Ngồi khóc trên cây – Phần 24

Phần 24
Bé Loan và thằng Thục về làng khi tôi đã bị nỗi đau nướng sắp thành than.
Hôm biết tin con Rùa qua đời, tôi đã không ngủ lại nhà cô Út Huệ như dự tính.
Tôi sợ kỷ niệm dắt tôi đi. Tôi sợ tôi sẽ lang thang qua nhà con Rùa, sẽ lại ngồi trên phiến đá xanh dưới bóng cây bướm bạc nghe những lời yêu thương thao thức vọng về. Tôi sợ khi nhìn thấy con Cổ Dài bên ao rau muống, tôi sẽ nhớ lại hình ảnh con Rùa chở che tôi trong ngày đầu tiên tôi đặt chân qua nhà nó. Tôi sợ cả đàn cá lượn lờ dưới đám bèo tai chuột trong hòn non bộ. Chắc chắn chúng sẽ gợi tôi nhớ lại lời con Rùa trêu tôi khi tôi đứng ì bên con gà bằng đất nung chờ xem nó có gáy hay không.
Tôi cũng không dám đi qua cây cầu treo chòng chành vắt ngang sông Kiếp Bạc. Dòng sông cay nghiệt đó đã cuốn theo nó bao nhiêu người, đã đem người tôi yêu thương đi mất.
Ngay cả cây sầu đông bên này sông nơi tôi từng ngồi, tôi cũng tránh xa. Chính dưới gốc cây này, tôi đã lần đầu tiên chứng kiến con Rùa trở thành thiếu nữa trong t áo trắng thướt tha khi nó đạp xe đã đến giữa cầu mà linh tính còn giục nó quay trở lại tìm tôi.
Trong ba ngày tiếp theo, tôi ngồi trong nhà thím Lê nhìn mưa lướt thướt kéo ngang cửa sổ. Tôi chạy trốn khỏi vùng yêu thương.
Nhưng tôi tưởng thế thôi. Cây me trước ngõ nhà thím, con Rùa đã từng vắt vẻo và nước mắt nó từng hóa thành sương đêm rơi xuyên qua cành lá để đến đậu trên tóc tôi. Rồi tấm liếp che trước cửa, đôi mắt con Rùa từng lấp ló nhìn trộm tôi hai ngày liền qua khe hở bé xíu. Cửa sổ kế chiếc bàn học là nơi lần đầu tiên tôi trò chuyện với con Rùa và phát hiện ra bên dưới mái tóc xấu xí là một gương mặt vô cùng khả ái với đôi mắt long lanh như hai giọt nước – đôi mắt sáng đến mức mỗi khi chúng chuyển động tôi cứ ngỡ hai vì sao đang sắp sửa đổi ngôi.
Những kỷ niệm vây bọc tôi đến tức thở dù trong ba ngày liền tôi không đặt chân lên xóm trên. Con Rùa đã không còn trên đời nữa nhưng hình ảnh của nó luôn đầy ắp trong tôi. Nhìn đâu tôi cũng thấy nó, điều đó làm tôi tin rằng tình yêu đã tự động dán tất cả những gì liên quan đến con Rùa vào đầu tôi như người ta dán ảnh vào album. Những bức ảnh đó sẽ theo tôi đến lúc tôi cũng chết đi như con Rùa – luôn luôn tươi mới, không bao giờ ố vàng hay mốc meo. Thời gian chỉ đánh bóng chúng lên, làm cho chúng lấp lánh hơn trong tâm tưởng.
Thím Lê có lẽ rất xót xa khi thấy tôi héo đi từng giờ nhưng thím không nói gì với tôi trong những ngày đó. Tôi nghĩ thím vừa muốn an ủi tôi lại vừa muốn tỏ ra không biết gì về chuyện tình cảm của tôi và thím loay hoay giữa hai cảm xúc đó bằng cách ít ra khỏi nhà hơn, chăm sóc tôi nhiều hơn và thường kín đáo quan sát tôi qua khóe mắt.
Các biểu hiện của thằng Thục rất giống mẹ nó. Chiều thứ bảy vừa về tới, thấy tôi ngồi cạnh bàn học, nó chạy ào tới reo lên mừng rỡ “Ồ, anh Đông về hồi nào vậy?” nhưng ngay sau đó nó lập tức khựng lại khi nhận thấy tôi vừa nặn ra một nụ cười gượng gạo để đáp lời nó.
Kể từ lúc đó, thằng Thục cố ép mình làm những chuyện trái với bản tính hiếu động của nó. Nó đi lại rón rén, nói năng khe khẽ và mặc dù không muốn khuấy động tôi, nó vẫn tìm mọi cách để lượn lờ quanh tôi như vờ lục lọi trong ngăn bàn để tìm một cái gì đó, liên tục dời một chiếc ghế từ chỗ này qua chỗ khác chẳng với lý do gì hay thậm chí ngồi yên lặng hằng giờ ngay sau lưng tôi với cuốn sách trên tay.
