Em đã có chồng chưa? – Phần 29

Phần 29
Ngày đó……
Tôi gặp lại Trâm Anh.
Vẫn như xưa chinh chiến, mang thương tích đầy mình.
Gặp lại nàng mà lòng xuyến xao đến lạ. Nhớ lại cái buổi hái Phượng sân trường bị phát hiện, quỳ trước sân….
Cuộc đời thật trớ trêu. Người mà mình muốn dâng hiến cả tuổi thanh xuân thì mờ mịt, chẳng rõ ở phương nao. Người mà mình luôn lãng quên thì xuất hiện ngay trước mặt. Có gì đó ngại ngùng và đau nhói.
– Huhm… Anh vẫn như ngày nào. Suốt ngành lo đánh nhau dành gái không. Hên cho anh là bọn đó cũng chỉ là đồ lót dép thôi. Em có nhờ đám bạn em can thiệp rồi. Đúng thiệt là liều quá. Một mình không lo chạy đi còn bày đặt đánh với đấm.
Ôi cái giọng chua ngoa, đanh đá vẫn còn nguyên. Nghe Nàng mắng té tát mà trong lòng lại vui đến lạ, cảm xúc cũ lùa về, gió ngoài sân cũng thổi vào căn phòng sáu giường mát rượi.
– Nhỏ này là ghệ mày hả? – Một thằng thanh niên đi cùng Trâm Anh bước vào cửa ngó nghiêng tôi từ đầu đến chân rồi phán một câu xanh như tàu lá chuối
– Ờ thì, ờ thì …..là ……mà – tôi ấp úng
– Trời đất, mày là con trai mà nhát quá vậy. Không giống ghệ mày tí nào. Cái con nhỏ này đi chơi với tụi tao bao lâu, biết bao nhiêu thằng tán nó. Nó cứ nói là có bồ rồi. Bồ ở xa. Mày bị đánh. Nó vừa thấy mày là ôm hôn như phim Hồng Kông trước mặt bao nhiêu sinh viên cổng trường.
– Anh Khoa nói luyên thuyên quá.
Một cái cấu nhéo vào vai và khuôn mặt ấp úng. Căn phòng như sáng lên bởi khuôn mặt đỏ đó.
Thì ra cậu đó tên Khoa. Chắc là người đứng ra giàn xếp chuyện vừa tôi.
– Tao tên là Khoa. Bọn nó tao dọn xong rồi, mày cứ an tâm lên trường.
– Dạ, em cám ơn anh. Em tên Phong.
– Uhm. Tướng tá đẹp trai, đánh đấm cũng được. Nhập hội ổn. Bữa nào đi chơi thì kêu con nhỏ này kéo mày đi cùng luôn cho vui. Tao về trước đây.
Quay qua bên Trâm Anh.
– Ê, Con nhỏ dại trai. Anh về trước. Tự bảo trọng nha. Ôm thằng ghệ mày vừa thôi, kẻo xương nó từ nứt thành gãy luôn đó…haha….
Cha nội nói một lèo không để cho tôi và nàng kịp lên tiếng nào rồi quay ngoắt đi thẳng tắp. 2 phút xong không còn nghe tiếng dép của thằng chả lết nữa.
– Sao em biết anh ở đây – Ý tôi nói là ở trước cổng trường uýnh nhau.
– Em với bạn tình cờ đi ngang qua. Em học ngay Trần Quý Cáp.
– Uhm. Cuộc sống em bây giờ thế nào.
– Hihi… Em vẫn ổn. Vẫn như ngày nào. Chỉ có tóc dài hơn và đen hơn thôi.
Tôi ngước nhìn mái tóc nàng, ngày xưa tóc ngắn… giờ đã trở nên khác thường đến lạ.
– Anh nghỉ ngơi đi. Em đi về đã. Sáng mai em ghé thăm anh.
