Phần 19
Khi tôi đặt chân vô nhà cô Út Huệ, bé Loan đang ngồi thả thuyền giấy trên lạch nước nhỏ do cơn mưa tạo nên trước hiên nhà.
– Chơi thả thuyền không anh?
– Chơi.
Tôi đáp và vui vẻ ngồi xuống cạnh nó. Tuổi của tôi có lẽ không ai chơi thuyền giấy nữa. Cả thằng Thục và con Rùa cũng vậy. Tụi nó đã lớn hết rồi. Nhưng con thuyền giấy đong đầy kỷ niệm tuổi thơ đó bao giờ cũng lung linh trong ký ức tôi và tôi luôn bắt gặp mình bồi hồi mỗi khi nhìn thấy con thuyền tí hon đó bập bềnh trên mặt nước.
Tôi ngồi bệt xuống nền nhà lấy giấy loay hoay xếp thuyền vừa hỏi bé Loan:
– Sáng nay mẹ em có hỏi anh đi đâu không?
– Dạ có. Em bảo anh đi vô rừng với chị Rùa.
– Mẹ có nói gì không?
– Dạ không.
Bé Loan biết mẹ nó không thích tôi quen với con Rùa. Khi trả lời tôi như vậy, nó tưởng nó có thể khiến tôi yên lòng trong khi thực ra tôi biết rõ cô Út Huệ đang nghĩ gì. Đến lúc này, cô vẫn chưa biết tôi và con Rùa không có bà con gì với nhau.
Sáng hôm qua ngay sau khi trò chuyện với bà nội con Rùa bên thềm giếng, tôi tự nhủ tới một ngày nào đó, khi chuyện tình cảm giữa tôi và con Rùa trở nên rõ ràng hơn, tôi sẽ phải làm cái chuyện mà tôi không thể không làm là tiết lộ cho cô Út Huệ biết sư thầy trụ trì chùa Tịnh Độ mới đúng là chú tôi và là em cùng cha khác mẹ với cô.
Khi nghĩ bụng như vậy, tôi quên bẵng căn bệnh hiểm nghèo của mình. Bây giờ, ngay vào lúc đang sè sẹ thả con thuyền giấy xuống dòng nước trước hiên nhà cô, tôi quyết định tôi sẽ thông báo với cô điều đó sớm hơn. Tôi sợ tôi sẽ không kịp nói với cô điều hệ trọng đó nếu chẳng may tôi chết đi. Và đến ngày bà nội con Rùa từ giã cõi đời, bí mật đó chắc chắn sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn.
– Anh nghĩ gì mà ngồi thẫn thờ vậy? – Bé Loan khều tôi – Con thuyền của anh mắc cạn rồi kìa!
Tôi cười, với tay kéo con thuyền ra khỏi chỗ kẹt, mắt tự nhiên cay xè. Cả bé Loan đáng yêu này nữa, tôi cũng sẽ xa nó trong một ngày rất gần. Nó sẽ không còn cơ hội trêu chọc tôi, không còn dịp chạy ùa lại ôm chặt lấy tôi mỗi khi tôi về làng.
Bất giác tôi đưa tay vuốt tóc nó, giọng bâng khuâng:
– Em nhớ học giỏi cho mẹ vui…
Câu nói của tôi chẳng ăn khớp gì với câu hỏi của bé Loan, cũng chẳng liên quan gì đến khung cảnh chung quanh khiến đôi mắt nó tròn xoe.
– Anh sao thế? – Nó hỏi, nhìn tôi với vẻ lạ lùng.
– Sao là sao?
– Trông anh không giống mọi ngày. Anh sắp vô lại Sài Gòn hả?
– Ờ.
Tôi đáp, tin rằng mình sắp vào phương Nam thật mặc dù cho tới lúc đó tôi vẫn chưa có một quyết định dứt khoát.
Mới vừa rồi đây, lúc ngồi trong bụi duối dại tôi đã muốn ôm hôn con Rùa biết bao nhưng cuối cùng tôi đã kềm lại khi sực nhớ đến căn bệnh của mình.
