Phần 19
Tôi vốn dĩ là đứa lành tính, chuyện bon chen kèn cựa trong tù hầu như tôi đều né tránh, tôi hiểu rằng sẽ chẳng hay ho gì, thậm chí là sẽ phải trả giá rất đắt bởi môi trường tù hoàn toàn khác với môi trường ngoài xã hội. Thế nhưng việc tôi ra mặt thế này cũng là cực chẳng đã, từ hôm sang đây tôi đã bức xúc rất nhiều, không phải bức xúc cho tôi mà là bức xúc cho anh em. Tôi ghét cái kiểu bày đặt dùng tiền huênh hoang không coi ai ra cái gì. Chim sẻ thì vẫn mãi mãi là chim sẻ, sao có thể là đại bàng được.
Tôi còn chưa kịp nói tiếp thì mấy thằng phía sau tôi đã ào vào đánh “hội đồng” thằng “xe” kia. Có lẽ sự bức xúc của chúng nó đã lên đến đỉnh điểm, chúng chỉ chờ có người đứng ra là “chiến” thôi. Một nửa buồng đứng bật dậy, tôi đã tưởng rằng nguy cơ một cuộc hỗn chiến sẽ xảy ra, nhưng không, những thằng “phe kia” chỉ dám can chứ không dám làm gì, có lẽ chúng nhìn thấy sự “hùng mạnh” từ phía bên kia “chiến tuyến”?
Quản giáo hằm hằm mở cửa buồng giam, tất cả những kẻ tham chiến được đưa ra ngoài, tôi không thuộc diện “đánh đấm” trong số đó, nhưng tôi đã tự nguyện ra cùng để làm “nhân chứng”.
Thật ra việc đưa ra kế hoạch “ổn định lại buồng” đã được chúng tôi “cân nhắc” kỹ. Chúng tôi xác định, thằng nào cũng vậy thôi, sang buồng án này cùng lắm cũng chỉ vài tháng là sẽ bị chuyển đi trại, cho nên không thể sống một cuộc sống “vô lý” như những gì mà lũ chúng nó đã thiết lập ở đây như thế. Đối với tù việc làm này sẽ gây ra sự căng thẳng không đáng có.
Với tù, chắc chắn phải có “khuôn khổ”, nhưng khuôn theo kiểu “gây thù chuốc oán” thì sớm muộn cũng sẽ bị “bật”, mà tù đã “bật” thì tức là chẳng còn gì để nói nữa, họ sẽ xác định một là sống hai là chết, bất chấp các thủ đoạn.
Hiện tại là thời kỳ trại ra nghị quyết xiết chặt kỷ luật nhằm giảm thiểu những vụ đánh nhau, giảm thiểu tình trạng một số quản giáo “lộng hành” trong trại. Có lẽ do có nhiều trường hợp bị đánh chết trong buồng giam, có nhiều đơn thư bức xúc của gia đình các can phạm gửi lên trên cho nên trại đã có nhiều thay đổi. Một thời kỳ mới ở đây với sự thay đổi đã hiện ra rõ nét, thời kỳ mà lũ tù gọi là đã “bình” chứ không “khét” nữa.
Tôi nhân cơ hội này để thể hiện quan điểm với “thầy”, tôi nói trắng phớ ra rằng nếu “thầy” cứ để tình trạng này ở trong buồng thì sẽ “loạn”, sẽ “ảnh hưởng” nghiêm trọng đến “công việc” của “thầy”. Tôi đánh “bài ngửa” rằng “thầy” nên “giao buồng” cho thằng A, thằng B, kỷ luật sẽ được lập lại, “nghĩa vụ” với thầy sẽ được đảm bảo. Tôi hứa với “thầy” rằng buồng sẽ “khác” sau 3 ngày. “Thầy” lưỡng lự, nhưng rồi may mắn là thầy đã gật. Các bậc “tiền bối” đã bảo rằng “ABC… đi trước là ABC… khôn”, cho nên việc “đối thoại” này của tôi không phải là một ngoại lệ.
