Lấy vợ muộn – Phần 4

Phần 4
Chắc nhiều bạn vẫn không thể tin về thu nhập 11 chữ số của mình, và mình hoàn toàn thông cảm về điều đó. Cơm áo gạo tiền lúc nào cũng là nỗi lo lớn nhất của con người, nhất là trong thời lạm phát phi mã như hiện nay mà.
Nói đến kinh doanh, có lẽ tất cả mọi người Việt nam đều nghĩ về bất động sản, vàng, chứng khoán và ngoại tệ. Điều đó đúng nhưng không đủ, mình cũng không kiếm tiền bằng cách ấy.
Nếu thường xuyên xem báo, các bạn có thể đọc được tin “Hơn 80% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt nam sản xuất”, có lẽ đúng là như thế, nhưng mình biết chắc đến 90% nguyên liệu của các hàng Việt nam đó là nhập từ nước ngoài.
Sự phụ thuộc gần như hoàn toàn về nguyên liệu và tư liệu sản xuất vào nước ngoài giải thích số “nhập siêu” siêu lớn của Việt nam, năm 2010 đâu như là hơn 10 tỉ USD. Chắc các bạn biết Chính phủ từng có ý định hạn chế nhập khẩu những hàng “xa xỉ” như ô-tô, điện thoại di động để giảm bớt nhập siêu, nhưng mình cho đó là vô tác dụng. Tổng kim ngạch nhập ôtô năm 2010 là 1 tỉ$, ĐTDD hình như cũng xêm xêm. Nếu cấm hẳn hai thứ đó thì nhập siêu cũng còn đến 8,9 tỉ.
Vấn đề thực ra không nằm ở hàng xa xỉ, mà ở nguyên liệu và máy móc, là những thứ Việt nam không nhập không được. Một đất nước có 3000 km bờ biển mà đến muối ăn đủ chuẩn cũng nhập khẩu, hay vẫn tự hào là “Nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới” nhưng đến 80% giống lúa lại mua từ Trung quốc. Đất nước như thế, không nhập siêu kinh niên mới lạ.
Với một nền kinh tế phụ thuộc đến 90% nguyên liệu vào nước ngoài, nếu bạn sản xuất được chỉ cần 0,0000001 % giá trị số nguyên liệu đó trong nước với chất lượng tương đương, bán rẻ hơn nước ngoài chỉ cần vài phầm trăm, tiền bạn đã không biết để đâu cho hết rồi.
Thu nhập hơn 20 tỉ/năm của mình thực ra là kết quả của sản xuất chỉ 2 nhóm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến với 6 sản phẩm, bí quyết công nghệ mua từ Đức và Séc, giá bán thấp hơn 8-10% so với thị trường thế giới. Mình không buôn bán vàng, cổ phiếu hay chứng khoán, nhà cửa thì thỉnh thoảng làm cho vui nhưng cũng không ham.
Viết thề này có hơi lan man, nhưng quả thực mình rất muốn các bạn hiểu rõ và nghiêm túc quan tâm đến gợi ý: Hãy cố kiếm tiền rồi đầu tư vào sản xuất, bởi nếu đầu tư thành công bạn không chỉ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn mà còn giúp nhiều người khác có công ăn việc làm, và làm ra giá trị cho xã hội. Người Việt nam đang sục sôi vì bất động sản, vàng, chúng khoán, đô-la, tất cả những thứ đó đều KHÔNG LÀM RA GIÁ TRỊ. Căn nguyên nhập siêu của Việt nam chính là ở chỗ đó.
Trước đây mình rất tham việc, thượng vàng hạ cám cái gì cũng muốn can thiệp. Năm 2007 bị một trận sốt virus nặng, đang nằm giường bệnh truyền dịch mà đến cái bệ xí công nhân dùng loại gì cũng bị hỏi. Sau khi khỏi ốm mình thay đổi, tìm người có trình độ, thoả thuận lương thưởng thỏa đáng rồi giao quyền điều hành, ràng buộc thêm bằng hợp đồng chia cổ phần tương lai. Bây giờ mình chỉ còn 80% sở hữu công ty (sang năm sẽ giảm xuống 70%) nhưng bù lại mỗi ngày chỉ phải làm việc chừng 6 tiếng mà công việc vẫn chạy tốt, vì những quản lý trẻ “máu mê” công việc và tiền bạc hơn, thứ mà đối với mình đã không còn nhiều ý nghĩa lắm.
