Phần 71
Thời tiết ngày càng kỳ cục, Việt Nam thì lúc lạnh lúc nóng, Lào thì sương mù dày đặc triền miên, Cam thì chưa tới mùa mưa nhiều nơi đã mưa chết cò rồi, xong lại nắng như đổ lửa, có điểm chung là những đất nước này đã tàn phá môi trường một cách không thương tiếc, rừng nguyên sinh phòng hộ cơ bản là gần như đã phá xong, thuỷ điện chặn dòng chảy, và khu công nghiệp mọc như nấm. Tương lai là con người sẽ phải hứng chịu nhiều bất thường nữa từ thiên nhiên, nói chính xác hơn là từ chính con người…
Hôm qua một người bạn tôi chợt lên cơn sốt rét, dù đã tới gần 30 năm nay bạn không còn bị sốt rét nữa.
Có một điều khá lạ là không riêng bạn tôi, ngay cả bản thân tôi cùng với khá nhiều các anh cựu lính từng ở Cam trở về, tưởng rằng sau bao năm tháng cơn sốt đã ngủ yên, nào ngờ gặp lại cảnh cũ người xưa nó lại trỗi dậy.
Nguồn nước ở nơi này thật kinh khủng, chắc có lẽ ông bà phải gánh còng lưng mới có thể thoát khỏi sốt rét nếu là lính từng ở đây mất bà con ạ… gần như ai cũng bị, không nặng thì nhẹ. Có người chết ngay trong cơn sốt đầu tiên, có người may mắn qua được… sau sốt thì người lính thành thân tàn ma dại theo đúng nghĩa, mắt thất thần, nhìn đâu cũng thấy hoa hoè hoa sói, đom đóm bay lượn, tai ù đặc, máu như sôi và não như khô cả lại, da xanh mét và pha sắc vàng ệch, đôi môi thâm đen như người nghiện xì ke, mọi sự trao đổi chất trong cơ thể dường như dừng cả lại, chỉ có cơn đói và khát thì cồn cào, chả có gì ăn thì người lính uống nước cho khỏi đói, và họ uống như muốn cạn cả dòng sông nước… rồi liêu xiêu vờ vật tới nỗi ruồi đậu lên mặt cũng chẳng thể đuổi nổi…
Tôi từng bị những cơn sốt như vậy, một dạng sốt rét huyết sắc tố kinh hãi đái và nôn cả ra máu, may mắn là không chết, nhưng đang từ 73kg tôi còn 51 kg chỉ trong chưa tới 10 ngày, người như một bộ hài cốt chỉ có thể bò, tai không nghe thấy gì và mắt cũng chẳng nhìn thấy gì ngoài một màu tím và cam loè nhòe, cứ đứng lên là mọi thứ quay cuồng rồi lại ngã khuỵu xuống, miệng nói lảm nhảm vô nghĩa, tay cứ quờ quờ bắt chuồn chuồn… không còn cầm nổi chiếc bidong đựng nước mà anh em khác đưa cho, mọi người đã mặc cho tôi bộ đồ lành lặn nhất và đưa lên võng chuyển từ rừng Amlenh ra lên trực thăng về viện 7, anh em lo tôi sẽ chết giữa đường. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi chỉ luôn miệng bảo anh em buộc dây giày lại cho tôi, vì tôi sợ khi chết mà chân trần, một điểm yếu nhất là tôi không quen đi chân trần, còn quần áo hay bất cứ thứ gì, không có cũng chẳng sao… Lúc đó nói thật, tôi muốn chết để thoát khỏi cái cảm giác kinh khủng đó, rồi hôn mê chẳng biết gì tới tận 5 ngày rưỡi, khi tỉnh lại còn thấy cả bó nhang ai đó mua sẵn cho mình để trong cái ba lô rách, trên đầu nằm. Chắc ông bà gánh dữ lắm nên tôi lại quay lại trần gian rong ruổi tiếp…
Mùa mưa hồi đó ở Cam sao nó kinh khủng thế, mưa thối đất thối cát suốt ngày đêm, anh em miền Nam hay có câu đùa vui, Giang hồ hiểm ác anh không sợ, chỉ sợ giặt đồ đ có chỗ phơi, quả đúng thật từ thằng người tới quân trang ướt không còn một thứ gì khô khi phải luồn sâu, cứ đội mưa gió mà đi lầm lũi, vì có chỗ nào mà trú mưa ở những cánh rừng xác xơ đó, mệt quá thì nằm vật ra ngủ mặc cho mưa xối xả lên mặt, có người sặc cả nước mưa.
