Mảnh đất lắm người nhiều ma – Phần 17

Phần 17
Mới nhập nhoạng tối, vợ chồng con cái ông Khừu, tức anh rề và chị gái bà Son đã bỏ giở đống lúa đang đập, trải chiếc chiếu thủng lỗ chỗ ra góc sân ăn cơm. Mùi canh cá, mùi cá kho, mùi gạo mới cứ lửng lên, thơm inh. Giàu ham việc, thất nghiệp ham ăn. Cổ nhân đã dạy thế, thật cấm bỏ câu nào! Nhà ông Khừu tứ thời ở tình trạng cứu đói, nhưng ông tơ bà nguyệt rõ khéo se duyên, hai người cùng chung cái nết được đâu hay đấy, có một ăn hai thì cả vợ lẫn chồng sao mà hợp nhau quá thể!
Phải chạy ăn từ hồi trong tết, nhà cửa cứ trống trếnh trống toàng như phường nhà trọ. Bây giờ lúa mới đưa về sân, chưa tính trả nợ xong còn lại được bao nhiêu, nhưng ông Khừu đã lên kế hoạch sang phiên chợ sau là mùng năm tháng năm, tết giết sâu bọ, ông phải ngả con chó cốm để vợ chồng con cái đánh một bữa cho bõ những ngày da sát tận xương, bụng réo èo èo! Ông Khừu thu chân ngồi xếp bằng, nhìn sướng mắt như phật toạ đài sen, tay thong thả rót rượu ra hai chén vại. Nghĩa là bà cũng uống rượu ăn ớt giỏi như ông, thành thử nhà thì túng thiếu, nhưng lúc nào cũng hoà thuận vui vẻ, cấm có chuyện đá thúng đụng nia.
Ông Khừu tợp một hớp hết lưng chén vại, miệng sẽ khà một tiếng nhỏ điểm nhịp, tay vừa gắp cái đầu cá trôi nấu riêu cà chua vàng ánh, thì bà Son bỗng hiện ra ở sân với cái dáng thật âm thầm.
– Kìa dì. Dì vào ăn cơm – ông Khừu vẫn giơ đũa ngang mặt, gọi…
Nhưng bà Son chỉ dưa cái nhìn nặng nề và giọng nói mệt mỏi: Bác cứ ăn đi, em không đói rồi đi vào nhà trên. Biết là có chuyện, bà Cả, vợ ông Khừu chạy lên hỏi từ ngoài cửa: Vợ chồng lại làm sao chứ? Bà Son ngồi xuống chiếu ghép băng đóng sơ sài bằng một tấm ván dài, bên cạnh là chiếc bàn cóc cáy vương vãi dây mực. Hai mắt bà đã nặng sùm sụp những nước ngược lên nhìn người chị gái to xương vóc như đàn ông, giọng đã ngạt đi:
– Chị Cả! Em khổ quá!
Vợ ông Khừu biết người em gái duy nhất của mình gọi như thế là dì ấy đang cần một sự che chở bảo vệ. Ở vung này người con gái mang tên tục của mình ngắn lắm. Ngay từ hôm bước chân về nhà chồng, người ta đã quên mất tên cô rồi. Cô nép vào chồng và mang một phần cái lên của chồng. Rồi mang tên con, rồi mang tên cháu. Cứ thế, lần lần cô hoà tan vào, cô đánh mất mình đi trong chính những người ruột thịt của mình! Đến khi có ai gọi cái tên từ thửa lọt lòng, những người đàn bà còn sững cả ra, cứ như không phải gọi mình! Nhưng khi nghe những người máu mủ ruột rà kêu lên bằng cái tên tục, thì ngay những người đàn bà đù đờ nhất cũng hiểu là đấy không phải là tiếng gọi vui! Một cái gì nghiêm trọng lắm đã đến!
– Đầu đuôi làm sao nào? Rõ tội thân dì, một ngày lành thì ba bảy ngày giận!
Người chị gái nhìn em bối rối. Cha mẹ vất vả sinh con một bề. Ông bà đã khuất núi từ lâu, chỉ còn lại hai chị em chân yếu tay mềm thế này thôi. Mỗi người mỗi phận. Người chị thô kệch xấu xí, như một sản phẩm vội vã của thượng đế, nên chồng bà Cả cũng vừa vụng vừa nghèo: Anh Khừu ngay từ thuở đầu xanh tuổi trẻ, mà người ngợm đã lòng khòng xương xẩu, trông cứ như sếu vườn. Nhưng được cái Khừu đến là tốt tính, chỉ có bà Cả nói ông chứ chưa ai nghe thấy ông nặng lời với bà. Người em gái của bà thì xinh đẹp từ thuở lọt lòng. Đến lây giờ đã ngoài năm mươi, tốt số đã lên chức bà, ấy mà dì ấy vẫn nở nang gọn gàng, vẫn tươi roi rói. Nhưng rõ là ông trời đến so đo cò kè cho dì ấy tí sắc tí duyên mà như người kiệt cho vay lấy lãi. Cho đơn đòi kép. Cái vui của dì ấy không cõng nổi cái buồn. Đời dì ấy như bát cơm của kẻ khó, lổn nhổn ít gạo nhiều khoai!
