Kẻ thất lạc – Phần 6

Phần 6
12h00 trưa cùng ngày…
Phòng ăn gia đình ở dinh thự nhà họ Lê nằm tại tầng Trệt. Nói là phòng ăn gia đình nhưng cũng có thể xem là một sảnh tiệc. Gian phòng hình chữ nhật, diện tích gần trăm mét vuông. Cửa chính của căn phòng là một khung cửa bằng gỗ bóng nước tuổi thọ gần trăm năm tương đương với dinh thự này. Những cánh cửa được lắp đặt trên ray trượt có thể xếp lại để mở rộng không gian căn phòng nối liền với sảnh tiếp khách. Từ trước đến giờ khung cửa này chỉ xếp lại một lần đó là đám tang của bà Quý Liên mẹ nuôi Hoài Nam.
Vách đối diện là một bức tường bằng kính cao gần đến trần nhà bao quát một không gian xanh mát của vườn cây. Hiển nhiên thời điểm dinh thự này được người Pháp xây dựng còn chưa có công nghệ kính cường lực tiên tiến để thực hiện được điều này. Vách kính này là do ông Bắc cải tạo sau này để đón ánh sáng trời vào trong phòng ăn.
Giữa phòng là một cái bàn hình ô van bằng gỗ óc chó khảm hoa văn xà cừ bóng bẩy đến mức có thể nhìn thấy bóng mình bên trong. Quanh bàn xếp hai mươi chiếc ghế gỗ lim đen, nặng như một khối thép. Phía trên trần nhà là một chùm đèn pha lê Pháp có tuổi đời cả trăm năm nhưng vẫn sáng lung linh vô cùng đẹp mắt.
Theo quy củ của dinh thự nhà họ Lê, chủ tớ không bao giờ ngồi ăn cùng bàn. Vì thế bữa ăn thường ngày chỉ có Hoài Nam và ông Bắc hai người. Hôm nay là lần đầu tiên có thêm một thành viên mới là Khánh Phương. Ông Bắc ngồi ở vị trí đầu bàn của gia chủ. Hoài Nam và Khánh Phương ngồi bên trái ông, bên cạnh nhau. Mỗi món ăn đều được chia phần cho mỗi người, do chú Đức quản gia lần lượt mang lên theo thứ tự phân cấp rõ ràng từ gia chủ đến cậu Hai, sau cùng mới tới mợ Hai…
Khánh Phương mím chặt môi nhìn cái khay bạc bày biện cầu kỳ trước mặt. Phía trên đó là một chén sứ viền mạ vàng chứa một thứ gì đó trong trong lợn cợn làm nàng nhìn chỉ muốn buồn nôn. Từ chuyện xảy ra sáng nay nàng rất nhạy cảm với những thứ chất lỏng sền sệt như vậy.
– Mợ Hai không thích món canh yến hầm đuôi heo sao ạ?
Chú Đức đứng bên cạnh thấy vẻ chần chừ của Khánh Phương, lên tiếng hỏi khẽ. Câu hỏi của ông trong gian phòng yên ắng này thu hút sự chú ý của cha nuôi. Hoài Nam như nghĩ đến điều gì cúi gục đầu nén cười. Khánh Phương cắn môi mặt đỏ bừng, lén đá vào chân anh.
– Ặc…
Hoài Nam suýt nữa thì phun thìa súp vừa vào miệng ra ngoài. Hắn cúi xuống xoa xoa chân mặt nhăn như đít khỉ.
– Con không khỏe sao? – Cha nuôi lên tiếng hỏi.
– Dạ, con không sao. Chỉ là… – Khánh Phương quay sang ông khẽ cúi đầu không biết giải thích thế nào.
– Mợ Hai không thích. Đem xuống đi. Sau này đừng nấu món này nữa.
– Vâng, ông chủ.
Khánh Phương nhìn theo chú Đức dọn khay thức ăn đi muốn nói lại thôi. Không phải nàng tiếc món ăn kia. Chẳng qua Khánh Phương biết lỗi không phải do món ăn, mà là bản thân nàng.