Năm 2002, việc kinh doanh thương mại của mình đạt đến mức cực hạn. Hàng cứ đều đều về rồi đi, thậm chí còn xuất tiểu ngạch được sang cả Trung quốc và Cam-pu-chia. Công việc thì sáng sủa như vậy, không hiểu sao đường tình duyên mình vẫn cứ tối mù như bên trong cây đèn thần của Alađanh, tóm lại là thất bại toàn tập.
Mình có gặp một số người, cũng được giới thiệu cho một số người khác, nhưng tất cả cứ nhàn nhạt trôi đi rồi kết thúc. Mình nhận ra rằng khả năng nhìn người của mình tăng lên theo sự trưởng thành trong công việc và khi gặp một ai đó, thường chỉ cần nói chuyện khoảng 30 phút là mình có thể đoán được gần hết tính cách người ấy, hầu như không bao giờ nhầm. Khi đã đoán được hết thì tự nhiên sinh ra chán, mà đã chán thì làm sao có thể yêu!
Mấy người bạn thân, thậm chí cả mẹ mình cũng bảo “mắt nhắm mắt mở thôi, phiên phiến đi chứ cứ cú vọ thế thì tìm đâu ra người hoàn hảo”. Thực ra mình cũng muốn phiên phiến lắm chứ, có lúc nửa đêm tỉnh giấc cảm giác rõ ràng thiếu một người nằm cạnh, đi nghỉ thấy một phong cảnh đẹp, tự nhiên rất muốn chia sẻ mà ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ có một mình. Không hiểu số phận đưa đẩy thế nào mà người thích thì mình chẳng có cảm xúc gì, đến lúc gặp người làm mình rung động thì hoa lại đã có chủ mất rồi.
Mình kể câu chuyện này, thâm tâm có hơi áy náy, chỉ muốn khuyên các bạn tự coi là “muộn màng” đừng vội vã đốt cháy giai đoạn, vì sự vội vã rất có thể “đốt cháy” cơ hội của bạn.
Đó là cuối năm 2002, một hôm vào giờ nghỉ trưa có cô nhân viên lại bắt chuyện với mình, kể chuyện gia đình, nhà cửa… rồi mới vào đề “Anh có người yêu chưa? Nếu chưa, để em giới thiệu đứa bạn thân cho!” Theo như lời kể thì hai cô này chơi thân với nhau hồi cấp 2, lên cấp 3 một cô chuyển nhà, vừa rồi mới tình cờ gặp lại. Cô bạn kia đã đi làm, đang học văn bằng hai. “Cả bề ngoài tính tình đều rất được”. Mình nghe hay gật đầu luôn:
– Ừ, em bố trí đi!
Cuộc gặp đầu tiên diễn ra khá vui vẻ, thực ra thì mình không có ấn tượng lắm với cô bạn kia, chỉ nghĩ “thử gặp lại lần nữa xem sao”. Không ngờ vì mình cư xử hay ho thế nào đó, cộng thêm cô nhân viên tuyên truyền về mình nhiều quá mà nàng bạn kia đổ cái rụp luôn. Lần gặp thứ hai chỉ sau có 6 ngày, tán gẫu một lúc dẫn đến chuyện tuổi tác, cô nhân viên của mình hỏi.
– Hình như T kém tớ 1 tuổi ấy nhỉ?
Cô bạn gật đầu:
– Ừ, năm nay tớ 27, không cưới là sang năm Kim lâu mất rồi!
Nói xong liếc nhìn mình một cái rất nhiều ý nghĩa.
Nhìn cái liếc mắt ấy, có là thằng ngốc nhất cũng biết cô bạn định nói gì. Thế mà đó mới là buổi gặp thứ hai, thực ra còn chưa qua giai đoạn “xem mặt”!
Không biết tại sao cô bạn lại có một hành động thiếu khôn ngoan như vậy, mọi hứng thú của mình bay biến hết và đành lấy lý do “cảm thấy không hợp” để từ chối cuộc hẹn lần sau. Có lẽ cho đến giờ cô nhân viên của mình vẫn không hiểu tại sao.

To top
Đóng QC