– Em chẳng còn thiết gì nữa? – Bà Son sụt sịt.
– Chỉ dở nào – Bà Cả nói át đi. Rồi thấy ông Khừu và mấy đứa con tay đũa tay bát chạy lên đứng lố nhố ngoài cửa đề nghe chầu rìa, bà Cả nỗi cáu hét tướng lên:
– Bố con đi xuống ăn cho xong bữa! Để ngươi ta nói chuyện!
Bố con ông Khừu răm rấp chấp hành. Ông bảo con gắp cá và múc canh để phần u với dì ăn sau. Ở đây khác với nhà bà Son, bà Cả là chỉ huy cao nhất. Nhà có miếng sống miếng chín gì bà cũng nhớ em gái. Lại thêm bố con ông Khừu dù có tính bóc ngắn cắn dài, nhưng lòng dạ thơm thảo, rất quý dì Son. Thằng con út bằng tuổi cái Hoa, đen trùn trụt như con dế trụi, vừa gặp khoanh cá giữa nạc nhất để riêng ra, vừa tuyên bố một câu xanh rờn:
– Nhà dượng Hàm giàu thật, nhưng dì Son đếch sướng bằng nhà ta!
– Nào, đâu đuôi ra làm sao, dì nói tôi nghe. Chẳng hơi đâu phải khóc lóc cho nó phí sức.
Bà Cả rút chiếc khăn mặt tổ ong trên cái rui con chuột ngoài hiên, đưa cho em gái. Tiếng vẫn choang choạc, nhưng với bà Son chẳng còn gì êm ái và thương yêu hơn là tấm lòng bà Cả. Mọi vui buồn chua ngót trong cuộc đời, bà Son đều chạy sang vẫn vi với người chị ruột thịt duy nhất còn sống với mình đây. Có lần vợ chồng bà Son to tiếng với nhau, ông Hàm đã động đến bố mẹ bên vợ là nhà không có nề nếp.
Bà Cả đùng đùng chạy sang, nhảy thách lên giữa sân nhà ông Hàm, đến mức Thủ phải đến xin lỗi thay anh, bà Cả mới thôi. Tháng trước đói quá, ông Khừu chạy vay đâu cũng không được, cuối cùng lại đến giật tạm ông Hàm nồi thóc, vừa mang về đã bị vợ xỉa xói cho một trận. Được cái ông Khừu mát tính, cứ lẳng lặng cùng con xay giã. Rồi nấu một nồi cơm to tướng ăn bù.
– Sao mà người ta cứ nghĩ ra nhiễu chuyện ác thế chị Cả? – Bà Son vừa sụt sịt lau mặt vừa nói giọng ngàn ngạt:
– Em cứ tưởng việc như thế là xong, vì tai qua nạn khỏi rồi còn đòi hỏi gì nữa. Thế mà chiều nay người ta người ta lại bắt em…
Chiều nay, Đào và người đàn bà làm thuê đi gặt nốt mảnh ruộng cuối cùng ở cánh đồng Mã Voi, cái Hoa đi chăn trâu, ở nhà chỉ còn hai vợ chồng ông Hàm, dự định sẽ tuốt cho xong chỗ lúa giờ hôm qua. Bà Son đang băm rau lợn, chờ cho mặt trời lả vào rặng tre để sân bớt nắng mới làm. Ông Hàm đánh một giấc đãy vừa dậy, đang cắm cách pha nước. Thủ và Cao chợt hiện ra ở sân. Bà Son đã biến sắc mặt. Hai người này đi với nhau là dễ có chuyện lắm! Nhưng bà vẫn làm ra tươi cười:
– Kìa chú với anh Cao sang chơi. Mời hai chú cháu lên nhà trên. Thầy nó quở con khoang nhá.
Không biết rồi ba người đàn ông nói với nhau những gì, đến khi ông Hàm gọi vòi xuống, nghe cái giọng hanh hách là bà Son đã thấy có chuyện rồi!
– Mẹ nó lên trên này có việc.
