Phần 56
Sau khi đưa Trinh về nhà, quay lại thong dong trên con đường quen thuộc, tôi bỗng nhớ đến ngày này cách đây một năm.
Thời gian trôi nhanh thật. Mới ngày nào còn vu vơ đứng giữa ngã ba tình cảm đắn đo đi tìm lối rẽ, bây giờ đã bước đi một con đường rõ ràng đến phía trước. Và liệu một năm nữa, ngày 20/11 của sang năm, tôi sẽ đang ở đâu? Sẽ được học ngôi trường đại học mình hằng mong mỏi hay đang lang thang trên miền xa xôi nào đó. Sẽ tiếp tục chở Trinh hay sóng bước bên một người thật mới, hoặc… thật cũ…
Những cơn gió đông se sắt vẫn vui đùa mơn trớn xung quanh. Mặt đường loang loáng hắt lại ánh đèn sau cơn mưa nhẹ vừa thoáng qua. Vẫn còn vài cô hàng hoa chưa dọn về. Vẫn còn vài người học trò cũ có lẽ mới tan ca làm đang mua vội vài bông hướng dương được bó thành từng bó. Cuộc sống vẫn chầm chậm và thú vị theo cách riêng của nó. Riêng tôi, như kẻ lãng tử hững hờ đứng ngoài cuộc quan sát thế nhân.
Tôi nói vậy vì tháng 11 sắp hết cũng có nghĩa là sắp hết năm. Kỳ thi học kỳ I đã cận kề. Tôi thấy mấy đứa lớp tôi học chăm chỉ cần mẫn một cách đáng sợ. Như thằng Khôi. Hồi năm ngoái nó vẫn nằm trong diện học sinh yếu, bị thi lại 2 môn Toán và Lý, năm nay, với đôi kính mới dày cộp, hàng lông mày lúc nào cũng nhíu nhíu cộng thêm đôi tay bị chai đi ngón trỏ do cầm bút quá nhiều. Cứ đến giờ chơi hoặc khoảng nghỉ giữa hai tiết, nó lại ôm tập lên nhờ bé Phương hay thằng Huy chỉ thêm bài vở, và từ đầu năm đến giờ, kết quả các môn tự nhiên của nó khả quan thấy rõ.
Rồi ku Danh đang ngồi cạnh tôi đây. Từ một thằng thích thể thao nhác học hành cũng chuyển sang “cày bừa” đến ngơ ngẩn. Nếu muốn thì vào Đại Học Cảnh Sát Nhân Dân, phẩy các môn toán lý hóa của nó phải trên 8. 0. Vậy nên nó học sống học chết. Nhưng vấn đề quan trọng nằm ở chỗ, kiến thức như một mắc xích dài dằng dặc, muốn nắm bắt được trọn vẹn, trước hết phải lần mò lại những thứ vốn là căn bản để vững thì mới học tốt được. Và trong khi đợi nó vững, tôi thay nó làm các bài kiểm tra toán lý. Chỉ là toán lý thôi, còn hóa nó phải tự lo hoặc tìm cách. Chỉ cần làm phần mình được 5d là tôi bay qua làm đề của nó. Tất nhiên nó phải hiểu tất cả chỉ là tạm thời giúp nó kéo điểm lên đặng đủ điều kiện dự thi. Còn khi bước vô cuộc đua, chẳng ai có thể giúp nó ngoài chính nó cả.
Trong một lần chở Thương đi về trên con xe của mình, tôi cũng thấy ở em những dấu hiệu mệt mỏi:
– Hôm qua Thương thức khuya lắm hả?
– Ừ V.
– Học chuẩn bị kiểm tra một tiết với thi học kỳ phải không?
– Mai lớp Thương kiểm tra một tiết Địa.
– Ủa, Thương thi khối C hả?
– Không, Thương thi khối D.
– Khối D? Là toán văn anh. Vậy Thương lo cho môn Địa mần chi?
– Mình là bí thư mà V.
– Bí thư khác gì tổ viên? Bí thư đâu phải thần thánh? Nếu có khả năng thì V không nói. Còn nếu năng lực hữu hạn, học đều hết là Thương đang tự…
– Tự gì? – Thấy tôi ngập ngừng Thương hỏi vặn.