– Sao… Sao… nhanh vậy? Ở lại nói chuyện đã
– Mai em ghé, anh Khoa đùa anh đó. Ảnh chở em mà. Ngồi lại em về bằng gì? – Nàng giải thích và nói kèm thêm
– Đừng mua đồ ăn sáng. Mai em mang vào.
Sáng hôm sau, tỉnh giấc
Thấy một tô cháo nóng hổi trên bàn. Nghi ngút khói.
– Em thấy anh ngủ nên không gọi. – Nàng lên tiếng
– Uhm. Ê ẩm quá. Hôm nay không đi học sao?
– Em xin nghỉ rồi.
Lẹ làng đến bên giường đỡ tôi dậy.
– Anh có muốn vệ sinh cá nhân không?
– Anh tự đi được.
Chân vẫn hơi đau đau, chủ yếu bị sưng phần thịt thôi. Ráng nhịn đi vào nhà vệ sinh. Đến khi đánh răng mới nhớ là không có tay để đánh. Đành lòng gọi:
– Trâm Anh. Em đánh răng giùm anh với.
Đã ai từng được một người con gái đánh răng chưa?
Khi hai cơ thể nép chặt bên nhau. Khi khuôn mặt gần nhau đến mức sợ hai cái mũi có thể bị đụng. Tim chắc chắn loạn nhịp. Khoa chấn thương chỉnh hình không có mấy, nên phòng tôi cũng có mỗi ông già bị gãy chân nằm giường xa tôi. Có lẽ Bà cũng phải ngượng khi thấy bọn trẻ quan tâm nhau đến lạ. Nàng vừa dùng bàn chải cọ sát vào hàm răng vừa cười, thỉnh thoảng đưa tay lên má tôi giữ cứng lại cho cái đầu khỏi chạy, rồi múc nước cho tôi súc miệng.
Nhớ hồi còn nhỏ. Mỗi lần sốt mẹ đều rờ đầu:
– Con tôi sốt rồi, để mẹ mua tô phở cho ăn.
Năm món ăn xa xỉ của thời đó : Bánh bao, trứng lộn, phở, cơm tấm và trái măng cụt. Cơm không có ăn nên thèm kinh khủng. Chỉ mỗi khi đau bệnh hoặc cha mẹ đi làm trúng quả gì lớn lớn mới dám mua về cho bầy con. Nghe mẹ nói vậy, chỉ muốn ốm vài ngày nữa.
Hôm nay cũng y chang. Tay chân tuy đau, mặt thì sưng phù. Nhưng vẫn ước ngày nào cũng được thế này, nằm trên giường bệnh có người đút cháo cho ăn.
– Bà trông kia, tụi nó có giống Chí Phèo – Thị Nở không? – Ông già giường bên lên tiếng trêu đùa .
– Cái ông này, đau rồi nói nhảm. Hai đứa nó như tiên đồng ngọc nữ thế kia sao so sánh với Chí Phèo – Thị Nở.
Hai đứa cười to…
Trước cánh cổng phòng, một cái dáng người quen thuộc mang theo ba lô
– Hai đứa bay tình tứ ha. Thằng Chó yếu như sên, mới bị uýnh một trận đã te tua vầy rồi hả?
Trâm Anh ngoảnh lại toét miệng cười.
– Ủa, Tiến lên hồi nào? Đi thăm Phong hả?
Tôi cũng hỏi vội :
– Mày lên đây chi ?
Tiến đáp :
– Nghe giang hồ đồn bị đánh chết, lên coi sống hay chết thật. Xem ra tao phí công rồi. Sống khỏe phây phây cười nói thế này cơ mà – Nó Vừa đặt ba lô xuống giường bệnh vừa móc họng .
Tình bạn là vậy đó. Ngày mà Tiến chết tôi lặng đi bởi thứ tình cảm của hai đứa quá sâu nặng. Thằng Tiến không phải là đứa văn hoa chữ nghĩa. Nhưng cách nó đối đãi với tôi thì còn chí tình chí cốt hơn gấp trăm vạn lần kỳ bảy kỳ quan của thế giới, hệt như Bá Nha – Tử Kỳ .