– Đợi một chút. Ông ấy sẽ đem món khác cho con…
– Dạ…
Khánh Phương gật đầu, ánh mắt cảm kích nhìn cha nuôi. Không hiểu sao nàng cảm thấy ông quan tâm đến mình còn nhiều hơn Hoài Nam. Ngay cả lời nói của ông dành cho nàng cũng nhẹ nhàng dễ nghe như vậy. Ông Bắc mỉm cười với nàng, lại tiếp tục dùng bữa. Ông ăn rất chậm rãi từ tốn.
– Chiều nay mời khách ở bến du thuyền lúc 5h30. Hai đứa con phải đến sớm… Còn phải thay đồ… cho chỉnh chu vào… – Ông Bắc quay sang Hoài Nam nói.
– Vâng, con biết.
Khánh Phương cũng khẽ cúi đầu đáp lại lời ông. Khi nàng ngẩng lên chợt ánh mắt theo thói quen nhìn về phía mái tóc bạc gần như bạch kim của ông, nàng hơi nhíu mày. Khánh Phương nhận ra có gì đó khá bất thường. Ánh mắt nàng rất tinh, dù khoảng cách không gần nhưng nàng vẫn có thể nhìn thấy màu sắc trên mái tóc của ông có điểm gì đó không đúng.
Mẹ Khánh Phương, Khánh Vy là nhà đại diện một thương hiệu thuốc nhuộm tóc của Hàn Quốc. Người ta nói con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Dõi theo một tia nắng ngoài cửa kính chiếu lên mái tóc ông Bắc ánh lên một chút sắc tím, Khánh Phương có thể khẳng định mái tóc ông đã được nhuộm trắng. Sắc tím đó là thành phần sắc tố còn lại bên trong những sợi tóc đen được tẩy trắng. Thậm chí nàng có thể thấy được hai bên tóc mai của ông là tóc nguyên thủy đã bạc, vì có phủ thêm thuốc nhuộm nó cũng không xuất hiện ánh tím.
Vài năm trước, khi công ty của mẹ vừa thành công ký hợp đồng đại diện với nhãn hàng thuốc nhuộm Hàn Quốc, Khánh Phương đã cùng bà tham dự một lớp tập huấn của công ty mẹ. Họ dạy nàng nhiều kiến thức rất thú vị về thuốc nhuộm và tóc con người. Sau lớp tập huấn đó Khánh Phương thường âm thầm quan sát mái tóc của các thầy cô trong trường sư phạm. Ai đã nhuộm tóc, ai chưa nàng đều dễ dàng phân biệt. Khánh Phương từng xem đó là một trò vui nho nhỏ của mình. Vì thế dần dần đã hình thành một thói quen tinh nghịch không mấy tốt đẹp để chia sẻ của nàng. Cứ hễ đối diện với một người lớn tuổi, ánh mắt nàng liền không nhịn được phải liếc nhìn mái tóc của họ. Chính vì lý do này, Khánh Phương có thể khẳng định rằng ông Bắc mà nàng gặp vài ngày trước đây là mái tóc thật không hề nhuộm.
Khánh Phương biết ông là một tu chân giả. Theo cha nói, rất có thể cảnh giới của ông đã là Trúc cơ nhiều năm trước. Rất có thể ông đã gặp một kỳ ngộ nào đó mà cải lão hoàn đồng. Trong giới tu chân điều này dù hiếm lạ nhưng vẫn có khả năng xảy ra…
Nghĩ đến điều này, Khánh Phương không nhịn được rút điện thoại trong túi mình ra. Ở dưới mặt bàn nàng lén lút mở ra tấm hình cưới hai gia đình hôm qua của mình. Nàng khẽ dùng hai ngón tay xoom vào vị trí đuôi mắt trái của cha nuôi.
