Phần 17
Tầm chiều trời lại lất phất mưa. Tôi ghét mưa kỳ lạ, mà hầu như dân công sở ai cũng vậy hết trơn. Đâu có ai khoái trá gì cái vụ đi lếch thếch dưới mưa, lát về quần áo ướt nhẹp, xe cộ dơ hầy. Tôi đứng ngoài hành lang nhả khói mù mịt, ngó lên trời chán ngán. Lát tan tầm chắc kiếm đại cái taxi về quá, xe bỏ lại công ty luôn mai kêu mặt mụn chở đi làm. Trời mưa buồn bã, khách hàng cũng mải làm tình hay sao đó mà nguyên buổi chiều không ai gọi điện càm ràm hết trơn. Thiệt tình thời tiết như vầy chỉ chui trong chăn với ghệ là ngon lành nhất, hèn chi tụi tôi có một bữa rảnh thấy ớn.
Tan sở mưa còn dữ dội hơn, ào ào như trút. Con nhỏ Huyền đứng tần ngần kế tôi, than:
– Mưa lớn quá, sao về giờ anh?
Tôi tặc lưỡi:
– Không có sao đâu em. Chắc tới tối nó tạnh liền.
Con nhỏ nguýt tôi rát rạt:
– Vậy còn em trai em bộ bắt nó nhịn đói hả?
Tính kêu thứ quỷ đó lo gì nó đói, nó đói bụng nó tự khắc đi ăn cướp liền, nhưng ngó ánh mắt trìu mến của con nhỏ khi nhắc về đứa em trai, tôi nín thinh luôn. Thiệt tình với kiểu đàn bà ngó thấy con mèo con bị bỏ ngoài đường cũng ráng nhặt về nuôi, dù lo cho bản thân mình còn cực thì chẳng có lý do gì để ghét bỏ đứa em trai ruột thịt. Dù thằng quỷ ấy trâng tráo không thua gì tôi thời trai trẻ.
Đợi hoài không thấy ngớt, con nhỏ coi bộ sốt ruột dữ. Đi đi lại lại mấy vòng, nhỏ quyết định cái rụp:
– Anh cho em mượn cái áo mưa, em chạy qua đường mua tạm cái dù. Tối rồi, thằng nhỏ đâu biết nấu nướng gì đâu, chắc giờ nó đói dữ lắm rồi đó.
Tôi á khẩu. Bộ em nó mới học lớp 2 hay lớp 3 hả? Thanh niên 18 tuổi còn không biết đường đi cua gái để gái nó nấu ăn cho, thứ gì cũng trông chờ chị là sao? Mà con nhỏ cũng ngộ thiệt, mưa như trút nước vầy cầm cái dù khác gì đội mũ, tránh sao nổi ướt. Tính cản nó mà ngó gương mặt nó, tôi biết cản không nổi. Thở dài xuôi xị kêu:
– Đợi anh xíu nha, anh gọi taxi đưa em về.
Mắt con nhỏ trợn ngược:
– Anh có biết từ đây về nhà em bao xa không mà kêu taxi? Anh không có được lãng phí vậy, em không đồng ý đâu nha.
Tôi đưa bộ mặt đưa đám ra, đau khổ nói:
– Không có, anh có thằng bạn làm taxi dù.
Lủi ra xa móc điện thoại gọi cho mặt mụn. Con quỷ coi bộ đang ngái ngủ, ngáp một cái thật dài, lè nhè:
– Chuyện gì vậy đại ca? Em đang ở nhà đại ca đó, không có đi đâu đâu mà kiểm tra.
Kiểm cái đầu mày ấy. Tao rảnh dữ vậy sao. Thì thào vô trong máy:
– Lấy xe qua đón tao. Nhớ kêu mày làm taxi dù nha thằng mặt mụn. Nhớ đó.
Mặc xác thằng quỷ nhảy dựng lên vì mất nét, tôi cúp máy cái rụp. Thứ nó làm gì có nét mà mất.
15 phút sau, con xe mới kính coong của thằng quỷ đỗ cái xịch ngay vỉa hè. Nó hạ kiếng ngó nghiêng kiếm tôi. Thiệt tình thằng này ngu hết chỗ nói, kêu lái taxi dù mà bày đặt đeo kiếng Ray Ban, đầu vuốt gel mới ác ôn. Lầm bầm chửi thề mấy tiếng, rồi cũng đành lôi con nhỏ đang nghệt mặt vô trong cái xe bóng lộn. Con nhỏ kinh ngạc cũng phải. Nhỏ tới lớn tôi chưa thấy thằng cha lái taxi dù nào chạy Mer E hết trơn.
Bước vô xe đã thấy thằng quỷ ngồi chễm chệ, quần áo hàng hiệu, dầu thơm xực nức. Tui cũng muốn đi làm taxi dù giống nó quá. Làm mặt dày lôi con nhỏ vô, chỉ nó kêu:
– Bạn anh đó. Nó trước lái taxi dù, giờ đi lái xe cho giám đốc doanh nghiệp.