– Tao có đem cho mày ít quà quê – Tay nó lôi trong ba lô ra một đống đặc sản.
– Cám ơn nhé, ông bà già tao biết rồi à – Tôi lo lắng.
– Làm gì có. Tao đâu có báo. Tiện đi mua ít đồ câu cá xuống thăm mày luôn.
Nó quay sang Trâm Anh đùa tiếu táo.
– Ái Cha. Tui tưởng mất liên lạc hết trơn, ai dè mấy người ở thành phố hú hí với nhau không rủ tui nha. Thất đức quá.
– Đâu có đâu Tiến, Trâm Anh mới gặp ảnh đây mà. – Nàng vội giải thích.
Thêm một tốp nữa vào thăm. Thằng N, Quân Ngọng, nhỏ Nguyên và một số đứa khác. Lúc này thì cái phòng bệnh viện không khác nào cái chợ. Bọn nó mua trái cây đi thăm. Rồi tự xử luôn. Trâm Anh lẽn bẽn như một nàng dâu, đi gọt trái cây. Ai cũng trố mắt nhìn. Không ai còn tưởng tượng ra cô nàng đanh đá, tóc ngắn hồi nào. Thành phố giúp cho nàng thêm phần làn da và sự sang trọng. Nổi bật hẳn lên so với mấy đứa con gái từ quê ra. Có lần tôi đã tâm sự. Cái đẳng cấp là thứ mà không phải ai cũng dễ dàng lấy đi được.
Chuyện tình tay ba giữa thằng Phong – Trâm Anh – Trà My thì hồi cấp ba đứa nào cũng rõ cả rồi, nên bọn nó tự cấu nghóe nhau không nói ra làm chi cho bọn tôi đỡ ngại. Thằng Tiến tâm lý hết sức, đẩy Trâm Anh ngồi lên giường ngồi sát cạnh chỗ tôi dựa. Nó ngồi bên kia. Nguyên đám bu xung quanh. Càng ngày cành chật. Nàng nép vào bên tôi, vai dựa nhẹ sợ tôi đau. Trâm Anh đã rời đi khỏi lớp khá lâu, đâm ra những câu chuyện về bạn bè, về kỉ niệm cuối cấp nàng không có vinh dự tham gia, đâm ra trong câu chuyện nhiều khi chỉ biết mỉm cười.
Tự lúc nào, cánh tay Nàng đã cầm chặt cánh tay tôi.
Tụi bạn tán gẫu chán rồi xin phép ra về. Quân Ngọng khéo léo đưa cho tôi một cái phong bì đựng tiền, tôi không nhận nhưng nó ép mãi. Kêu là mày phải tự lo thôi thì mỗi đứa một ít phụ mày, dây dưa qua lại mãi thì thằng Mập nhanh tay chộp luôn hộ, công nhận nó hiểu ý ghê.
Tiến ở lại với tôi đến trưa, ăn với hai đứa hộp cơm rồi xin phép đi mua đồ. Còn lại hai ông bà già và cặp Chí Phèo bên giường bên này. Bà với ông cũng giàu tình cảm, anh anh em em ngọt sớt. Ăn xong bà nằm khòe lên giường nằm ngủ cùng ông. Bỏ cặp tiên đồng ngọc nữ này bơ vơ…
– Anh ngủ đi – Trâm Anh lên tiếng.
Bẽn lẽn nhường nhau.
– Hai đứa tụi bay leo hẳn lên giường mà ngủ, không có con bé kia qua giường bên cạnh. Tụi bay giành nữa ông bà không ngủ được – Một giọng vừa trêu đùa vừa gắt nhẹ.
