Chuyện đời lính – Phần 49

Phần 49
Tôi đi nhiều nơi, rừng, biển, sông, hồ, ao, mương tới cống rãnh… suốt cả những năm tuổi trẻ. Mỗi nơi đều có những kỷ niệm buồn, vui… đau xót, nhưng phải thừa nhận một điều là số phận tôi rất may mắn, khi gần 20 anh em đồng đội lần lượt ngã xuống ở khắp nơi, thì tôi vẫn may mắn quay trở về để còn được ngồi vểnh râu ngậm thuốc kể lại cho bà con nghe, vài mẩu chuyện cho mọi người thư giãn cuối tuần nhé.
Đi nhiều, nhưng những nơi tôi qua, nơi mang dấu ấn đậm nhất vẫn là những cánh rừng Campuchia, Lào và Thái Lan… vì những thứ khủng khiếp tôi gặp ở đó thật khó mà quên được dù đã gần 40 năm rồi.
Rừng Lào thì nhiều đại ngàn nguyên sinh, núi đá cao cổ thụ rất nhiều, thú cũng nhiều hơn, đặc biệt là thú to như min (trâu rừng) gấu, hổ, voi… rất nhiều lần tôi gặp những bầy voi rừng đông tới 3 – 40 con chúng chạy rung đất, cây cối gãy rào rào như có một trận bão đi qua.
Voi là loài động vật tinh khôn gần như chỉ sau con người thì phải, nhiều người dân đi rừng bị chúng đuổi và giết chết, nhưng khi gặp những đơn vị lính, dù ít người nhưng trang bị vũ khí đầy đủ thì chúng rất dè chừng và thường đứng nhìn im lặng, ve vẩy đuôi… một cử chỉ cầu hòa, dĩ nhiên chúng tôi cũng đứng yên, im lặng nhìn chúng, nếu không kịp chạy trốn chúng, vũ khí sẵn sàng dù không được phép bắn để đảm bảo bí mật, mồ hôi túa ra thành dòng khắp người vì ai cũng biết mỗi con voi khác gì chiếc thiết giáp đâu, chỉ khác là chúng không thể nhả đạn từ xa thôi, còn chúng mà điên lên đuổi thì đừng ai dại dột nghĩ to lớn như voi chúng sẽ chạy chậm, tôi bị voi đuổi vài lần, chạy nhấc cả đầu xịt cả khói mới thoát chết, chỗ nào có sông nước thì nhanh chóng mà phóng xuống nước, còn không thì đội hình tung tóe mỗi ông một ngả, chạy theo sườn nghiêng của núi mới mong thoát nạn, lũ voi khi đuổi không được chỉ biết đứng cay cú giậm chân vung vòi rống lên e e, rồi quật đổ cây để thị uy thôi… còn chúng tôi chạy rẽ cả tóc khi thoát rồi vừa sợ vừa buồn cười, mà loài voi cũng lạ khi không đuổi được người thì chúng quay lại đàn áp tất cả những thứ gì của con người vứt lại chúng đạp nát hết, lán trại thì lấy vòi quơ cái như ta nhổ đám rau dền, ba lô thì chúng hất bay lên lấy ngà xiên rồi dẫm đạp tới mỗi nơi một mảnh mới chịu bỏ đi, trước khi đi không quên rống lên ầm ĩ thị uy.
Ngày ở khu ba biên, phía sườn Đông núi Đăng rếch nơi sát Thái Lan, có rất nhiều tre và trúc, tre ở đó dày và gai nhọn hoắt từng chùm, ở khu vực đó chúng tôi không khác gì bầy vượn nguyên thuỷ, quần áo rách nát chân tay người ngợm toàn sẹo gai cào chi chít tả tơi hết, quân trang gần như không còn một thứ gì lành lặn, dù lúc đó lấy đồ của lính para trang bị, giày bốt đờ sô, và đồ lính của chúng rất dày… tuy nhiên đến những đôi giày bốt lính dày cộp như vậy cũng bị cào rách thì chẳng thứ gì chịu nổi, khi bị mưa ướt và gai cào hay leo trèo chui rúc cũng nát hết…
Ở khu này tuy khổ vì phải di chuyển suốt, chui luồn, ăn đạn cối và pháo của pốt và Thái liên tục, và mìn, nơi này mìn nhiều kinh khủng… cuộc chiến và mảnh đất này khủng khiếp nhất là mìn, nhưng bù lại nơi này rất nhiều rau xanh ăn được vào mùa mưa và thú rừng rất nhiều, đặc biệt là heo rừng và dúi, một con thú giống con chuột cống nhưng đuôi ngắn tủn, mùa mưa chúng ăn măng rừng nên con nào cũng béo mập chụt chịt, chúng đào hang rất sâu và đùn đất ra như lính đào công sự, chúng tôi thường đốt liều phóng thả vào hang chúng, khói mù cay xè chúng phải lao ra, chỉ bắt những con to thịt ăn với nhau.