Bà Son dừng tay thái chuối. Trong người bỗng nháy một cái. Bà lờ mờ cảm thảy mấy người này hình như loay hoay quanh quẩn về cái chuyện ấy. Mà đúng thật! Bà vừa bước vào Thủ hắng giọng nói ngay:
– Có một việc cần có ý kiến của bá! Phải làm thế này là anh em trong họ hàng bàn kỹ, không cần thiết cho ta bây giờ, mà còn có lợi là sẽ giữ yên được cho họ hàng mới về sau này. Còn trong gia đình anh em với nhau, mọi chuyện nhỏ nhặt phải bỏ qua. Em vừa nói với bác Hàm, bá rất có công trong những chuyện vừa rồi. Phải có bá mới tháo gỡ được những chuyện rắc rối một cách êm thắm. Những người trong nhà đều biết vai trò quan trọng của bá. Bây giờ còn chút việc cuối cùng. Làm thế nào thì anh em bác đây bàn kỹ rồi. Giờ em phải lên xã để kịp cuộc họp chiều nay. Bác Hàm bận gì cứ đi làm. Cao sẽ ở đây để hướng dẫn bá làm một số việc cần thiết. Cứ thế nhé!
Rồi Thủ đứng dậy xách túi đi ngay. Anh chưa lên xã để kịp cuộc họp như buổi chiều vừa nói, mà Thủ đạp xe thẳng đến nhà ông Phúc.
Bà Dần, vợ ông Phúc, người cao và gầy, đang đi đi lại lại duỗi đôi chân thô tháp vào đống thóc trải mỏng chiếm gần kín kín cả góc sân. Trở thóc cho đều nắng kiểu này: Ở dây gọi là cày thóc. Nghe tiếng động, vừa quay ra thì Thủ đã vào đến sân.
– Kìa bác Thủ! Chào bác. Mời bác lên nhà.
Bà Dần vồn vã đến thái quá, nhưng đôi mắt lại loáng lên sáng lạnh. Với người khác ở tuổi Thủ, bà chỉ gọi là chú, là cậu, nhưng vì đây là ông bí thư của cả xã, lại là người anh em nhà Vũ Đình đáng gờm, nên bao giờ gặp Thủ, bà cũng rất thận trọng.
Ông Phúc đang nằm trong nhà cũng choàng dậy. Mở rộng hai cánh cửa, rồi ông vơ vội quần dài mặt vào…
– Thôi quần chùng áo dài làm gì cho nóng đồng chí Phúc – Thủ nói to với giọng thân tình, rồi anh dõng dạc bước lên thềm gạch hoa, đi vào gian giữa kê bộ sa – lông nâu bóng.
Vừa ngồi xuống Thủ nói ngay:
– Tôi có nghe cậu Cao nói đồng chí nhắn tôi…
Ông Phúc khoát tay làm một động tác xin lỗi, ngắt lời:
– Đồng chí gượm cho một tý…
Rồi ông quay ra bảo vợ:
– Mẹ nó bảo thằng Câu đi gọi chú Tính, chú Địch sang có việc.
Đó là hai ông em rể đáng giá của ông Phúc. Thủ cười nhã nhặn ngăn lại:
– Không cần làm phiền thế đồng chí Phúc ạ. Rồi tôi sẽ gặp hai đồng chí ấy để nói chuyện sau. Cũng muốn đi thăm các cụ về hưu để xem các cụ có cần xã giúp đỡ gì không, vậy mà cứ lấn bấn chưa lúc nào rảnh rỗi. Mời bà Dần vào đây tôi thưa chuyện. Nửa tiếng nữa tôi lại có cuộc họp ở trên xã với hội đồng giáo viên.
Bà Dần lau mặt, ngồi vào ngồi xuống chiếc phản gỗ lim đen mun kê giáp bờ tường, tức bộ ghế ngựa dành cho ông cụ Cố khi sống.
– Hôm nay tôi sang chủ yếu là nói chuyện với bá, chứ với đồng chí Phúc thì chúng tôi đã gặp nhau trên tinh thần đồng chí nói hết ngọn ngành rồi – Thủ nhìn sang bà Dần nói thao thao? Sự việc thế nào thì bá cũng biết rồi tôi khỏi nhắc lại. Bác Hàm bên tôi tiếng thế nhưng cạn nghĩ! Đã đành ai làm người ấy chịu, nhưng tôi với đồng chí Phúc là đảng viên nên phải nhìn xa trông rộng, phải biết đặt lợi ích của làng, của xã lên trên lợi ích cá nhân mình! Vì thế hôm trước tôi đã gặp đồng chí Phúc trước để trình bày, xin gia đình bên này bỏ quá cho. Kết quả như bá đã thấy. Hôm nay tôi sang đây có lời để bá rõ.
