Cô gái đến từ hôm qua – Phần 2

Phần 2
Nhưng đó là kết luận hồi nhỏ. Bây giờ tôi rút ra một kết luận khác, kém phấn khởi hơn : con gái càng lớn càng khôn, con trai càng lớn càng ngu !
Chính vì vậy mà bây giờ làm quen với một đứa con gái, đối với tôi là chuyện khó tày trời. Với Việt An, chẳng hạn.
Lớp tôi có tất cả bốn mươi mống, trong đó hết ba phần tư là con trai. Con gái chỉ có một nhóm lèo tèo, ngồi túm tụm ở hai bàn trên.
Ỷ mình là “của hiếm”, tụi con gái kiêu căng, hợm hĩnh tợn ! Suốt ngày, tụi nó chỉ chụm đầu vào với nhau trò chuyện thì thầm rồi cười rúc ra rúc rích, chả thèm để ý đến bọn con trai chúng tôi lấy một chút. Trong số tụi nó, con nhỏ Việt An là “làm cao” nhất.
Việt An đẹp nhất lớp tôi. Điều đó ai cũng thừa nhận. Chính Việt An… cũng thừa nhận điều đó cho nên nó càng tỏ ra “lạnh lùng, băng giá” trước những cặp mắt ngưỡng mộ của tụi tôi.
Mỗi lần tụi con trai tìm cách bắt chuyện với nó, nó đều trả lời đàng hoàng. Nhưng ngôn ngữ của nó là một thứ ngôn ngữ khách sáo, lịch sự, đúng mực, không bộc lộ một tí tình cảm nào. Vì vậy, không đứa nào trong bọn tôi dám “giỡn mặt” với nó.
Khách quan mà nói, thái độ kiêu kỳ của Việt An trông thật dễ ghét ! Còn “chủ quan mà nói”, con gái trông càng dễ ghét bao nhiêu lại càng có vẻ… dễ thương bấy nhiêu ! Thế mới khổ cho tôi ! Khổ nhất là ngay từ lần đầu tiên trông thấy Việt An, tôi bỗng hiểu rằng từ nay trở đi tôi không còn “tự do” nữa. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến nó, không chỉ ánh mắt, nụ cười, mái tóc mà ngay cả cái tên Việt An đối với tôi cũng trở nên gần gũi, thân thiết lạ lùng như thể tôi đã yêu cái tên ấy đâu từ… kiếp trước !
Có những lúc ngồi một mình, nghĩ đến Việt An tôi bất giác gọi thầm tên nó và cái âm vang ngọt ngào ấy bao giờ cũng gợi nơi tôi một cảm giác nhớ nhung trìu mến lẫn một nỗi hân hoan khó tả.
Không như những đứa con gái cùng lớp, Việt An không từ các lớp dưới lên. Mấy năm trước, nó học đâu ở tận Nha Trang. Năm nay, nó theo gia đình chuyển về đây. Ngay từ đầu năm học, Việt An bất thình lình xuất hiện trong lớp tôi và từ đó “quấy nhiễu” cuộc sống yên tĩnh của bọn con trai chúng tôi.
Vì “lý lịch” của Việt Anh đặc biệt như vậy nên tôi không có thời gian để la cà tiếp cận. Và những giờ học cứ hờ hững trôi qua như nước chảy xuôi dòng. Tôi như chiếc lá lẻ loi trôi theo dòng nước, chốc chốc ngoái đầu nhìn Việt An mà lòng buồn rười rượi.
Nhưng như người ta thường nói “cái khó ló cái khôn”, rốt cuộc tôi cũng nghĩ ra được một cách để làm quen với Việt An.
Hôm đó lớp tôi làm bài tập làm văn.
Khi còn mười lăm phút nữa hết giờ, tụi bạn trong lớp lần lượt đem bài lên nộp. Đứa nào nộp xong được quyền ôm cặp ra về.
Tôi thuộc loại học sinh giỏi văn nên chỉ cần một nửa số giờ quy định đã làm xong bài tập. Nhưng tôi cứ ngồi đọc tới đọc lui, chưa vội nộp ngay. Vừa đọc tôi vừa liếc chừng về phía Việt An.
Việt An còn đang mải mê viết, chưa tỏ vẻ gì là sắp kết thúc. Thế là tôi cứ ngồi cắn viết nhẩn nha chờ.
Cho tới khi tiếng trống hết giờ vang lên, Việt An viết lia viết lịa mấy dòng cuối và hối hả mang bài lên nộp. Xong, nó ôm cặp bước ra cửa.