Nói về việc đánh nhau, sau khi ra khỏi buồng, nghe “trình bày lý do” từ hai phía, “thầy” đã nổi giận “phang” cho mỗi thằng “tham chiến” một hai cái gọi là “cảnh cáo”. Phải thừa nhận là “thầy” này “lành”, ông ấy chẳng hơi đâu mà đánh tù cho phí sức, mà lại còn mang tiếng, ông ấy “xử” theo quy định của trại và theo sự “biết điều”, chính vì lẽ đó đã khiến cho nhiều thằng tù nghĩ tốt hơn về ông ấy và nghĩ tốt hơn về những người “trông tù” hiện đại.
Hai án kỷ luật đi cùm chân được ký, một cho thằng “xe” kia và một cho “phía đối diện” (thằng đánh đầu tiên là thằng bị làm “đại diện” đi cùm). Sau đó là sự “di chuyển”, tách nhóm, những kẻ “đối lập” được san đều ra các buồng khác. Tôi hứa với những thằng đánh nhau bị chuyển đi rằng tôi sẽ xin chúng về lại buồng vào thời điểm thích hợp.
Chức “trực buồng” mới được giao cho anh Tân, còn thằng Thi “AIDS” đại diện “trật tự” trong buồng. Chỉ có tôi là “không làm gì cả”, không “danh”, không “phận” (nhưng thực tế thì tôi thể nói và “bảo” được tù). Với tôi thì cứ sống với tư tưởng thoải mái là tôi thích. Những gì nơi đây khiến cho tôi quá hãi rồi.
Ngay ngày đầu tiên dưới “triều đại mới”, anh em được “nâng cấp”, những vấn đề “bức xúc” nhất của tù như đi vệ sinh, tắm giặt, ăn hút… được cải thiện rõ ràng, tù có thể đi vệ sinh thoải mái mà không phải xin phép (trừ đi đại tiện được quy định vào đầu giờ sáng), tắm không giới hạn nước, có nhiều tắm nhiều, có ít tắm ít, quần áo được thay ra và giặt mỗi tuần 3 lần thay vì 1 như trước, thức ăn đã được san sẻ đến”dân”, ít nhất thì mỗi bữa chúng cũng được ăn cơm với tí lạc, tí ruốc…, thuốc lào đã mỗi ngày 3 lần tới được với “dân”. Buồn cười vãi tè khi “dân” nói rằng “điện” đã về được tới “bản làng” xa xôi.
Có lẽ “đời tù” của tôi, đây là việc làm tôi cảm thấy có ý nghĩa nhất và thanh thản nhất. Tôi đã góp phần tiên phong tạo nên một cuộc “cách mạng” mới trong những dãy buồng giam danh cho án đầu.
Đã có những ngày dài tôi suy nghĩ về bản án mà tôi phải nhận. Vết thương không thể chữa lành ngay được trong tâm khảm, tôi chỉ cố gắng hướng đến những điều tốt, xác định tư tưởng để có thể trở về, để có thể làm lại. Mọi chuyện không thể đảo lại được nữa. Tôi đã chính thức khoác lên mình “danh tiếng” trên giấy trắng mực đen là một thằng tù (khi bị giam cứu để điều tra, tôi đã bị gọi là “thằng tù” rồi).
Tôi chồm người lên, tim đập loạn nhịp khi nghe đọc tên đi gặp người nhà. Lần đầu tiên sau bao tháng dài đằng đẵng bây giờ tôi mới được gặp người nhà một cách chính thức. Tôi bước ra ngoài và khoác lên mình bộ “juve” kẻ sọc.