Mưa nước lên tới đâu là cá có tới đó, cá nhiều vô kể, nhưng thứ mà người lính luôn thèm và cần là rau xanh thì chẳng có, bất cứ mùa nào. Tôi từng ăn như một con trâu bị bỏ đói khi vớ được mấy quả đu đủ xanh lè, toàn nhựa, ăn xong đắng ngắt miệng và cồn cào cả ruột gan, rồi say thứ nhựa đu đủ đó sùi cả bọt mép khi ở thung lũng Thamabeng, một thung lũng tử thần chỗ nào cũng có xương người và mùi thum thủm nồng nồng của tử khí luôn vảng vất xung quanh, có tới mấy ngàn người chết trong cái thung lũng đó, ở lại căn cứ bỏ hoang của trung đoàn 141 xây dựng, nơi này nổi tiếng là nhiều “ma quỷ” nghe các anh từng ở đó nói lại vậy.
… Bạn đang đọc truyện Chuyện đời lính tại nguồn: https://gaigoi.city
Qua Samraong thì dễ thở hơn chút, vừa mới yên bình nhưng dân bắt nhịp cuộc sống mới rất nhanh, lại buôn bán tấp nập ngược xuôi, hàng viện trợ từ biên giới qua, phum sóc giàu lên và thay đổi từng ngày, xe gắn máy chạy vè vè khắp nơi, cả xe hơi, tung bụi đỏ mù mịt. Ở lộ 68 này giáp biên giới Thái, có nhiều kỷ niệm với tôi, từ chăn bò tới đi bắt ong, bắt kiến, bắt cá, đào chuột tới chở mía thuê…
Chả biết cái nông trường 126 moi đâu ra mấy cái xe Giải phóng cũ rích, để làm phương tiện vận chuyển mía và dứa, đường thì xấu, lái thứ của nợ đó đúng là trần ai, tay to như cái phích bà con ạ, xe thì to, chở thì nặng mà không có trợ lực lái bằng điện hay bằng hơi, chỉ có trợ lực bằng cơm thôi, tay lái bay hết cả ốp nhựa còn trơ mỗi cái xương sắt, vần muốn nổi hạch nách, đã thế còn hai côn nữa mới lộn ruột, côn ra số, xong lại côn để vào số… gọi là ối giời ơi luôn, lái xong về đêm vẫn còn nằm mơ tay vần chân đạp… cửa thì cột dây thép hay làm cái chốt như chốt cửa chuồng gà, đường xấu nhiều chỗ mở sẵn cửa xe có lật là bay như ếch, nhảy dù ngay, kính thì không có, nóc thì không có trần chống nóng, ngồi trong cái của nợ đó ì ạch bò giữa mùa hè Cam không khác gì ngồi trong lò bát quái.
Mà chả biết sao chỗ tôi ở gần mấy cái phum, phum nào cũng giàu lắm, người ta đi buôn bán tấp nập, nhạc xập xình ngày đêm, rồi chỗ nào cũng thấy cờ bạc, ăn nhậu búa xua, bia bọt tưng bừng, lễ hội hay đám cưới thì khỏi nói luôn, bão gọi là sập sàn…
Nhớ tới lễ hội lại nhớ tới một kỷ niệm khá vui.
Lúc đó chúng tôi ở cua chữ V trên lộ 68, đi từ Samraong lên phía biên giới Thái, qua nông trường cao su 31 lên chừng gần 2 chục cây, chúng tôi ở gần một ngôi chùa bỏ hoang, trước mặt là cái trường học có mấy lớp vỡ lòng I tờ ê a, con nít mới được đi học lại nhưng khó khăn lắm mới điệu cổ chúng đến lớp được, chúng đi hầu sòng bạc hay đá gà có tiền hơn mà.
Cạnh đó có ba cái phum, ngoài cùng sát rừng mai là phum Sơ nang, rồi tới phum Sơ nang chây, cuối sát suối cạn là phum Nang chếch hay sơ nang chếch tôi quên mất rồi.
Một hôm quân báo K báo về có một “con cá to” Sơ rây K, về phum Sơnangchay họp hành gì đó, tình hình khi đó vẫn loạn xà ngầu, chính quyền thì ngày ta, đêm giặc…
Đơn vị bạn vội triển khai bủa lưới, nhân đang có lễ hội năm mới của họ, trống kèn tưng bừng thâu đêm suốt sáng, lính bạn cải trang thành dân đi hội trà trộn vào phum, chúng tôi chỉ hỗ trợ vòng ngoài, trong vai những người đi bắt ong, rồi chờ tối trời mật phục ở cây cầu sắt qua suối cạn đi sang phía Kapchoeng, Thái… đó là đường rút chạy khi bên trong phum bị vây bắt, để qua Thái nhanh nhất.