Lợn rừng cũng nhiều tới mùa măng chúng gầy ốm nhom nhem kéo từ những căn cứ đâu đó trong rừng già về khu vực rừng tre, trúc đào măng rào rào, kêu ọt ẹt rồi cắn nhau chí choé suốt đêm, hết mùa lại cắp đít béo mầm đi tàn phá nơi khác, để lại chiến trường nơi chúng đi qua tan hoang tơi tả, lỗ chỗ “hầm, hố” chúng đào để “tác chiến” với đám măng rừng. Dúi thì bắt đơn giản hơn heo rừng, có lúc bắt được nhiều quá thịt không kịp, chúng tôi lấy dây giày buộc vào chân sau nó treo lên cành cây, con dúi mập tròn ủng như cái hoa chuối chân cứ bơi bơi thật lực nhìn như mấy cô lùn béo tập chạy bộ trên máy vậy, còn heo rừng thì thỉnh thoảng mới được may mắn xơi món đặc sản đó vì tuy heo nhiều nhưng chúng tôi thì không dám nổ súng gây tiếng động, chỉ chờ bọn chúng đạp phải mìn chết thì lần tới kéo xác chúng về làm thức ăn, có những con phải tới hơn cả tạ, gần 2 tạ… nhìn những cái răng nanh thò dài khỏi mõm chúng tới mười mấy cm nhọn hoắt, u lưng gồ cao, da dày cui người toàn cơ bắp chắc nịch như tập ghim cùng bản tính côn đồ hung hãn của chúng mà tôi thấy nóng lạnh, loài này dữ còn hơn hổ.
Cá ở đất Cam cũng nhiều, nhất là khu vực Biển Hồ, Tonlesap… có những nơi cá đen kịt từng bầy, chắc có lẽ do thời ponpot cầm quyền, chúng dồn dân vào những khu tập trung và không cho người dân được bắt hay ăn bất cứ con nào, nếu chúng nhìn thấy họ có thể bị đập chết ngay, chúng kệ họ chết đói chứ không cho họ được nhặt trái cây hay bắt cua cá gì để ăn, ngoài cháo loãng trong công xã nấu.
Ở Praycha, Biển Hồ có một câu chuyện thương tâm về một đơn vị trinh sát, khi họ vào một phum ở đây điều nghiên tình hình, cứ nghĩ đã giải phóng rồi và phum sóc an toàn, cả đội 9 người được người dân phum chào đón rất tử tế, còn nấu cơm và xào thịt bò với lá cây cần sa cho ăn, lính ở rừng thiếu chất nhất là rau, thấy rau xào thịt bò ngon quá không biết gì cứ ăn vì tin tưởng dân phum, ai ngờ ăn xong say thứ lá ma quỷ đó không dậy nổi, dân phum khiêng cả đội trinh sát đó ra đồng chất rơm đốt thiêu sống họ trong đêm… thật phản phúc và tàn bạo, tất cả 9 người không một ai còn sống sót…
Sinh tồn ở rừng hoang chưa bao giờ là dễ dàng, và khó khăn nguy hiểm bội phần nữa là trong thời chiến, cái chết luôn lơ lửng trên đầu những người lính, và bất cứ ai, thần chết mang đủ mọi hình hài, từ mìn, pháo, đạn bom, tới mưa lũ, rắn rết, cây lá độc, sốt rét, kiệt sức hay những cơn khát…
Dãy Đangrek phía Đông bên Cam là nơi tôi thấy rất nhiều rắn độc và trăn, không ít lần chúng tôi hạ được những con trăn to như bắp chân chỉ bằng tay không hoặc dao găm, lưỡi lê.