Cuối cùng Nàng lên nằm cùng tôi. Đơn giản bởi sợ. Khoa chấn thương chỉnh hình không giống như các khoa khác, cực dơ và tanh mùi máu. Vào những năm đó, bệnh viện không phải là khách sạn.
Hai đứa nằm bên nhau nhớ về kỷ niệm thời xa xưa, cũng từng có một lần ôm nhau trên đỉnh đồi gió hú. Nắm chặt tay để biết rằng chúng tôi sẽ mãi không lạc mất nhau. Mùi thơm của tóc vun nhẹ qua, thỉnh thoản có vài cọng bay phất phơ chọc vào mũi, Mùi bồ kết. bờ vai Trâm Anh run và rung nhẹ, khẽ hỏi :
– Anh có gặp Trà My không?
Chưa bao giờ tôi dấu nàng về tình cảm mình dành cho Trà My. Chỉ riêng có hôm đó, chẳng hiểu sao lại nói dối.
– Lâu rồi anh chưa gặp, mất liên lạc.
Tôi gạt qua buổi đi tìm Trà My.
Tôi với nàng ngủ thật ngon, trong mơ tôi mơ một giấc mơ kỳ lạ. Tôi đứng giữa một cánh đồng chè giữa buổi chiều hoàng hôn. Cả Em và Trâm Anh mặc đầm màu trắng tinh nguyên, trên lưng là đôi cánh bay lượn lờ cầm những mũi tên bạc thi nhau bắn. Chạy khắp cánh đồng để né khỏi những mũi tên đó. Kỳ lạ mỗi lần mũi tên đâm vào người, đều không đau. Chỉ có trái tim nhảy dựng và dòng máu trong cơ thể nóng lên từng chập. Hai nàng hạ gục tôi nhanh chóng. Trên người chi chit những mũi tên cắm sâu vào cơ thể.
Ba ngày sau. Tôi xuất viện
Chi phí hết gần 500 ngàn. Trâm Anh đưa tôi một khoản. Phần còn lại là góp nhặt của cá nhân và thêm chút ít của mấy đứa. Tạm ổn.
Chuyện lo nhất của tôi là việc đám trẻ trâu trong phòng ký túc xá. Thằng Tiến mập theo sự điều động qua bên trường giàn xếp, nó đi cùng anh Khoa bạn nàng. Theo gợi ý của thằng Mập, bạn tôi ra ngoài ký túc kiếm một chỗ ở tạm, đợi tôi lành lặn hẳn rồi sắp xếp thêm một hai đứa nữa về ở cùng.
Vết thương đã gần như lành lặn hẳn. Chỉ có cánh tay là hơi đau nhức, nếu không nhầm thì do khúc túyp sắt phang mạnh vào. Gần như tôi phải hoạt động bằng tam chi, hai cái chân và cánh tay trái. Khốn khó thế này mới hiểu được người nào quan tâm mình thật sự.
Về cái nhà lô cốt, không dám hé răng nửa lời về những chuyện đánh đấm trên trường, tôi chỉ gói gọi mấy từ con vừa về quê, gia đình có chuyện. Mọi người không ai nghi ngờ. Duy có buổi tối hôm đó thì gặp khó. Chả là nhà chật, lại ở thêm mười mấy mạng, nguyên diện tích dưới chen chúc xe đạp và xe gắn máy của Dì. Đi học về thì không tài nào dắt vô được. Bình thường nếu không còn chỗ, chiếc xe được nhấc bổng và cất chồng lên xe khác. Tay đau nên mọi việc khó khăn hơn gấp bội. Hoang mang
– Không còn chỗ để xe hả? – Dì lên tiếng
– Dạ. Không sao Dì. Tay hơi đau tí.
– Đứng đó dắt xe Dì ra rồi cho xe Con vô, chuẩn bị Dì đi làm rùi – Sau một thời gian ở chung nhà, Quỳnh Anh không còn gọi tôi là “Em” nữa mà chuyển qua xưng hô theo vai vế một cách trìu mến.
– Dạ.