Mấy anh em mặc sà rông nằm dưới gầm cầu, cầu sắt nhưng ván sàn bằng gỗ, chả ngờ là chỗ “ếch nhái” của trai gái phum ra diều gió, họ tụ tập hò hát rồi uống bia rượu cãi chửi nhau chí choé trên đầu chúng tôi, thậm chí trước khi vào phum nhảy múa các cô còn vén váy xè xè “đánh dấu lãnh thổ” nữa, qua khe ván chảy xối xả xuống đầu mấy thằng bên dưới, bia rượu lắm vào đái khai mù…
Đơn vị bạn đan lưới kín quá nên chẳng thằng nào rút được ra, tới sáng anh em tôi vào phum, người ướt sũng khai mù.
Dân phum tụ tập rất đông, khi biết chúng tôi từ gầm cầu lóp ngóp chui lên nhiều cô gái đã ngượng đỏ bừng mặt, chắc do đêm qua có vén váy đánh dấu lãnh thổ trên đầu chúng tôi.
Có chừng hơn 20 người tình nghi bị lính K trói nằm dưới đất, có bốn nhà sư thì được ngồi trên ghế, chẳng hiểu sao khi tới, tôi cùng anh L đều không quan tâm tới đám bị trói nằm dưới đất, đã được xác định là tàn quân, mà chúng tôi chú ý tới mấy ông sư kia hơn. Đám lính bạn thì đang lục tung hai ngôi nhà dài để tìm vẫn không thấy “con cá to” kia đâu.
Tôi mò vào phía ngôi nhà dài (nhà tổ chức sự kiện của họ) không vào nhà mà loanh quanh phía ngoài đằng sau xem xét, một lính K chạy từ vườn cam phía sau về cầm theo một chiếc túi vải, bên trong có hai cuốn sổ một cây bút, gói thuốc lá city gold, một chiếc khăn cà ma vải lụa (người giàu dùng vải lụa, người nghèo hay dùng vải coton bình thường) và một khẩu súng k59 hai hộp tiếp đạn đầy đạn… bảo người lính dắt ra chỗ tìm thấy cái túi, tôi tìm quanh thì đúng như tôi dự đoán, phía dưới hai tàu lá thốt nốt rụng là những lọn tóc hoa râm…
Quay trở lại chỗ mấy nhà sư ngồi, chúng tôi đã vồ ngay “nhà sư” già đang ngồi ung dung trên ghế trước sự ngỡ ngàng của hắn. Khi biết bị vây không thoát được nó đã bảo cận vệ cạo tóc bằng con dao găm rất sắc của tên cận vệ và mặc ngay bộ đồ vàng của nhà sư vào tính giả chết bắt quạ, ve sầu thoát xác nhưng không thành.
Buổi chiều đó chúng tôi được họ mời ăn món lạp Khmer cay nổ đom đóm mắt… món này là một trong những món mà tôi cảm thấy ngon trong những món ăn của họ ở đây. Thịt bò bắp thái mỏng và ướp với nước chanh cho tái, sau đó trộn gia vị hành, tỏi, tiêu, sả và ớt cùng nước mắm, đường thốt nốt nên vị ngọt không nhiều lắm, ăn rất ngon bà con ạ.
Còn món thịt bò xào kiến nữa, họ treo miếng thịt bò vào gần tổ kiến đỏ, phải tìm tổ to và con kiến cũng to, lũ kiến bu vào cắn miếng thịt chuyển màu, rồi họ bắt cả lũ kiến đó, xào chung với thịt bò cùng rau thơm, hẹ với nhiều thứ gia vị khác, có nơi thì chỉ bắt kiến xào chung chứ không cần để nó cắn vào miếng thịt, ăn có mùi hơi khai và hăng hăng cay cay, đó là vị của nọc kiến.
Chúng tôi vừa ngồi đánh chén vừa nháy mắt với các cô gái nhảy múa vì chưa tới lễ hội Bom chaul chnam (té nước) mà đêm qua đã được các cô té nước trước rồi.
…
Còn tiếp…
Cảm ơn bạn đã đọc truyện ở website gaigoi.city, trước khi thoát website làm ơn click vào banner quảng cáo bất kỳ để truyện được UPDATE nhanh hơn! Click xong nhớ xem tầm vài giây rồi mới tắt quảng cáo nhé các bạn.