Thằng quỷ coi bộ ủy khuất, dù được nâng mức từ taxi dù lên tài xế riêng cho giám đốc cũng coi bộ chưa cam lòng. Dân chơi Hà Nội mà bị xuống cấp dữ vậy trước mặt gái, nó chưa khóc tôi còn mừng đó. Con nhỏ coi bộ không quen với cái nội thất sang trọng trong xe, rón rén ngồi xuống ghế như sợ cái thảm lót bị đau, lí nhí:
– Em cảm ơn anh nha. Phiền anh ghê.
Quỷ mặt mụn ngó thấy gái bao nhiêu mặc cảm bay mất tiêu, nở một nụ cười nham nhở:
– Anh phải cảm ơn em mới đúng. Mấy khi có cô gái đẹp như em ngồi vào xe của anh đâu.
Cái mõm đang tía lia chuẩn bị phun châu nhả ngọc, ngó thấy cái ánh mắt giết người của tôi, nó đau khổ rồ ga lượn đi, miệng lẩm bẩm:
– Nói có tí xíu bày đặt dòm thấy ớn!
Hẻm nhà con nhỏ có chút xíu, xe không vô được tận nhà. Tôi lấy cây dù trong xe mặt mụn, đưa con nhỏ vô trong. Cũng hên mưa ngớt dần, hai đứa chạy mấy bước là vô tới hiên nhà. Con nhỏ ngó nghiêng một hồi, kêu:
– Chắc thằng nhỏ đói quá chạy đi ăn rồi. Thôi anh về đi ha, muộn rồi. Em cảm ơn anh và bạn anh nha.
Tôi gật gật đầu, mỉm cười với con nhỏ một cái, quày quả bước ra xe. Mưa lại ào ào đổ.
Mặt mụn coi bộ tự ái à nha. Bị sai xể vầy, nét dân chơi của nó bị tổn thương nghiêm trọng. Đưa tôi về nhà xong, nó làm cái mặt buồn bã đánh xe thẳng về nhà nó. Tôi mặc kệ. Mai không lon ton qua chỗ tôi liền, tôi bé bằng con kiến.
Còn đang nằm vểnh râu đợi cơm tối, nghe chuông điện thoại đổ dồn. Không lẽ thằng quỷ đói bụng tính xin lỗi rồi qua ăn ké đây ta? Tôi thủng thẳng móc điện thoại, hơi ngạc nhiên vì số trên máy lại là của nhỏ Huyền. Một cái cảm giác bất an kỳ lạ. Vừa áp tai vô, tim tôi như bị ai bóp nghẹt. Con nhỏ đang khóc nấc từng hồi vô máy, nói không thành tiếng:
– Anh… anh… qua em được không?
Tôi đâm hoảng, hỏi dồn từng chặp:
– Có chuyện gì nói anh nghe coi Huyền. Em nói đi chứ!
Chỉ nghe con nhỏ nức nở hoài, không nói thêm được gì nữa. Lòng tôi như có lửa đốt, vớ chìa khóa lao thẳng ra con xe ga cao ngỏng. Con Max ghẻ tôi vất ở công ty mất tiêu, nhưng tầm này còn bụng dạ nào quan tâm tới mấy chuyện lẻ tẻ nữa.
Tôi rú ga đi như điên trong mưa. Cũng hên đường vắng, tôi chạy bạt mạng nhưng cũng chẳng tông ai. Nước mưa bắn vô mặt rát rạt, tôi cũng mặc kệ. Thiệt tình tôi cũng không hiểu sao mình trở nên khùng đột ngột dữ vậy, nhưng khi nghe tiếng khóc của con nhỏ, trong tôi như có một thứ bản năng chở che, bảo vệ trỗi dậy. Con nhỏ hiền quá, thiện lương quá và tôi không cho phép ai, cho phép thứ gì làm tổn thương nó cả.
Hẻm nhà con nhỏ tối sầm. Ánh đèn pha loang loáng chiếu rõ từng hạt mưa rơi, dừng lại phía bậu cửa phòng trọ con nhỏ ở. Tôi không kịp tắt máy luôn, lao thẳng vào trong nhà. Con nhỏ đang ngồi co ro trong nệm, cái vai nhỏ xíu rung lên nức nở. Tôi thở phào. Ít ra thì lúc này con nhỏ cũng được an toàn. Tôi lại gần nó, vỗ vỗ lên đôi vai đang run rẩy, nhỏ giọng:
– Anh nè Huyền.
Con nhỏ đột ngột nhào vô lòng, gục đầu lên vai tôi khóc ngon lành, mặc cho bộ quần áo tôi bận trên người ướt sũng. Nước mắt chảy xuống vai áo tôi nghe nóng hổi. Tôi nghe lòng mềm nhũn, đưa tay ôm lấy lưng con nhỏ vỗ về:
– Được rồi, có chuyện gì nói anh nghe coi em. Không khóc nữa, khóc không có giải quyết được gì hết đâu em.