Bà Dần vẫn lau mồ hôi trên gương mặt gồ gồ sống trâu, nói với giọng vang và khô:
– Gia đình chúng tôi cứ chờ bác sang từ mấy hôm nay. Các cô các dượng nó tối nào cũng đến hỏi, rầy la ông ấy nhà tôi. Vì rằng nghe đồn nhà tôi nhận cây nhận chỉ bên ông Hàm nên mới có chuyện dàn hoà như vậy. Bác xem thế có lộn ruột không!
Rõ ràng bà Dần đã muốn nổi đoá lắm, nhưng cái cười ngọt sớt của Thủ đã dội xuống cơn nóng của bà.
– Ôi dào miệng lưỡi thiên hạ, người nói xuôi kẻ nói ngược chiều sao cho xuể. Ai không muốn nghe sự thật kệ họ. Nhưng nếu xuyên tạc có dụng ý xấu, thì tổ chức sẽ có biện pháp.
Thủ quay sang ông Phúc đang lẳng lặng tráng ấm pha trà. Thủ hạ giọng, ông Phúc biết đây là Thủ nói riêng với ông, đe ngầm rằng ông đừng có đơn từ kiện cáo lên huyện, lên tỉnh mà vô ích:
– Từ giờ trở đi có chuyện gì ta cứ nói thẳng với nhau để cùng giải quyết đồng chí Phúc ạ. Nếu gia đình cá nhân không giải quyết được, thì đã có chi bộ làm trọng tài. Xử sự như thế là đúng nguyên tắc, lại vừa hợp tình hợp lý. Thôi xin phép hai bác, tôi phải đi không muộn mất.
Khi Thủ vừa khuất khỏi cổng, bà Dần chợt nổi xung lên:
– Đến xin người ta, mà lại ăn nói kẻ cả như bố con chó bông, ông con chó xồm! Cái thói nhà ấy đúng là không ai chịu được!
Rồi bà lại sục chân cày vào đống thóc một cách nóng nảy. Bà muốn cáu cả với ông. Có là người ngọng đâu, mà sao hôm nay ông để cho hắn vác mặt lên mà vênh vang thế nhỉ? Nhưng ông Phúc vẫn cứ lẳng lặng tránh nhìn vào bà. Thế có điên không cơ chứ?
Trong lúc đó ở nhà ông Hàm, khi Thủ đi, ông Hàm kéo lạch xạch một hơi điếu bát, rồi vừa bước ra vừa nhả khói um tùm. Cao quay sang bà Son vẫn đứng như chôn chân trên nền gạch, nói nhỏ:
– Mọi việc đã bàn rồi, chú Thủ cũng đã nói rồi, bây giờ cháu đọc, bá viết. Sau đó bá ký tên thế là xong. Còn tất cả sau đó chú Thủ và cháu sẽ lo. Bá với bác Hàm không phải bận tâm gì nữa.
Cao mở cặp, soạn giấy bút ra bàn, kéo ghế cho bà Son ngồi. Chỉ còn biết nghe theo như một cái máy, bà Son ngồi xuống ghế, người thờ thẫn như một học trò không thuộc bài bị gọi lên kiểm tra. Cao mở sổ, đọc cho bà Son chép lá đơn sau đây:

Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam…
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc…
ĐƠN TỐ CÁO…

Kính gửi: Đảng uỷ, uỷ ban nhân dân xã và chi bộ Giếng Chùa.
Tôi là Ngô thị Son ở xóm Giếng Chùa. Vừa qua chồng tôi là Trịinh Bá Hàm, cvì có một số xích thích vụn vặt với ông Vũ Đình Phúc, nên chồng tôi làng một việc không đúng là động đến mồ mả nhà ông Phúc. Như thế là rất khuyết điểm. Gia đình chúng tôi không dám cãi lại. Nếu pháp luật có xử trí thế nào chúng tôi cũng phải nghe lời. Trong lúc chồng tôi bị gọi lên huyện, tôi rồi lo lắng, sợ ảnh hưởng đến gia đình và các cháu, nên tôi đã đi gặp ông Phúc để xin ông ấy vì tình làng nghĩa xóm mà bỏ qua cho những việc làm không phải của chồng tôi.