Việt An ngồi bàn đầu dãy bên kia, tôi ngồi bàn đầu dãy bên này, gần cửa ra vào, nên muốn ra ngoài nó phải đi ngang qua trước mặt tôi.
Lúc này, lớp học chỉ còn lèo tèo dăm ba đứa. Đứa nào đứa nấy đang chúi đầu vô bài làm viết lấy viết để, chẳng để ý gì đến chung quanh. Cô Hường thì đang lui cui đếm bài. Khung cảnh rất thuận lợi cho việc thực hiện “ý đồ đen tối” của tôi.
Đợi cho Việt An vừa đi qua trước mặt, tôi cầm cây viết máy vẩy vào lưng nó. Trong nháy mắt, vạt áo phía sau của Việt An dính đầy những vết mực lốm đốm. Nó chẳng hay biết gì, cứ cắm đầu đi thẳng.
Khi thấy Việt An đi đã khá xa, tôi mới lò dò mang bài lên nộp rồi ba chân bốn cẳng phóng theo.
Nửa đường, tôi đuổi kịp Việt An. Nó đang đi chung với nhỏ Hồng Hoa.
Tôi kêu :
– Việt An !
Việt An quay lại, ngạc nhiên :
– Anh kêu tôi hả ?
Tôi chỉ vào lưng nó, “méc” :
– Áo Việt An dính đầy mực kìa !
Việt An bán tín bán nghi. Nó ngoảnh lại nhìn nhưng không làm sao thấy được vạt áo sau lưng. Nó day lưng sang Hồng Hoa :
– Hồng Hoa coi thử có gì không ?
– Trời ơi ! – Hồng Hoa kêu lên sửng sốt – Mực ở đâu dính tèm lem vậy nè ?
Việt An tỏ vẻ lo lắng :
– Nhiều không ?
– Không nhiều, nhưng chạy một đường dài…
Đang nói, bỗng nhiên Hồng Hoa la lên :
– Thôi đúng rồi ! Như vậy là có ai vẩy mực vô áo mày rồi !
Tôi cũng giả bộ gật gù :
– Đúng rồi ! Đúng là có đứa nào chơi nghịch !
Hồng Hoa ngó tôi :
– Ông có biết ai vẩy mực không ?
Tôi giật mình :
– Không ! Không biết ! Nếu biết thì tôi đã… trị nó một trận rồi !
Hồng Hoa cầm tay Việt An, nói :
– Thôi đừng lo nữa ! Về nhà kiếm javel giặt là nó bay liền.
Việt An lẩm bẩm :
– Không biết ai chơi kiểu gì kỳ cục !
Tôi đi bên cạnh, trống ngực đập thình thịch, trong lòng vừa áy náy vừa sung sướng. Áy náy vì thấy Việt An lo lắng về cái áo hơn tôi tưởng. Chắc nó sợ về nhà bị mẹ la. Sung sướng vì nhờ vậy mà tôi được đi chung với Việt An và trò chuyện với nó một cách “hợp pháp”.
Biết ơn tôi về việc tôi đã quan tâm đến cái áo của nó và nhất là việc tôi hùng hổ đòi trừng trị “cái tên mất dạy nào đó”, Việt An tỏ ra cởi mở với tôi hơn thường lệ.
Ba đứa tôi vừa đi vừa trao đổi với nhau về bài tập làm văn vừa rồi một cách say sưa cho đến khi Việt An và Hồng Hoa rẽ sang đường khác.
Tối đó tôi cứ nằm thao thức nghĩ về những ngày tươi đẹp sắp tới. Bước khởi đầu đã thuận lợi, những bước tiếp theo hẳn sẽ dễ dàng hơn ! Tôi hình dung ngày mai khi tôi bước vào lớp, Việt An sẽ chào tôi bằng một nụ cười đầy cảm tình. Và tôi sẽ hân hoan đáp lại cũng bằng một nụ cười đầy… tình cảm. Sau đó, hai đứa tôi sẽ trò chuyện với nhau ríu rít, say sưa, không làm sao rời ra được, trước những ánh mắt ghen tị và thán phục của tụi bạn.
Đang nghĩ tới đó, tôi giật mình ngồi dậy chạy đi bật đèn. Rồi tôi đứng uốn éo trước gương luyện… cười. Tôi luyện cả thảy sáu kiểu cười, kiểu nào cũng tràn trề tình cảm. Gần một tiếng đồng hồ sau, khi thấy các cơ bắp nơi miệng đã đi vào hoạt động nhịp nhàng, thuần thục tôi mới tắt đèn leo lên giường nằm… thức tiếp.
Sáng hôm sau, trên đường tới trường, tôi vừa đi vừa ôn lại cho thật nhuyễn, không phải ôn bài mà ôn lại… sáu kiểu cười.