– Mời Mợ Hai dùng món cá tuyết nướng…
Phía sau chợt vang lên giọng nói của chú Đức, Khánh Phương giật thót vội đút điện thoại vào túi. Ông đặt cái khay bạc xuống trước mặt nàng, mở nắp chụp ra. Một mùi hương thơm ngát len lỏi vào mũi làm Khánh Phương ngất ngây ngạc nhiên. Nàng nhìn xuống miếng cá nướng bằng bốn ngón tay trắng tinh như ngọc, bốn cạnh hơi xém rất đều. Lúc này Khánh Phương mới thấy bụng mình quặn lên vì đói. Buổi sáng nàng đã nôn mửa sạch thức ăn đêm qua, bữa sáng cũng không cùng Hoài Nam xuống ăn. Nhưng bữa trưa có cha nuôi, nàng không thể trốn tránh.
Khánh Phương không nhịn được nữa. Cầm lấy nĩa xiên miếng cá lên bỏ luôn vào miệng. Thứ đó không nên gọi là cá ah… Phải định nghĩa nó là kem mới đúng. Vừa vào miệng nó đã tan ra, nhai hai cái đã trôi mất. Nếu không phải hương vị còn nguyên trong vòm miệng nàng có lẽ đã nghĩ mình vừa rồi ăn phải một cái bong bóng nước.
Chợt thấy gian phòng hơi im lặng bất thường, Khánh Phương ngẩng đầu lên. Nàng thấy được vẻ nén cười mất tự nhiên của chú Đức.
– Ăn từ từ thôi… – Hoài Nam tay che miệng nói nhỏ.
– Em…
Khánh Phương mím chặt môi, không biết nói gì. Nàng nhận ra vừa rồi mình ăn như vậy là không đúng phép tắc lịch sự. Món ăn Tây dù một phần không lớn cũng phải cắt thành nhiều miếng nhỏ. Bình thường Khánh Phương cũng nhớ điều này. Nàng cũng ăn rất chậm. Nhưng hôm nay nàng quá đói. Món đó lại có mùi quá hấp dẫn…
– Thôi. Quên đi… Ở nhà mà thoải mái một chút…
Cha nuôi cười xòa, cầm lấy cái nĩa xiên cả miếng cá trên đĩa chú Đức vừa đặt xuống, đút luôn vào miệng ngồm ngoàm ăn.
– Ha ha… Thì ra ăn như vậy mới ngon ah…
– Hi hi…
Thấy nét mặt Hoài Nam âm trầm không vui, Khánh Phương thoáng ngạc nhiên cũng phải nén cười. Lúc này ánh mắt nàng mới lén nhìn về phía đuôi mắt trái của cha nuôi. Ông như cảm nhận được ánh mắt của nàng liền quay sang mỉm cười. Khánh Phương vội cúi đầu xuống giả vờ như không có gì. Nhưng chỉ một cái chớp mắt vừa rồi Khánh Phương cũng có thể xác định suy đoán của mình không sai. Nếp nhăn trên đuôi mắt của cha nuôi lúc này gần như hoàn toàn trùng khớp với hình chụp nhưng khoảng cách của đường nhăn trên cùng lại hơi lệch đi so với đuôi lông mày. Sự sai lệch này chỉ có thể giải thích rằng chúng không phải là nếp nhăn thật mà được vẽ lên.
Căn nhà này thật buồn cười. Sau một đêm người già lại trẻ mà người trẻ lại trở thành già. Hoài Nam ban sáng muốn nhuộm tóc làm cả dinh thự này nháo nhào lên chạy đông chạy tây tìm thuốc. Rất buồn cười.
– Cha, tuần trăng mật… bọn con dự định đi Maldives một tuần.
Hoài Nam chợt lên tiếng nói với cha nuôi. Khánh Phương ngẩng lên nhìn anh, hơi nhíu mày. Chuyện này anh chưa hề trao đổi với nàng. Sắp đến đợt ôn thi học kỳ 1, nội dung ôn tập cho các em rất nhiều. Khánh Phương thật sự không muốn nghỉ phép vào lúc này. Nhưng nàng có thể phản đối không tham dự tuần trăng mật của chính mình sao?
– Định bao giờ đi? – Cha nuôi hỏi, giọng lạnh nhạt không chút cảm xúc.
