Phần 1
À ơi… Tôi lớn lên bờ Tam Giang nước mặn…
Những chiều không mây trắng lững lờ trôi…
Huế, những ngày mưa buồn mà người ta vẫn gọi là mưa thối trời thối đất, tôi chọn một góc nhỏ trong quán cafe tĩnh lặng quen thuộc, nhấp chút cafe đen và đốt điếu thuốc ngồi nghĩ ngợi linh tinh. Đợt dịch Covid này kéo dài quá, nó làm đình trệ mọi thứ và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của gia đình tôi, nỗi lo cơm áo gạo tiền và những gồng gánh thường nhật làm tôi thương người mẹ ở quê của tôi vô cùng. Bà đã giành cả thanh xuân cho tôi và đến giờ vẫn vậy. Những hồi ức khi nghĩ đến mẹ lại ùa về trong tôi, tuy chẳng có ý định viết truyện viết sách gì, nhưng vào truyenheo.net thấy nhiều truyện hay quá nên cũng viết đôi dòng để cả nhà đọc giải khuây cho qua đợt dịch này.
Mẹ tôi tên Giang, sinh ra ở làng quê nghèo của Huế, cuộc sống đến nay một tay mẹ gồng gánh nuôi tôi, mẹ có tôi nhưng chưa hề được mang danh phận là một người vợ.
Mẹ thường kể với tôi, thời thanh nữ mẹ thuộc loại xinh của nơi mẹ tôi sống, trai làng cũng đến tán tỉnh nhiều nhưng mẹ cũng chẳng để mắt đến ai. Vóc người mẹ gọn gàng, dong dỏng cao và vẫn giữ dáng từ thời trẻ đến bây giờ. Nay mẹ tôi 41 tuổi nhưng nom vẫn rất trẻ, khuôn mặt mẹ thanh tú, ánh mắt mẹ rất hiền, nụ cười và giọng nói nhẹ nhàng đặc trưng của người con gái Huế.
Năm mẹ tốt nghiệp phổ thông, mẹ thi đỗ vào Đại học Sư phạm, vì ở thành phố khá xa nhà nên mẹ phải khăn gói lên thành phố ở trọ để học. Mẹ ở cùng một chị ở trong xóm để chia sẻ chi phí với nhau vì ông bà ngoại cũng không dư dả gì nên việc trợ cấp cho mẹ đi học cũng vất vả. Ngoài đi học, mẹ đi dạy thêm và xin phục vụ ở quán cafe để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống cứ thế trôi đến hết năm 2 đại học, lúc ấy mẹ gặp một người đàn ông nơi quán cafe mẹ làm thêm, và cuộc đời mẹ thay đổi hoàn toàn từ đó, ước mơ của mẹ là được làm cô giáo, đứng trên bục giảng và có một gia đình hạnh phúc bình thường.
Mẹ kể người ấy hay chọn một góc nhỏ tĩnh lặng để ngồi, ngày nào cũng ngồi và thường gọi 1 cốc cafe đen nóng cùng với nửa bao thuốc lá. Ánh mắt người ấy cứ thoáng buồn và hầu như chỉ ngồi một mình, rất hiếm khi thấy ngồi cùng ai. Khi mẹ đến hỏi để vào làm đồ uống thì người ấy chỉ mỉm cười nhẹ nhẹ và nói: “Cho anh như cũ”. Ban đầu mẹ cũng không để ý, nhưng ngày này qua ngày khác và chính vì sự đặc biệt của người này nên mẹ đã để ý nhiều hơn.
Người này tóc bồng bềnh, chẻ ngôi giữa, khuôn mặt khá thư sinh, nói chung là đẹp trai kiểu nhẹ nhàng, cũng thuộc gu mẹ thích. Dần dà, những khi quán vãn khách, mẹ cũng hỏi han nhiều hơn, nhưng cũng đại loại như: “Em thấy anh hay ngồi một mình nhỉ?”, Rồi: “Anh học trường nào hay đi làm rồi?”… Người ấy cũng trả lời nhẹ nhàng, rồi cũng bắt chuyện lại mẹ, rồi làm quen, rồi quen hơn.
Những câu chuyện một ngày một dài, những ấn tượng một ngày một sâu, và đến một hôm người ấy rủ mẹ đi ăn chè bắp và bún hến bên Vỹ Dạ, đây là lần hẹn hò đầu tiên của cả hai người, và mẹ đã nhận lời đi với người ấy sau khi tan làm và dọn dẹp ở quán xong.