Những con trăn thì đơn giản, vì chúng chỉ to xác nhưng không có nọc độc và tuy to nhưng chúng cũng không dễ dàng gì khi quấn hay siết chúng tôi, chỉ sợ đi lẻ một mình, hay yếu quá mới lo chúng tấn công.
Những con rắn độc đáng sợ hơn nhiều, tôi thì không sợ trăn rắn chỉ sợ loài có nọc độc nó tợp trộm thôi, có những con rắn hổ chúa to bằng bụng chân và dài tới 5 – 6m đen sì, hung dữ ngóc đầu tới 2m tấn công chúng tôi, nhưng phần đa nếu không chạy thoát thì chúng đều vào nồi của chúng tôi nằm viết hồi ký hết, lính ở rừng thì chả tha con gì hết, cứ con gì nhúc nhích là ăn, lá gì có khói là hút.
Có lần tôi còn bắt được cả con nưa, ngày trước tôi từng nghe qua nhiều người nói tới loài này, có người gọi là con nưa, có người bảo là rắn hổ bướm, vì hoa văn trên người nó giống hình con bướm, tôi thì không hiểu gọi nó là con gì thì đúng vì tới giờ người ta vẫn tranh cãi nhau về tên của loài này.
Lần đó tôi suýt chết vì con của nợ đó, ba anh em đang mò ốc trong một cái vũng nước dưới một khe núi rậm rạp, chợt anh S, mừng quá kêu khẽ “có mồi rồi anh em ơi”.
Theo tay anh chỉ, tôi thấy ngay dưới một thân cây mục đổ rất to, một con trăn tổ bố, nhìn cái thân nó quấn một đống thì ước tính sơ sơ cũng phải 2 chục ký lô, anh em tôi mừng quá, bủa vây truy bắt luôn, tôi là người túm được cái đuôi nó, ra sức kéo nó ra khỏi cái thân cây, nó rất khỏe và chống cự lại. Đưa cái đuôi cho anh T, tôi với anh S, lần dò tìm cái đầu, chỉ cần tìm được cái đầu nó đè xuống bóp cổ nó là tóm sống dễ dàng.
Nhưng tôi thấy con “trăn” này hơi lạ, khi nó ngóc đầu lên tấn công lại tôi, khi định giơ tay chộp cái đầu nó, nó quay ngoắt qua đớp tay tôi, may tôi giật tay lại kịp, tới lúc nhìn cái mặt nó, tôi bủn rủn người vội kêu anh T bỏ cái đuôi nó ra, anh em mình bắt nhầm con nưa rồi…
Nó giống con trăn hoa y chang, nhưng cái mặt nhìn thẳng thì thât ghê rợn, cái lỗ mũi như lỗ mũi lợn, thêm vài lỗ bên cạnh nữa, người ta nói loài này có tới 9 cái lỗ mũi.
Thực ra thì nó chỉ có hai lỗ mũi chính, còn những lỗ kia là lỗ thoát hơi trong bụng nó ra, con này đặc biệt có mùi rất thối, khi bị vây bắt nó thở và phun phì phì như loài rắn hổ, trên mũi thò ra hai sợi râu có nọc độc phun vào đối thủ, cái miệng há ra cũng khác loài trăn, trong miệng con này rất nhiều răng nhọn hoắt như những móc sắt gập vào phía trong họng giúp nó khi cắn giữ chặt con mồi.
Rất nhiều người nhầm tưởng con của nợ này là trăn hoa và đã ăn thịt nó và tử vong rồi, loài này độc tố lạ lùng là khi bị nó cắn hay ăn thịt nó người ta không chết ngay, mà nhiều ngày sau mới chết, nên khi phát hiện phần đa đã ngấm nọc độc quá sâu rồi, và hiện tại cũng chưa có huyết thanh kháng nọc của nó.