Cùng “ca” gặp người nhà với tôi hôm nay có đủ mọi thành phần già trẻ, lớn bé… từ khắp các dãy giam, có khoảng ba mươi người gì đó. Chúng tôi xếp hàng đi ra, qua các dãy hành lang ngoằn ngoèo, chúng tôi dừng lại trước một lối đi thông ra “căn phòng kính đặc biệt” phía ngoài “cột đồng hồ”. Tôi cứ hình dung giống như trên phim ảnh rằng sẽ được gặp gia đình rất lâu, được ngồi cùng, được ăn uống, được thoải mái nói chuyện và tôi rất háo hức.
Sau khi cán bộ quản giáo đọc tên kiểm tra lại lần cuối, rồi hô: “Vào đi”. Tôi còn đang ngơ ngác thì lũ tù đã ào ào như ong vỡ tổ, chúng chạy nháo nhác, chen lấn nhau về phía buồng kính. Theo phản xạ bản năng, tôi cũng ào theo, dù chẳng biết là ào thế để làm gì (sau này tôi mới biết đó là lũ tù muốn tiết kiệm thời gian). Qua một cánh cửa, căn phòng rộng chừng 30m2 hiện ra, tôi chẳng thấy người nhà tôi đâu, chỉ thấy nhốn nháo toàn áo kẻ sọc… Định thần lại, tôi thấy xung quanh tường là những cái “bốt điện thoại”, lũ tù đã nhao hết về phía có gia đình của chúng. Tôi dáo dác tìm xung quanh, kia rồi, tôi đã nhìn thấy mẹ tôi ở “bốt điện thoại” cuối cùng, tôi lao đến…
Mẹ và chị gái tôi đứng đó, tôi chồm lên lồng kính, tay tôi với cái ống nghe. Mẹ tôi vừa thấy tôi thì oà lên khóc, chị tôi cũng khóc. Chẳng ai nói được lời nào. Tôi không hình dung trước sẽ thế này, mẹ tôi nghẹn lại chẳng nói được gì, chị tôi cầm ống nghe:
– Khoẻ không em?
– Dạ khoẻ.
– Cố gắng em nhé, mọi người ở nhà vẫn khoẻ. Còn em trong đấy thế nào?… – chị tôi vừa nói vừa sụt sịt.
Tôi vắn tắt tình hình của tôi hiện tại, tiếng nói liên tục bị ngắt quãng… Thương mẹ và chị, tôi cũng không cầm nổi lòng mình. Câu chuyện cứ ngắt quãng, chị tôi chuyển ống nghe sang cho mẹ tôi, có lẽ bà đã bình tĩnh hơn, bà nói:
– Con cứ yên tâm, không phải lo gì cho bố mẹ và mọi người ở ngoài hết. Cố gắng để sớm về với mẹ…
Vừa nói, mẹ tôi như vừa cố nén lòng, kìm lại những giọt nước mắt.
Tôi định hỏi mẹ tôi một số việc nhưng bỗng chẳng còn nghe được gì nữa, tất cả các ống nghe đã đồng loạt tắt. Tôi ngơ ngác, tưởng máy hỏng, nhưng bỗng nghe tiếng hô: Hết giờ, tất cả về buồng.
Sao lại hết? Chỉ được gặp thế thôi ư? Thế này mà gọi là gặp người nhà ư??? Đúng 10 phút không hơn không kém, tôi còn chưa kịp nói gì cả… Tôi cố nán lại, nhưng bị đẩy bật vào trong, tôi ngoái lại đưa tay chào, chỉ thấy hình ảnh cuối cùng, mẹ tôi đưa khăn lên lau mắt.
Lần gặp gia đình đầu tiên ở đây diễn ra chóng vánh như thế, sau này có “kinh nghiệm” hơn, mỗi lần gặp gia đình ở đây tôi đều lên sẵn các câu nói, đến lúc ra chỉ việc trao đổi ngắn gọn. Tổng cộng tôi được gặp gia đình ở HL đúng 3 lần, sau đó là chuyển trại. Ở đây cứ mỗi tháng tù có án được gặp gia đình 1 lần, gia đình tôi gặp tôi vào cuối tháng, nên chỉ một tuần sau đầu tháng là lại gặp được tiếp, sau đó chờ đến đầu tháng tiếp theo (tôi được gặp 3 lần trong hơn hai tháng là vì thế).