Vừa ló đầu vô lớp, tôi gặp ngay Hồng Hoa. Tôi chưa kịp mở miệng, nó đã chỉ tay vô trán tôi, dọa :
– Chết ông rồi ! Sao hôm qua ông vẩy mực vô áo Việt An ?
Tôi tái mặt :
– Đâu có ! Ai phao tin bậy bạ vậy ?
Hồng Hoa nheo mắt :
– Ông còn chối gì nữa ! Chiêu Minh thấy rõ ràng !
Chiêu Minh ngồi bàn thứ hai dãy bên kia, kế Hồng Hoa. Hôm qua hình như nó là một trong những đứa ngồi lại sau cùng. Như vậy hẳn nó tình cờ trông thấy hành động phá hoại của tôi.
Chỉ mới thoáng nghĩ tới chuyện xui xẻo đó, tôi đã thấy lạnh cả người và vội vàng chối biến :
– Không phải đâu ! Chắc là Chiêu Minh nhìn lầm tôi với ai đó !
Hồng Hoa thộp lấy cổ tay tôi :
– Chuyện rõ ràng vậy mà ông còn chối đây đẩy nữa hả ! Ông lại đây nói chuyện với Việt An đi !
Vừa nói nó vừa kéo tôi lại dãy bàn con gái.
– Tôi không lại đâu !
Tôi kêu lên và vùng ra khỏi tay Hồng Hoa, chạy vù ra cửa.
Tôi đi tha thẩn ngoài sân, trong bụng rủa thầm nhỏ Chiêu Minh tơi bời hoa lá. Chỉ đến khi tiếng trống vào học vang lên, tôi mới lò dò ôm cặp vô lớp và lủi thủi về chỗ ngồi.
Bên kia, Hồng Hoa nhìn sang, nguýt tôi một cái dài cả cây số.
Nhưng tôi kệ xác nó, con nhỏ lắm điều này ! Tôi chỉ quan tâm đến Việt An “của tôi”.
Việt An đang ngồi hí hoáy chép cái gì đó trong tập. Nó chẳng thèm liếc tôi lấy một cái. Điều đó làm tôi bứt rứt kinh khủng. Bây giờ tự dưng tôi muốn nghe Việt An trách móc, thậm chí chửi thật nặng cũng được hoặc ít ra là nguýt tôi một cái dài dằng dặc như Hồng Hoa. Như vậy tôi đỡ áy náy hơn. Đằng này nó cứ tỉnh khô, ra cái điều tôi là đồ mất dạy, không đáng cho nó phải bận tâm.
Cả buổi sáng, tôi ngồi xụi lơ. Bước khởi đầu như vậy kể như toi. Nghĩ đến mấy kiểu cười tình cảm khổ luyện giữa đêm khuya, tôi càng giận mình. Không biết làm gì cho khuây khỏa, tôi quay sang thằng Hải gầy ngồi cạnh nhe răng cười với nó ba kiểu.
Nụ cười “thầm lặng” của tôi hiệu quả ghê gớm ! Tôi mới cười có ba kiểu mà Hải gầy đã trố mắt :
– Bữa nay mày làm gì mà thân ái với tao quá vậy !
Nghe nó bình phẩm, tôi càng tiếc hùi hụi. Nhưng lo gì – tôi tự động viên – thua keo này ta bày keo khác ! Ông bà đã dạy rồi !
Suốt một tháng trời sau đó, tôi không dám giáp mặt với Việt An.
Cho tới một hôm, trong giờ ra chơi, tôi đánh bạo lại gần nó. Lúc này tụi bạn đã ùa cả ra ngoài, chỉ còn mỗi Việt An ngồi tại chỗ cắm cúi đọc sách.
Tôi hắng giọng, hỏi :
– Việt An xem cuốn gì vậy ?
Nó ngước mắt nhìn tôi :
– Cuốn “Giamilia”.
– Hay không ?
– Hay.
Tôi nói, giọng rụt rè :
– Chừng nào coi xong Việt An cho tôi mượn nghen !
Việt An gật đầu rồi cúi xuống đọc tiếp.
Chẳng biết nói gì nữa, tôi đứng lớ ngớ một hồi rồi tặc lưỡi bỏ đi. Con nhỏ phách lối thật ! – tôi ấm ức nhủ bụng – nhưng dù sao nó cũng không hạch mình chuyện vẩy mực ! Thế cũng tốt !
Hai ngày sau, Việt An đưa tôi mượn cuốn sách. Nó nói :
– Anh nhớ giữ cẩn thận nghen !
Tôi cười :
– Yên chí.