Tôi có nói với ông Phúc rằng là sẽ có người đại diện cho gia đình và họ hàng nhà chúng tôi đến xin với gia đình và họ hàng bên ông Phúc. Như thế nên chúng tôi đã nhận khuyết điểm trước cả làng còn gì. Trong lúc tôi đề nghị chuyện đứng đắn như vậy, thì ông Phúc đã lợi dụng tôi là đàn bà con gái, muốn làm chuyện bậy bạ. Tôi không bằng lòng, ông ấy đã cưỡng tôi, bắt tôi phải chiều ông ấy. Ông ấy bảo có chiều ông ấy, thì ông ấy mới đồng ý rút đơn kiện.
Trong lúc tôi đang chống cự lại, thì may quá có chú Thủ là em chồng tôi và Cao đi họp về, nghe thấy tiếng kêu nên đã chạy ngay tới cứu nguy được cho tôi. À xin báo cáo với Đảng uỷ và uỷ ban là hôm tôi gặp ông Phúc là gặp ở ngã ba Dốc Cạn và gặp vào ban đêm hôm 28 ta vừa rồi. Vì những hoàn cảnh khó khăn, nên tôi không thể đến nhà ông ấy được.
Với lại tôi nghĩ nếu là người đứng đắn, lại nói chuyện đứng đắn thì gặp nói chuyện ở đâu chả được. Chính ông ấy đã bảo tôi vào chỗ khuất để tiện nói chuyện. Tôi biết làm sao được bụng dạ ông ấy thẳng hay cong. Giữa lúc gia đình tôi như vậy: Chồng bị như vậy, ai còn đầu óc đâu mà nghĩ chuyện bậy bạ. Vì ông Phúc là đảng viên, nên tôi thấy Đảng phải kịp thời sửa sang những việc làm sai trái của đảng viên Vũ Đình Phúc.
Tôi xin cam đoan những lời khai của tôi là trăm phần trăm đúng sự thật.


– Cậu Cao ơi, vu cho người ta thế phải tội chết! Tôi hốt lắm!
Bà Son bỏ bút xuống, tay run bần bật, ngước lên nhìn Cao, cái nhìn van lơn của một phạm nhân nhìn quan toà.
Ông Hàm đang cầm cái cò – leo gẩy rơm ngoài sân, nghe vậy vứt đánh xoảng, tập tễnh đi vào. Đôi mắt cá rói của ông đã tối lại:
– Hốt hốt cái gì? Lại muốn nối giáo cho giặc hả?
Cao khoát tay:
– Thôi bác Hàm, bá ký tên nữa là xong. Đã bảo mọi chuyện sau này đã có chú Thủ và cháu. Không ai trách bá hết.
Vừa nói, Cao lại ấn bút vào tay bà Son. Nước mắt đã kéo lên quanh mi, bà Son cầm bút ký vào góc tờ giấy, mồ hôi vã ra trên trán. Cao gấp tờ giấy cho vào cặp đi ngay. Còn lại vợ chồng ông Hàm, người tuốt lúa người rũ rơm. Không ai nhìn ai và cũng không nói không rằng. Đến khi Đào và người đàn bà làm thuê đẩy xe lúa về, bà Son mới dừng tay. Bà bảo người đàn bà làm thuê:
– Chị tuốt giúp tôi – Rồi quay sang Đào:
– Con đi rửa chân tay rồi nấu cơm, u sang bá Cả hỏi cái này.
… Bạn đang đọc truyện Mảnh đất lắm người nhiều ma tại nguồn: https://gaigoi.city
– Họ định làm gì nữa hả chị Cả? Kể đầu đuôi xong, ba Son nghèn nghẹn hỏi.
Bà Cả chép miệng:
– Thì hai cái họ ấy có bao giờ nhường nhau. Chắc họ muốn gạt ông Phúc ra khỏi cái chân đảng viên cho đỡ vướng.
Bà Son càng lo. Được giãi bày hết mà lòng không vợi đi chút nào.
– Thế thì ai người ta chịu. Họ có ngọng đâu mà dễ chịu nín như thế. Rồi em cũng chả yên được đâu!
Hai chị em chợt cùng thở dài, và càng thắm thía cái họ Ngô nhỏ bé của mình đã ít nhánh ít cành, đến đời này lại không có cả đàn ông nối dõi, nên mặc dù cũng là dân đất gốc, nhưng chưa bao giờ được coi là họ có máu mặt trong làng. Đến bây giờ dù bà Son đã nhập vào, đã vun quén cho một dòng họ khác đến gần hết cả cuộc đời người, nhưng khi cần thì Ngô thi Son vẫn phải tách ra mà nhận phần thua thiệt, phải làm người ăn gian nói dối để bồi đắp thêm cho sự hùng mạnh của một dòng họ đã tự coi mình là ông ba mươi ở vùng này!
Và nỗi phấp phỏng của bà Son đã không nhầm!

To top
Đóng QC