Ba anh em tôi kinh hãi thả nó ra và cùng xúm vào “nghiên cứu” tỷ mỉ hình dạng nó và lấy cây cho nó đớp vào để xem những cái lỗ mũi thoát khí của nó, cuối cùng ba anh em kết luận, trông mặt nó ghê quá, như yêu tinh, thôi, tha cho mày. Chả biết tha cho nó hay nó tha cho chúng tôi, cứ mắt nhắm mắt mở mà tóm nó thịt ăn thì đảm bảo tất cả chúng tôi lên nóc tủ hết, sao còn nhăn nhở tới bây giờ nữa.
Lang thang ở những cánh rừng bên Cam, ngoài những ám ảnh về những cơn khát tới hoa mắt ảo giác dưới cái năng như nung ở những cánh rừng trơ trụi cháy vàng vào mùa khô, còn một nỗi ám ảnh là mưa, mưa nơi này dai dẳng và đất đỏ dính như keo, vắt mùa mưa nhiều gần như muỗi, lũ muỗi thì thật khủng khiếp.
Lần đầu tiên tôi chứng kiến lũ muỗi mà tôi nổi gai ốc là giữa cánh rừng cao su Đăm bơ, dọc đường số 7 lên Kampong cheot, những ô trồng cao su dài tới mười mấy cây số, tít tắp thăm thẳm, cánh rừng này nổi tiếng ngày xưa bởi những trận chiến của quân Giải phóng và lính VNCH thời chiến tranh Nam Bắc Việt Nam, biết bao con người đã bỏ mạng tại nơi này.
Cả cánh rừng cao su âm u mênh mông, điều ấn tượng và ghê rợn cho ai lần đầu tới đây là giữa rừng cao su âm u đó là những nhà máy sơ chế mủ cao su thô bị bỏ hoang, đen xì rêu phong cổ quái, nguyên vẹn cũng có, đổ nát hay sứt sẹo vì đạn bom cũng có… không một bóng người giữa rừng hoang chiều tà, và tiếng muỗi nghe u u, ù ù như thể có một chiếc trực thăng đang bay đâu đó trong rừng, lần đầu tiên nghe thấy âm thanh đó trong đêm tôi nổi cả gai ốc rùng mình nghĩ, nếu không mặc quần áo mà nằm đây chắc chỉ một tiếng đồng hồ là muỗi hút khô máu chết mất… thật khủng khiếp.
Cứ sau mưa là muỗi và vắt, vắt nhảy rào rào trong rừng tre nứa, ghê gớm nhất là lũ vắt xanh, loại này ở vùng núi phía Bắc Việt Nam có khá nhiều, nhất là những nơi có rừng vầu, trông chúng như những con đỉa con, màu xanh lét và bật nhảy xa như một con cào cào, toàn chui vào chỗ hiểm ác như vành tai, cổ, nách gáy… người để hút máu, ban đầu đói chỉ bé như cọng giá đỗ, nhưng khi hút no máu thân hình nó có khi tròn xoe như quả trứng cút mới tự rơi, khi bắn hay heo rừng vướng mìn bọn tôi thường bỏ cái đầu heo, vì tai và mũi chúng bên trong toàn những con vắt màu đỏ hỏn sống nhìn rất ghê rợn… có đói cũng không mấy thằng dám ăn thứ đó.
Mưa ở rừng thật sự là cơn ác mộng, cứ mưa là vắt ra nhiều, muỗi nhiều… nhưng khổ nhất là lạnh, thời tiết ở những vùng núi Cam thật kỳ quái lạ lùng, ban ngày nắng cháy tóc khô máu, nhưng ban đêm gần sáng lạnh run cầm cập không thể ngủ nổi.
Mùa mưa chúng tôi thật khổ sở, có khi hàng tháng trời lúc nào cũng ướt nhẹp như trâu đằm, rồi căn bệnh thâm căn của lính khiến cho bất cứ chú lính nào cũ hay mới cũng đều có thể trở thành những nghệ sĩ chơi đàn cừ khôi hết, đó là hắc lào, còn gọi là lác đồng tiền.