– Tự giết chết mình đó.
Khi những tâm tư trong em trĩu nặng, khi đôi vai em gầy hao đi, khi làn tóc chấp chới trở nên ủ rũ, và đặc biệt, khi đôi mắt biếc kia trở nên sâu hơn, thăm thẳm hơn… tôi nghe trái tim mình xót xa như dao cắt.
Điều lạ là “con dao” vô hình đó không chỉ duy nhất.
Một ngày đầu tháng 12 với gió heo may se sắt. Sau khi đưa Thương đến hết bậc thang, tôi rẽ phải bước vào lớp. Nhìn thấy mấy đứa con gái đang đứng xúm xít vây quanh bàn Diệp. Theo sự tò mò bản năng, tôi ghé mắt nhìn thử. Thấy đôi mắt em đang đỏ hoe và hàng lông mi ướt ríu lại vào nhau, tôi nghe trái tim mình… “xót xa như dao cắt”.
Không chút phân vân. Chỉ đôi chút suy nghĩ. Giờ chơi hôm đó tôi đứng lên, rời khỏi chỗ ngồi cùng đôi chân hơi lưỡng lự, tiến đến bàn trước mặt em, rồi ngồi xuống. Đây là lần đầu tiên tôi để cảm xúc của mình có dịp thoải mái khi đặt chân lên nỗi buồn của dĩ vãng xa xăm. Bên cạnh đôi mắt ngạc nhiên của Thùy Trang. Bên cạnh ánh nhìn chăm chú của mấy thằng bạn. Ở phía đối diện của đóa Hướng Dương còn vương chút sương sớm ban mai trên khóe mắt, có lẽ đang mong ngóng mặt trời nhưng chưa thấy, tôi lên tiếng thật khẽ:
Có chuyện gì vậy Diệp?
Ở bên trong câu nói đó, tôi mong muốn sự chia sẻ, đồng cảm và hy vọng kết nối những nỗi niềm. Nhưng ở bên ngoài câu nói, phía trước mặt tôi đây, em lấy tay cầm lấy tà áo dài phẳng phiu phía dưới lên áp thẳng vào mặt. Rồi như lúc sáng, em lại… khóc.
Tôi bỗng hoang mang khi dường như những gì tôi nghĩ không thật sự hoàn toàn chính xác. Những giọt nước mắt đó là vì ai? Rồi tôi ngồi trơ ra như ông Phỗng đá ở chùa, giữa bao nhiêu ánh mắt nghi hoặc của cả lớp. Thật sự khi thấy nước mắt em rơi tôi đã nghe lòng mình thắt lại.
Từ ngày đầu tiên tôi gặp nụ cười rạng rỡ đó, lần duy nhất tôi thấy em khóc là trên bờ biển hôm nào. Lẽ chăng em còn có niềm đau riêng đến thế? Con gái vốn khó hiểu. Huống hồ tôi lại là một kẻ ngốc chính hiệu. Khi tôi biết cô chị hai với vai trò thay mẹ bận bịu sớm hôm ngoài chợ, một mình lo toan cho ba đứaem luôn mang trong mình bản lĩnh và sự chịu đựng hơn người…
Nhưng ở phía trước mặt tôi đây. Ở ngay giữa lớp học này. Những giọt nước mắt nóng hổi của em đang thực sự rơi xuống. Điều gì đã xảy ra? Điều gì có thể khiến em nhỏ những giọt nước mắt đó ngay tại đây, không chỉ một mà đến cả hai lần?
Ngồi ngơ ngẩn bần thần bối rối chẳng biết làm gì, tôi đứng dậy quay lại đi ra phía trước hành lang đầy gió…
Khổ vì mong nhớ…
Khổ vì vấn vương…
Khổ vì nhớ thương…
Khổ vì hoài niệm…
Đông đã đến heo may về trước ngõ…
Cho lòng ta giá lạnh rợp trời…
Nước mắt vỡ tan – một thời hoa đỏ…
Tình là gì làm ta khổ tình ơi?