Nói thì ngon nhưng làm không có ngon tí nào. Loay ha loay hoay để điều chỉnh thế.
– Cái thằng này hôm nay bị sao vậy?
Á…ui da.
Chiếc xe máy suýt đổ kềnh ra nhà. Dì lao tới vội vàng chộp lấy. Một tay giữ xe một tay vịn vào hẳn cánh tay phải tôi đang có vết thương. Cắn răng chịu đựng. Mồ hôi vã như tắm
Khi xe dựng đứng chân chống thì Quỳnh Anh buông tay.
– Thằng kia. Kéo áo lên xem bị thế nào mà dấu dấu diếm diếm – Giọng điệu như ra lệnh.
– Con không sao thiệt mà – Tôi chống chế.
– Nói dối nữa hả ông tướng con. Đau đến héo cả mặt mà còn bày đặt. Đưa xem nào.
Quỳnh Anh vén áo lên để lộ nguyên cánh tay bầm dập, tím ngắt.
– Khai thiệt đi. Bữa giờ đi đâu mà chân tay thế này, nếu không nói thật, gì kêu bác V gọi điện về gia đình hỏi.
– Dạ… thì… là… mà…
– Thôi Dì để làm đã, sáng mai đi học không? Về rồi nói chuyện
Sáng sớm chưa kịp ngáy ngủ đã bị lay….
– Tỉnh ngủ đi ông tướng, khỏi phải dấu nữa nhé. Lòi đuôi rồi.
Thì ra khi ngủ mặc mỗi quần đùi. Đã bị thấy vết bầm nguyên khúc chân. Thiệt tình cái “Dì” này, tự nhiên như ruồi bu. Con trai người ta mới lớn mặc mỗi quần cộc đi ngủ cũng không tha. Ngó nghiên tự nhiên.
– Đánh răng rửa mặt rồi chở tui đi ăn sáng, nhanh lên.
– Dạ. Con làm liền.
Xuống dưới nhà đã thấy xe máy sẵn sàng. Quỳnh Anh hôm nay mặc cái váy hoa hòe thấy ớn. Công nhận là dáng Dì đẹp, làn da trắng tinh hệt Trâm Anh. Chẳng hiểu sao, những người có tên “Anh” tôi gặp trong cuộc đời, đều phảng phất đẳng cấp giàu sang và phú quý. Chẳng như tôi. Da đen thui. Ngày nhỏ ai cũng kêu là trâu đất.
Hai Dì cháu ôm nhau tỉnh rụi. Cháu chở Dì đi ra quán bánh canh cá lóc ngoài Nguyễn Thông.
Vừa ăn vừa kế nghe câu chuyện mới xảy ra tuần qua. Thỉnh thoảng Dì còn pha trò đánh đấm như kiểu mình biết võ. Phải quơ thế này, đá thế kia. Thiệt tình là hết chỗ nói. Ăn căng bụng kêu qua khu Nguyễn Kiệm mua đồ. Hai Dì cháu lựa thì nhiều mà mua thì không mấy. Đúng thiệt là đàn bà. Cái gì cũng trả giá.
Những ngày sau đó cuộc đời sang một trang khác. Như ông hoàng.
Đi học có Trâm Anh
Về nhà có Quỳnh Anh.
Một người chăm sóc bằng sự tận tụy và hiến dâng.
Nhớ có hôm trời mưa to. Nàng lên đón tôi bằng một chiếc xe Max tím, Đợi ở cổng trường rồi kêu gửi xe đạp lại chở tôi về, hai đứa chạy ra công viên gia đình ăn bò bía. Sài gòn mưa nắng thất thường. Mới tí đã ngưng. Trời nhá nhem tối, nàng ôm chặt tôi và nói lên cụm từ mà trong đời, người con trai nào cũng muốn nghe:
“EM YÊU ANH NHIỀU LẮM”
Bản tính tôi trở lại là con thú hoang, quên mất đi Trà My, quên mất đi tất cả. Ôm chặt nàng vào lòng thổn thức.