Ai từng bị những bệnh ngoài da này, thứ bệnh của tuổi mới lớn dậy thì này mới hiểu, những cơn ngứa khủng khiếp cỡ nào, tôi từng bị ngứa đến hóa rồ, và điên tiết lấy thuốc mìn Claymor bôi thẳng vào chỗ ngứa, rát bỏng muốn hét lên rồi sau đó nằm giật từng cơn như trúng đạn giãy chết, mùa mưa gần như lính 100% không thoát anh nào cả già cả trẻ, vì lúc nào cũng ướt như chuột lụt, quần áo bẩn thỉu không có để thay, nước sạch để ăn uống còn không có nói gì tới nước tắm rửa vệ sinh, ăn uống thiếu thốn, với những cuộc hành quân mang vác nặng, leo đèo lội suối, những cơn sốt, đói khát… đã vắt kiệt sức người lính “con nhà nghèo” khiến cái hệ miễn dịch cũng xiêu vẹo, ọp ẹp, dột nát theo thằng lính nên bệnh tật là điều không tránh khỏi… nhưng thật lạ lùng là không hiểu bằng cách nào họ vẫn vượt được qua và sống sót.
Tôi từng bị những trận mưa hàng nửa tháng trời, khốn khổ, tìm được cái vòm hang nhỏ để có thể trú mưa lũ được thì lại vướng ba ông pốt ngự ở đó, ba bộ xương khô vẫn còn dính mảnh quần áo đen đã mục, một bộ xương nằm phía ngoài đã rơi mất chiếc sọ xuống cái dốc phía dưới, hai bộ xương bên trong còn ôm khẩu RPD han gỉ… trần hang bên trên và dưới chi chít mảnh lựu đạn, chắc mấy ông kễnh này chốt ở đó bị ăn cả chùm lựu đạn nên xương xẩu văng lung tung…
Không có chỗ nào trú tốt hơn nên anh em tôi đành phải lôi chúng ra ngoài, thả xuống bờ dốc phía dưới, thôi… chúng mày cảm phiền xuống đó nằm đi, chết thì đâu chả là chết, bọn tao sống mưa ướt không có chỗ trú mấy ngày nay rồi, thông cảm nhé.
Rồi mấy anh em hì hục lấy xẻng hốt cái lớp đất nâu nâu xỉn xỉn dưới những bộ xương đó hất ra ngoài, xả thêm đất xung quanh cái bờ đá bên trong đó một lớp dày nữa lên, mà nằm ngủ vẫn thum thủm mùi thối, kinh lắm nhưng vậy còn đỡ hơn phơi mưa ngoài kia, nằm nghĩ thấy thật khổ khi tranh cả chỗ của những kẻ đã chết.
Nhưng vậy vẫn còn đỡ hơn có lần phải chui lủi dưới một cái khe mà xương người nhiều như củi mục phía dưới làn nước đục lờ mùi tanh và nồng nồng tới ngạt thở, không dám uống nước nhưng khát quá cuối cùng vẫn phải uống, dù hứng nước chảy phía trên, cứ nghĩ phía trên kia chảy xuống thì không có xương nhưng tới lúc bò theo khe lên mới thấy xương ở đó nhiều không kém gì bên dưới, những nơi có xương, xác vậy lại an toàn vì bọn pốt rất sợ và mê tín nên ít khi dám mò mẫm nhưng nơi đó, mà ở những nơi có những “công xã tập trung” thì những hố xương đầy rẫy như vậy. Một đất nước và chế độ cầm quyền thật khủng khiếp, tàn bạo và đen đúa như màu áo chúng bắt người dân mặc như màu quốc phục trên người…
Những ngày ở rừng thì chúng tôi gặp không ít những hình ảnh và những câu chuyện anh em truyền miệng với nhau thật lạ lùng và kỳ lạ, tôi không phải kẻ vô thần, nhưng để khẳng định là có ma quỷ hay không thì thật lòng không dám nói chỉ kể lại những gì mình đã thấy, hoặc anh em đồng đội đã thấy, chúng tôi thường kể thật lòng với nhau vì chẳng ai có thời gian để thêu dệt hay khoác lác làm gì những chuyện kiểu đó cả. Không ít người ban đầu không tin nhưng khi chính mắt nhìn thấy rồi thì díu cả chân líu cả lưỡi lại, tôi thì không thấy sợ, chỉ thấy tò mò về những thứ mơ hồ xung quanh mà mắt người khi thấy khi không thôi… có một chuyện này, không riêng tôi mà gần như mấy anh em tôi cùng thấy.