Mệt mỏi.
Ở buồng án, lũ tù sống với nhau có chữ “tình” hơn, nhưng sự mệt mỏi luôn hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người, có thể là bởi ai cũng có những suy tư, những trăn trở riêng khi sắp phải chuyển đi trại cải tạo, chuyển đến cái nơi mà họ sẽ phải lao động cải tạo, phải sống mòn mỏi cho đến ngày về.
Mỗi ngày ở đây đều có những sự thay đổi. Tù luôn trong tư thế sẵn sàng, nội vụ trước khi ngủ bao giờ cũng xếp gọn, họ xác định sẽ lên đường bất cứ lúc nào. Mỗi tuần ở đây đều có vài chuyến chuyển phạm nhân đi trại cải tạo. Nhiều thằng tù án dài thì mong càng được đi trại ngày nào càng sớm ổn định cuộc sống ngày ấy, nhưng cũng có nhiều thằng thì muốn níu kéo thời gian để ở lại thêm vì chúng sợ, chúng sợ một môi trường mới với những điều mà chỉ nghe thấy thôi cũng đã đủ “vỡ mật” ra rồi.
Mỗi tối, chúng tôi đều tổ chức văn nghệ, tổ chức như một sự chia tay sớm, bởi chỉ sáng mai thôi chưa biết ai sẽ là người phải “lên đường”.
Phạm nhân có án ở đây đa phần sẽ bị chuyển vào Thanh Hoá, Nghệ An, những trại mà công việc chủ yếu là phá đá, trồng keo, trồng bạch đàn, đóng gạch (có những phân trại cũng có phân loại theo khả năng và tay nghề của phạm nhân để sắp xếp công việc, ví dụ như: mộc, mỹ nghệ, may). Có một nguyên tắc là đối với án dài từ một vài chục năm đến chung thân bao giờ cũng được bố trí đến một khu vực xa nhất, công việc được điều chỉnh “phù hợp” để tránh cho tù có cảm giác bức xúc, để họ có thể xác định tư tưởng mà cải tạo lâu dài (bởi có nhiều trường hợp vì chán nản với mức án quá dài không nhìn thấy ngày về, nên đã tự tử chết).
Tôi không được trực tiếp biết, nhưng đã được nghe rất nhiều về những người quản giáo trông tù án dài. Họ cũng có rất nhiều nỗi khổ chứ chẳng sung sướng gì, cuộc đời của họ đôi khi gắn chặt với trại, sinh hoạt ăn uống từng ngày gần với tù, nhiều quản giáo thậm chí nói vui rằng: Cuộc sống của họ ở đây có khác anh em tù là mấy, quanh năm ngày tháng họ ở chốn núi rừng heo hút, chỉ thỉnh thoảng có việc hoặc thăm gia đình, họ hàng thì họ mới “về phố”. Có nhiều quản giáo đã đưa cả gia đình lên trại, dựng nhà để sinh sống dài lâu. Có những cặp quản giáo trẻ yêu nhau, lập gia đình với nhau và trở thành những cặp vợ chồng quản giáo, con cái đẻ ra thì đã có nhà trẻ của trại, nhưng cũng có nhiều khi họ lại thích “quẳng” con vào chơi với “các cô, các chú” tù.
— Hết —
Cảm ơn bạn đã đọc truyện ở website gaigoi.city, trước khi thoát website làm ơn click vào banner quảng cáo bất kỳ để truyện được UPDATE nhanh hơn! Click xong nhớ xem tầm vài giây rồi mới tắt quảng cáo nhé các bạn.