Người kia chăm sóc tôi bằng thứ tình cảm chị em và gia đình. Yêu thương đùm bọc.
Tối trước khi đi làm, mua đồ ăn về cho thằng cháu. Làm như kiểu tôi không phải bị đau tay mà cụt chân không đi lại nổi. Bằng lòng với sự chiều chuộng đó của Dì và đón nhận như một đặc ân.
Có tối, chân tay đã lành lặn hẳn. Dì rủ tôi lên quán Dì làm ở quận 3. Tôi vui vẻ nhận lời. trước khi đi, dặn dò thằng cháu mặc bộ đồ sang nhất có thể, mang giày. Quỳnh Anh nói ở đó quy định vậy.
Tự chọn cho mình một bộ cánh bảnh nhất, quần jean áo thun… giầy bata thể thao.
Quỳnh Anh làm quán Bar.
Tôi vẫn còn nhớ rõ khung cảnh đó. Chở Dì tới gần quán rồi dừng lại nghe dặn dò. Kêu ngồi đợi quán nước ven đường. Xíu ra đón.
Khoảng 10h tối.
Ai đó mặc bộ đồ Cúp cánh vẫy tay. Nhìn quanh không có ai. Thằng tôi lẽn bẽn lại gần.
Nếu ai đó nói rằng hình ảnh in đậm tâm trí người đàn ông nhất trong cuộc đời là gì? Xin thưa rằng đó là dây phút ngắm nhìn một người đàn bà đẹp mà bản thân chưa bao giờ nghĩ rằng họ có thể gợi cảm và kiều diễm đến thế. Chưa bao giờ thấy Quỳnh Anh trang điểm son môi má phấn. Thêm bộ váy ngắn ôm chặt hông và đùi. Tim tôi phật phồng.
– Nhìn gì mà kỹ thế hả ông tướng, mặt tui có lọ nghẹ à?
– Dạ. Dì đẹp quá – Tôi thật lòng buột miệng.
– Thôi khỏi khen, tui biết mình đẹp sẵn rùi. Đi vào đây chơi với tui – Quỳnh Anh nắm tay kéo vào trong.
Giọng mấy anh bảo vệ:
– A, ha… nay 302 có kép mới nè.
Bỏ mặc mấy lời trêu ghẹo, kéo thằng cháu vào sau cánh cửa.
Một tiếng nhạc đinh tai nhức óc vang lên. Ánh đèn chớp lóe hoa cả mắt. Bốn góc phòng là bốn bộ chớp chớp , khi chiếu ra thành nhiều hình. Nó không đẹp như những tia nắng chiếu qua khe lá cây mận trước hiên nhà. Nhưng có sức hấp dẫn đặc biệt. Mặt tôi thộn ra… Những chiếc bàn cao cao, ghế cũng phải vướn lên mới tới.
Quỳnh Anh chọn góc bàn trong cùng.
Giờ này chưa có khách.
Dì mang cho tôi hai chai bia xanh xanh mà chưa bao giờ được thấy. Nhỏ giờ ở quê toàn rượu đế, đã bao giờ sang trọng thế này
– Biết uống không ông tướng ? Ngồi đây chơi xíu đi. Dì làm xíu rồi quay lại.
– Dạ.
Thêm nhiều cô gái nữa, người nào cũng bận những bộ quần áo lung linh, khiêu gợi và nhiều màu sắc tiến về phía tôi đang ngồi
– Ui cha… kép của 302 đẹp trai ghê ta. Lại còn trẻ nữa. Anh tên gì vậy anh?