Tôi đã khóc khi ai còn mười sáu…
Để vấn vương thành giọt lệ không lời…
Đến hôm nay lá bàng không còn đỏ…
Nên đường về bị tắt bởi lá rơi…
Không muốn tới đường lui cũng mất lối…
Trái tim tôi – con chim nhỏ lạc bầy…
Chao đảo cánh giữa chiều tàn vô tận…
Biết khi nào mới trọn một vòng tay?
Quay lưng ư lẽ nào tôi có thể?
Khi yêu thương tuổi mộng vẫn đâu đây…
Ngẩng mặt đếm bao nhiêu là hoa phượng…
Trách bầu trời u ám một áng mây?
Một màu tím giữa muôn ngàn sắc đỏ…
Mà đã làm bức tranh hóa tương tư…
Khi bóng ai thấp thoáng về đâu đó…
Tím thêm não lòng – đỏ bớt kiêu căng.
Quên lãng ư lẽ nào tôi có thể?
Khi ký ức đã hóa những máu xương…
Dẫu dằn lòng quên hết những yêu thương…
Thì áo trắng vẫn về trong giấc mộng…
Đâu phải ngủ là tạm ngừng cuộc sống…
Là chìm vào vô thức để lãng quên…
Tim vẫn đập và tim vẫn gọi tên…
Vẫn nhung nhớ vẫn hướng về một cõi…
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: https://gaigoi.city
Có khi nào bạn úp mặt vào gối…
Khóc quên đời và quên cả thế gian?
Ai đó quay lưng, tim bạn vỡ tan…
Thì nước mắt sẽ thành lời an ủi.
Tôi biết lúc đó bạn đang rất buồn tủi…
Đang hụt hẫng đang mê muội u sầu…
Nhưng bạn ơi đừng giữ mãi niềm đau…
Vì cái gì cũng cần có giới hạn…
Tôi không muốn nói bạn hãy quên lãng…
(Mà có quên thì cũng chẳng được đâu)
Hãy chôn chặt và xoa dịu nỗi đau…
Đem cất nó vào một miền hoài niệm…
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: https://gaigoi.city
Tôi đã có một ngày xưa màu tím…
Một buổi chiều buồn lãng đãng những áng mây…
Nàng bước qua tôi – tà áo vẫn bay…
Nhưng màu trắng không còn hồn nhiên nữa.
Phượng vẫn rơi trong chiều tàn rực lửa…
Không từng chùm mà từng cánh mỏng manh…
Ở bên kia lá bàng vẫn còn xanh…
Vẫn từng đôi, từng chùm quấn quýt…
Tôi lặng yên giữa hành lang tĩnh mịch…
Cô đơn nhìn một quá khứ xưa xa…
Rồi nỗi nhớ bỗng bất chợt bật ra…
Khi trong ngực có cái gì nằng nặng…
Cứ như vậy. Tôi thơ thẩn để hồn mình lang thang trong bao la phiền muộn đến khi tiếng trống vang lên báo vào lớp. Rồi trong hai tiết học cuối, tôi miên man lo lắng về tình cảm giữa tôi và mắt nâu thăm thẳm. Tôi đã đi theo tiếng gọi của cảm xúc vì tôi không còn sợ những niềm đau mà tôi có thể sẽ gánh chịu. Nhưng tôi quên đi rằng, ở một nơi không tôi, khi những vu vơ mộng mơ kia không còn nữa, cũng sẽ có một trái tim u sầu như tôi đã từng thế, như đóa hướng dương kia đã từng thế, có lẽ đôi mắt biếc kia cũng từng thế.
Và khi kỳ thi đến gần, khi lo lắng trước bao nhiêu kỳ vọng chất đầy đôi vai nhỏ, khi nỗi sợ trước ánh mắt dè bĩu của bạn bè, trước sự cạnh khóe “con tôi con bạn”, trước sự hơn thua bà con lối xóm làm biết bao tâm hồn tươi tắn phải oằn mình… tôi lại rơi vào đêm chung kết với câu hỏi hôm nào: Tình cảm học trò liệu có nên hay không???