Tôi buộc phải khép lại bản thân chỉ vì bất cứ một biểu hiện tình cảm nào của tôi cũng kéo theo sự đáp lại tình cảm của nó. Tôi tin nụ hôn của những người yêu nhau chỉ là mượn sự đụng chạm về thể xác nhằm thỏa mãn nỗi khát khao về tình cảm và sự cam kết về tinh thần: chính ý nghĩa đó khiến những nụ hôn và những vòng tay hóa thành nhiệm màu, nhưng mặt khác nó khiến cho nỗi nhớ trở nên không thể chịu đựng nổi nếu chẳng may một ngày nào đó người này không còn nhìn thấy người kia nữa.
Nếu trước đây tôi không dám thân mật với con Rùa vì mặc cảm tội lỗi thì bây giờ lý do đã khác: tôi không muốn cuộc tình của tôi để lại một dư âm sâu đậm đến mức con Rùa không đủ sức đi tiếp quãng đường còn lại một mình.
Sau buổi sáng hôm qua tôi cũng đã loáng thoáng nghĩ đến chuyện rời làng nhưng chỉ đến khi bé Loan hỏi tôi câu đó thì ý tưởng quay vào Sài Gòn mới thực sự định hình. Tôi biết, nếu tôi nấn ná ở đây sớm muộn gì tôi cũng sẽ bị tình cảm của mình nhấn chìm và ở dưới đáy sự u mê có thể tôi sẽ làm những điều không nên làm để rồi sau đó lại sống trong dằn vặt. Một viễn ảnh như thế thì thật tồi tệ, không chỉ cho tôi mà cho cả người tôi yêu thương.
– Chừng nào anh đi? – Bé Loan lại hỏi.
– Ngày mai. – Tôi buột miệng, hoàn toàn không định trước.
– Sao anh đi sớm thế? – Con nhóc ngạc nhiên – Anh về chơi chưa được một tuần mà.
– Anh chỉ xin phép nhà trường được có mấy ngày à.
Thực ra tôi đã xin nghỉ đến hết năm học sau khi trình giấy chẩn bệnh cho phòng giáo vụ.
Bé Loan nheo mắt nhìn tôi, giọng đe dọa:
– Lần này nếu ba năm nữa anh mới về, chị Rùa đã đi lấy chồng rồi đó!
Tôi nhìn ra cây nắp ấm trước ngõ, không rõ đây là cây nắp ấm tôi từng nhìn thấy ba năm trước hay là cây mới mọc lên nhưng vị trí thì vẫn y như cũ. Và vẫn là hình ảnh đáng yêu đó: những bông hoa đỏ đeo nũng nịu ở đầu ngọn lá, đong đưa trong gió như những đứa con đeo tay mẹ.
Có khi lúc đó con Rùa đã tay bồng tay bế rồi cũng nên! Tôi bần thần nhủ bụng, dù tôi biết là tôi nên vui nếu con Rùa có thể quên được tôi.
– Anh về xóm dưới chơi với thằng Thục đây!
Tôi đứng lên, tìm cách dứt ra khỏi nỗi ám ảnh.
– Tối nay anh lên không?
– Lên chứ! Anh sẽ lên chia tay em và mẹ.
– Chia tay chị Rùa nữa chứ?
Tôi muốn cốc đầu con bé nhí nhảnh này một cái quá, nhưng cuối cùng tôi chỉ mỉm cười và vội vã bước ra sân.
Lúc tôi băng ngang qua vườn cải, một đôi chiền chiện không biết từ đâu bay về đáp xuống ngọn ổi sau hè hót lên những lời chào lảnh lót. Nó chào tạm biệt tôi sao giọng nó véo von đến vậy?
…
Lần này chia tay thím Lê, cô Út Huệ, thằng Thục và bé Loan, hiển nhiên tôi rất buồn. Có thể đây là lần cuối cùng tôi được nhìn ngắm những gương mặt thân yêu này.
Những ngày ở làng, tôi đã không hé môi với bất cứ ai về căn bệnh tôi đang mang trong người. Khi tôi từ giã mọi người bằng một cái ôm chặt hơn bình thường, không ai biết đó là cái ôm cuối cùng của tôi. Và khi tôi quay mặt đi, không ai biết tôi muốn giấu những giọt nước mưa từ cành duối vô hình vừa rơi vào mắt tôi.
Buổi chiều trước khi đi, tôi kêu thằng Thục dắt tôi qua chơi nhà thằng Hợi.
– Qua nhà nó làm chi! – Thục nhún vai – Tụi em lớn rồi, không chơi trò lấy cọng dừa làm tiền nữa.