Cuối buổi chiều, trong khi tôi và thằng Thục đang ngồi buồn thiu trước sân thì bé Loan đột ngột xuất hiện ngay trước cổng. Trở về từ thị trấn, con bé chắc đã biết tất cả những gì đã xảy ra với tôi qua lời kể của cô Út Huệ. Nó biết tối nay tôi không lên xóm trên nên xuống đây tìm tôi.
– Anh Đông!
Nó gọi, và bước lại chỗ tôi ngồi. Nó không ôm tôi như mọi lần mà nắm lấy tay tôi:
– Anh đi lại đằng này với em đi!
Tôi đứng lên theo đà kéo của nó, ngơ ngác:
– Đi đâu vậy em?
– Đi ra bờ sông em chỉ anh xem cái này!
Tôi sợ ra bờ sông. Từ hôm trở về từ nhà cô Út Huệ, tôi không bao giờ bén mảng ra sông, thậm chí không đủ can đảm đi về phía đó.
Nhưng lúc này tôi để mặc bé Loan lôi tôi đi. Tôi chẳng biết ngoài bờ sông có gì đáng xem, nhưng có bé Loan bên cạnh và thằng Thục lẽo đẽo phía sau dù sao tôi cũng không đến nỗi quá buồn như khi một mình đối diện với dòng sông.
Từ xa tôi đã thấy nhiều bóng người thấp thoáng trên cầu, không rõ họ là ai và đang làm gì.
Chỉ khi đi đến chỗ cây sầu đông, tôi mới nhận ra đó là những người thợ săn trong làng. Ông “Asterix” Hai Sắn, ông “Panoramix” Bảy Thành, ông “Obelix” Bốn Lai và chú Ngãi đứng túm tụm giữa cầu.
Họ đứng đó, đã không còn cây súng nào trên tay, thay vào đó là những bó hoa vạn thọ, hoa sen, hoa bìm bìm và các loại hoa dại như cúc tần, mào gà, chút chít…
Trong bóng chiều chập choạng, họ lặng lẽ rút từng nhánh hoa thả xuống dòng sông, chậm rãi, nghiêm trang và buồn bã.
– Hồi trước mấy người này ghét chị Rùa kinh khủng! – Bé Loan thì thầm bên tai tôi – Nhưng từ ngày chị Rùa bị nước cuốn trôi, chiều nào họ cũng đến đây, cũng rải hoa xuống dòng sông này.
Tôi hiểu tại sao như vậy. Thằng Thục cũng biết nguyên nhân làm thay đổi thái độ của những người thợ săn đối với con Rùa. Nhưng cũng như tôi, Thục không nói gì, chỉ lặng thinh dõi mắt theo những cánh hoa đang bập bềnh trên sóng và trôi mãi về phía xa, nơi có lẽ giờ này con Rùa đang chìm vào giấc ngủ quạnh hiu.
Tự nhiên tôi hỏi:
– Sáng mai tụi em đi vô rừng chơi với anh không?
– Vô rừng á? – Bé Loan reo lên, nhưng rồi nó chợt xịu mặt xuống – Mẹ em không cho đi đâu!
Tôi đặt tay lên vai nó, trầm ngâm:
– Anh sẽ xin mẹ dùm em.
Thằng Thục rụt rè hắng giọng:
– Trước đây anh từng vô rừng với bạn Rùa…
– Ờ. Vì vậy mà anh muốn đi thăm lại những nơi tụi anh đã đi. Ngày mốt anh về lại Sài Gòn rồi.
Lần này vào lại Sài Gòn, không biết chừng nào tôi mới quay về lần nữa. Xa làng dĩ nhiên tôi rất bịn rịn, nhưng làng gợi cho tôi quá nhiều ký ức đau buồn. Tôi đành làm con đà điểu, rúc đầu vào phương Nam để hy vọng một ngày nào vết xước trong lòng tôi sẽ kéo da non.
Dường như hiểu được tâm trạng của tôi, thằng Thục và bé Loan không kêu ca như thường lệ “Sao anh đi sớm thế?”.
Mỗi đứa đứng một bên, im lặng thò tay ra nắm tay tôi.
Đằng trước mặt, những người thợ săn tiếp tục rải hoa xuống dòng sông, vẫn im lìm như trong một khúc phim câm.
Mặt trời đã khuất hẳn sau núi. Bên trên những ngọn đồi, dãy ráng chiều bị hồi quang nhuộm thành màu đỏ bầm khiến bầy chim về tổ ngỡ chân trời đang bốc cháy.
Chúng nháo nhác bay về phía cánh rừng xa, vừa bay vừa kêu thảng thốt.

To top
Đóng QC