– Dạ, chắc giữa tuần sau…
– Con đi một tuần thì công việc Bắc Nam ổn cả chứ?
– Dạ, ổn thôi cha. Cha yên tâm đi…
Ông Bắc hơi nhíu mày, thoáng chần chừ. Thật sự ông không thích để Khánh Phương hoàn toàn rời xa khỏi mình. Nhưng nàng là vợ của Hoài Nam. Ông có lý do ngăn cản nó sao?
Đối với Khánh Phương ông Bắc vẫn mang chút áy náy. Không phải vì cướp đi nguyên âm của nàng. Mà vì đêm qua ông vội vàng đi độ kiếp lại bỏ nàng nằm đó không lo, thậm chí cửa phòng cũng không kịp đóng lại. Đêm qua vừa về đến nhà ông lập tức dùng thần thức quan sát động tĩnh bên trong phòng Hoài Nam. Thấy Khánh Phương đã ngủ trên giường bên cạnh nó, ông thoáng nhẹ nhõm yên tâm.
Nhìn thấy Khánh Phương cúi đầu như chần chừ, ông Bắc quay sang nàng hỏi:
– Ý con thế nào?
– Con… Con… – Khánh Phương ấp úng ánh mắt nhìn sang Hoài Nam. – Tuần sau đã bắt đầu ôn thi học kỳ một. Khối lượng bài tập của các em rất nhiều… Nếu con nghỉ phép một tuần… con sợ sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi của các em…
– Hừ… Em còn đi dạy sao? Quan tâm chuyện đó làm gì nữa? – Hoài Nam hừ lạnh hỏi.
Khánh Phương nhìn anh, miệng mấp máy vài lần không nói nên lời. Nàng không hiểu tại sao Hoài Nam trưa nay lại vui buồn thất thường như vậy. Lúc thì anh rất vui vẻ dí dỏm với nàng, chớp mắt anh liền trở nên lạnh lùng khó gần như vậy.
– Em sẽ không nghỉ dạy. – Khánh Phương mím môi, giọng nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nói. – Đứng trên bục giảng là nguyện vọng cả đời của em. Điều này em đã nói trước khi đồng ý lấy anh…
Đối diện với vẻ cứng rắn bất ngờ của Khánh Phương, Hoài Nam nhíu mày im lặng.
– Được rồi. – Cha nuôi lên tiếng nói. – Chuyện tiếp tục đi dạy sau đám cưới là chính ta đồng ý với con. Ta vẫn nhớ. Nhưng chỗ con dạy học không gần. Vậy đi… Mỗi ngày ta sẽ để tài xế Trọng đưa rước con đến trường.
– Con cảm ơn cha. – Khánh Phương vui vẻ nói.
– Được rồi. Lo ăn đi…
Bữa ăn sau đó đối với Khánh Phương là rất ngon. Còn phần ai đó khó chịu ăn không ngon miệng thì nàng cũng đành chịu.
Sau bữa ăn, ông Đức mang một tách trà vào phòng sách đặt xuống bên cạnh ông chủ. Ông chợt cúi người nói nhỏ:
– Dường như mợ Hai nghi ngờ ông chủ đang hóa trang… Tôi thấy mợ so sánh hình ảnh mấy bữa trước của ông…
Thật sự một tu chân giả Trúc cơ trung kỳ như ông muốn truyền âm trực tiếp vào tai người khác trong khoảng cách gần như vậy là vô cùng đơn giản. Nhưng đó còn phải xem là đối với người nào…
– Ha ha… thì sao. Đằng nào sắp tới ai chẳng biết ta đã tấn cấp chứ? Vậy xem ra kỹ thuật hóa trang của ông đã xuống tay rồi ah…
– Ha ha… Có lẽ vậy…
– “Chuyện đêm nay đối với chúng ta rất quan trọng đấy. Kẻ đó có nghi ngờ gì không?”