Con nhỏ phải ráng lắm mới nín được, ngẩng mặt lên nhìn tôi. Ánh mắt nó lúc này là của một con nai nhỏ vừa sập bẫy nhìn người thợ săn, vừa van nài khẩn khoản vừa tội nghiệp tới nao lòng. Chỉ một cái nhìn đó của con nhỏ, tôi hiểu dù có là việc gì đi chăng nữa, tôi cũng phải ráng làm cho bằng được.
– Em trai em… bị công an bắt rồi anh. Họ đưa thằng nhỏ đi từ chiều, giờ em không biết nó ở đâu nữa.
Tôi giật mình. Sao làm gì bị bắt lẹ quá trời lẹ vậy. Ngó cái tướng thằng nhóc ác bữa trước có buột miệng kêu không đi trường cũng đi trại sớm, ai dè linh nghiệm thật luôn. Có điều ngó cái gương mặt sũng nước mắt của con nhỏ, tôi cũng thấy lòng nặng trĩu. “Tao vì chị mày, không vì mày nha thằng nhóc ác” – nghiến răng lầm bầm trong bụng vậy rồi quay qua con nhỏ, nhẹ giọng hỏi:
– Làm sao mà bị bắt, em có biết không?
Con nhỏ lại ôm mặt, nức nở thêm một chặp:
– Nghe mấy cô hàng xóm nói có hỏi công an, họ nói là nó tham gia đánh lộn đó anh. Thằng nhỏ hiền khô mà, làm gì có ba cái chuyện đó.
Tôi thở dài. Từ sau anh không có bao giờ nghe đánh giá của em về con người nữa đâu nghen Huyền, em đánh giá trật thấy thương luôn. Cũng ráng gật gù tỏ vẻ đồng tình, an ủi con nhỏ:
– Ba cái tội đó không có nặng lắm đâu em. Quan trọng nó đánh người ta bị thương ra làm sao, nhà kia nó có làm căng hay không nữa em à.
Tôi không có học luật, nhưng trường trại dạy tui cũng kha khá mấy món này. Con nhỏ coi bộ được những lời nói của tôi an ủi, ánh mắt tội nghiệp bừng lên một tia hy vọng, hỏi dồn:
– Anh nói thiệt không anh? Anh đừng có xạo em nha.
Tôi nhìn sâu vô mắt nó, thở dài. Trước cái ánh nhìn của con nhỏ, cả đời tôi sẽ không xạo nó điều gì được.
– Anh không có xạo em đâu. Anh tới đây để giúp em mà. Chuyện của em cũng là chuyện của anh, không phải lo lắng vậy.
Con nhỏ có thêm người bên cạnh cũng đỡ nhiều. Nhỏ ngước cặp mắt sưng mọng lên nhìn tôi cầu khẩn:
– Anh đưa em qua chỗ thằng nhỏ được không anh? Nó còn chưa có được ăn chút gì nè.
Lại thở dài thêm lần nữa. Thiệt tình đúng là đàn bà mà. Lúc nào cũng lo lắng những cái nhỏ xíu xiu, cái lớn thì không thèm lo. Tôi kêu con nhỏ:
– Ra xe đi em, anh đưa em đi.
Nhỏ líu ríu chạy theo tôi. Với mấy người chưa khi nào va chạm với pháp luật, lại đang quýnh quáng vì lo lắng, nội chuyện biết đứa em bị nhốt ở đâu cũng là cả một chuyện khó khăn. Nhưng với tôi thì dễ ẹt. Tôi vô phường, vô quận, đi thăm nuôi đám bạn quá trời luôn nên tôi rành một cây. Loại như thằng nhóc bị bắt thì 9 phần có đám công an phường đi theo, bắt xong đưa qua phường lấy lời khai hoặc đưa thẳng lên quận, nhốt vô tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tầm 2 – 3 ngày, cũng là thời gian quan trọng bậc nhất để đánh chìm án hoặc lo lót để ra. Tới khi ăn cái lệnh tạm giam, coi như khó nhằn hơn gấp bội.
Chở con nhỏ lên phường, phường chỉ lên quận. Tôi biết mà. Con nhỏ gục đầu vô vai tôi khóc hoài, chắc lo cho thằng nhóc vô trong đó không biết ra sao. Tôi tính an ủi con nhỏ yên tâm đi nó không bị đói đâu, vô trỏng chắc cũng no đòn rồi nhưng nói vậy chắc con nhỏ khóc trôi luôn cả tôi lẫn xe luôn quá. Thật ra cái nhà tạm giữ của quận có xi nhê gì đâu, vô đó sống vẫn khỏe re, nhất là thằng nhóc ác nhìn mặt cũng đâu có hiền lành gì cho cam.