Lần đó chúng tôi ở khu vực đường 58, con đường này chạy dài từ Sixophon đến Ganovia, Tà hen qua Shivanantiep tới Pailin quanh quẩn mãi không tìm được điểm tiếp liệu (những điểm chôn giấu lương thực, nước… vv, do những đơn vị trước để lại rồi đánh dấu trên bản đồ, để đơn vị vào sau sử dụng, thường của những đơn vị lẻ luồn sâu)
Chúng tôi dừng chân trú lại bên một sườn rừng gần một phum hoang tôi không biết tên của nó, phía ngoài xa có hai phum dân đều đã về ở làm ăn sinh sống, nhưng phum nhỏ này không hiểu sao họ không về ở, có thể là do cây cầu qua con suối vào phum đã bị đánh sập chưa bắc lại nên họ không muốn vào ở đó vì đi lại kho khăn…
Chúng tôi không vào phum ở mà ở phía đối diện phum cách chừng hơn trăm mét, ngay bên bờ suối khá vắng và rậm rạp, ở vị trí đó quan sát được một vùng khá rộng tình hình xung quanh.
Một buổi chiều, khi nhóm tôi từ rừng về, thì nhóm còn lại đi (chúng tôi chia làm hai nhóm) tôi cùng 3 anh em khác nữa, khi về chỗ trú ẩn thì cậu em chuyên chịu trách nhiệm “bếp núc” không nấu cơm như mọi khi, cậu bỏ chỗ trú ôm súng nằm cách đó một đoạn chừng 30 mét, thấy dấu hiệu báo có nguy hiểm là một cành khô ngang lối đi, chúng tô thận trọng chia ra ba hướng tiến vào… khi gặp cậu em nấu cơm tên S, nó có biệt danh S “phải” vì tim nó bên phải ngực chứ không phải bên trái, nghe nó thông báo đã bị lộ, do có kẻ theo dõi, tất cả chúng tôi đi kiểm tra xung quanh thì không thấy có dấu vết nào khả nghi cả, tuy nhiên vẫn phải đề phòng.
Khi ăn xong S thông báo với chúng tôi trưa và chiều nay khi chúng tôi chưa về tới ha ba lần nó thấy một bóng người thoắt ẩn thoắt hiện ngay phía bờ suối và con đường đi lên mà chúng tôi gài lựu đạn cẩn thận, khi nó phát hiện ra và lần theo bóng người đó thì không thấy đâu nữa.
Ngày hôm sau trời âm u, tôi cùng anh N, cẩn thận dò xung quanh xem có dấu vết gì không, nhưng không có dấu vết gì, tôi lấy sợi dây câu móc vào một miếng thịt nhỏ và ra phía dòng suối trước mặt, vừa câu cá vừa quan sát xung quanh, ở đoạn suối này có hai cây rất to một cây vả và một cây gì đó như cây duối hai tán xoè rộng, có nhiều đá to ở mép suối, lòng suối nước rộng ra và khá sâu, có rất nhiều cá ở đó, từ nơi này nhìn qua phum hoang kia khá gần và rõ, tuy nhiên khi đang câu và nhìn xung quanh thì tôi luôn có một cảm giác lạ lạ, hồi hộp và gai ốc nổi lên từng đợt, cảm giác có ai phía sau đang nhìn mình, vờ như đuổi muỗi tôi kín đáo tia lại phía sau thì không có gì cả, nhưng khi vừa quay lại phía trước có sợi dây câu thì tôi giật thót mình, phía bên kia suối chỗ những bụi cây thưa và phía sau là bụi rậm thấp có một người đứng đó nhìn tôi chằm chằm, người này mặc một chiếc áo dài màu nâu sẫm màu nhìn rất lạ, và cái đầu trọc lóc trắng hếu… dù bất ngờ nhưng tôi vẫn vờ coi như không thấy họ, và giả đò kéo kéo sợi dây câu, mắt vẫn liếc xem cử chỉ họ thế nào, nhưng lạ là người này chỉ đứng im không nhúc nhích như một pho tượng và như đang nhìn tôi chằm chằm. Khi tôi vừa cúi ánh mắt xuống chiếc dây câu vì cá cắn thì lúc ngước lên chỗ họ, suýt tôi bật ngửa vì giật mình… không hiểu bằng cách nào mà bây giờ khi tôi chỉ vừa rời ánh mắt của họ có mấy giây thì họ đã đứng gần như ngay sát bờ suối, lúc nãy còn cách khá xa, mà địa hình đó đá và cây bụi nhỏ lổm nhổm rất nhiều, không hiểu sao họ di chuyển nhanh vậy…
Tôi bỏ hẳn sợi dây câu, thò tay vào báng súng trước ngực, nhưng tôi không làm gì chỉ nhìn họ, người đó trông như một người tu hành, với cái đầu trọc và cái áo nâu thụng bạc màu…
Nghe một tiếng “ủm” ngay dưới suối, tôi giât nảy mình liếc qua thì thấy anh N đã đến ngay cạnh gần chỗ vũng suối tôi đang thả câu từ lúc nào, anh vung tay phi dao rất nhanh, anh dùng dao rất tốt… tôi chỉ kịp nói từ đã anh thì quay ra người đầu trọc không còn ở đó.