Dĩ nhiên không cần thằng Thục nói, tôi cũng nhận ra điều đó. Lần này về làng, tôi chỉ thấy mỗi bé Loan và những đứa nhóc cùng tuổi nó hoặc nhỏ hơn nó say mê trò chơi này.
Thằng Thục năm nay học lớp mười hai trong Tam Kỳ, đã chuyển giao các mùa giấy kính, mùa nắp keng… cho lớp đàn em. Bây giờ có lẽ nó đang mơ màng đến mùa phượng vĩ khi bâng khuâng nhớ tới cô bạn học ngồi bên.
Tôi đá vào chân Thục:
– Tao có bảo mày đem châu chấu cào cào qua đổi kẹo đâu. Qua thăm nó chút, mua vài miếng kẹo rồi về.
Vẫn vòng đeo tay, chiếc kẹp tóc, những hộp chì màu và những hộp bi ve, chai nước mắm, lọ xì dầu, những thẩu bánh tai heo, kẹo đậu phộng… bày khêu gợi trong tiệm tạp hóa bên kia đường nhưng bây giờ ngồi trên ghế nhựa thấp cạnh sạp hàng là một thằng nhóc trạc mười tuổi thay chỗ thằng Hợi. Thằng này trông láu lỉnh, có màu da của một củ khoai lang chưa gọt vỏ.
– Thằng Ngọ, em thằng Hợi đó.
Thục bảo tôi và nó cúi xuống kéo tai thằng này:
– Anh mày đầu rồi?
Thằng Ngọ đang hào hứng đổi kẹo lấy các con bọ tết bằng cọng dừa của mấy đứa nhóc trong xóm, bị kéo tai liền ngước mắt la ầm:
– Á… á… anh Thục chơi kỳ nha! Em méc mẹ em à!
– Mày méc đi! – Thục hừ mũi – Rồi tao méc mẹ mày chuyện mày bán kẹo mà không thu tiền, xem ai bị ăn đòn cho biết!
Bị đụng tới chỗ hiểm, thằng Ngọ nói lảng:
– Anh tìm anh Hợi có chuyện gì không? Anh Hợi đi xay bột rồi, lát mới về.
– Đợi nó không? – Thục quay sang tôi.
– Thôi, khỏi. Bây giờ mày dẫn tao đến tiệm sửa đồng hồ của ông Bốn Lai đi!
Lần này thằng Thục không thắc mắc nữa. Nó làm thinh dẫn tôi đi dù nó chưa thấy tôi đeo đồng hồ bao giờ.
Tôi và thằng Thục đứng cạnh tủ kính xem ông Bốn Lai làm việc với những chiếc đồng hồ bằng các dụng cụ tí hon. So với lần tôi gặp ông trước đây, bụng ông vẫn còn bự (từ ngày giã từ nghề săn bắn có thể nó còn bự hơn) nhưng đôi tay ông cử động vô cùng khéo léo, nhẹ nhàng. Khi thấy tụi tôi đứng nhìn, ông Obelix làng Đo Đo cười nói “Tụi con tới xem chú để học lỏm hả?”, mắt vẫn dán vào chiếc đồng hồ ông đang xoay qua xoay lại trên tay.
Không có cây súng săn vắt ngang vai, ông Bốn Lai nom hiều hậu hơn lần tôi nhìn thấy ông trước đây. Tôi không biết ông còn nhớ tôi và thằng Thục là hai đứa có mặt lúc ông và những người thợ săn khác bao vây con Rùa trong một buổi trưa nắng chang chang ở dọc đường lên xóm trên hay không, nhưng trong đầu tôi hiện lên rõ mồn một cảnh ông mím môi ném cây súng kíp xuống dòng sông nước xiết mặc dù tôi chỉ biết điều đó qua lời kể của con Rùa.
Bữa đó, tôi còn rủ thằng Thục lấy xe chạy xuống quán ăn của hai ông “Asterix” Hai Sắn và “Panoramix” Bảy Thành ở dưới chợ Kế Xuyên. Tôi nói “Xuống đó tao đãi mày ăn tối” nhưng thằng Thục lập tức từ chối. Lý do của nó chính đáng đến mức tôi không thể không nghe:
– Tối nay mẹ em nấu cháo gà đãi anh đó.