Tôi cảm thấy bội thực, mùi phấn và nước hoa đưa vào mũi, mùi cơ thể đàn bà áp sát, mùi của căn phòng. Mùi của tiếng nhạc đinh tai nhức óc, mùi của lúa mạch trong ly bia. Tất cả tạo thành một hương vị phức hợp và khó chịu. Nó khiến đầu óc tôi quay quay, thăng hoa trong tiếng nhạc xập xình. Vốn dĩ tửu lượng không quá kém, nhưng chả hiểu sao tôi cảm thấy mình như rơi vào cảm giác vô thức.
– Ông tướng sao ngồi thừ ra vậy. Dì nói nhỏ nghe nè. Nếu ai hỏi con là bồ Dì hả thì con nhận nghe chưa? Không được nói là cháu chiếc gì hết.
– Để làm gì vậy ?
– Cứ nghe lời đi, Dì đang có chuyện khó. Vậy nha, ngồi yên đây. Dì đi tiếp khách.
11h30…
Quán bắt đầu lác đác khách vào. Bằng một giọng ngọt như mía lùi và thân hình ẽo ọt. Các cô gái dưới sự điều phối của mấy anh áo đen tiếp cận lấy những thanh niên, những trung niên hoặc ông hói đầu. Đủ mọi thành phần, rồng phượng có, mắt kiếng có, thành đạt có. Tất cả đều Thân mật và xuồng xã. Nhạc được một người điều khiển lúc lên lúc xuống. Lúc vang rền, những thanh thoát và kích âm hết cỡ. Các cô gái , trong đó có cả Dì cũng hùa theo nhạc uốn éo cùng các vị khách.
12h.
Giữa khoảng sân khấu được dọn dẹp lại thành sàn nhảy. Nam thanh nữ tú uốn éo theo điệu nhạc
Tôi bắt đầu mờ mờ mắt. Chẳng mấy khi thức khuya thế này. Hơn nữa cái cảm giác shock khi người mình quý mến làm một cái nghề chẳng ra gì, tự dưng buồn ói. Muốn ói hết những tô bánh canh cua, ly nước mía, ói hết những chăm sóc thương yêu mà người đó dành cho tôi.
12h30.
Tôi bất ngờ gặp anh Khoa và những người bạn của Nàng đi vào Bar. Người nào cũng rồng phượng và đầy man trá. Có cảm giác căm ghét và ghen tị. Trâm Anh không đi cùng nhưng bản thân hình dung ra được. Có lẽ những chỗ này nàng cũng thường xuyên lui tới. Rồi tôi thấy những tờ tiền giá trị cao khi người ta thanh toán bill. Một cuộc chơi này bằng cả mấy tháng lương chỗ làm thêm. Bằng cả tấn chè mà mẹ già ở quê chăm bón suốt thời gian dài. Bất giác tôi móc túi quần ra lấy mấy trăm ngàn đặt lên bàn…
Chắc có lẽ là dư….
Rời khỏi bàn với những bước chân nặng nề như chạy trốn, ghé sát tai Quỳnh Anh đang ở bàn cách không xa tôi mấy nói ;
– Con ra ngoài chờ Dì, đau đầu quá
Không đợi người đó hỏi lại và giải thích, lảo đảo bước ra cảnh cửa chát chúa. Một nàng xinh đẹp mặc áo dài cách tân cúi đầu chào. Mỉm cười lại. Trời Sài Gòn về đêm có mang chút lạnh lẽo, những con gió thổi qua khiến lòng tôi nhẹ lại. Cảm giác như mình vừa thoát khỏi địa ngục về với thiên đàng. Có lẽ tôi không hợp với cách sống thế này. Tôi thích khung cảnh của buổi hoàng hôn, thích sự tĩnh mịch nghe tiếng dế kêu đêm và tiếng con trùng rả rich. Thích những bài nhạc của Jimmy Nguyễn và Khánh Ly. Thích cánh đồng chiều ngào ngạt hương chè xanh. Thích những ánh nắng chiếu qua tia lá thành nhiều màu sắc. Còn những thứ tôi vừa trải qua. Sao mà gấp gáp và sặc mùi tiền đến vậy.

To top
Đóng QC