đây…
Và tôi sẽ đứng đó ngày mai…
Dẫu cho xuân đến dẫu hạ về…
Lá còn rơi rụng tôi còn đứng…
Để cho hồn hứng những say mê…
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: https://gaigoi.city
Lá rơi làm gì hỡi lá ơi?
Cho hồn tôi mộng giữa chơi vơi…
Dẫu hoài niệm lắm sau này vẫn…
Quay lưng mặc lá, gió gọi mời!
NPV…