Nó lại dặn, giọng tỉnh khô :
– Nhớ đừng vẩy mực vô sách !
Tôi giật thót, miệng cà lăm :
– Không… không đâu !
Tôi nói mà mặt đỏ bừng. Hóa ra nó chưa quên “tội ác” của tôi hôm nào. Khỉ thật.
Nhưng tôi ngu gì mà vẩy mực vô sách nó. Lần này tôi tiến hành “chiến dịch” theo cách khác.
Trước khi trả, tôi nắn nót chép ở trang đầu cuốn sách hai câu thơ của Nguyễn Bính :

Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Dù cố trấn tĩnh, khi đưa cuốn sách cho Việt An, tay tôi vẫn run run. May mà Việt An không để ý. Nó nhận cuốn sách bỏ ngay vô cặp, không giở ra coi.
Suốt ngày hôm đó, tôi sống trong tâm trạng thấp thỏm của cậu học trò đi thi chờ kết quả. Nghĩ đến hành động táo tợn của mình, tôi vừa mừng vừa lo.
Sáng hôm sau, tôi không dám vô lớp sớm. Đợi cho tiếng trống vang lên, tụi bạn lục tục xếp hàng, tôi mới chạy lại đứng lấp ló phía sau.
Ngồi trong lớp, chốc chốc tôi lại liếc qua chỗ Việt An, xem thử nó có thái độ gì khác lạ hay không. Nhưng Việt An cứ cười nói tỉnh khô khiến tôi không biết nó đã thấy mấy câu thơ tôi viết trong sách chưa.
Giờ ra chơi, tôi cố ý nán lại trong lớp chờ coi Việt An “giải đáp tâm tình” cho tôi như thế nào. Đúng như tôi mong mỏi, Việt An lên tiếng gọi :
– Anh Thư !
Tôi hồi hộp bước lại, trên môi nở sẵn kiểu cười thứ nhất. Nhưng Việt An chẳng thèm dòm tôi. Nó lúi húi lục cặp lấy cuốn “Giamilia” ra :
– Anh viết bậy bạ gì trong sách tôi vậy ?
Tôi ấp úng :
– Thơ Nguyễn Bính ấy mà !
Nó hoạnh họe :
– Ai mượn anh chép thơ Nguyễn Bính vô đây ?
Tôi nuốt nước bọt :
– Đâu có ai mượn ! Tại tôi thấy hay tôi chép !
– Lần sau có thấy thơ hay thì anh chép vô sách của anh chứ đừng chép vô sách của tôi !
Nói xong nó đẩy cuốn “Giamilia” đến trước mặt tôi :
– Anh mua đền cho tôi cuốn khác đi !
Nếu có thể chui được xuống đất thì tôi đã chui rồi. Nhưng vì đất cứng quá không chui được, tôi đành giằng lấy cuốn sách bỏ đi một mạch, trong lòng xấu hổ không để đâu cho hết.
Suốt mấy tiết học còn lại, tôi không nhét nổi vô đầu lấy một chữ. Tôi cứ ngồi trù ẻo cho Việt An bị sét đánh, bị xe cán, bị chết chìm dưới sông, thậm chí bị ba cái cùng một lúc càng tốt. Lúc đó, tôi mới hả dạ.
Chiều hôm đó, tôi phóng xe đi lùng hết hiệu sách này đến hiệu sách khác, quyết mua bằng được cuốn “Giamilia chết tiệt kia để “ném vô mặt” Việt An.
Nghĩ trong đầu thì hung hăng như vậy, hôm sau gặp Việt An, tôi xìu như bún.
Khi đưa cuốn sách mới mua cho Việt An, tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nó :
– Đền cho Việt An nè !
Tôi nói với giọng sượng sùng. Và không đợi cho Việt An kịp nói gì, tôi vội vã bước đi.
Nhưng Việt An đã gọi giật :
– Anh Thư !
Tôi giật mình quay lại và nhìn nó bằng ánh mắt ngạc nhiên pha lẫn lo lắng. Chẳng lẽ cuốn sách bị rách chỗ nào, Việt An không chịu nhận chăng ?
Thấy tôi đứng sững như trời trồng, Việt An mỉm cười :
– Anh lại đây !
Tôi bàng hoàng bước lại.
Việt An thò tay vào cặp lấy cuốn “Con tàu trắng” ra đưa tôi :
– Anh đọc cuốn này đi ! Cũng của Aimatov ! Hay lắm !
Tôi cầm lấy cuốn sách mà như thể cầm một giấc mơ, không hiểu hư thực thế nào. Việt An ơi, em có định quay tôi như quay dế hay không ?

To top
Đóng QC