Anh N lội vội qua suối, tìm con dao găm rồi ngơ ngác lắp bắp hỏi tôi”Ơ em không nhìn thấy gì à?”
Tôi bấy giờ mới như choàng tỉnh nói với anh, em có thấy chứ anh, thấy từ lúc nó đứng tít bên kia, mà không biết sao nó tiến tới ngay sát bờ trước mặt em nhanh lắm anh, nhưng có khi là dân vì nó đứng yên không làm gì chỉ nhìn em thôi.
Anh N tái mặt cứ nhìn ngó quanh quất một hồi rồi bảo tôi, thôi rút về đi em, về ổ đã…
Khi nghe tôi tả lại thì thằng em S nói đúng rồi anh, em thấy nó đầu trọc lóc đi nhanh như lướt qua ngay trước mặt em lúc em vừa ở suối lên, rồi không thấy đâu nữa, lúc sau lại thấy lần nữa nhưng ở xa xa…
Đêm hôm sau nhóm anh S, anh T về tới chúng tôi lôi chuyện lạ ra kể, tưởng anh em bàn kế hoạch vồ kẻ đó, ai ngờ anh T thủng thẳng bảo, kệ nó, nó trêu thôi…
Chúng tôi ngơ ngác chả hiểu anh T nói vậy là ý gì.
Tôi kè theo gặng hỏi anh T bằng được, anh T cười tủm tỉm bảo tôi, ma đấy, mày có sợ không?
Tôi bảo em không, mà sao anh biết, nếu anh nói sớm em sẽ nhìn xem nó thế nào kỹ hơn.
Ngày hôm sau mưa, chiều mới tạnh mưa anh T, anh S rủ tôi đi, luồn theo khúc cong của con suối sang gần rìa cái phum hoang anh T chỉ mấy cái bờ tường thấp thấp nâu nâu, đổ nát chỉ rồi nói, nó ở đấy đấy…
Tôi với anh S mò lại gần xem, những thứ còn sót lại thì tôi đoán như đó là một ngôi chùa nhỏ hay một ang tháp (nơi để tro cốt của người Cam, như kiểu nhà mồ của ta, xây cao có nóc nhọn và mái hơi cong) to thì phải, nhưng đã bị phá sập, cỏ đã mọc trùm hết lên nhưng vẫn thấy một hai chiếc sọ người màu nâu xỉn vì phơi mưa nắng, lẫn trong cỏ cây… tôi đến tận nơi nhìn xem, có một chiếc bị bắn nát, một chiếc còn lành nguyên, có lẽ nếu đây là ngôi chùa thì chắc là đây là xương của những nhà sư thì phải.
Tới giờ tôi vẫn thắc mắc, không hiểu hôm đó anh em tôi nhìn thấy thứ gì, người dân thì không phải, lính pot thì càng không, cuối cùng hỏi ra thì 9 anh em có tới 5 người nhìn thấy nó, nó chỉ hiện ra và đứng im nhìn chúng tôi mà không có một hành động hay biểu cảm thái độ gì.
Thật khó hiểu.

To top
Đóng QC