Ông Đức đang cười vang chợt im bặt. Giọng nói của ông chủ vang lên trong đầu ông. Ông hít sâu một hơi, truyền âm trả lời:
– “Hắn vẫn rất tự tin với kế hoạch của mình… Sáu gói chất nổ trên sáu chiếc cano hộ tống và một gói khác chúng đặt ở bên dưới băng ghế trong khoang buồng lái du thuyền… Tôi đã xem qua tất cả…”
– “Tôi nghĩ hắn không muốn gây nguy hiểm cho mình vì thế gói thuốc trên du thuyền lại nhỏ nhất… Có lẽ hắn muốn kích nổ nó để gây hỗn loạn để dễ trốn đi…”
– “Không phải như ông nghĩ đâu. Hắn không dám làm lớn chuyện, chọc cho chính phủ ngứa mắt. Những tên võ giả tứ chi phát triển đầu óc ngu si đó không hề biết rằng chúng bị chính phủ lợi dụng mới gây hấn với chúng ta… Hừ… Hắn không hề biết từng đường đi nước bước của mình đều bị chúng ta nắm trong bàn tay chứ?! Võ đạo vi tôn sao? Hừ…”
– “Ông chủ… Tôi thắc mắc một chút…”
– “Ông hỏi đi. Tôi với ông còn e ngại gì nữa?”
– “Vâng. Tôi tò mò… Không biết thông tin của ông chủ về âm mưu của tên võ giả đêm nay là từ đâu tới?”
– Ha ha… Từ chính những kẻ bày mưu cho tên vai u thịt bắp đó chứ đâu nữa?
Ông Bắc cười lớn. Ánh mắt nhìn sang ông Đức đầy vẻ đắc ý. Ngay cả truyền âm cũng không cần.
– “Từ người của chính phủ?” – Ông Đức sửng sốt, truyền âm hỏi lại.
– “Đúng vậy. Từ xưa đến nay chính phủ dù ở bất kỳ quốc gia nào đều tồn tại sự chia rẽ. Ở đâu có lợi ích mà không xuất hiện tranh đấu…”.
– “Vậy về phần gói thuốc nổ trên du thuyền…”
– “Cứ để nguyên như vậy…”
– “Vâng. Với khối lượng đó tôi nghĩ nếu hắn kích nổ thì ngoài khoảng cách 5 mét sẽ không ai bị thương…”
– “Hắn sẽ cho nó phát nổ không phải để gây nguy hiểm cho quan khách mà để uy hiếp là chính. Họ phải kinh sợ và nghĩ hắn còn nhiều trái bom như vậy trên tàu…”
– “Vậy để tôi cho xếp bàn tiệc dưới cuối tránh đi một chút…”
– “Không cần. Như vậy sẽ làm cho hắn nghi ngờ… Nếu hắn không ra tay chúng ta sẽ khó có cơ hội khác để đoạt đi thứ kia từ tay lão Lộc… Chúng ta không những không ngăn chặn âm mưu của hắn mà phải hỗ trợ thêm vào… Nếu hắn chỉ muốn nó là một vụ nổ nhỏ để uy hiếp thì ta phải làm cho nó càng nguy hiểm hơn… Thêm thuốc nổ vào gấp đôi. Không. Gấp ba đi…”
– “Nhưng… Ông chủ. Khách mời hôm nay có địa vị rất cao ah. Chỉ kinh hoảng một chút còn có thể nhưng nếu một trong số họ thiệt mạng thì…”
– “Hừ… Bàn cuối dãy đó không phải là khách VIP.”
Ông Bắc mở một danh sách khách mời trong điện thoại mình, đặt lên bàn trước mặt ông Đức. Ông chỉ ngón tay vào mười mấy cái tên ở cuối danh sách…
– “Đó là… khách của mợ Hai ah…”
– “Thì sao?”
– “Vâng, tôi đã hiểu…”
– “Khoan đã ông đừng nhúng tay vào. Giao việc này cho Hoài Nam. Nói đây là ý của tôi. Bảo nó điều xe đến trường đón nhóm giáo viên đó đến dự tiệc cưới. Làm sao thật tự tế vào…”
– “Vâng, ông chủ.”

To top
Đóng QC