Trên chiếc xe đạp cọc cạch thời ấy, mẹ và người đàn ông ấy đã trải qua những ngày tháng đẹp cùng nhau, hàng ngày nhìn nhau âu yếm ở quán cafe và cái góc quen thuộc. Tối đến thì chở nhau khi thì đi ăn, khi thì ra bờ sông Hương dạo mát, cuộc sống cứ nhẹ nhàng trôi như vậy. Thời ấy do ông bà ngoại khá nghiêm khắc trong chuyện yêu đương và ở cùng chị trong xóm nên mẹ hầu như không đưa người ấy về trọ chơi, cũng giấu chị ở cùng vì sợ chị kể lại với gia đình, lâu lâu người ấy muốn đến đón mẹ ở cổng trường để chở mẹ đi làm mẹ cũng không cho. Những gì mẹ biết về người ấy cũng khá ít, chỉ biết người ta quê ở ngoài Nghệ An và vào đây ở trọ, học trường Nông Lâm, khoa Thú y. Người ấy cũng ít bạn bè nên mẹ cũng ít khi gặp bạn bè của ông ấy. Tình yêu sinh viên ngây thơ là vậy…
Lúc ấy, việc hẹn hò cũng khá khó khăn vì không có điện thoại như bây giờ. Chỉ là nói cho nhau lịch trình ngày mai và hẹn trước rồi gặp nhau chứ cũng không có kiểu hẹn hò đột xuất tùy hứng. Rồi dần dà, người ấy mời mẹ về phòng trọ chơi, nấu ăn với nhau và cái gì đến cũng đến trong căn phòng trọ ấy. Một thời gian sau mẹ có bầu tôi nhưng không biết, khi người ấy về quê nghỉ hè thì mẹ bắt đầu có hiện tượng nghén. Chị ở cùng phòng tưởng mẹ tôi có vấn đề sức khỏe gì nên nhắn bà ngoại của tôi lên dẫn đi khám. Khi bác sĩ báo là mẹ tôi có bầu, mặt bà ngoại tôi tối sầm lại và cuộc đời mẹ bắt đầu những chuỗi ngày vất vả từ đó.
Mẹ xấu hổ với bạn bè nên nghỉ học, ông bà ngoại từ mặt không cho về quê và coi như không có mẹ tôi tồn tại trên cõi đời này. Chuyện mẹ tôi có bầu trong lúc đang đi học thời điểm ấy là một chủ đề nóng trong làng và mẹ tôi cũng không đủ dũng cảm để về đương đầu với dư luận. Mẹ kể lúc ấy mẹ không thể nào liên lạc được với người đàn ông ấy, vì vậy mẹ sang chỗ gần ông ấy ở trọ thuê phòng và chờ ông ấy vào học. Ngày nào mẹ cũng sang phòng ông ấy vì cũng không biết lúc nào ông ấy mới vào lại Huế. Những ngày tháng chờ đợi, bụng thì bắt đầu có, mẹ thì ngày càng mệt hơn, tâm lý hoang mang cộng với lần đầu có thai nên mẹ cứ cố gắng sống qua ngày chứ không biết làm gì hơn.
Rồi người ấy cũng vào, mẹ mừng như chết đuối vớ được cọc. Mẹ gặp người ấy kể những gì đã trải qua và xem tiếp theo nên làm thế nào thì người ấy chỉ thở dài và bảo người ta đang học hành, không đủ khả năng nuôi mẹ và con. Giờ về quê gặp gia đình của mẹ người ta cũng rất sợ, báo về nhà thì cũng sợ vì gia đình người ta cũng rất phong kiến và mẹ của ông ấy cũng rất khó tính nên chưa biết phải báo thế nào.
Bao nhiêu hy vọng của mẹ nay đã chuyển thành sự thất vọng nặng nề, mẹ mất phương hướng, người đàn ông ấy cũng bắt đầu né tránh mẹ, cửa trọ đóng im ỉm và quán cafe mẹ làm nay người ta cũng không sang nữa. Mẹ đã bắt đầu mường tượng ra quãng đời trước mắt mình. Đến khi người nặng nề, không làm được nữa thì chủ quán cafe cũng bảo mẹ nghỉ để tuyển người khác, nguồn thu nhập gần như không còn, tiền trọ không gồng gánh được, thế là mẹ quyết định ra đi. Lúc ấy, mẹ chỉ nghĩ được rằng, cứ về miền biển để sống, dù sao nhặt nhạnh được con tôm con cá vẫn qua được ngày. Và thế là mẹ bỏ tất cả để đi, kể cả người đàn ông ấy, mẹ vẫn chưa biết được ông ấy gốc ở đâu, nhà cửa ra sao…
Mẹ đi về một làng chài nghèo ở Lăng Cô, rào tạm một chỗ ở bãi cát trống ven làng, nhặt nhạnh từng nhánh dương, từng cái lá, đi xin từng miếng cót thừa để quây nơi chui ra chui vào. Thấy mẹ nhỏ nhắn, bầu bì lại một mình, các anh các chú ở trong xóm cũng thương tình giúp cho người một tay, rồi mẹ cũng dựng được căn lều tạm đủ để chống mưa to gió lớn. Mẹ sinh ra tôi trong một đêm mưa tầm tã và các cô lớn tuổi trong làng đỡ giúp cho. Mẹ đặt tên tôi là Hận, sau 20 năm khi nhắc đến những gì đã qua, mẹ vẫn hận…